Bản tin Thủy sản ngày 7/12/2023: Trồng phục hồi thành công san hô cứng
Trồng phục hồi thành công san hô cứng ở Cát Bà và Bạch Long Vĩ; Mầm bệnh nguy hiểm vẫn lưu hành ở nhiều vùng nuôi tôm.
Quỳnh Anh | 10:53 07/12/2023
Bản tin Thủy sản ngày 7/12/2023: Trồng phục hồi thành công san hô cứng
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức trong lĩnh vực Thủy sản.
- Trồng phục hồi thành công san hô cứng ở Cát Bà và Bạch Long Vĩ
Thưa quý vị và bà con, Rạn san hô có giá trị rất quan trọng về đa dạng sinh học. Đây là nơi sinh cư, cung cấp nguồn ăn cho các loài động, thực vật biển và là điều kiện duy trì, phát triển nguồn lợi sinh vật biển. Thời gian qua, Viện Nghiên cứu Hải sản đã nghiên cứu và trồng phục hồi san hô cứng tại Vườn Quốc gia Cát Bà, đồng thời phục hồi san hô cứng bằng phương pháp tách mảnh nhỏ tại Khu bảo tồn Bạch Long Vĩ đem lại hiệu quả cao. Riêng tại Cát Bà, Viện Nghiên cứu Hải sản đã phối hợp với Vườn quốc gia Cát Bà xác định được vị trí tọa độ khoanh vùng bảo vệ cho 12 rạn san hô trọng tâm, đồng thời thiết lập và xây dựng hệ thống 40 phao neo bảo vệ rạn san hô. Các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã phục hồi 3.400m2 rạn san hô với gần 3.900 tập đoàn san hô tại 4 địa điểm. Sau 36 tháng phục hồi, tỷ lệ sống trung bình đạt gần 59%.
-
Trung Quốc cấp phép cho 845 cơ sở chế biến, bao gói thủy sản Việt Nam
Thông tin về thị trường xuất khẩu, thưa quý vị, Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, thời gian vừa qua, nhiều nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây, cà phê... xuất khẩu sang Trung Quốc đã tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá, đẩy mạnh xuất khẩu nên tốc độ tăng trưởng đạt cao nhất trong các nhóm hàng. Trong lĩnh vực thủy sản, Trung Quốc đã cấp phép cho hơn 800 cơ sở chế biến thủy sản, 40 cơ sở bao gói cua, tôm hùm sống và 5 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng, 128 loại sản phẩm và 48 loài thủy sản của Việt Nam. Đây là thời cơ vàng cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động đầu tư sản xuất, tăng cường hội nhập, tìm kiếm đối tác để khai thác tiềm năng của thị trường này.
- Mầm bệnh nguy hiểm vẫn lưu hành ở nhiều vùng nuôi
Quay lại với hoạt động nuôi trồng thủy sản trong nước, để phòng chống dịch bệnh trên tôm được hiệu quả, hạn chế thiệt hại, trong 10 tháng năm 2023, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo đơn vị chức năng cấp phát gần 35.400kg hoá chất Chlorine để xử lý, khử trùng nước ao nuôi có tôm bệnh với diện tích gần 73ha. Ðồng thời, ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo Chi cục Thú y chủ trì, phối hợp cùng Chi cục Thủy sản và các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra nắm tình hình thực tế tại các địa phương, đề xuất các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, trong 11 tháng đầu năm nay, qua kết quả giám sát chủ động và bị động tại các huyện, một số mầm bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi vẫn còn lưu hành nhiều ở các vùng nuôi.
- Vựa cá trắm đen không lơ là trước bệnh xuất huyết mùa xuân
Thương tự, với sản lượng trên 2.000 tấn cá trắm đen/năm, nông trường Bạch Long, xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định là nơi cung cấp cá trắm đen thương phẩm lớn nhất miền Bắc, đảm bảo thu nhập cho 170 hộ nhận khoán 142ha mặt nước. Tuy nhiên, Cá trắm đen thường rất nhạy cảm với việc thay đổi thời tiết và môi trường. Đặc biệt vào các thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi cá rất dễ bị nhiễm bệnh, điển hình là bệnh "xuất huyết mùa xuân" do virus. Đây là loại bệnh cấp tính nên phát bệnh rất nhanh và có tỷ lệ chết rất cao. Do đó, định kỳ hàng năm vào các thời điểm giao mùa, Chi Cục Thủy Sản Nam Định sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp Nuôi cấy virus CPE PCR. Ngoài ra, khi có hiện tượng cá chết hàng loạt, cơ quan này cùng tiến hành lấy mẫu đột xuất để nhanh chóng xác định nguyên nhân, kịp thời có phương án tầm soát dịch bệnh.
-
Hết lo âu nhờ nuôi tôm công nghệ cao
Còn tại tỉnh Quảng Bình, năm nay, các địa phương của tỉnh thả nuôi gần 1.500ha tôm nước lợ, trong đó diện tích tôm thẻ chân trắng trên 1.200ha. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn cơ sở nuôi tôm áp dụng quy trình sản xuất hiệu quả. Đồng thời, khuyến khích phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi. Tại các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng cát ven biển của các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy… những năm gần đây đã xảy ra tình trạng bỏ hồ, không đầu tư nuôi mới do tỷ lệ thành công trong nuôi tôm đạt thấp. Vì vậy, việc đưa quy trình công nghệ mới vào nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát giúp giảm được rủi ro, giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất, chất lượng và lợi nhuận...
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc phần tin tức trong lĩnh vực Thủy sản của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Thủy sản ngày 7/12/2023: Trồng phục hồi thành công san hô cứng
Trồng phục hồi thành công san hô cứng ở Cát Bà và Bạch Long Vĩ; Mầm bệnh nguy hiểm vẫn lưu hành ở nhiều vùng nuôi tôm.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên; Sâu, bệnh gây hại gần 230ha cây ăn quả có múi; Bắc Giang có thêm 6 sản phẩm OCOP 4 sao.
Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định trong có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 80-180mm, cục bộ có nơi trên 300mm.