Biển Cửa Lở bao giờ hết sạt lở?

Cứ bước vào mùa mưa bão, người dân khu vực biển Cửa Lở lại sống trong cảnh lo lắng, bất an khi những con sóng biển ào ạt đánh vào đất liền gây sạt lở.

Lê Khánh  | 16:12 06/04/2024

Biển Cửa Lở bao giờ hết sạt lở?

Tự động

Biển Cửa Lở bao giờ hết sạt lở

Thực hiện: Lê Khánh

Nhạc hiệu

Nhạc nền

MC1:

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Phòng chống thiên tai.

Thưa quý vị và bà con! Nhiều năm qua, cứ mỗi khi bước vào mùa mưa bão, người dân ở khu vực biển Cửa Lở, thôn Bình Trung, xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam lại sống trong cảnh lo lắng, bất an. Những con sóng biển ào ạt đánh vào đất liền gây sạt lở, cuốn đi nhiều nhà cửa, đất trồng trọt, nuôi trồng thủy sản của bà con. Để đảm bảo an toàn, nhiều hộ dân đành phải bỏ nhà cửa, vườn tược để di chuyển đến nơi khác sinh sống. Vậy nhưng, đến nay, biển vẫn cứ xâm thực, đất đai hàng năm vẫn cứ mất đi, trong khi địa phương lại chưa thể có phương án khắc phục hiệu quả. Để hiểu rõ hơn về tình hình sạt lở đang diễn ra tại địa phương này, mời quý vị và bà con cùng theo chân phóng viên Nông nghiệp Radio về xã đảo Tam Hải.

MC2:

Để đến được xã đảo Tam Hải, chúng tôi phải vượt qua con sông Trường Giang trên chuyến phà xuất phát từ xã Tam Quang, cách trung tâm huyện lỵ Núi Thành tầm 10km. Chạy dọc theo tuyến đường chính đến phía cuối đảo, khu vực biển Cửa Lở hiện ra với khung cảnh đổ nát, hoang tàn. Hơn 1km bờ biển hầu như nơi đâu cũng bị “tổn thương” vì biển xâm thực. Nhiều vị trí xung yếu bị sóng đánh vỡ, "ngoạm" sâu vào bờ hàng chục mét. Những cây dương liễu trước đây được trồng để giữ đất bây giờ cũng bị cuốn phăng. Dọc bờ biển, một số căn nhà tạm của người dân dựng nuôi tôm bị sóng biển phá nát, cuốn trôi.

Chứng kiến cảnh quê hương bị thiên tai tàn phá, bà Nguyễn Thị Hiệp không khỏi xót xa. Tuổi thơ của bà Hiệp gắn với những ruộng khoai, rừng thông mênh mông nơi này nhưng bây giờ chỉ còn là ký ức, chẳng còn sót lại gì. Một ngôi làng trước đây vốn sầm uất, nhà cửa chen chúc là thế nay đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”, người người tản mác khắp nơi.

Băng 1: Bà Nguyễn Thị Hiệp, người dân

Hồi đó ở đây bát ngát. Tuổi thơ của tôi hồi trước đi hốt lá thông về chụm lửa đi mỏi chân mà vẫn chưa thấy hết cái bãi biển này nữa. Bây giờ bao nhiêu diện tích đất canh tác, thông của bà con người cả chục héc ta trôi hết. Nhà cửa cũng trôi hết. Như nhà mẹ tôi, cơn bão số 9 năm đó, 4 giờ chiều đi ra nhà mẹ thì còn nhà, còn vườn tược. Đến 4 giờ sáng ra thì không còn gì hết. Nhà cột, nhà rường mà cũng bị cuốn hết ra biển. Sạt lở cuốn không biết bao nhiêu làng mạc ra biển. Còn nghĩa địa rộng mấy chục héc ta bây giờ cũng tan hoang hết rồi. Nhà cửa thì cuốn đi nhiều lắm. Hồi đó làng này sầm uất lắm nhưng sau này sạt lở cuốn hết rồi.

