Bà mẹ 8x biến đất sét thành sạp rau củ quả ‘siêu lạ’. Nông dân Cù Lao Dung đội đèn thu hoạch mía. Kiên Giang ký thỏa thuận hợp tác thu gom bao gói thuốc BVTV. Quảng Trị hỗ trợ hơn 11 tỉ đồng thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi.
Bà mẹ 8x biến đất sét thành sạp rau củ quả ‘siêu lạ’
Thảo Phương sx
Bắp cải, rau bí, quả lê, giỏ trứng… và cả một sạp rau củ quả này đều có kích thước siêu nhỏ. Nếu không tiết lộ, sẽ chẳng ai biết những món rau, củ, quả chị Nguyễn Thị Như Quỳnh đang tự sản xuất và thu hoạch chỉ là mô hình nặn bằng đất sét.
Chị Quỳnh cho biết, chị bắt đầu biết đến việc làm mô hình bằng đất sét cách đây 10 năm sau khi vô tình đọc được một bài báo viết về chiếc kẹo mút làm từ đất sét. Để làm ra được những sản phẩm giống thật như thế này, chị Quỳnh đã mất khá nhiều thời gian lên mạng tìm hiểu về cách làm, hướng dẫn sử dụng.
Trung bình mỗi mô hình chị Quỳnh sẽ làm trong vòng 4-5 tiếng, có sản phẩm mất vài ngày để hoàn thiện. Ước tính, Chị Quỳnh đã làm được khoảng gần 1.000 sản phẩm từ lớn đến nhỏ, riêng mô hình nhà búp bê khoảng hơn chục chiếc.
Nông dân Cù Lao Dung đội đèn thu hoạch mía
Kim Anh sx
Cù Lao Dung được biết đến là địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất của tỉnh Sóc Trăng. Hiện bà con nông dân đang bước vào giai đoạn thu hoạch vụ mía chính vụ. Công ty Cổ phần mía đường Sóc Trăng bao tiêu với giá 1.320 đồng/kg. Ngoài ra nông dân được hỗ trợ chi phí thuê ghe vận chuyển, nhờ đó sau khi trừ chi phí người trồng có lợi nhuận khoảng 70 – 80 triệu đồng/ha, mang lại sự phấn khởi cho người trồng mía vì trúng mùa, được giá.
Tuy nhiên, nắng nóng gay gắt những ngày qua khiến việc thu hoạch nhiều vất vả hơn cho lực lượng lao động địa phương. Tại nhiều cánh đồng mía nông dân chọn thời điểm thu hoạch lúc 2 – 3 giờ sáng để tránh nắng nóng, hình ảnh này ít bắt gặp từ trước đến nay.
Đến thời điểm này trên 70% diện tích mía toàn huyện đã được thu hoạch, khoảng 15 – 20 ngày nữa, niên vụ mía 2023 - 2024 sẽ kết thúc.
Kiên Giang ký thỏa thuận hợp tác thu gom bao gói thuốc BVTV
Trung Chánh – Thiên Kim SX
Chi cục Trồng Trọt và Bảo vệ thực vật cùng Chi cục Bảo vệ môi trường và các doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật vừa ký biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác về việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau khi sử dụng trên địa bàn các huyện, thành phố. Sau đó tập kết, vận chuyển đi tiêu hủy tại lò nung nhiệt độ cao của nhà máy xi măng.
TS Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV tỉnh Kiên Giang cho biết, mỗi năm Kiên Giang sản xuất trên 700.000 ha lúa, làm phát sinh khoảng 755 tấn bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Tuy nhiên, từ năm 2016 cho đến nay, Chi cục phối hợp với các Công ty kinh doanh thuốc BVTV chỉ thu gom được 32,7 tấn bao gói thuốc BVTV đã qua sử dụng để mang đi tiêu hủy. Phần lớn số lượng còn lại nông dân vớt bỏ tại ruộng, gây ô nhiễm môi trường.
Quảng Trị hỗ trợ hơn 11 tỉ đồng thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi
Võ Dũng sx
UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành quyết định tạm cấp kinh phí hơn 11 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2024 hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn Châu Phi năm 2021 và 2022.
Trong đó, huyện Triệu Phong được cấp hơn 4,5 tỉ đồng; huyện Gio Linh hơn 3,9 tỉ đồng; huyện Vĩnh Linh hơn 1,5 tỉ đồng; gần 1,5 tỉ đồng cấp cho 2 huyện Hải Lăng và Cam Lộ. Số kinh phí còn lại cấp cho các huyện Đakrông, Hướng Hóa, TP. Đông Hà và thị xã Quảng Trị.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí 30% kinh phí trong cơ cấu phần ngân sách địa phương cùng với kinh phí ngân sách tỉnh tạm cấp để thực hiện việc hỗ trợ đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng.