Cần thêm những chính sách đủ mạnh để nâng cao sức khỏe đất trồng

Những hành động cụ thể bảo vệ, phục hồi và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt vẫn còn thiếu, đòi hỏi các chính sách đủ mạnh cho lĩnh vực này trong thời gian tới.

Quỳnh Anh - Trung Quân  | 16:05 29/10/2024

Cần thêm những chính sách đủ mạnh để nâng cao sức khỏe đất trồng

Tự động

Cần thêm những chính sách đủ mạnh để nâng cao sức khỏe đất

Dự án Trồng trọt (Quỳnh Anh – Trung Quân)

MC 1: Sơn Tùng

MC 2: Quỳnh Anh

 

MC 1: Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio.

Thưa quý vị và bà con, trong bối cảnh đất đai bị suy thoái nghiêm trọng, trong khi ngành nông nghiệp đang chuyển mình theo các xu thế về sản xuất an toàn, tăng trưởng xanh, thân hiện với môi trường, việc tăng cường sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng là điều kiện quan trọng để bảo vệ hệ sinh thái nông nghiệp phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm. Ở Việt Nam, sức khỏe đất trồng trọt và quản lý dinh dưỡng cây trồng đang đối mặt với nhiều vấn đề, đòi hỏi các chính sách hỗ trợ cụ thể để khuyến khích sự vào cuộc, hành động mạnh mẽ hơn trong các hoạt động liên quan.

MC 1:

Thưa quý vị và bà con, thực trạng thoái hóa đất, suy giảm chất lượng đất đang ở mức báo động trong nhiều năm nay, ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực của kinh tế xã hội và nặng nề nhất là với trồng trọt. Trước bối cảnh đó, ngành nông nghiệp ở các địa phương thời gian qua đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến phát triển, mở rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ để bảo vệ sức khỏe đất, tăng cường dinh dưỡng cho cây trồng.

Là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều sản phẩm đặc trưng, những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực xây dựng thương hiệu cho nhiều mặt hàng nông sản, trong đó có trái bưởi. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 4.000 ha bưởi, sản lượng ước đạt 25 nghìn tấn, giá trị ước đạt khoảng 400 đến 500 tỷ đồng. Nhiều địa phương đã phát triển thành vùng bưởi hàng hóa, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều hộ dân, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới. Cây bưởi cho thu nhập cao gấp 6 lần so với trồng lúa, gấp 20 lần trồng cây lâm nghiệp và 5 lần so với trồng chè. Trong những vùng trồng bưởi ở Phú Thọ, bưởi Đoan Hùng của huyện Đoan Hùng là sản phẩm đã được xây dựng chỉ dẫn địa lý.

Tại vùng bưởi nổi tiếng này, những năm qua, địa phương đã nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe đất và cân bằng dinh dưỡng cây trồng trong việc phát triển sản phẩm đặc sản này để đáp ứng nhu cầu thị trường, từ đó mở rộng diện tích canh tác hữu cơ và tăng cường quản lý sinh vật gây hại bằng biện pháp sinh học. Ông Đỗ Chí Thành, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Đoan Hùng cho biết:

Băng Ông Đỗ Chí Thành

MC 2

Dù thực trạng suy thoái đất ngày càng nghiêm trọng và các mô hình bảo vệ sức khỏe đất cùng dinh dưỡng cây trồng đã được thực hiện. Tuy nhiên, những hành động bảo vệ, phục hồi và nâng cao sức khỏe đất phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học vẫn chưa được triển khai nhiều và đồng bộ. Trên thực tế cho thấy, đến nay vẫn chưa có các chính sách cụ thể cũng như nguồn lực để hỗ trợ các hoạt động quản lý, nâng cao sức khỏe đất phục vụ ngành trồng trọt. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dữ liệu về dinh dưỡng đất, sử dụng đất trồng trọt mới chỉ triển khai rải rác tại một số địa phương chưa được thực hiện đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Trước bối cảnh đó, Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã được Bộ NN-PTNT chính thức phê duyệt. Đề án được kỳ vọng giúp nâng cao sức khỏe đất trồng trọt và quản lý dinh dưỡng cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên gắn với chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Để triển khai đề án hiệu quả, theo ông Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam, chúng ta cần xem xét kinh nghiệm từ các quốc gia khác, đồng thời xây dựng lộ trình riêng hỗ trợ phục hồi cho các nhóm cây trồng.

Băng ông Nguyễn Văn Tuất

MC 2:

Trong những năm qua, cùng với mối quan tâm chung của thế giới, Việt Nam cũng đã có các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý, duy trì và nâng cao chất lượng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, các quy định mới chỉ mang tính chất khung và định hướng, chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể cũng như những hỗ trợ mang tính thiết thực để phát huy được hết hiệu lực, hiệu quả vào thực tiễn. Thêm vào đó, việc triển khai còn chưa mang tính đồng bộ trên cả nước mà vẫn chỉ dừng lại ở một số địa phương nhất định đã làm cho công tác quản lý sức khỏe đất trồng trọt chưa thực sự đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

Do đó, đây là thời điểm cần nhìn nhận lại toàn bộ các hoạt động từ nghiên cứu, sử dụng và quản lý đất sản xuất nông nghiệp cũng như phân bón và dinh dưỡng cây trồng, xác định rõ những yêu cầu của thực tế sản xuất, tìm ra những lỗ hổng trong nghiên cứu… Đối với Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được ban hành, PGS.TS Trần Minh Tiến, Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận ý kiến từ phía cơ quan quản lí và phía người sử dụng đất. Từ đó, đặt ra khung quản lí chung để điều phối các hoạt động và chính sách, đảm bảo tính đồng nhất khi áp dụng trên thực tế.

