‘Cánh tay nối dài’ của ngành kiểm lâm, ngăn nguy cơ cháy rừng

Bước vào cao điểm mùa khô, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng phối hợp cùng các đơn vị liên quan đã chủ động nhiều giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.

Kim Anh  | 10:49 13/03/2024

‘Cánh tay nối dài’ của ngành kiểm lâm, ngăn nguy cơ cháy rừng

Tự động

‘Cánh tay nối dài’ của ngành kiểm lâm, ngăn nguy cơ cháy rừng

Bài: Kim Anh

MC1: Minh Thủy

MC2: Kim Anh

MC 1: Thưa quý vị và bà con, thời điểm này, các tỉnh thành khu vực miền Tây Nam Bộ đang bước vào cao điểm mùa khô. Thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài nhiều ngày qua, điều này dự báo nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, nếu không có phương án phòng ngừa khẩn cấp.

Sóc Trăng là một trong những địa phương có diện tích đất rừng lớn ở khu vực ĐBSCL, với trên 10.200ha, tập trung phần lớn tại các huyện: Cù Lao Dung, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Trước tình hình này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp cùng các đơn vị có liên quan chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, tránh bị động, bất ngờ khi có tình huống xấu xảy ra. Ghi nhận sau đây của phóng viên Nông nghiệp radio khu vực ĐBSCL sẽ giúp quý vị hiểu rõ hơn về những nỗ lực của địa phương, mời quý vị cùng nghe.

MC 2:

Theo chân lực lượng chuyên trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng và các cơ quan chuyên môn liên quan, hành trình của các anh hôm nay là tiến hành kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô tại Phân trường Thạnh Trị nằm trên địa bàn xã Long Bình, TX Ngã Năm, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Sóc Trăng quản lý, bảo vệ.

Băng qua nhiều cánh rừng tràm, đoàn ghé lại một điểm nằm ngay vùng lõi. Hầu hết bề mặt ở đây có lớp thực bì khá dày, với nhiều lá cây, lau sậy rất khô. Bên dưới các kênh mương lớn trữ nước hầu như khô cạn ở mức đáng báo động. Đơn vị quản lý đã đưa ra mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng ở cấp độ V.

Ông Phạm Thanh Tùng, Phó Giám đốc Phân trường Thạnh Trị, người túc trực 24/24 tại phân trường này cho hay, trước đó nhận thấy tình hình khô hạn đang ở mức cao, đơn vị cho nạo vét kênh mương thông thoáng. Đồng thời, máy móc trang thiết bị phục vụ yêu cầu chữa cháy đồng loạt được kiểm tra thường xuyên. Bên cạnh đó, nhiên liệu chạy máy cùng các công cụ thô sơ khác luôn được chuẩn bị sẵn sàng để kịp thời ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

Tiếp tục theo dõi tình hình khô hạn, duy trì bảo dưỡng trang thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng để đảm bảo không có sự cố xảy ra hoặc khi có sự cố xảy ra sẽ xử lý nhanh, chuyên nghiệp, giảm thiệt hại rừng ở mức thấp nhất. Đó là những nổ lực Phân trường Thạnh Trị đang thực hiện để bảo vệ những cánh rừng thân yêu. Ông Phạm Thanh Tùng, Phó Giám đốc Phân trường Thạnh Trị cho biết thêm:

[Băng PHAM THANH TUNG]: “Phân trường thành lập được 5 tổ phòng cháy, chữa cháy rừng với 27 thành viên. Ở tại phân trường cũng bố trí anh em trực thường xuyên 24/24. Cách vài ngày cũng sẽ khởi động, kiểm tra thường xuyên dụng cụ, công cụ”. 

Nhằm bảo vệ tài nguyên rừng, môi trường sinh thái tự nhiên trong cao điểm mùa khô, ngay từ đầu năm Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền kiến thức liên qua kỹ năng phòng cháy, chữa cháy rừng cho thành viên các tổ bảo vệ rừng, cũng như người dân sinh sống xung quanh khu vực. Với cách làm này, đại đa số cán bộ, người dân nâng cao được tính chủ động, đảm bảo sự phối hợp một cách chặt chẽ, khoa học với các lực lượng tham gia chữa cháy rừng. Ông Ngô Văn Hãnh, Thành viên Tổ phòng cháy, chữa cháy rừng – Phân trường Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng bộc bạch:

[Băng NGO VAN HANH]: “Công tác chuẩn bị của anh em ở đây cũng rất kĩ lưỡng. Mỗi tuần đều có một đội đi tuần tra, sáng chiều đều có hết. Quá trình tuần tra thì anh em cũng nhắc nhở nhau hạn chế hút thuốc hoặc mang các vật dụng dễ cháy vào rừng, tại hiện giờ báo động cháy đang rất cao”.

Song song đó, những buổi diễn tập chữa cháy rừng cũng thường xuyên được thực hiện, từ đây người dân trở nên thạo hơn trong việc xử lý tình huống. Các chủ rừng và người dân sống ven khu vực đều có ý thức cao trong việc chấp hành tốt các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; trở thành “cánh tay nối dài” của lực lượng Kiểm lâm trong việc ngăn ngừa nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Đây cũng là cơ sở để Ban quản lý các phân trường đánh giá chính xác hiện trạng dụng cụ, máy móc phục vụ cho công tác chữa cháy rừng tại đơn vị. Ông Nguyễn Thanh Quang, Phó đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động – Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng chia sẻ:

[Băng NGUYEN THANH QUANG]: “Chúng tôi cũng phối hợp với các ban, ngành xây dựng kế hoạch phối hợp giữa công an, quân đội, chính quyền địa phương, tổ chức kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy và trang thiết bị của các phân trường. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát lửa, đặc biệt là không sử dụng lửa trong rừng dưới mọi hình thức. Bố trí cán bộ trực 24/24, tại tháp canh và các chốt đều có trang bị máy đầy đủ để phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy”.

