Bản tin Thủy sản ngày 4/3/2024: Hiệu quả từ đường dây nóng bảo vệ thủy sản
Đường dây nóng bảo vệ thủy sản nhận nhiều tin báo từ người dân; Giám sát sản lượng thủy sản qua cảng ở Thanh Hóa còn thấp; Nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch.
Quỳnh Anh | 13:43 04/03/2024
Bản tin Thủy sản ngày 4/3/2024: Hiệu quả từ đường dây nóng bảo vệ thủy sản
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức trong lĩnh vực Thủy sản.
- Đường dây nóng bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhận nhiều tin báo từ người dân
Thưa quý vị và bà con, Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Ninh, toàn tỉnh hiện có trên 5.500 tàu khai thác thuỷ sản. 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động tại vùng khơi đều đã thực hiện đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản và lắp đặt, đồng bộ thiết bị giám sát hành trình. Trong năm vừa qua, Sở NN-PTNT Quảng Ninh đã triển khai 104 cuộc thanh tra, tuần tra, kiểm soát, kiểm tra trong lĩnh vực thuỷ sản, xử phạt 158 trường hợp vi phạm, thu phạt 1,675 tỷ đồng. Đường dây nóng bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhận được sự tham gia tích cực của người dân, giúp cho việc tiếp nhận, xử lý thông tin được hiệu quả với 214/214 tin báo được xử lý, thu nộp ngân sách nhà nước 502 triệu đồng.
-
Giám sát sản lượng thủy sản qua cảng ở Thanh Hóa còn thấp
Với hoạt động khai thác trên biển, tỉnh Thanh Hóa có gần 6 nghìn tàu khai thác thủy sản với sản lượng khoảng 138 nghìn tấn/năm. Tuy nhiên, Theo Ban quản lý Cảng cá Thanh Hóa, năm 2023, có hơn 7,2 nghìn lượt tàu trên 15m cập cảng Lạch Bạng, Lạch Hới, Hòa Lộc. Tổng hàng hóa qua cảng đạt hơn 92 nghìn tấn, trong đó hàng thuỷ sản là hơn 21 nghìn tấn. Sản lượng thủy sản qua cảng chỉ chiếm khoảng 15% so với tổng sản lượng khai thác. Nguyên nhân là do tàu thuyền chủ yếu cập các bến tự phát, bến truyền thống, bãi ngang, không được thực hiện giám sát sản lượng khai thác… Thậm chí tàu cá của địa phương sau khi khai thác lại cập bến tỉnh khác bốc dỡ hàng hóa, vì luồng lạch ra vào cảng bị bồi lắng gây khó khăn cho việc di chuyển.
- Phát triển nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch
Về lĩnh vực nuôi trồng, Theo Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, trong tháng 2 năm nay, diện tích thả nuôi thủy sản của thành phố là 421ha. Lũy kế đến nay, diện tích thả nuôi thủy sản là 2.072ha, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 24% kế hoạch năm. Tổng sản lượng hơn 13.790tấn, giảm 19% so cùng kỳ năm trước, đạt 6% kế hoạch. Ngoài ra, thành phố còn phát triển 193ha diện tích nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm như VietGAP, ASC… Thời gian tới, Cần Thơ tiếp tục phát triển nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, chú trọng phát triển nuôi các đối tượng chủ lực. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình, kỹ thuật nuôi đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đảm bảo nguồn cung hàng hóa thủy sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
- Nghề nuôi cá lồng ở Bắc Ninh chuyển dần sang sản xuất hàng hóa
Còn với đối tượng nuôi là các loại cá nước ngọt, Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh hiện có 72 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trong ao đất có diện tích từ 10 ha trở lên với tổng diện tích hơn 1.300 ha. Riêng nuôi cá lồng trên sông có 29 điểm thuộc 6 huyện. Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 166 hộ với 2.629 lồng nuôi cá trên sông. Nghề nuôi cá lồng trên sông ở Bắc Ninh đã trở thành nghề sản xuất chính và đang dần chuyển sang sản xuất hàng hóa, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, mức sống của cộng đồng dân vùng ven sông. Theo tính toán, lợi nhuận một lồng nuôi cá điêu hồng đạt được 40-60 triệu đồng/vụ; cá nheo mỹ 100-120 triệu đồng/lồng/vụ; cá chép giòn 150-180 triệu đồng/lồng/vụ; cá tầm 180-200 triệu đồng/lồng/vụ…
-
Nghệ An thả hơn 8 nghìn con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản
UBND tỉnh Nghệ An và lãnh đạo chính quyền, người dân các địa phương vừa tiến hành thả cá giống xuống lưu vực Sông Giăng và sông Lam thuộc địa phận các huyện Con Cuông, Đô Lương, Tương Dương. Số lượng cá giống được thả lần này tại 3 huyện là 2 tấn, tương đương với hơn 8 nghìn con, đều là các giống cá truyền thống như: Trắm, trôi, mè, chép... Hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ, phục hồi các loài cá bản địa có nguy cơ tuyệt chủng, phát triển các loài cá thương phẩm, bảo vệ sự đa dạng sinh học. Góp phần đảm bảo nguồn sinh kế gắn với phát triển du lịch cho người dân sống xung quanh khu vực sông.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc phần tin tức trong lĩnh vực Thủy sản của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Thủy sản ngày 4/3/2024: Hiệu quả từ đường dây nóng bảo vệ thủy sản
Đường dây nóng bảo vệ thủy sản nhận nhiều tin báo từ người dân; Giám sát sản lượng thủy sản qua cảng ở Thanh Hóa còn thấp; Nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Việt Nam dần trở thành trung tâm xuất khẩu rau quả lớn trong khu vực; Hoạt động văn phòng cần sáng tạo, chuyên nghiệp và chủ động hơn.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, từ ngày 15-16/1, khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa, mưa rào, cục bộ có nơi mưa to và giông.