Cây dược liệu, làng du lịch và câu chuyện sinh kế dưới tán rừng
Cây dược liệu, làng du lịch và câu chuyện sinh kế dưới tán rừng; Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật; Nhiều ngư dân trắng tay vì hỏa hoạn bùng phát trong đêm; 7 tháng, 66 điểm sạt lở xảy ra tại Tiền Giang; Thiệt hại hơn 50ha dưa hấu do mưa lớn kéo dài; Người trồng thanh trà xứ Huế gặp khó; Làm giàu từ nuôi hải sản nước ngọt.
Quỳnh Anh | 09:19 31/07/2023
-
Cây dược liệu, làng du lịch và câu chuyện sinh kế dưới tán rừng
Sau đây là nội dung chi tiết:
- Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật
Thưa quý vị và bà con,Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đồng ý về chủ trương xây dựng Nghị định quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật và giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Chính phủ trong Quý 4/2024. Trong quá trình xây dựng cần xác định rõ phạm vi của Nghị định, nội dung các chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật, đảm bảo đúng quy định pháp luật, không trùng lặp, chồng chéo với các chính sách hiện hành, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực.
Phạm Hiếu
- Cây dược liệu, làng du lịch và câu chuyện sinh kế dưới tán rừng
Trong tuần qua, Bộ NN-PTNT tổ chức Tọa đàm về bảo tồn thiên nhiên và phát triển sinh kế vùng đệm tại các Vườn quốc gia và Khu bảo tổn thiên nhiên tại Việt Nam. Chia sẻ tại Tọa đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, lâu nay chúng ta vẫn tiếp cận rừng dưới góc độ lâm sinh, lâm nghiệp mà chưa tiếp cận theo giá trị đa dụng của hệ sinh thái. Do đó, cần có một góc nhìn khác để phù hợp hơn với thực tế hiện nay, không chỉ là kỹ thuật mà còn ở góc độ nhân văn, xã hội, con người và văn hoá. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng cần nâng cao đời sống của người kiểm lâm để tương xứng với nhiệm vụ giữ màu xanh cho thế hệ hôm nay và mai sau. Cụ thể hơn về nội dung này, Nông nghiệp Radio sẽ gửi tới quý vị trong phần sau của chương trình.
Duy Học
-
Sa Pa dành 280ha đất trồng nhiều loại dược liệu quý
Thời gian qua, Viện Dược liệu - Bộ Y tế đã phối hợp với thị xã Sa Pa - Lào Cai và các đơn vị nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, xây dựng phương án phát triển vùng trồng dược liệu quý tại thị xã Sa Pa. Theo đó, Sa Pa sẽ dành 280ha đất để trồng nhiều loại cây dược liệu quý. Trên cơ sở khảo sát, thị xã Sa Pa đã lựa chọn được 8 địa phương, khu vực phù hợp để trồng 17 loài dược liệu gồm: Actiso, bách bộ, đảng sâm Việt Nam, đương quy Nhật Bản, giảo cổ lam, hà thủ ô đỏ, chè dây, chùa dù, lá khôi, lan kim tuyến, ngải cứu rừng, bảy lá một hoa, quế, sâm Việt Nam, tam thất hoang, tía tô, xuyên khung.
Lưu Hòa
- Nhiều ngư dân trắng tay vì hỏa hoạn bùng phát trong đêm
Cũng trong tuần qua, một vụ hỏa hoạn xảy ra trong đêm tại cảng cá Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đã khiến 5 tàu cá của ngư dân bị thiêu rụi hoàn toàn, một số tàu khác bị hư hại nhẹ. Dù may mắn không gây thiệt hại về người nhưng vụ cháy gây thiệt hại ban đầu ước tính hơn 45 tỷ đồng, nhiều ngư dân đã "trắng tay" sau một đêm. Để giúp bà con giảm bớt khó khăn trước mắt, huyện Quỳnh Lưu đã thống nhất trích kinh phí hỗ trợ mỗi gia đình chủ tàu 20 triệu đồng. Nguyên nhân vụ việc đang được cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ.
Việt Khánh
- 7 tháng, 66 điểm sạt lở xảy ra tại Tiền Giang
Hiện nay, tình hình sạt lở ở Tiền Giang diễn biến rất phức tạp. Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến tháng 7, trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra 66 điểm sạt lở với chiều dài 11.755m. Để khắc phục các điểm sạt lở ở Tiền Giang từ đầu năm đến nay, cần nguồn kinh phí khoảng gần 134 tỷ đồng. Đến nay, Sở NN-PTNT và Sở Tài chính đã thống nhất trình UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt kinh phí xử lý, khắc phục 34 điểm sạt lở với tổng chiều dài ước tính là trên 8.800m, tổng kinh phí tạm tính là gần 48 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị các Bộ, ngành xem xét trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn đầu tư để triển khai thực hiện 9 dự án xử lý sạt lở khẩn cấp, với tổng kinh phí khoảng 2.900 tỷ đồng.