Từ sự hưởng ứng và tham gia tích cực của người dân và sự nỗ lực của các cơ quan chuyên môn, nhiều năm gần đây, những cánh rừng ở tỉnh Sóc Trăng được bảo vệ an toàn, chưa ghi nhận sự cố cháy rừng xảy ra.

Tuy nhiên, trước nguy cơ dự báo cấp độ cháy cực kì nguy hiểm trong mùa khô năm nay, công tác phòng và chữa cháy rừng để đạt hiệu quả cao đòi hỏi từng cá nhân, hộ gia đình sống ven rừng nâng cao ý thức, trách nhiệm hơn nữa. Ông Nguyễn Hiếu Học, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng thông tin:

[Băng NGUYEN HIEU HOC]: “Tại văn phòng của Chi cục Kiểm lâm chúng tôi cũng bố trí trực 24/24, cả thứ bảy và chủ nhật, liên tục từ đây cho đến hết tháng 6 để kịp thời báo cáo cho các cấp”.

MC 1: Vâng thưa quý vị và bà con, bên cạnh các giải pháp cấp bách đang được ngành chuyên môn triển khai, người dân cũng cần tăng cường tham gia các lớp phòng cháy, chữa cháy nhằm trang bị kiến thức về kỹ năng chữa cháy rừng và các quy định pháp luật có liên quan; để chung tay bảo vệ tài nguyên rừng, góp phần quan trọng vào kế hoạch thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

MC2: Bây giờ sẽ là những thông tin về hoạt động lâm nghiệp vừa diễn ra trên địa bàn cả nước:

MC1: Thưa quý vị và bà con, trong khi diện tích rừng trên thế giới suy giảm mạnh, diện tích rừng trồng đạt thấp thì Việt Nam nổi lên là một trong 10 quốc gia có diện tích rừng trồng lớn nhất thế giới. Tại Việt Nam, ước tính có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ theo đơn giá Việt Nam đã bán cho Ngân hàng Thế giới trong năm 2023, mỗi năm có thể thu về hàng trăm triệu USD. Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cũng nhận định, việc phát triển thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam là phù hợp. Năm 2023, nước ta đã thu được 997 tỷ đồng từ dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon rừng, góp phần chi trả kinh phí để bảo vệ khoảng 7,3 triệu ha rừng.

MC2: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông hiện quản lý hơn 14,3 nghìn ha, trải dài trên 22 tiểu khu. Diện tích quy hoạch lâm nghiệp là hơn 12,7 nghìn ha, trong đó có hơn 7,5 nghìn ha đất có rừng. Đây là 1 trong những lâm phần có tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn biến đặc biệt phức tạp những năm gần đây. Tháng 2 vừa qua, lâm phần quản lý của Công ty xảy ra 6 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Lũy kế trong 2 tháng đầu năm, tại diện tích của Công ty Quảng Sơn quản lý đã xảy ra 10 vụ vi phạm lâm luật. Dù vậy, số vụ phá rừng và diện tích rừng bị phá giảm sâu so với cùng kỳ.

MC1: tại Kiên Giang, từ đầu mùa khô cho đến nay, địa phương này đã xảy ra 7 vụ cháy rừng ở Vườn quốc gia Phú Quốc, với tổng diện tích cháy hơn 14 ha. Trước tình hình thời tiết vẫn diễn biến khắc nghiệt, Kiên Giang đang dồn lực triển khai các biện pháp bảo vệ rừng. Theo đó, các đơn vị chủ rừng đã tổ chức thực hiện các biện pháp phòng cháy rừng theo phương án được duyệt. Tiến hành cày, ủi đường băng cản lửa với tổng diện tích là 623 ha. Đắp, gia cố nhiều đập giữ nước, cống điều tiết nước, nạo vét giếng khơi trữ nước, bố trí bồn, bể trữ nước tại các khu vực trọng yếu, có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Phát dọn thực bì, phát quang đường tuần tra. Nạo vét hố chứa nước trong rừng và bơm bổ sung hơn 2,5 triệu m3 nước vào rừng.

Nội dung vừa rồi cũng kết thúc chương trình Phát triển lầm nghiệp hôm nay, xin kính chào và hẹn gặp lại.

Tự động

‘Cánh tay nối dài’ của ngành kiểm lâm, ngăn nguy cơ cháy rừng

Bước vào cao điểm mùa khô, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng phối hợp cùng các đơn vị liên quan đã chủ động nhiều giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.

Kim Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Linh hoạt các biện pháp để bảo vệ bờ biển trước xâm thực, xói lở
Phóng sự

Trước diễn biến xâm thực và xói lở, Bà Rịa - Vũng Tàu cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo vệ tuyến bờ biển mà không ảnh hưởng đến hoạt động khác.

Linh hoạt các biện pháp để bảo vệ bờ biển trước xâm thực, xói lở
Người Mông ở Suối Bu cải tạo đất, trồng rau sạch trong vụ đông
Phóng sự

Những mảnh đất từng bỏ hoang vào mùa đông giờ đây sẽ tạo ra nguồn thu nhập ổn định, giúp bà con có thêm hy vọng về một cuộc sống bền vững hơn.

Người Mông ở Suối Bu cải tạo đất, trồng rau sạch trong vụ đông