Cán bộ khuyến nông đến với bà con vì thấy mình nên đến, cần đến
Thu hút đầu tư phát triển chuỗi giá trị lúa gạo; Quảng bá sản phẩm nước mắm truyền thống Việt Nam; Ngành mía đường Việt Nam dự báo sẽ có một năm thuận lợi; Quảng Nam hỗ trợ người dân xây dựng công trình trú bão; Phú Yên phấn đấu 60% người dân nông thôn, miền núi có nước sạch sinh hoạt.
Quỳnh Anh | 08:55 30/10/2023
Sau đây là nội dung chi tiết:
-
Cán bộ khuyến nông đến với bà con vì thấy mình nên đến, cần đến
Thưa quý vị và bà con, trong tuần qua, chuỗi sự kiện nhân kỷ niệm 30 năm thành lập hệ thống Khuyến nông Việt Nam đã diễn ra tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Chia sẻ tại buổi tọa đàm Phát triển khuyến nông cộng đồng và khuyến nông số, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan gửi gắm thông điệp rằng, điều mà cán bộ khuyến nông cần hướng đến chính là cộng đồng, là cùng làm việc và chia sẻ hạnh phúc với người nông dân. Những cán bộ nông nghiệp sẽ thật sự hạnh phúc khi chúng ta tạo ra hạnh phúc cho người nông dân, nụ cười của người nông dân là thành công, giá trị của công tác khuyến nông. Cụ thể hơn về nội dung này, Nông nghiệp Radio sẽ tiếp tục thông tin tới quý vị trong phần sau của chương trình.
- Thu hút đầu tư vào phát triển chuỗi giá trị lúa gạo
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT, đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 sẽ được triển khai từ năm 2024. Cụ thể, ngay từ vụ Đông Xuân 2023 - 2024, vùng sẽ triển khai khoảng 180.000ha. Đến năm 2025 sẽ triển khai mở rộng và đạt từ 300.000 đến 500.000 ha. Từ 2026 - 2030, mỗi năm tăng thêm 100.000 ha để đạt 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL vào năm 2030. Để đề án thành công, việc huy động các thành phần trong chuỗi giá trị thông qua những chương trình hợp tác công - tư được ưu tiên hàng đầu. Thông qua khai thác tiềm lực sẵn có của các thành phần trong chuỗi giá trị để cải thiện chất lượng và tính bền vững của lúa gạo Việt Nam.
- Quảng bá sản phẩm nước mắm truyền thống Việt Nam
Việt Nam có dư địa lớn với hơn 3.000km vùng biển trải dài khắp 28 tỉnh thành, mỗi địa phương đều có các sản phẩm mắm và nước mắm truyền thống. Đó là những sản phẩm kết tinh từ giá trị tài nguyên bản địa truyền thống văn hóa cùng với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo ra sản phẩm vừa mang tính truyền thống vuwaf đáp ứng nhu cầu hiện đại. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa có nhiều thông tin về đặc sản mắm và mắm truyền thống của các vùng miền. Do vậy, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ NN-PTNT phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam vừa tổ chức Tuần lễ giới thiệu, kết nối ẩm thực Việt Nam cho các sản phẩm nước mắm truyền thống, các món ăn đặc trưng vùng miền nhằm giới thiệu văn hóa ẩm thực Việt Nam đến người tiêu dùng, đặc biệt là các cơ quan ngoại giao, tham tán nước ngoài ở Việt Nam.
- Ngành mía đường Việt Nam dự báo sẽ có một năm thuận lợi
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam - VSSA, ngành mía đường Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị cho vụ trồng mới đông xuân và vụ ép mía 2023 – 2024, dự báo đây sẽ là một năm thuận lợi khi giá đường đang ở mức cao. VSSA cho biết, trong 2 vụ vừa qua, diện tích và sản lượng mía đã tăng trở nhưng tốc độ phục hồi diện tích còn chậm tại nhiều địa phương. Do đó, Ban Thường vụ VSSA đã tiến hành thảo luận và thống nhất về định hướng phục hồi vùng nguyên liệu mía trong thời gian tới thông qua việc tiếp tục nâng cao giá mua mía cho nông dân so với niên vụ 2022 - 2023. Đồng thời khuyến cáo, tùy vào hoàn cảnh thực tế tại địa phương, các nhà máy đường cần sớm xem xét hiệp thương với nông dân trồng mía, tiếp tục tăng giá thu mua mía nguyên liệu trong vụ mới nhằm bảo đảm nông dân đủ chi phí để yên tâm phục hồi vùng nguyên liệu.
- Quảng Nam hỗ trợ người dân xây dựng công trình trú bão
Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trước thiên tai, tỉnh Quảng Nam đã ban hành chính sách hỗ trợ cho người dân xây các phòng, chòi trú bão. Những đối tượng được hỗ trợ là các hộ gia đình có mức sống trung bình được pháp luật quy định, hộ nằm trong vùng thường xuyên xảy ra bão, lũ nhưng chưa có nhà ở kiên cố, với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, các huyện, thành phố bố trí thêm ngân sách, vận động các nguồn hỗ trợ cho nhân dân cùng nhau xây dựng nơi ở an toàn. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Nam dự kiến bố trí 100 tỷ đồng để hỗ trợ nhân dân xây dựng 10.000 chòi, phòng trú bão. Trong năm nay, tỉnh này đã phân bổ 35 tỷ đồng cho các địa phương triển khai xây dựng cho gần 3.500 hộ. Đến nay, các địa phương đã thực hiện xây dựng 650 phòng, chòi.
