| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cá lòng hồ thủy điện, người dân huyện miền núi đổi đời

Thứ Tư 28/02/2024 , 08:30 (GMT+7)

LAI CHÂU Nuôi cá trong lòng hồ thủy điện là hướng đi mới của người dân huyện miền núi Than Uyên, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Những năm qua, người dân trên địa bàn huyện Than Uyên (Lai Châu) đã tận dụng mặt nước rộng lớn của các hồ chứa thủy điện như Huội Quảng, Bản Chát… để phát triển nuôi cá lồng. Với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, cùng sự chăm chỉ, thay đổi tư duy, tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Anh Đỗ Anh Tuân, Giám đốc HTX Dịch vụ Tuân Anh (bản Nam, xã Ta Gia, Than Uyên), khai thác diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện nuôi cá đặc sản. Ảnh: Trung Quân.

Anh Đỗ Anh Tuân, Giám đốc HTX Dịch vụ Tuân Anh (bản Nam, xã Ta Gia, Than Uyên), khai thác diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện nuôi cá đặc sản. Ảnh: Trung Quân.

Anh Đỗ Anh Tuân, Giám đốc HTX Dịch vụ Tuân Anh (bản Nam, xã Ta Gia, huyện Than Uyên) chia sẻ, HTX hiện có 25 lồng nuôi cá trong lòng hồ thủy điện Huội Quảng, chủ lực là cá chiên, lăng, quất.

Từ cuối năm 2015, thủy điện Huội Quảng hoàn thành việc xây dựng, đi vào phát điện, đã tạo nên một vùng lòng hồ rộng lớn, trong đó diện tích thuộc địa bàn xã Ta Gia khoảng 400ha. Nhận thấy tiềm năng có thể phát triển nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ dân sinh sống cạnh hồ từ chỗ chỉ tập trung khai thác nguồn lợi tự nhiên đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư làm lồng nuôi cá.

UBND huyện Than Uyên cũng tăng cường thông tin, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ, ưu đãi từ các chương trình xóa đói, giảm nghèo để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn như Phòng NN-PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp... tập huấn, chuyển giao kỹ thuật làm lồng, chăm sóc cá, tham quan học tập tại các mô hình cho người dân. Nhờ đó, những trở ngại ban đầu dần được tháo gỡ.  

Theo anh Tuân, diện tích mặt nước lớn, nguồn nước trong lành, lượng thức ăn phù du dồi dào… của hồ chứa thủy điện là điều kiện lý tưởng để các loài cá sinh trưởng, phát triển. Bên cạnh đó, người dân có thể tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ như cám ngô, sắn, cá tạp đánh bắt tại lòng hồ…, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giúp chất lượng thịt cá săn chắc, thơm ngon.

“Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu lớn, rủi ro cũng không ít nhưng nhu cầu của thị trường đối với cá đặc sản lại rất lớn, sản xuất ra tới đâu đều được tiêu thụ hết tới đó. Hiện tại, trung bình mỗi năm HTX xuất bán ra thị trường hơn 10 tấn cá đặc sản các loại. Với giá bán cá lăng 100.000 - 120.000 đồng/kg, cá chiên 450.000 - 480.000 đồng/kg…, sau khi trừ chi phí, HTX có lãi hơn 300 triệu đồng/năm”, anh Tuân cho hay.

Chị Lò Thị Dung, Giám đốc HTX Thanh niên Thẩm Phé kết hợp nuôi cá lồng và phát triển du lịch. Ảnh: Trung Quân.

Chị Lò Thị Dung, Giám đốc HTX Thanh niên Thẩm Phé kết hợp nuôi cá lồng và phát triển du lịch. Ảnh: Trung Quân.

Chị Lò Thị Dung, Giám đốc HTX Thanh niên Thẩm Phé (bản Thẩm Phé, xã Mường Kim) cũng không giấu được niềm vui khi đời sống của 11 thành viên HTX thay da, đổi thịt từng ngày nhờ phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Bản Chát kết hợp làm du lịch trải nghiệm.

Chị Dung chia sẻ, khi thủy điện tích nước, các ngọn núi ở Thẩm Phé được bao quanh bởi nước không khác gì những ốc đảo thu nhỏ, tạo nên một vẻ đẹp mê đắm lòng người. Ban đầu chẳng ai nghĩ tới việc phát triển du lịch vì nguồn vốn đầu tư lớn, kinh nghiệm, kỹ năng… đều không có. Tuy nhiên, khi được sự hỗ trợ của huyện, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ngân hàng Chính sách xã hội…, HTX đã từng bước vượt qua những khó khăn, mở rộng quy mô. Hiện HTX có 60 lồng nuôi các loại cá đặc sản.

Việc kết hợp giữa hoạt động nuôi cá lồng và phát triển du lịch vừa giúp các thành viên thuận lợi tiêu thụ sản phẩm với giá bán ổn định ở mức cao. Khách du lịch sau khi khám phá vẻ đẹp tự nhiên thường có nhu cầu nghỉ ngơi, thưởng thức những món ăn được chế biến từ cá bắt trực tiếp dưới lồng nuôi). Điều này cũng giúp HTX gia tăng nguồn thu từ các dịch vụ đi kèm (cho thuê tàu du lịch, trải nghiệm câu cá, bán các loại đặc sản, sản phẩm độc đáo làm quà lưu niệm…).

Huyện Than Uyên đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các HTX, hộ dân phát triển nuôi trồng thủy sản trong khu vực lòng hồ thủy điện. Ảnh: Trung Quân.

Huyện Than Uyên đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các HTX, hộ dân phát triển nuôi trồng thủy sản trong khu vực lòng hồ thủy điện. Ảnh: Trung Quân.

“HTX đã thống nhất với các thành viên xây dựng 60 lồng nuôi tập trung, vừa tạo thuận lợi hỗ trợ lẫn nhau về mọi mặt, tiết kiệm chi phí, công lao động, kiểm soát dịch bệnh…, vừa tạo không gian rộng, thoáng cho khách du lịch trải nghiệm. Đặc biệt, tất cả các hộ đồng lòng phát triển nuôi cá theo hướng an toàn, chất lượng, thân thiện với môi trường để khai thác lâu dài thế mạnh mặt nước hồ thủy điện. Mục tiêu đặt ra là thu nhập của các thành viên HTX sẽ tăng theo cấp số cộng qua từng năm chứ không dừng lại ở mức hơn 3 triệu đồng/tháng như hiện tại”, chị Lò Thị Dung cho hay.

Theo UBND huyện Than Uyên, năm 2023, toàn huyện duy trì diện tích ao, hồ nuôi trồng thủy sản hơn 193ha. Số lồng nuôi cá trong lòng hồ thủy điện 977 lồng (số lồng làm mới là 155 lồng), chủ yếu nuôi các loại cá như trắm, chép, trôi, lăng, chiên, rô phi... Tổng sản lượng nuôi trồng và đánh bắt cả năm đạt 893 tấn (tăng 49 tấn so với cùng kỳ năm trước). Trên cơ sở đó, năm 2024, huyện tiếp tục duy trì diện tích nuôi ao, hồ hơn 193ha; số lượng lồng cá hơn 1.000 lồng; sản lượng đánh bắt và nuôi trồng ước đạt 915 tấn.

Xem thêm
Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.