Trồng lúa hữu cơ gọi sếu đầu đỏ quay về

Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đang triển khai Dự án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim, nhằm phục hồi đàn sếu tự nhiên, xây dựng cánh đồng sản xuất lúa hữu cơ và quảng bá du lịch, tạo môi trường để đàn sếu quay về.

Kim Anh  | 

Trồng lúa hữu cơ gọi sếu đầu đỏ quay về

Tự động

Trồng lúa hữu cơ gọi Sếu đầu đỏ quay về

MC 1:

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Nông nghiệp hữu cơ.

Thưa quý vị và bà con, Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đại diện cho hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên cuối cùng còn sót lại của Đồng Tháp Mười xưa. Đây cũng là khu Ramsar thứ 4 Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới. Là nơi kiếm ăn và sinh sống của 232 loài chim, trong đó có 32 loài quý hiếm, 16 loài nằm trong sách đỏ, đặc biệt là Sếu đầu đỏ. Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đang triển khai Dự án bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim, nhằm phục hồi đàn sếu tự nhiên, xây dựng cánh đồng sản xuất lúa hữu cơ và quảng bá du lịch. Tương lai, những cánh đồng cả ngàn ha lúa hữu cơ sẽ được hình thành nhờ sự chung tay của bà con nông dân, trồng lúa thân thiện môi trường, tiến dần đến xây dựng chứng nhận lúa sinh thái ở vùng đệm Vườn quốc gia Tràm Chim.

Bây giờ, chúng ta sẽ cùng phóng viên Kim Anh ghé thăm những cánh đồng lúa hữu cơ của vùng đất Tam Nông màu mỡ, quý vị nhé:

MC 2:

  Vùng đệm của Vườn quốc gia Tràm Chim nằm trải mình trên địa bàn 5 xã của huyện Tam Nông là Phú Thọ, Phú Thành B, Phú Hiệp, Phú Đức, Tân Công Sính. Theo những nông dân sống lâu năm ở khu vực này, trước đây nơi đây trồng rất nhiều cây năn, bà con đã thấy Sếu đầu đỏ đến kiếm ăn và sinh sống.

  Do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là người dân khu vực vùng đệm sản xuất lúa, hoa màu, cây ăn trái phần lớp sử dụng phân bón hoá học, thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh, ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài chim, cò và Sếu đầu đỏ, từ đó số lượng Sếu đầu đỏ về Tràm Chim càng lúc càng giảm.

Sếu đầu đỏ được tái phát hiện ở Tràm Chim vào năm 1985, đặc biệt có thời điểm số lượng sếu được ghi nhận hơn 1.000 cá thể. Đến giai đoạn cuối năm 1990, Vườn quốc gia Tràm Chim được xem là khu vực có nhiều Sếu đầu đỏ nhất trong vùng hạ lưu sông Mê Kong. Sự hiện diện của Sếu đầu đỏ là một trong những lý do quan trọng cho việc hình thành khu bảo tồn đất ngập nước Tràm Chim, tiền thân của Vườn quốc gia Tràm Chim ngày nay.

  Để thực hiện thành công công tác bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim, ngành nông nghiệp huyện Tam Nông đã vận động bà con nông dân trồng lúa theo hướng hữu cơ, đến nay đã bước vào mùa vụ thứ 2.

  Ông Nguyễn Văn Mẫn ở ấp Phú Xuân, xã Phú Đức là một trong những nông dân tiên phong trồng lúa theo hướng hữu cơ ở vùng đệm. Bởi theo ông, Sếu đầu đỏ đã trở thành biểu tượng, niềm tự hào với mỗi người dân ở Tam Nông, việc phục hồi lại môi trường tự nhiên cho sếu sinh sống rất cần sự chung tay của cộng đồng. Ông Nguyễn Văn Mẫn bộc bạch.

