| Hotline: 0983.970.780

Giải quyết các lỗ hổng khi hướng tới thương mại động vật hoang dã

Thứ Sáu 27/10/2023 , 13:57 (GMT+7)

Một báo cáo nghiên cứu đang được hoàn thiện, nhằm xác định các ưu tiên chính trị chống lại buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã để hướng tới thương mại bền vững.

Cuộc họp tham vấn kết quả báo cáo 'Phân tích chính trị, xã hội, chính sách và sự tham gia của các bên trong phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã và thúc đẩy thương mại hợp pháp tại Việt Nam' ngày 27/10. Ảnh: Phương Thảo.

Cuộc họp tham vấn kết quả báo cáo “Phân tích chính trị, xã hội, chính sách và sự tham gia của các bên trong phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã và thúc đẩy thương mại hợp pháp tại Việt Nam” ngày 27/10. Ảnh: Phương Thảo.

Sáng 27/10, Dự án Bảo vệ Động vật hoang dã nguy cấp (Dự án STW) tổ chức cuộc họp tham vấn kết quả Báo cáo nghiên cứu “Phân tích chính trị, xã hội, chính sách và sự tham gia của các bên trong phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã và thúc đẩy thương mại hợp pháp tại Việt Nam”.

Báo cáo là một trong những hoạt động của Dự án STW trong nỗ lực ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã trái phép. Hoạt động này được thực hiện với sự tham gia của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN).

Tại cuộc họp tham vấn, dự thảo báo cáo nghiên cứu đã được nhóm tác giả trình bày với 4 mục tiêu chính.

Thứ nhất, đánh giá về thực trạng và xu hướng buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật tại Việt Nam. Xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu về các động lực và hành động của các chủ thể nhằm giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật.

Thứ hai, xác định các ưu tiên chính trị nhằm chống lại buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã và giải quyết lỗ hổng khi hướng tới thương mại bền vững các mặt hàng này tại Việt Nam.

Thứ ba, báo cáo đề xuất chính sách can thiệp và truyền thông nhằm tăng cường các nỗ lực chính trị chống lại buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã.

Thứ tư, xác định các chủ thể khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân có động lực chỉ đạo, khuyến khích những thay đổi nhằm phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã và giảm thiểu nguy cơ buôn bán trái phép tại các trại nuôi.

Bà Trần Thị Nam Hà, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án STW Trung ương phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Phương Thảo.

Bà Trần Thị Nam Hà, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án STW Trung ương phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Phương Thảo.

Dự thảo báo cáo nghiên cứu cũng công bố các nội dung chính về: Thực trạng và xu hướng buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật tại Việt Nam; khung chính sách, pháp luật và thể chế điều chỉnh, khuyến khích gây nuôi; bất cập, chồng chéo trong chính sách pháp luật; khó khăn, vướng mắc trong nỗ lực phòng, chống; các ưu tiên chính trị phòng chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt Nam; kế hoạch quốc gia 5 năm trong tương lai của Chính phủ Việt Nam và các khuyến nghị chính.

Góp ý xây dựng báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) TP. HCM cho biết, dự thảo nghiên cứu đã đưa ra bức tranh chung về mặt pháp luật trong chống buôn bán trái phép động vật hoang dã.

Tuy nhiên, theo ông Nam, muốn đạt được mục tiêu đề ra, báo cáo cần xây dựng lộ trình cụ thể. Đặc biệt, cần xác định rõ kết quả cuối cùng là bảo vệ động vật hoang dã ở các rừng Việt Nam hay ngặn chặn việc buôn bán chung chuyển từ các nước qua Việt Nam.

“Từ thực tế các rừng quốc gia ở Việt Nam hiện đã mất nhiều loại động vật hoang dã quý hiếm như tê tê, tê giác và nhiều loài trên bờ vực tuyệt chủng, tôi đề xuất xây dựng các mục tiêu, kế hoạch hành động ưu tiên bảo vệ ở chính quốc gia mình”, ông Nguyễn Hữu Nam nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng: Báo cáo nghiên cứu cần chú trọng khâu tham vấn và điều tra. Ảnh: Phương Thảo.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng: Báo cáo nghiên cứu cần chú trọng khâu tham vấn và điều tra. Ảnh: Phương Thảo.

Một góp ý khác đến từ ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Trưởng Phòng Sử dụng và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng cho rằng, báo cáo cần tập trung vào khâu điều tra và tham vấn.

“Dự thảo Báo cáo mới chỉ đang làm rõ yếu tố tham vấn mà chưa có sự điều tra. Nhóm tác giả cần yêu cầu trả kết quả tham vấn bằng văn bản để trở thành bằng chứng, đảm bảo tính chính xác, xác thực cho báo cáo. Bên cạnh đó, những nhận định, đánh giá trong báo cáo cần logic và có sự thống nhất xuyên suốt”, ông Tiến nói.

Bà Trần Thị Nam Hà, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án STW Trung ương chia sẻ, mục tiêu của báo cáo nghiên cứu là đưa ra những đánh giá căn cơ để giúp Dự án xây dựng kế hoạch. Báo cáo cũng sẽ được chia sẻ đến các bên liên quan những thông tin mà dự án dày công nghiên cứu.

Do đó, Ban Quản lý Dự án STW rất mong chờ góp ý từ góc nhìn của các cơ quan, đặc biệt là những đơn vị thụ hưởng báo cáo. Theo bà Hà, dự thảo báo cáo hiện tại đang nói nhiều về chính trị, pháp luật mà thiếu sự cân bằng với yếu tố xã hội. Bên cạnh đó, bà Trần Thị Nam Hà cũng đề cập đến việc tăng cường các khuyến nghị về phối hợp liên ngành trong thực hiện báo cáo.

Ban Quản lý các Dự án Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) được giao chủ trì, phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện Dự án “Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp” (Dự án STW) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.