MC2: Sạt lở liên tục diễn ra hàng năm khiến cho diện tích xã đảo Tam Hải vốn đã nhỏ lại càng bị thu hẹp dần. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống mà vấn đề sản xuất, mưu sinh của người dân cũng bị tác động không nhỏ. Vài năm trước, tại thôn Bình Trung có hàng chục hộ dân nuôi tôm. Do mưa bão, tốc độ xâm thực bờ biển diễn ra rất nhanh khiến hầu hết các ao nuôi đã bị cuốn trôi. Đến nay không còn hộ dân nào dám đầu tư nuôi tôm tại khu vực này.

Theo ông Phạm Minh Phụng, Cán bộ nông nghiệp xã Tam Hải, từ tháng 10 đến tháng 11 là thời điểm tình trạng sạt lở xảy ra nặng nề nhất. Năm nào cũng vậy, biển xâm thực sâu vào đất liền từ 15 đến 20m, kéo dài dọc bờ biển khoảng 1km khiến hàng chục thậm chí đến hàng trăm đất héc ta của địa phương đã mất đi.

Băng 2: Ông Phạm Minh Phụng, Cán bộ nông nghiệp xã Tam Hải

Khu vực Của Lở của thôn bình trung là khu vực sạt lở nặng nhất. Ảnh hưởng của khu vực của lở đến đất đai, mồ mả, nuôi trồng thủy sản của người dân. Hàng năm, UBND xã Tam Hải có văn bản đề xuất với UBND huyện và Phòng NN-PTNT huyện Núi Thành, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của huyện có giải pháp khắc phục và có nguồn kinh phí xây dựng kè để đảm bảo cuộc sống của người dân tại khu vực Cửa Lở.

MC2: Tình trạng sạt lở ở bờ biển Cửa Lở nhiều năm qua cũng rất được các cấp chính quyền xã Tam Hải cũng như huyện Núi Thành quan tâm. Địa phương này cũng đã thành lập nhiều đoàn khảo sát để bàn tính phương án phòng chống nhằm ổn định đời sống, sản xuất của người dân. Mặc dù vậy, ông Ngô Đức An, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho rằng, ngành chức năng cũng đã tính đến việc xây dựng kè để ngăn chặn sạt lở. Tuy nhiên, nguồn kinh phí thực hiện là rất lớn, ước tính hết từ vài trăm đến cả ngàn tỷ đồng. Điều này ngoài năng lực của huyện nên huyện Núi Thành đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí nhưng chưa có kết quả.

Băng 3: Ông Ngô Đức An, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành

Sạt lở của biển Cửa Lở Tam Hải theo tự nhiên của dòng chảy từ xưa đến nay đã như vậy. Mình cũng đã có kiến nghị với tỉnh và một số đoàn để làm kè nhưng khi về khảo sát thì vấn đề nguồn kinh phí quá lớn để làm kè chống xói lở này. Còn bây giờ huyện nói chung là bất lực, nguồn kinh phí không có. Kiến nghị rất nhiều lần kể cả với Bộ NN-PTNT để có nguồn vốn từ Trung ương để thực hiện. Nói chung những hộ dân sống xung quanh thì mình sẽ tính toán đến việc di dời đến các khu tái định cư, bố trí nơi ở mới. Còn các mồ mả thì phải di dời thôi.

MC1:

Vâng thưa quý vị và bà con! Biển Cửa Lở bao giờ hết lở là câu hỏi đặt ra cho chính quyền địa phương cũng như ngành chức năng ở tỉnh Quảng Nam suốt nhiều năm qua. Đến hẹn lại lên, tình trạng sạt lở ở khu vực này vẫn cứ tiếp diễn mỗi khi mùa mưa bão tới, nguy cơ ăn sâu thêm vào đất liền, khiến cho cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, việc tìm giải pháp để sớm khắc phục tình trạng này, ổn định dân sinh, đảm bảo sản xuất là vấn đề vô cùng cấp thiết.

