Bản tin Lâm nghiệp ngày 7/12/2023: Thả 57 cá thể động vật hoang dã về rừng
Thả 57 cá thể động vật hoang dã về rừng; Giao thêm hơn 150ha đất, rừng cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Cấm Sơn.
Quỳnh Anh | 14:24 07/12/2023
Bản tin Lâm nghiệp ngày 7/12/2023: Thả 57 cá thể động vật hoang dã về rừng
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.
- Thả 57 cá thể động vật hoang dã về rừng
Mở đầu là tin tức về hoạt động bảo vệ sự đa dạng sinh học tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn, thưa quý vị và bà con, trong những ngày đầu tháng 12 này, Vườn quốc gia Cát Tiên đã phối hợp với Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội tiến hành tái thả số lượng lớn động vật hoang dã về rừng. Cụ thể, số động vật hoang dã được tái thả thành công lên đến 19 loài, với số lượng 57 cá thể được thả thành nhiều chuyến và rải rác ở nhiều sinh cảnh khác nhau gồm nhiều chủng loài thuộc các nhóm động vật: chim, thú, bò sát... Trong đó, hầu hết là những loài quý hiếm, có tên trong Sách Đỏ thế giới và Sách Đỏ Việt Nam. Phần lớn số động vật hoang dã này là từ nhiều nguồn, do tịch thu từ các vụ việc vi phạm pháp luật về động vật hoang dã hoặc người dân tự nguyện giao nộp.
- Giao thêm hơn 150 ha đất, rừng cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Cấm Sơn
Trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, UBND tỉnh Bắc Giang vừa Quyết định thu hồi hơn 150 ha đất, rừng do UBND xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn quản lý để giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Cấm Sơn sử dụng vào mục đích bảo vệ và phát triển rừng theo quy hoạch rừng phòng hộ. UBND tỉnh yêu cầu, UBND xã Sơn Hải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của các nội dung về ranh giới, mốc giới, diện tích, hiện trạng sử dụng đất, trạng thái rừng, nguồn gốc đất và tính pháp lý của hồ sơ bàn giao. Ban Quản lý rừng phòng hộCấm Sơn tiếp nhận, quản lý, đưa vào sử dụng quỹ đất được giao theo đúng quy hoạch và quy định của pháp luật. Thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
- Chuyển đổi số là hướng đi căn cơ
Còn tại tỉnh Nghệ An, với trên 1,16 triệu ha được quy hoạch, đây là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, thế nhưng lực lượng kiểm lâm và chuyên trách bảo vệ rừng tại địa phương này lại đang thiếu hụt trầm trọng. Để giảm tải áp lực cho toàn ngành, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An đã mạnh dạn đi “tiên phong” trong công tác chuyển đổi số. Trên cơ sở nguồn kinh phí được phê duyệt, Chi cục đã tiến hành rà soát, nâng cấp, sửa chữa, bổ sung cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho các phòng chuyên môn, đảm bảo 100% cán bộ, người lao động, các đơn vị trực thuộc, các đội trạm đều có máy tính làm việc và được kết nối mạng, Internet băng thông rộng, kết nối đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu trong ngành và chỉ sau 1 thời gian ngắn, tình hình đã có những chuyển biến tích cực.
- Lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tại nhiều địa phương
Hiện nay, lâm nghiệp đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn, miền núi. Riêng với Thừa Thiên Huế, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có hơn 11.000 ha rừng trồng gỗ lớn và 11.300ha được cấp chứng chỉ rừng FSC. Trên địa bàn tỉnh cũng đã thành lập 25 hợp tác xã lâm nghiệp bền vững để làm khâu trung gian, kết nối, hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rừng trồng cho nông dân. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh này, Thừa Thiên Huế đã có khoảng 14 cơ sở, nhà máy chế biến lâm sản, hằng năm sử dụng trên 1 triệu tấn nguyên liệu gỗ. Ngành lâm nghiệp thời gian qua có đóng góp rất lớn trong sự phát triển kinh tế chung của địa phương.
-
Hỗ trợ 6.000 cây quế giống cho đồng bào Xơ Đăng
Tương tự, kinh tế lâm nghiệp thời gian qua cũng đã mang tới nhiều đổi thay cho cuộc sống của bà con ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Để tiếp tục khuyến khích bà con phát triển, UBND xã Trà Cang, huyện Nam Trà My và Nhà máy thủy điện Nước Biêu vừa trao 6.000 cây quế giống cho 30 hộ dân và 160kg gạo cho 16 hộ dân là đồng bào dân tộc Xơ Đăng của thôn 3, xã Trà Cang. Theo ông Nguyễn Đỗ Trí - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Cang, việc hỗ trợ gạo và giống cây trồng giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng, từ đó sống nhờ vào rừng nhiều hơn. Chính sách hỗ trợ này được thực hiện lâu dài sẽ đem lại nhiều lợi ích cho bà con và địa phương vùng núi nơi đây.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Lâm nghiệp ngày 7/12/2023: Thả 57 cá thể động vật hoang dã về rừng
Thả 57 cá thể động vật hoang dã về rừng; Giao thêm hơn 150ha đất, rừng cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Cấm Sơn.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về chuỗi giá trị nông nghiệp; Hàng chục nghìn ha rừng Bắc Kạn ở mức cảnh báo cháy cao nhất; Chủ động trữ nước cho mùa khô.
Hôm nay, thời tiết trên cả nước khá ôn hòa, đặc biệt tại miền Bắc, trời tiếp tục se lạnh kèm theo sương mù nhẹ vào sáng sớm.