Bản tin Lâm nghiệp ngày 8/1/2024: Chú trọng phát triển du lịch sinh thái rừng
Đồng Nai phê duyệt đề án thứ 2 về du lịch sinh thái rừng; Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng dịp Tết Nguyên đán; Tỉnh trung du đắc lợi nhờ khoán bảo vệ rừng.
Quỳnh Anh | 12:16 08/01/2024
Bản tin Lâm nghiệp ngày 8/1/2024: Chú trọng phát triển du lịch sinh thái rừng
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.
- Đồng Nai phê duyệt đề án thứ 2 về du lịch sinh thái rừng
Thưa quý vị và bà con, UBND tỉnh Đồng Nai vừa phê duyệt đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu bảo tồn thiên nhiên, văn hóa Đồng Nai giai đoạn 2021-2030. Đây là đề án du lịch sinh thái rừng thứ hai tại Đồng Nai được phê duyệt nhằm khai thác những tiềm năng phát triển du lịch sinh thái rừng trong những năm tới. Đề án được thực hiện trên tổng diện tích trên 100.000 ha, do Khu bảo tồn quản lý bao gồm diện tích có rừng và chưa có rừng, các hệ sinh thái rừng và nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú. Đề án quy hoạch 51 điểm phát triển du lịch và 37 tuyến du lịch khám phá rừng, các tuyến du lịch kết nối…trong đó có điểm quy hoạch được người dân mong chờ nhất là Khu nuôi động vật bán hoang dã - Safari.
- Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng dịp Tết Nguyên đán
Với hoạt động quản lý, bảo vệ rừng trong năm 2024, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông vừa có công văn yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024. Các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Chi cục Kiểm lâm có trách nhiệm tập trung lực lượng, thực hiện nghiêm công tác trực 24/24 giờ tại các chốt, trạm Quản lý bảo vệ rừng để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Kiểm lâm tổ chức lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ.
- Tỉnh trung du đắc lợi nhờ giao khoán bảo vệ rừng
Còn tại Phú Thọ, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư. Không chỉ tạo sinh kế, việc giao khoán còn khuyến khích người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, tăng cường thêm lực lượng giúp hạn chế tình trạng xâm hại tài nguyên rừng. Theo Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Phú Thọ, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện giao khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích trên 37.000ha, tập chung chủ yếu ở 3 huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập. Bên cạnh đó, những người nhận khoán bảo vệ rừng ở một số địa bàn còn được nhận thêm tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đến nay, trên địa bàn các xã, huyện có diện tích được giao khoán không còn tình trạng chặt phá rừng.
-
Yên Bái phấn đấu trồng 15.000 ha rừng
Liên quan tới hoạt động trồng rừng, năm 2023, toàn tỉnh Yên Bái đã trồng được trên 16.000 ha rừng, đạt 103,6% kế hoạch. Bên cạnh đó, trên 48.000 ha rừng trồng trong độ tuổi chăm sóc đang được các chủ rừng quan tâm chăm sóc và bảo vệ tốt. Bước sang năm 2024, Yên Bái phấn đấu trồng 15.000 ha rừng các loại, tỷ lệ che phủ rừng ổn định 63%. Để hoàn thành kế hoạch, UBND tỉnh này đã sớm giao chỉ tiêu, kế hoạch và chỉ đạo các địa phương chủ động chuẩn bị đất, cây giống, vật tư lâm nghiệp phục vụ công tác trồng rừng. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn, đôn đốc người dân khẩn trương tiến hành phát dọn, xử lý thực bì, chuẩn bị cây giống để tập trung trồng rừng. Đồng thời, giám sát chặt chẽ chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp.
-
Người dân Nghệ An ồ ạt chặt bỏ cao su, chuyển đổi sang cây trồng khác
Thưa quý vị, Nếu như khoảng hơn 10 năm trước ở Nghệ An, cây cao su từng được mệnh danh là “vàng trắng” và được người dân quan tâm phát triển thì nay, cây công nghiệp này đang rơi vào cảnh hắt hiu. Năm 2016, Nghệ An có hơn 11.600 ha cây cao su, đến thời điểm này còn gần 9.000 ha. Diện tích này do các doanh nghiệp, đơn vị nông lâm, trường, công ty TNHH một thành viên quản lý, giao khoán cho các hộ dân chăm sóc, khai thác, các đơn vị trên đứng ra thu mua mủ cao su. Song, do nhiều nguyên nhân, giá cả xuống thấp, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cây cao su hay bị gãy đổ, quy trình chăm sóc không được chú trọng đầu tư, năng suất, sản lượng đạt thấp, đã dẫn đến tình trạng nhiều hộ dân đốn hạ, chuyển đổi sang cây trồng khác.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Lâm nghiệp ngày 8/1/2024: Chú trọng phát triển du lịch sinh thái rừng
Đồng Nai phê duyệt đề án thứ 2 về du lịch sinh thái rừng; Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng dịp Tết Nguyên đán; Tỉnh trung du đắc lợi nhờ khoán bảo vệ rừng.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Sẽ có sổ tay về tín chỉ carbon trong lâm nghiệp; Thịt bò Việt chiếm chưa đến 1% sản lượng toàn cầu; Quảng Ngãi cấm khai thác thủy sản có thời hạn 2 khu vực.
Không khí lạnh tăng cường nên từ gần sáng ngày hôm nay ở khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa lớn diện rộng.