Băng PGS.TS Trần Minh Tiến

MC 1:

Thưa quý vị và bà con, thực trạng thoái hóa đất, suy giảm chất lượng đất đang ở mức báo động trong nhiều năm nay. Bên cạnh đó, hiện tượng mất cân bằng dinh dưỡng cây trồng cũng trở nên khá phổ biến ở tất cả các vùng sản xuất nông nghiệp trên cả nước. Thế nhưng những hành động cụ thể để bảo vệ, phục hồi và nâng cao sức khỏe đất phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học và quản lý dinh dưỡng trên cây trồng vẫn chưa được triển khai nhiều và đồng bộ. Điều này đòi hỏi các chính sách dành cho lĩnh vực này cần được quan tâm hơn trong thời gian tới, được triển khai tới từng địa phương và người nông dân để qua đó duy trì sự tăng trưởng của lĩnh vực trồng trọt nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung, để nông nghiệp Việt Nam phát triển một cách toàn diện, bền vững.

MC 2: Bây giờ mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn liên quan tới lĩnh vực trồng trọt

MC1:

Thưa quý vị và bà con,

Vụ đông năm nay, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các địa phương khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong đó chú trọng liên kết với các doanh nghiệp thực hiện mô hình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm để nâng cao năng suất, sản lượng. Đến nay, toàn huyện đã gieo trồng được gần 650ha cây vụ đông, đạt 35% kế hoạch, tập trung chủ yếu là các cây ngô, su hào, bắp cải, cà chua, bí xanh và các loại rau ngắn ngày. Hiện huyện chỉ đạo các đơn vị phân công cán bộ chuyên môn thường xuyên bám sát cơ sở, tập huấn cho bà con nông dân nắm bắt khoa học kỹ thuật, đồng thời có những dự báo các đối tượng sâu bệnh hại cây vụ đông cho các địa phương và nông dân phòng trừ hiệu quả.

MC 2:

Với diện tích đất nông nghiệp ngoài bãi hơn 2 nghìn héc-ta, vùng bãi của thành phố Hưng Yên từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong đời sống sản xuất của người nông dân. Những năm qua, đất bãi đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ gia đình, từ việc trồng cây hằng năm như chuối, ngô, dược liệu, hoa, rau màu, cho đến các loại cây lâu năm như nhãn, cam. Theo tổng hợp của Phòng Kinh tế thành phố Hưng Yên, thành phố đã tích cực phối hợp với các xã, phường có diện tích đất bãi để hướng dẫn, hỗ trợ người dân các biện pháp kỹ thuật nhằm phục hồi sản xuất sau bão số 3. Hiện, khoảng 70% diện tích canh tác vùng bãi trên toàn thành phố đã được khôi phục sản xuất. Nông dân được hỗ trợ một phần giống ngô, rau màu để giảm bớt khó khăn khi bắt tay vào sản xuất vụ mới.

MC 1:

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lớn vào dịp Tết Nguyên đán, hiện nay các địa phương trong tỉnh Hà Nam đang tập trung đẩy mạnh mở rộng diện tích gieo trồng trên cả đất chuyên màu và đất lúa. Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và kiểm lâm Hà Nam cho biết, thời vụ gieo trồng cây vụ Đông còn khoảng gần 1 tháng nữa. Vì vậy, khả năng diện tích sản xuất sẽ được nâng lên vượt từ 10-15% kế hoạch. Đây chính là điều kiện để bù vào diện tích và giá trị một số cây ưa ấm đạt thấp. Giá trị sản xuất của cây vụ Đông được chứng minh, bình quân đạt 7-10 triệu đồng/sào/vụ, có thời điểm lên đến 15 triệu đồng/sào/vụ. Hiện nay, thời tiết đang rất thuận lợi cho quá trình sản xuất vụ Đông nói chung.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Cần thêm những chính sách đủ mạnh để nâng cao sức khỏe đất trồng

Những hành động cụ thể bảo vệ, phục hồi và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt vẫn còn thiếu, đòi hỏi các chính sách đủ mạnh cho lĩnh vực này trong thời gian tới.

Quỳnh Anh - Trung Quân

Tin liên quan

Các chương trình

Bảo vệ những vùng cam đặc sản
Phóng sự

Canh tác hữu cơ, nâng cao sức khỏe của đất là giải pháp tối ưu được ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương đưa ra để bảo vệ sức khỏe của những vùng cam.

Bảo vệ những vùng cam đặc sản
Niềm vui được mùa trên những vùng đất khỏe
Phóng sự

Sau nhiều năm theo đuổi mô hình nông nghiệp tốt, giờ đây nhiều nông dân ở tỉnh Tuyên Quang thu về thành quả khi những vườn cây cho năng suất cao và được giá.

Niềm vui được mùa trên những vùng đất khỏe