Bản tin Thủy sản ngày 29/2/2024: Xuất khẩu thủy sản bứt phá mạnh mẽ

Xuất khẩu thủy sản bứt phá mạnh mẽ; Thách thức lớn trong kiểm tra chất lượng giống tôm nuôi; Huyện miền núi chú trọng nuôi cá lòng hồ thủy điện.

Quỳnh Anh  | 18:15 29/02/2024

Bản tin Thủy sản ngày 29/2/2024: Xuất khẩu thủy sản bứt phá mạnh mẽ

Tự động

Bản tin Thủy sản ngày 29/2/2024: Xuất khẩu thủy sản bứt phá mạnh mẽ

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức trong lĩnh vực Thủy sản.

  • Xuất khẩu thủy sản bứt phá mạnh mẽ

Thưa quý vị và bà con, theo báo cáo từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tháng đầu tiên của năm 2024, xuất khẩu thủy sản đã có sự bứt phá mạnh mẽ khi đạt mốc 750 triệu USD, tăng trưởng tới 64% so với cùng kỳ năm 2023. Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu đều tăng mạnh, trong đó xuất khẩu tôm đứng đầu chiếm 242 triệu USD tăng 71%, xuất khẩu Cá tra tăng 165 triệu USD, tăng 97%, xuất khẩu Cá ngừ chiếm 79 triệu USD tăng 58%, xuất khẩu Mực và Bạch tuộc chiếm 62 triệu USD, tăng 45%, xuất khẩu Cua ghẹ và giáp xác khác chiếm 16 triệu USD tăng 22% và các loại thủy sản khác tăng 185 triệu USD. Các sản phẩm của ngành thủy sản được xuất khẩu rộng rãi trên 120 thị trường, trong đó Nhật Bản dẫn đầu với doanh thu đạt 130 triệu USD.

  • Thách thức lớn trong kiểm tra chất lượng giống tôm nuôi

Liên quan tới chất lượng con giống thủy sản, từ đầu năm đến nay, tỉnh Sóc Trăng thả nuôi trên 1.800ha tôm nước lợ. Trong quá trình các trang trại, hộ nuôi bắt mẫu giống để kiểm tra trước khi thả nuôi, gần như 90% mẫu đều nhiễm bệnh, đặc biệt là xuất hiện bệnh mới TPD trên tôm giống. Điều này đặt ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng con giống, yếu tố quyết định thành công của vụ nuôi. Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện nhu cầu con giống trên địa bàn tỉnh khá lớn, từ 17 - 18 tỷ con/năm nhưng trung bình mỗi năm, 73 cơ sở giống trong toàn tỉnh chỉ đủ năng lực sản xuất khoảng 1 tỷ con giống tôm nước lợ. Do đó, địa phương này phải phối hợp với một số tỉnh, thành khác nhập con giống tôm. Điều này, đặt ra thách thức trong công tác kiểm tra, giám sát tôm giống.

  • Nuôi tôm càng xanh xen lúa, tỷ lệ rủi chỉ khoảng 10%

Về lĩnh vực nuôi trồng, trong vụ thả nuôi tôm càng xanh 2023 - 2024, toàn xã Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh có gần 1.080 lượt hộ thả nuôi trên 1.090ha lượt diện tích, với hơn 31 triệu con giống. Riêng diện tích tôm càng xanh kết hợp với sản xuất lúa được 350ha. Theo UBND xã Long Hòa, mô hình nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa, là hướng phát triển bền vững; hạn chế rủi ro do dịch bệnh. Đặc biệt, nông dân còn nâng cao giá trị kinh tế trên cùng diện tích, tỷ lệ rủi ro rất thấp, chiếm khoảng 10%. Mặc dù giá thủy sản đang giảm mạnh nhưng với mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh, nông dân cù lao Long Hòa vẫn có thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng/ha/năm.

  • Huyện miền núi chú trọng nuôi cá lòng hồ thủy điện

Còn tại các địa phương miền núi phía Bắc, những năm qua, người dân trên địa bàn huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đã tận dụng mặt nước rộng lớn của các hồ chứa thủy điện để phát triển nuôi cá lồng. Với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, cùng sự chăm chỉ, thay đổi tư duy, tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Theo UBND huyện Than Uyên, năm 2023, toàn huyện duy trì diện tích ao, hồ nuôi trồng thủy sản hơn 193ha. Số lồng nuôi cá trong lòng hồ thủy điện 977 lồng. Tổng sản lượng nuôi trồng và đánh bắt cả năm đạt 893 tấn, tăng 49 tấn so với cùng kỳ năm trước. Trên cơ sở đó, năm 2024, huyện tiếp tục duy trì diện tích nuôi ao, hồ hơn 193ha; số lượng lồng cá hơn 1.000 lồng; sản lượng đánh bắt và nuôi trồng ước đạt 915 tấn.

  • Hòa Bình có 18 cơ sở sản xuất cá lồng VietGAP

Tương tự, Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hòa Bình, toàn tỉnh có gần 3.000 ha mặt nước ao hồ nuôi trồng thủy sản và gần 5.000 lồng nuôi cá trên hồ Hòa Bình. Hiện tỉnh có 37 hợp tác xã, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản với quy mô hàng trăm lồng cá trên mặt nước, mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, giải quyết công ăn, việc làm cho hàng nghìn người lao động. Bên cạnh đó, đến nay tỉnh có 18 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá lồng được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP trong nuôi trồng thủy sản với quy mô 2.540 lồng, sản lượng đạt hơn 4.550 tấn/năm.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc phần tin tức trong lĩnh vực Thủy sản của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Bản tin Thủy sản ngày 29/2/2024: Xuất khẩu thủy sản bứt phá mạnh mẽ

Xuất khẩu thủy sản bứt phá mạnh mẽ; Thách thức lớn trong kiểm tra chất lượng giống tôm nuôi; Huyện miền núi chú trọng nuôi cá lòng hồ thủy điện.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Ngành thủy sản cần đẩy mạnh phát triển các đối tượng nuôi mới
Thời sự

Thủy sản cần đẩy mạnh phát triển các đối tượng nuôi mới; 300ha lúa nhiễm bệnh do thời tiết bất lợi; Dừa Bến Tre khan hàng, 'sốt' giá do sâu đầu đen gây hại.

Ngành thủy sản cần đẩy mạnh phát triển các đối tượng nuôi mới
Thời tiết nông vụ ngày 06/01/2025: Hanh hao cái nắng mùa đông
Thời sự

Hà Nội ấm áp với ánh nắng len lỏi qua từng ngõ nhỏ khi mặt trời lên cao. Trời rét vào sáng và đêm, với nhiệt độ thấp nhất từ 12 đến 14 độ C.

Thời tiết nông vụ ngày 06/01/2025: Hanh hao cái nắng mùa đông