Bản tin Thủy sản ngày 31 tháng 10 năm 2023

Khai thác hiệu quả lợi thế vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; Hồ Thác Bà sẽ cho 20.000 tấn cá/năm; Chế biến sâu để cá nước lạnh Sa Pa ổn định đầu ra; Xuống giống hơn 160 ha tôm vụ thu đông; Độc đáo hội thi 'Kéo côn bắt cá mùa nước nổi'.

Quỳnh Anh  | 11:21 31/10/2023

Bản tin Thủy sản ngày 31 tháng 10 năm 2023

Tự động

Bản tin Thủy sản ngày 31 tháng 10 năm 2023

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức trong lĩnh vực Thủy sản.

  • Khai thác hiệu quả lợi thế vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai

Thưa quý vị và bà con, Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huếlà vùng đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á. Theo thống kê, hiện có khoảng 300.000 cư dân sinh sống xung quanh vùng đầm phá này. Phần lớn người dân lấy nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản trên đầm phá để mưu sinh. Để phát huy tiềm năng của vùng, mới đây HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030”. Đề án này sẽ xây dựng Tam Giang - Cầu Hai trở thành vùng động lực phát triển cụm ngành kinh tế biển Trung Trung Bộ, đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển mạnh của cả nước, tiến tới thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á, phát triển hệ đầm phá trở thành công viên đầm phá Quốc gia có vùng đất ngập nước, khu dự trữ môi trường sinh quyển quan trọng.

  • Hồ Thác Bà sẽ cho 20.000 tấn cá/năm

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, thưa bà con, nhờ lợi thế sẵn có về nguồn nước cùng những tiến bộ khoa học trong chăn nuôi, sản lượng các loài cá trên hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái liên tục tăng qua các năm. Đến nay trên hồ Thác Bà có hơn 2.200 lồng nuôi cá và 230ha diện tích mặt nước quây lưới nuôi cá. Với mục tiêu đến năm 2025, hồ Thác Bà có trên 3.000 lồng cá nuôi, đạt sản lượng khoảng 20.000 tấn/năm, tỉnh Yên Bái đã ban hành chính sách hỗ trợ các cá nhân nuôi cá lồng và nuôi cá ở các eo ngách trên hồ Thác Bà. Đồng thời, sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi mời gọi các doanh nghiệp để cùng các HTX, tổ hợp tác và người dân phát huy lợi thế của địa phương đưa thương hiệu cá vùng hồ Thác Bà vươn xa hơn.

  • Chế biến sâu để cá nước lạnh Sa Pa ổn định đầu ra

Cũng liên quan tới lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh miền núi phía Bắc nhưng bây giờ sẽ là tin tức về hoạt động nuôi cá nước lạnh, thưa quý vị, hiện nay, trên địa bàn thị xã Sa Pa có hơn 300 cơ sở nuôi cá nước lạnh, trong đó, 60% cơ sở nuôi là các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số, sản phẩm được bán cho nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh Lào Cai nhưng đầu ra lại không ổn định, tăng giảm thất thường. Trước khó khăn này, một số hợp tác xã trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư chế biến sâu sản phẩm cá nước lạnh, đặc biệt là cá hồi Sa Pa. Đến nay, thị xã Sa Pa có 5 doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến cá nước lạnh liên kết, thu mua sản phẩm của bà con để chế biến sâu. Công suất chế biến của các đơn vị này có thể đạt bình quân trên 300 tấn mỗi năm. Hiện trên địa bàn có khoảng 20 sản phẩm được sơ chế, chế biến từ cá hồi, cá tầm…

  • Xuống giống hơn 160 ha tôm vụ thu đông

Vụ thu đông năm nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh có khoảng 400 ha đủ điều kiện nuôi tôm. Hiện người dân ở những vùng nuôi thâm canh công nghệ cao, nuôi tôm 2 giai đoạn trong nhà lưới đã xuống giống 30 triệu con tôm, trên diện tích hơn 160 ha, đạt 40% kế hoạch. Để đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất, ngành chuyên môn khuyến cáo đối với những vùng thấp trũng nuôi theo hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến, người dân không nên thả nuôi vụ thu đông vì dễ bị thiệt hại do mưa lũ, nếu thả nuôi thì mật độ vừa phải, từ 70 - 120 con/m2 nhằm đảm bảo tỷ lệ sống cũng như tốc độ phát triển của tôm nuôi.

  • Độc đáo hội thi ‘Kéo côn bắt cá mùa nước nổi’

Còn với các hoạt động nuôi thủy sản trên đồng ruộng, hôm qua, UBND huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang tổ chức hội thi “Kéo Côn bắt cá mùa nước nổi” năm 2023. Hội thi mang thông điệp tuyên truyền, giáo dục người dân đánh bắt cá gắn với việc bảo tồn nguồn lợi thủy sản trên đồng ruộng. Thành viên tham gia hội thi đa phần là những nông hộ làm nghề đẩy côn bắt cá đồng mùa nước nổi. Dụng cụ tham gia bắt cá là những chiếc côn quen thuộc của người dân trên địa bàn. Hội thi “Kéo Côn bắt cá mùa nước nổi” cũng là hoạt động góp phần giữ gìn truyền thống nghề đánh bắt thủy sản ở địa phương và được biết những năm tới huyện Phụng Hiệp sẽ phát triển mô hình thành một hình thức du lịch trải nghiệm.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc phần tin tức trong lĩnh vực Thủy sản của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Bản tin Thủy sản ngày 31 tháng 10 năm 2023

Khai thác hiệu quả lợi thế vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; Hồ Thác Bà sẽ cho 20.000 tấn cá/năm; Chế biến sâu để cá nước lạnh Sa Pa ổn định đầu ra; Xuống giống hơn 160 ha tôm vụ thu đông; Độc đáo hội thi 'Kéo côn bắt cá mùa nước nổi'.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt ứng dụng IPHM
Thời sự

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt ứng dụng IPHM; Phát hiện 850 lượt tàu vi phạm trong năm 2024; Giá nông sản tăng, người dân phá rừng mở rộng diện tích.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt ứng dụng IPHM
Thời tiết nông vụ ngày 20/12/2024: Không khí lạnh tiếp tục tăng cường xuống miền Bắc
Thời sự

Không khí lạnh tiếp tục tăng cường xuống các tỉnh Bắc bộ, Trung bộ và khuếch tán yếu xuống Nam bộ.

Thời tiết nông vụ ngày 20/12/2024: Không khí lạnh tiếp tục tăng cường xuống miền Bắc