Bản tin Lâm nghiệp ngày 9/1/2024: Phát hiện vụ phá rừng phòng hộ quy mô lớn

Đắk Nông phát hiện vụ phá rừng phòng hộ quy mô lớn; Đốt thực bì sau khai thác ảnh hưởng đến cấp chứng chỉ rừng bền vững; Nghề ươm giống cây lâm nghiệp phát triển.

Quỳnh Anh  | 13:05 09/01/2024

Bản tin Lâm nghiệp ngày 9/1/2024: Phát hiện vụ phá rừng phòng hộ quy mô lớn

Tự động

Bản tin Lâm nghiệp ngày 9/1/2024: Phát hiện vụ phá rừng phòng hộ quy mô lớn

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.

  • Đắk Nông phát hiện vụ phá rừng phòng hộ quy mô lớn

Mở đầu là thông tin về vi phạm trong lĩnh vực Lâm nghiệp, thưa quý vị và bà con, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông xác nhận, đơn vị vừa phát hiện, bắt quả tang một vụ phá rừng quy mô lớn trên lâm phần được giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk R’măng, trực thuộc Sở NN-PTNT Đắk Nông quản lý. Trước đó, vào chiều 5/1, Trạm Kiểm lâm địa bàn liên xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong phối hợp với Ban Lâm nghiệp xã Đắk R’măng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk R’măng kiểm tra tại tiểu khu 1768. Thời điểm này, có khoảng 12 đối tượng đang phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép. Đo đạc thực tế trên hiện trường, lực lượng chức năng xác định diện tích rừng bị phá gần 8.500 m2. Trong đó, có hơn 6.000 m2 quy hoạch rừng sản xuất, chủ yếu là cây lồ ô, rải rác một số cây gỗ đường kính từ 8 - 17 cm. Hiện lực lượng chức năng đang phối hợp xác minh, làm rõ sự việc.

  • Đốt thực bì sau khai thác rừng ảnh hưởng đến cấp chứng chỉ rừng bền vững

Còn tại tỉnh Nghệ An, Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh này, hàng năm, địa phương trồng từ 16.000-18.000 ha rừng nguyên liệu, chủ yếu là cây keo, trước khi trồng rừng hầu hết bà con đều sử dụng phương pháp xử lý đốt thực bì. Việc đốt thực bì trồng rừng có nhiều tác hại, không chỉ tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng, phá vỡ cấu trúc đất, tiêu diệt hệ sinh vật trong lòng đất, mà còn khiến năng suất rừng trồng giảm rõ rệt, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân quanh vùng. Bên cạnh đó, thực trạng này cũng gây ảnh hưởng tới việc cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC ở địa phương, bởi diện tích rừng được cấp FSC ngoài đạt các tiêu chí khắt khe như phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất từ việc trồng, chăm sóc đến thu hoạch còn phải không đốt thảm thực vật sau thu hoạch.

  • Đà Lạt: Đặt mục tiêu trồng hơn 1 triệu cây xanh năm 2024

Trong công tác trồng cây, trồng rừng, UBND TP Đà Lạt vừa ban hành Kế hoạch trồng cây xanh năm 2024, đặt mục tiêu sẽ trồng 1.020.400 cây xanh trong năm nay. Cụ thể, TP sẽ tổ chức trồng trên đất quy hoạch ngoài lâm nghiệp số lượng 861.700 cây xanh và trên đất quy hoạch lâm nghiệp số lượng 158.700 cây xanh. UBND thành phố yêu cầu các đơn vị, địa phương xác định nhu cầu số lượng cây xanh một cách cụ thể, chi tiết để triển khai thực hiện trên phạm vi của từng địa phương đến từng gia đình, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị và vùng sản xuất khu phố, tổ dân phố và khu dân cư, đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân tham gia trồng rừng, trồng cây xanh.

  • Nghề ươm giống cây lâm nghiệp phát triển mạnh

Những năm gần đây, nghề ươm giống cây lâm nghiệp trên địa bàn huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên phát triển mạnh. Toàn huyện hiện có 27 hợp tác xã, hộ cá thể tham gia sản xuất giống cây lâm nghiệp, tăng 12 tổ chức, hộ cá thể so với đầu năm 2023. Mỗi năm, các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp trên địa bàn cung ứng ra thị trường trên 12,4 triệu cây giống, chủ yếu là keo, quế, mỡ, hồi, bạch đàn... Các vườn ươm trên địa bàn không chỉ đáp ứng được 100% giống cây trồng rừng mới, trồng rừng thay thế tại huyện mà còn cung ứng cho nhiều địa phương trong tỉnh và các tỉnh khác. Bên cạnh đó, nhờ kiểm soát tốt chất lượng giống cây lâm nghiệp và nâng cao kỹ thuật trồng rừng, khoảng 5 năm trở lại đây, tỷ lệ cây sống đạt trung bình từ 85%.

  • Bình Thuận có hơn 150.000 ha thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng

Với hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng, trong năm 2023, toàn tỉnh Bình Thuận có hơn 150.000 ha rừng đưa vào thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, chiếm tỉ lệ 45%. Toàn tỉnh có 18 đơn vị chủ rừng là tổ chức nhà nước, 1 UBND xã, 2 tổ chức thuộc lực lượng vũ trang và 4 đơn vị chủ rừng không thuộc nhà nước đủ điều kiện để thực hiện cung ứng Dịch vụ môi trường rừng. Thời gian qua, nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần lớn vào công tác bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh. Hàng năm diện tích rừng đủ điều kiện để đưa vào chi trả được giữ ổn định. Được biết, hiện toàn tỉnh Bình Thuận có hơn 2.100 hộ, trong đó khoảng 90% là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã miền núi tham gia nhận khoán bảo vệ rừng được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Bản tin Lâm nghiệp ngày 9/1/2024: Phát hiện vụ phá rừng phòng hộ quy mô lớn

Đắk Nông phát hiện vụ phá rừng phòng hộ quy mô lớn; Đốt thực bì sau khai thác ảnh hưởng đến cấp chứng chỉ rừng bền vững; Nghề ươm giống cây lâm nghiệp phát triển.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Cần 'tinh tế' trong lựa chọn công nghệ chế biến rau quả
Thời sự

Lưu ý trong xây dựng cơ sở chế biến rau quả; Hơn 2.000 Hợp tác xã có sản phẩm OCOP; Chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các vụ cháy rừng tại Sóc Sơn.

Cần 'tinh tế' trong lựa chọn công nghệ chế biến rau quả
Thời tiết nông vụ ngày 13/12/2024: Bắc bộ chìm trong rét 'ngọt'
Thời sự

Không khí lạnh tăng cường mang theo rét buốt ở nhiều khu vực của miền Bắc. Từ đêm nay 13/12, không khí lạnh được tăng cường thêm và ảnh hưởng đến Nam Trung Bộ.

Thời tiết nông vụ ngày 13/12/2024: Bắc bộ chìm trong rét 'ngọt'