- Phú Yên phần đấu 60% người dân nông thôn, miền núi có nước sạch sinh hoạt
Theo kế hoạch từ nay đến 2025, tỉnh Phú Yên sẽ huy động nhiều nguồn vốn khác nhau để đầu tư trên 185 tỷ đồng cho việc khôi phục, duy trì và đảm bảo hiệu quả hoạt động 74 công trình cấp nước tập trung đã xây dựng trước đây, cung cấp nước sinh hoạt cho trên 34.000 hộ gia đình, góp phần đưa tỷ lệ người dân nông thôn, miền núi có nguồn nước sạch sinh hoạt đạt 60%. Toàn tỉnh Phú Yên hiện có hơn 80 công trình cấp nước sạch tập trung với các mô hình quản lý khác nhau. Tuy nhiên, đến nay nhiều công trình ở khu vực miền núi, dân tộc thiểu số không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. Vấn đề đầu tư, quản lý và vận hành hiệu quả các công trình này là vô cùng quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân.
- Chăn nuôi Đồng Nai đạt mức độ cơ giới hóa cao
Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, ngành chăn nuôi của Đồng Nai có quy mô tương đối lớn, với 2 loại vật nuôi chủ lực là heo và gà. Đến nay, Đồng Nai có tổng đàn heo 2,1 triệu con và gà 23 triệu con, trong đó, chăn nuôi trang trại chiếm 90% tổng đàn. Tính chung trong toàn ngành chăn nuôi của Đồng Nai, các khâu chế biến thức ăn gia súc như nghiền, trộn, băm, vệ sinh chuồng trại hầu hết đều được cơ giới hóa. Tỷ lệ cơ giới hóa hệ thống làm mát chuồng đạt 50%, có 21% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín, nhiều trang trại ứng dụng công nghệ tự động hóa trong việc điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ chuồng nuôi, cung cấp thức ăn, nước uống thu gom chất thải, thu trứng và gần 90% trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo theo cam kết bảo vệ môi trường.
-
Trên 500 cuộc tập huấn khoa học kỹ thuật được mở cho nông dân Lạng Sơn
Thông qua phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng địa hình để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp. Theo Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn, để sản xuất kinh doanh có hiệu quả, các cấp Hội đã tích cực vận động hội viên tham gia thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, đến năm 2023, các cấp Hội Nông dân Lạng Sơn đã thành lập được trên 210 tổ hợp tác, hợp tác xã. Giai đoạn năm 2018 – 2023, Hội đã phối hợp mở trên 510 cuộc tập huấn khoa học kỹ thuật cho trên 12.800 lượt hội viên nông dân, phối hợp mở lớp dạy nghề cho gần 1.500 lượt hội viên, nông dân.
Nhạc cắt
Đối thoại
Thưa quý vị và bà con, ra đời từ năm 1993, con đường phát triển của hệ thống khuyến nông Việt Nam gắn liền với sự phát triển của nền nông nghiệp nước ta từ bảo đảm an ninh lương thực đến khẳng định vị thế của một cường quốc xuất khẩu nông sản. 30 năm qua, khuyến nông giữ vai trò chủ lực trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, tạo nên những dấu ấn sâu đậm, đóng góp quan trọng vào phát triển sản xuất nông nghiệp giá trị cao, mang lại ý nghĩa kinh tế, chính trị và xã hội sâu sắc. Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập hệ thống khuyến nông Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan gửi lời chúc mừng và có những thông điệp về sứ mệnh của những người làm công tác khuyến nông.
Băng
Tiến Thành
Nhạc
Nội dung vừa rồi cũng kết thúc bản tin Nông nghiệp hôm nay. Chương trình do BTV Xuân Hào biên soạn, Quý vị và bà con có thể liên hệ với chương trình qua số hotline: 0912.145.266
Xin kính chào quý vị và bà con, hẹn gặp lại quý vị và bà con ở bản tin sau!
Cán bộ khuyến nông đến với bà con vì thấy mình nên đến, cần đến
Thu hút đầu tư phát triển chuỗi giá trị lúa gạo; Quảng bá sản phẩm nước mắm truyền thống Việt Nam; Ngành mía đường Việt Nam dự báo sẽ có một năm thuận lợi; Quảng Nam hỗ trợ người dân xây dựng công trình trú bão; Phú Yên phấn đấu 60% người dân nông thôn, miền núi có nước sạch sinh hoạt.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Quy mô chăn nuôi bò thịt giảm dù nhu cầu tiêu dùng tăng; Liên kết chuỗi là giải pháp để ngành tôm phát triển; Cấm đánh bắt thủy sản tại hồ Dầu Tiếng 30 ngày.
Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ đêm và sáng trời rét, ngày trời lạnh. Từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục có mưa lớn diện rộng.