Phúc Lập
- Thiệt hại hơn 50ha dưa hấu do mưa lớn kéo dài
Mưa lớn kéo dài trong thời gian qua khiến hơn 50ha dưa hấu trái vụ sắp đến ngày thu hoạch của 71 hộ dân tại huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai bị ngập sâu trong nước. Mặc dù đã dùng nhiều biện pháp để cứu cây trồng nhưng không khả thi. Nhiều trái bị thối, hỏng nằm khắp cả cánh đồng. Theo thống kê của ngành chức năng, trong số hơn 52ha dưa hấu trái vụ thì có hơn 16 ha thiệt hại trên 70%, còn lại thiệt hại từ 30% đến 70%. Ước tổng thiệt hại khoảng 3,7 tỷ đồng. Hiện tại, ngành chức năng huyện Krông Pa khuyến cáo người dân không tự phát trồng dưa trái vụ để tránh thiệt hại lớn về kinh tế.
Quỳnh Anh
- Người trồng thanh trà xứ Huế gặp khó
Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 750 ha cây thanh trà. Thời điểm này, người trồng thanh trà tại địa phương đã bước vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên theo nhiều nông dân, năm nay thời tiết diễn biến khá bất lợi, nắng nóng kéo dài nên nhiều diện tích thanh trà bị nhện đỏ gây hại làm cho trái bị vàng, sạm và dễ nứt khi trái lớn. Thanh trà ngày càng khó trồng do loại cây này chỉ thích nghi tại vùng bãi bồi ven sông, trong khi lượng phù sa đổ về ngày càng thiếu hụt. Người dân phải bỏ tiền mua đất phù sa từ nơi khác để bù đắp. Cùng với đó, chất lượng giống thanh trà cũng rất đáng lo ngại bởi nguồn giống được các trại giống cung cấp một số không đảm bảo, cá biệt có người dân mua giống về trồng nhưng không có quả hoặc có nhưng rất chua, không thanh ngọt như giống thanh trà truyền thống lâu nay.
Công Điền
- Làm giàu từ nuôi hải sản nước ngọt
Tận dụng lợi thế nguồn nước từ hồ thủy lợi Kẻ Gỗ và Bộc Nguyên, người dân xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đã mạnh dạn đưa các đối tượng mới, có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất như tôm càng xanh, ốc bươu đen, nuôi ếch, nuôi lươn trong bể xi măng… Bước đầu các mô hình cho thu hoạch khá, làm tiền đề đa dạng hóa các đối tượng nuôi thủy sản, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Hiện tổng diện tích nuôi thủy sản nước ngọt toàn xã Cẩm Thạch đạt trên 13 ha, trong đó có 4,5ha diện tích nuôi thủy sản đặc sản. Tổng sản lượng các loại thủy sản nuôi ước đạt 63 tấn, giá trị gần 5 tỷ đồng.
Thanh Nga
Nhạc cắt
Đối thoại
Thưa quý vị và bà con, sở hữu giá trị to lớn nhưng rừng và ngành lâm nghiệp Việt Nam nói chung đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức về quy hoạch, năng suất, chất lượng và giá trị khai thác chưa tương xứng với tiềm năng. Để giải quyết tổng thể những khó khăn này, Bộ NN-PTNT đang nghiên cứu xây dựng “Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Nhấn mạnh việc xây dựng Đề án tập trung vào đối tượng ưu tiên đầu tiên là cộng đồng người dân sống dưới tán từng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, Đề án sẽ là cơ sở để các địa phương nhìn nhận giá trị của rừng theo tư duy mới hơn, ở góc độ nhân văn, xã hội, con người và văn hoá, từ đó kích hoạt giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, bảo vệ và phát triển rừng gắn chặt với phát triển sinh kế của bà con.
Băng
Duy Học
Nhạc
Nội dung vừa rồi cũng kết thúc bản tin Nông nghiệp hôm nay. Chương trình do BTV Xuân Hào biên soạn, Quý vị và bà con có thể liên hệ với chương trình qua số hotline: 0912.145.266
Xin kính chào quý vị và bà con, hẹn gặp lại quý vị và bà con ở bản tin sau!
Cây dược liệu, làng du lịch và câu chuyện sinh kế dưới tán rừng
Cây dược liệu, làng du lịch và câu chuyện sinh kế dưới tán rừng; Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật; Nhiều ngư dân trắng tay vì hỏa hoạn bùng phát trong đêm; 7 tháng, 66 điểm sạt lở xảy ra tại Tiền Giang; Thiệt hại hơn 50ha dưa hấu do mưa lớn kéo dài; Người trồng thanh trà xứ Huế gặp khó; Làm giàu từ nuôi hải sản nước ngọt.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Sẽ có sổ tay về tín chỉ carbon trong lâm nghiệp; Thịt bò Việt chiếm chưa đến 1% sản lượng toàn cầu; Quảng Ngãi cấm khai thác thủy sản có thời hạn 2 khu vực.
Không khí lạnh tăng cường nên từ gần sáng ngày hôm nay ở khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa lớn diện rộng.