Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng mạnh. Tây Ninh chủ động tích nước ứng phó El Nino. Luân canh trên đất trồng chuối bị nhiễm bệnh Panama.
Xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc tăng mạnh
Phạm Huy
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VASEP, xuất khẩu thủy sản của nước ta trong tháng 1 đạt gần 750 triệu usd, tăng 64 % so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó Trung Quốc đã trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam sau Nhật Bản. Riêng đối với mặt hàng tôm và cá tra thì Trung Quốc là thị trường lớn nhất trong tháng 1 vừa qua, khi mà xuất khẩu sang thị trường này tăng gấp gần bốn lần so với tháng 1/2023. Tháng 1 năm nay cũng là thời điểm các nhà nhập khẩu Trung Quốc tăng mua hàng phục vụ cho Tết Nguyên đán. Ngoài Trung Quốc, các thị trường chính khác đều có sự tăng trưởng mạnh trong tháng 1 năm nay so với cùng kỳ như xuất khẩu sang Mỹ tăng 63 %, sang Nhật Bản tăng 43 %, sang EU tăng 34 %.
Tây Ninh chủ động tích nước ứng phó El Nino
trần trung
Để đảm bảo nước cung cấp sản xuất vụ Đông Xuân và chủ động ứng phó với El Nino dự kiến kéo dài đến hết tháng 6 mới có mưa. Ngành thuỷ lợi tỉnh Tây Ninh đang chủ động tích trữ nước tại các hồ chứa lớn như Dầu Tiếng, Tha La, Nước Trong.
Ghi nhận tại hồ Tha La, với dung tích dung tích hơn 27 triệu m3 nước, mặc dù đang trong quá trình nâng cấp sửa chữa, hiện mực nước dâng tại hồ vẫn đạt cao trình trên 24m, tuy thấp hơn cùng kỳ 0,18m nhưng vẫn đảm bảo phục vụ nước sản xuất cho toàn bộ vùng tưới.
Tại hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, với dung tích 1,58 tỷ m3 nước, hiện mực nước hồ đang ở cao trình 22m, đảm bảo cung cấp đủ nước sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt cho 5 tỉnh, thành: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An và TP.HCM.
Chi cục thuỷ lợi tỉnh Tây Ninh đang tích cực tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, bố trí lực lượng giám sát, điều tiết nước hiệu quả để đáp ứng nhiệm vụ chống hạn trước mắt, lâu dài đặt ra.
2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Kiên Giang tăng gấp 2 lần
Văn Vũ SX
2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tỉnh Kiên Giang ước đạt trên 151 triệu USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các sản phẩm hàng hóa chủ lực xuất khẩu là gạo đạt 19,58 triệu USD, hải sản 30,69 triệu USD.
Năm 2024, tỉnh Kiên Giang tập trung chăm sóc, bảo vệ tốt trên 280 ngàn ha lúa đông xuân đã gieo trồng, phấn đấu năng suất thu hoạch bình quân 7,5 tấn/ha, sản lượng thu hoạch đạt 4,4 triệu tấn, với hơn 90% lúa chất lượng cao, phục vụ chế biến gạo xuất khẩu.
Mặt khác, tỉnh tổ chức hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản trên ngư trường và nuôi trồng thủy sản đạt sản lượng 800.000 tấn, cung ứng nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thủy sản.
Luân canh trên đất trồng chuối bị nhiễm bệnh Panama
Thanh Hải sản xuất – Quang Dũng đọc off
Nhằm giúp người dân có thu nhập ổn định trên những đồi chuối lâu năm bị nhiễm bệnh vàng lá, thối nõn panama, Huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã mạnh dạn thử nghiệm, đưa một số giống cây ngắn ngày vào thay thế.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Bát Xát, đơn vị đã phối hợp với các doanh nghiệp trồng chanh leo, luân canh, nâng cao giá trị canh tác vùng trồng chuối. Sau khi hết chu kỳ có thể quay trở lại trồng chuối với địa phương vẫn xác định chuối là cây trồng chủ lực
Giải pháp luân canh trồng ngắn ngày được xem là giải pháp tối ưu khắc phục tình trạng nhiều hộ dân trên địa bàn tự ý đưa cây quế vào trồng trên những đồi chuối bị nhiễm bệnh vàng lá panama kể cả những nơi có độ cao trên 900m so mực nước biển hoàn toàn không phù hợp loại cây cho tinh dầu, sinh trưởng lâu năm.