[Băng NGUYEN VAN MAN]: “Nông dân mình tập tành sử dụng phân thuốc hữu cơ, sinh học tạo điều kiện cho môi trường sạch cho sếu về. Trước đây mười mấy năm về trước nó cũng về đây lâu quá rồi, ô nhiễm môi trường quá nó không về được. Áp dụng mô hình lúa hữu cơ, lúa sạch này còn tác động đến con người mình nữa. Chình vì vậy chúng tôi vận động bà con nông dân nên tham gia mô hình lúa hữu cơ”

  Từ vụ hè thu năm 2023, 37ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ đã được nông dân xã Phú Đức và Tân Công Sính trồng thí điểm. Năng suất thu hoạch cuối vụ ghi nhận được 6 - 6,5 tấn/ha, tương đương so với phương pháp sản xuất truyền thống. Hiện giá lúa đang được thu mua ở mức cao khoảng 9.000 đồng/kg đối với giống OM18, bà con nông dân thu lợi nhuận cao. Bên cạnh đó là tiết giảm được nhiều chi phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công lao động.

  Thành công bước đầu này đã tạo động lực cho ngành nông nghiệp huyện cũng như bà con nông dân mở rộng quy mô. Hơn 112ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ được triển khai trong vụ thu đông 2023 cho 20 xã viên của HTX nông nghiệp Phú Xuân. Ngành nông nghiệp huyện đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân ứng dụng các biện pháp canh tác tiên tiến, giảm lượng giống gieo sạ, ứng dụng máy móc cơ giới hóa vào sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Ông Lê Văn Hùng, Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Xuân đánh giá, nhờ ứng dụng phương pháp canh tác tiên tiến, năng suất lúa sản xuất theo hướng hữu cơ “nhỉnh” hơn so với cách làm truyền thống.

[Băng LE VAN HUNG]: “Vụ thứ hai cộng thêm 5%, vụ thứ ba cộng thêm 8%, vụ thứ 4, thứ 5 sẽ cộng lên hoài. Tức là lúc đó lúa mình đã an toàn, là lúa sạch rồi, sẽ kết giá theo giá địa phương, giá thị trường ở đây”.

  Toàn huyện Tam Nông có tổng diện tích sản xuất nông nghiệp trên 32.000 ha, trong đó diện tích trồng lúa khoảng 30.000 ha. Huyện phấn đấu đưa toàn bộ diện tích này sản xuất theo hướng hữu cơ.  Nhằm tạo nơi “đáp” an toàn cho Sếu đầu đỏ, cũng là nơi phục hồi đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động từ canh tác lúa truyền thống. Hướng tới xây dựng thương hiệu “Gạo Sếu” đạt chứng nhận sinh thái. Ông Lưu Văn Tiến, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tam Nông chia sẻ:

[Băng LUU VAN TIEN]: “Thật sự vụ đầu tiên vận động rất khó, ban đầu mình đưa ra giải pháp, rồi cái hướng khi mình nói những chú, anh đi dự người ta rất thích, người ta đăng ký tham gia. Thời điểm đó đăng ký rất nhiều, vụ đầu tiên người ta đăng ký cả trăm ha. Nhưng khi bước vào sản xuất thực tế thì diện tích giảm lại, một số người rút ra không tham gia. Những người muốn làm nhưng chưa mạnh dạn lắm, muốn để cho ông kia làm xem hiệu quả sao rồi mới làm theo. Khi 37 ha này hiệu quả mình tổ chức hội thảo đánh giá đến vụ thu đông này diện tích tăng lên, từ chỗ đó mình thấy hướng mình đi đúng và được sự đồng thuận của người dân”.

  Dự kiến, trong giai đoạn 2023 – 2027, huyện Tam Nông sẽ thực hiện sản xuất lúa sinh thái kết hợp vùng nuôi thả Sếu đầu đỏ tự nhiên đạt diện tích 200 ha. Tiếp tục nhân rộng lên 950ha đến năm 2032.

  Hiện nay đã có một số doanh nghiệp đặt vấn đề liên kết, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo sản xuất theo hướng hữu cơ của bà con nông dân. Ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh công tác xúc tiến và có những ký kết chính thức tạo niềm tin cho bà con nông dân tham gia.

MC 1: Thưa quý vị, việc chuyển đổi dần vùng trồng lúa truyền thống sang hướng hữu cơ, sinh thái là hướng đi hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh ngành nông nghiệp dịch chuyển theo hướng sản xuất giảm phát thải, đặc biệt thời điểm giá lúa gạo tăng cao như hiện nay, nông dân thụ hưởng được nhiều lợi ích.  Mô hình này cũng góp phần phát triển du lịch sinh thái của địa phương, tạo sinh kế ổn định ở vùng đệm Vườn quốc gia, góp phần chung tay cùng chính quyền địa phương phát triển kinh tế, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

MC 2: Bây giờ mời quý vị và bà con cùng đến với một số tin vắn về hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cả nước.

