Bản tin Thủy sản ngày 3/11/2023: Xuất khẩu cá ngừ sang Ba Lan khởi sắc

Xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Ba Lan khởi sắc; Khơi dòng cho cá chẽm bơi xa; Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện phát triển mạnh; Treo ao nuôi tôm thẻ chân trắng vụ đông vì càng nuôi càng lỗ; Cào ốc mùa nước nổi cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng.

Quỳnh Anh  | 11:01 03/11/2023

Bản tin Thủy sản ngày 3/11/2023: Xuất khẩu cá ngừ sang Ba Lan khởi sắc

Tự động

Bản tin Thủy sản ngày 3/11/2023: Xuất khẩu cá ngừ sang Ba Lan khởi sắc

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức trong lĩnh vực Thủy sản.

  • Xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Ba Lan khởi sắc

Thưa quý vị và bà con, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, sau một thời gian tăng trưởng cao ở mức 3 con số, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Ba Lan đã sụt giảm trong tháng 9 vừa qua. Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước và bằng 1/6 so với tháng trước đó. Tuy nhiên, nhờ sự tăng trưởng cao trong những tháng trước nên xuất khẩu cá ngừ sang Ba Lan tính lũy kế 9 tháng đầu năm vẫn tăng 125% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 4 triệu USD. Hiện Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 3 ngoài khối cho thị trường Ba Lan, sau Ecuador và Philippines. Trong khi xuất khẩu của Philippines sang thị trường này giảm liên tục thì xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam lại đang khởi sắc.

  • Khơi dòng cho cá chẽm bơi xa

Thông tin về hoạt động nuôi trồng thủy sản trong nước, thưa quý vị, không chỉ nuôi tốt trong lồng bè trên biển, những năm qua, con cá chẽm còn được người dân tại những vùng mặn, lợ thuộc các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Quảng Ninh, Hải Phòng… nuôi rất thành công trong ao. Đây được xem là đối tượng thủy sản nuôi rất tiềm năng, có thể phát triển tại các tỉnh ven biển suốt chiều dài đất nước, cùng một thị trường tiêu thụ rộng lớn từ nội địa đến xuất khẩu. Lợi thế lớn nhất của con cá chẽm so với con tôm nước lợ là dễ nuôi, ít dịch bệnh và năng suất có thể đạt 50-100 tấn/ha. Một số doang nghiệp thủy sản cho rằng, bên cạnh thị trường nội địa, cá chẽm được người dùng nhiều nước châu Á, châu Âu, Mỹ, Canada, Australia, Trung Đông… ưa chuộng nên dư địa phát triển còn rất lớn. Vì vậy, cá chẽm xứng đáng được xếp vào danh mục đối tượng nuôi chủ lực để có cơ chế, chính sách phát triển phù hợp.

  • Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện phát triển mạnh

Tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, nghề nuôi cá lồng đã có từ lâu và đang phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Hiệu quả từ việc nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy lợi giúp nhiều lao động địa phương có thu nhập ổn định từ 6-8 triệu đồng/người/tháng, từ đó giúp ổn định tình hình kinh tế - xã hội khu vực hồ Của Đạt. Hiện nay, trên lòng hồ Cửa Đạt có 166 lồng nuôi trồng thủy sản, sản lượng đạt gần 300 tấn/năm. Ngoài huyện Thường Xuân, mô hình nuôi cá lồng ở lòng hồ thuỷ điện là hướng đi mới của bà con huyện miền núi Quan Hóa. Huyện này hiện có khoảng 50 hộ dân phát triển nuôi cá lồng, với hơn 100 lồng nuôi, tập trung chủ yếu ở lòng hồ thuỷ điện Trung Sơn. Tại xã Điền Lư, huyện Bá Thước cũng có nhiều hộ tham gia nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Bá Thước 1, 2 với hàng trăm lồng nuôi.

  • Treo ao nuôi tôm thẻ chân trắng vụ đông vì càng nuôi càng lỗ

Cũng liên quan tới hoạt động nuôi trồng thủy sản tại tỉnh Thanh Hóa nhưng với đối tượng nuôi là tôm thẻ chân trắng thì tại xã Hoằng Yến, huyện Hoằng Hóa đang xảy ra tình trạng người dân treo ao vì thua lỗ. Cụ thể xã Hoằng Yến có 250ha nuôi trồng thủy sản. Trong đó, chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng. Song, toàn xã có xấp xỉ 30ha nuôi tôm không xuống giống trong vụ đông năm nay, do người dân càng nuôi càng lỗ. Theo lãnh đạo UBND xã Hoằng Yến, năm nay, thời tiết bất thường, dịch bệnh xuất hiện nhiều, trong khi giá tôm xuống thấp, chi phí vận hành tăng cao. Người nuôi vì thế không còn mặn mà xuống giống vụ đông. Một số hộ thì chuyển nhượng ao nuôi để gỡ vốn sau vụ hè thu thất bát.

  • Cào ốc mùa nước nổi cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng

Không chỉ có các đối tượng tôm, cá thông thường mà khi mùa nước nổi về, người dân xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An còn có thể kiếm thêm thu nhập từ việc cào ốc đồng. Theo người dân địa phương, để có thu nhập từ nghề cào ốc, bà con dường như làm việc cả đêm bởi tập tính của ốc là kiếm ăn vào ban đêm nên sẽ nổi trên mặt nước, còn ban ngày nắng nóng lặn xuống dưới đáy. Mỗi mùa cào ốc thường kéo dài khoảng 3 tháng. Nước lên ngập gốc rạ là mùa cào ốc bắt đầu. Dù vất vả nhưng có thu nhập ổn định. Trung bình mỗi mùa nước nổi, một người cào ốc có thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Cũng nhờ nghề cào ốc mà diệt được số lượng lớn ốc bươu vàng sinh sản trong mùa nước nổi, giúp nông dân canh tác lúa thuận lợi hơn.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc phần tin tức trong lĩnh vực Thủy sản của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Bản tin Thủy sản ngày 3/11/2023: Xuất khẩu cá ngừ sang Ba Lan khởi sắc

Xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Ba Lan khởi sắc; Khơi dòng cho cá chẽm bơi xa; Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện phát triển mạnh; Treo ao nuôi tôm thẻ chân trắng vụ đông vì càng nuôi càng lỗ; Cào ốc mùa nước nổi cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Tiếp tục thực hiện đợt cao điểm xử lý vi phạm IUU
Thời sự

Tiếp tục thực hiện đợt cao điểm xử lý vi phạm IUU; Rà soát toàn bộ chuỗi cung ứng đảm bảo an toàn thực phẩm; Sương muối gây ảnh hưởng nhiều diện tích cà phê.

Tiếp tục thực hiện đợt cao điểm xử lý vi phạm IUU
Thời tiết nông vụ ngày 16/01/2025: Miền Bắc vẫn rét, miền Trung vẫn mưa
Thời sự

Thời tiết trên cả nước tiếp tục mang đậm nét đặc trưng của vùng. Từ mùa đông miền Bắc đến ẩm ướt miền Trung và sự ấm áp, rực rỡ của miền Nam.

Thời tiết nông vụ ngày 16/01/2025: Miền Bắc vẫn rét, miền Trung vẫn mưa