MC 2: Bây giờ mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn về lĩnh vực phòng chống thiên tai trên cả nước.

MC 1: tin 1

Thưa quý vị và bà con

Năm 2023, Thiên taitrên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tác động lớn đến đời sống dân sinh, kinh tế - xã hội, ảnh hưởng lớn đến người dân, hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng nề. Ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 667 tỷ đồng. Trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai ngày càng phức tạp khó lường, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các ngành, địa phương tiến hành khẩn trương công tác chuẩn bị cho phòng, chống thiên tai năm 2024 sớm như: Tổng kết, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, hoàn thành trong tháng 4/2024. Tăng cường công tác tập huấn, diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra chuẩn bị ở mọi cấp theo phương châm "4 tại chỗ" đảm bảo hoàn thành trước ngày 30/7/2024.

MC 2: tin 2

Sở Giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang cho biết, đơn vị đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Kiên Giang về xử lý khẩn cấp sạt lở nền đường trên tuyến đường ĐT.965, đê bao ngoài vùng điệm Vườn quốc gia U Minh Thượng, thuộc địa bàn huyện U Minh Thượng. Do ảnh hưởng của khô hạn, tuyến đường này đã bị sạt ở nghiêm trọng tại nhiều vị trí với tổng chiều dài 105m và nguy cơ sạt lở với tổng chiều dài khoảng 1.000m. Nhằm đảm bảo an toàn giao thông, an toàn tính mạng và tài sản của người dân, cần thực hiện sửa chữa ngay các vị trí sạt lở nghiêm trọng, với tổng chiều dài 105m, kinh phí 500 triệu đồng. Các vị trí có nguy cơ sạt lở, với tổng chiều dài khoảng 1.000m, tổ chức khảo sát, thiết kế sửa chữa trong năm 2024-2025, dự kiến kinh phí 10 tỷ đồng. Trong các năm tiếp theo, tiếp tục xử lý các điểm tiềm ẩn một cách triệt để với chiều dài khoảng 7km.

MC 1: tin 3

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình vừa ký ban hành quyết định phân bổ kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở cho Dự án khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ biển phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn với kinh phí 100 tỷ đồng. Theo đó, dự án này được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành NN-PTNT làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án và giải ngân kế hoạch vốn đến hết ngày 31/12/2024. Sau thời hạn này, số vốn không được giải ngân hết sẽ bị hủy dự toán theo quy định. Được biết, trong những năm qua, khu vực bờ biển ở tổ dân phố Tân Mỹ, phường Quảng Phúc, bị biển xâm thực khá mạnh. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của các cơn bão kết hợp với gió mùa đông bắc và triều cường, biển động mạnh đã làm bờ biển tại tổ dân phố Tân Mỹ bị sóng biển đánh gây sạt lở nghiêm trọng hơn, chiều dài ước tính khoảng 2 km.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Phòng chống thiên tai của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Biển Cửa Lở bao giờ hết sạt lở?

Cứ bước vào mùa mưa bão, người dân khu vực biển Cửa Lở lại sống trong cảnh lo lắng, bất an khi những con sóng biển ào ạt đánh vào đất liền gây sạt lở.

Lê Khánh

Tin liên quan

Các chương trình

Miền Soóng Cọ Đại Dực làm du lịch
Phóng sự

Với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, người Sán Chay đã từng bước hình thành nên mô hình du lịch cộng đồng.

Miền Soóng Cọ Đại Dực làm du lịch
Sầu riêng miền Tây một mùa thất trái
Phóng sự

Sầu riêng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ yếu tố thời tiết nên những năm gần đây, tỷ lệ nhà vườn xử lý thành công sầu riêng vụ nghịch không cao.

Sầu riêng miền Tây một mùa thất trái