MC 1: tin 1

Thưa quý vị và bà con,

Vụ mùa năm nay, lần đầu tiên tỉnh Bắc Kạn có diện tích lúa được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Chứng nhận này được Công ty Cổ phần Chứng nhận và Kiểm nghiệm FAOcấp cho Tổ hợp tác Sản xuất lúa hữu cơ Yên Phong. Lúa hữu cơ của địa phương được bán với giá 12.000 đồng/kg thóc khô. Trồng thành công lúa hữu cơ trên đồng đất của tỉnh đã giúp người dân tăng lợi nhuận khoảng 30% so với thông thường. Đây cũng là tiền đề để tỉnh Bắc Kạn chuyển giao khoa học kỹ thuật, mở rộng vùng trồng lúa hữu cơ, hướng đến sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao.

MC 2: tin 2

Khoảng 2 năm trở lại đây, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình đã triển khai mô hình nuôi lợn hướng hữu cơ, sử dụng đệm lót sinh học tại một số địa phương trong tỉnh. Trong mô hình này, thức ăn của lợn được cân bằng giữa thức ăn chăn nuôi và thức ăn người nuôi tận dụng từ các sản phẩm nông nghiệp như gạo, cám, bột ngô, bã sắn, thân chuối, các loại rau… Những sản phẩm nông nghiệp được ủ lên men làm thức ăn cho đàn lợn. Nền chuồng lợn được lót thảm sinh học, được phối trộn giữa trấu và mùn cưa với men vi sinh. Trong quá trình nuôi, người chăn nuôi không phải tắm cho lợn hoặc không cần dùng nước xịt rửa chuồng hàng ngày. Sau 4 tháng, trọng lượng trung bình lợn đạt 105-110 kg/con, một số mô hình đã xuất bán vào cuối tháng 10. Với giá bán 54.000 đồng/kg, mô hình này cho người nuôi lãi khoảng 2 triệu đồng/con lợn thương phẩm.

MC 1: tin 3

Từ năm 2019 đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lạng Sơn đã hỗ trợ thực hiện 4 mô hình sản xuất hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ và tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho các hộ dân tham gia mô hình. Từ những mô hình do nhà nước hỗ trợ, phong trào áp dụng các giải pháp kỹ thuật trên cây hồi đã từng bước lan tỏa rộng rãi, hình thành nên các vùng sản xuất hồi hữu cơ, nâng cao hiệu quả kinh tế, đáp ứng yêu cầu chế biến và xuất khẩu. Hiện tỉnh Lạng Sơn đã có 720ha hồi được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, tập trung chủ yếu ở huyện Chi Lăng, Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn. Năng suất hồi trong mô hình cao hơn 20 - 30% do được bổ sung phân bón hữu cơ vào các thời điểm nuôi quả. Tỷ lệ cây sai hoa, quả trên 60% mỗi cây cho thu hoạch 32,5kg hoa, năng suất hoa ước đạt 1,3 tấn/ha.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Nông nghiệp hữu cơ của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Trồng lúa hữu cơ gọi sếu đầu đỏ quay về

Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đang triển khai Dự án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim, nhằm phục hồi đàn sếu tự nhiên, xây dựng cánh đồng sản xuất lúa hữu cơ và quảng bá du lịch, tạo môi trường để đàn sếu quay về.

Kim Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Bệnh ung thư đang có xu hướng gia tăng
Sức khỏe

Ung thư là bệnh lý diễn tiến âm thầm. Do đó, việc phát hiện sớm bệnh là yếu tố cực kì quan trọng, quyết định chất lượng điều trị bệnh.

Bệnh ung thư đang có xu hướng gia tăng
Mùa hè bệnh dại bùng phát, đừng để chết vì chủ quan
Sức khỏe

Mặc dù bệnh dại đã có vacxin nhưng vẫn còn nhiều ca tử vong sau khi bị chó, mèo cắn. Phải chăng tâm lý chủ quan đã khiến cho người phải trả giá đáng tiếc.

Mùa hè bệnh dại bùng phát, đừng để chết vì chủ quan