Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Nhớ Hoài - Đứa con không quên lời mẹ dặn

Nhớ Hoài - Đứa con không quên lời mẹ dặn

Và thơ Vĩnh Mai thì nhiều người nhớ, nhiều người như anh Tống Hoàng Nguyên trong đêm rừng Huế xa xôi ấy, để còn mãi trong tôi suốt đời…

lời tâm sự Hoàng Phủ Ngọc Tường

LTS: Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa qua đời ở tuổi 86 (9/9/1937-24/7/2023). Sự nghiệp sáng tác của ông không chỉ nổi tiếng với những trang bút ký, mà còn để lại ấn tượng cho công chúng ở thể loại thơ và khảo cứu. Tiếc nuối sự ra đi của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, không có hành động nào ý nghĩa bằng việc đọc lại những tác phẩm của ông. Đọc thật chậm rãi và thật nghiêm túc, chắc chắn nghe được những thanh âm tâm hồn Hoàng Phủ Ngọc Tường ngân lên qua mỗi câu chữ chắt lọc và hào hoa...

Chuyên mục Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt trân trọng giới thiệu tới bạn đọc một số nhàn đàm đặc sắc của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, trích trong tập Người Ham Chơi, Nhà xuất bản Thuận Hóa - 1998.

nhớ hoài

Nhớ hoài

hoàng phủ ngọc tường - nhà thơ vĩnh mai

Tôi được gặp anh Vĩnh Mai lần đầu ở Quảng Trị vào mùa hè năm 1973 sau Hiệp định Paris; hồi đó văn nhân nghệ sĩ ở Hà Nội đổ vào mảnh đất đầu cầu miền Nam này như những làn sóng người đổ xô đi tìm vàng trong sách của Jack London. Quả đúng thỏi vàng của tâm hồn. Quảng Trị thời đó giống y như đất trên Mặt Trăng, chi chít những hố bom, nứt nẻ, trần trụi không bóng cây, nhìn hết tầm mắt vẫn thấy được những dáng người đi lại nơi chân trời. Trên một mảnh đất - mặt trăng như vậy, gọi là làng An Tiêm, tôi nhìn thấy một dáng người cao lênh khênh, áo xanh công nhân xăm xăm đi lại phía tôi. Gặp một người giữa cánh đồng lúc này là trong bụng thấy sướng, và người ta có nhu cầu dừng lại chào hỏi, để biết người kia là ai. Tôi nói tôi là Tường. Anh ấy kêu lên thật bất ngờ, ồ Tường đây hả, mình là Vĩnh Mai. Anh ôm chầm lấy tôi, rồi lùi lại, đứng nhìn tôi đăm đăm... Bỗng nhiên, trên gương mặt nhân hậu và cương nghị đúng nét Quảng Trị của anh, lăn tròn những hạt nước mắt. Tôi cúi đầu để giấu bớt những nỗi xúc động, nhìn thấy những giọt lệ của anh lã chã rơi xuống, và khô ngay trên mặt đất nóng bỏng. Tôi nghĩ thầm, ừ thì quê hương giải phóng, nhưng sao trần ai cơ cực đến thế này, vừa mừng vừa thương, có ai cầm được nước mắt. Tuy nhiên tôi vẫn thấy hơi lạ nỗi xúc động của anh Vĩnh Mai sao mà quặn lòng! Sau này đọc thơ anh, biết thêm về cuộc đời của anh, tôi hiểu rằng những giọt nước mắt của một con người tâm huyết như anh Vĩnh Mai có mang nhiều nỗi đau hơn là chuyện quang cảnh bên ngoài.

Trước khi gặp anh, tôi đã từng biết tên Vĩnh Mai cũng qua một lần anh đã khóc như thế; ấy là bài thơ “Khóc Hoài”, do anh Tống Hoàng Nguyên đọc cho nghe. Anh Nguyên lúc ấy là Phó Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, lại đặc trách công tác an ninh thời chiến, nghiện thuốc cẩm lệ, gương mặt nghiêm nghị ít cười... Không ngờ tâm hồn anh dào dạt khác thường, bài Khóc Hoài dài thế anh vẫn thuộc và ngâm nga với tôi từ đầu tới cuối, bên bếp lửa rừng thời chúng tôi ăn toàn rau dại cho đỡ đói. Lần đó tôi phát hiện ra rằng thơ có tiềm chứa một năng lượng riêng, khi thấm vào tâm can thì chuyển thành nội lực khiến người ta vượt qua mọi nỗi nhọc nhằn, kể cả cơn đói, một cách nhẹ nhàng. “Tau nhớ mãi dáng người mi mạnh khỏe - Bước mi đi chắc nịch như trâu tơ”. Cứ một giọng “nhà quê” đặc sệt như vậy, nhưng bài thơ đã lôi cuốn tôi bằng sức mạnh kỳ lạ của nó, giống như khi tôi xem hội vật làng Sình.

Hoàng Phủ ngọc tường: Nhớ Hoài – Đứa con không quên lời mẹ dặn

Tôi cứ nghĩ rằng tác giả bài “Khóc Hoài” là một người cầm cày từ gia phả nhiều đời. Hóa ra anh Vĩnh Mai từng là học sinh Khải Định, học rất giỏi; thi Tú Tài I chung với Tây và cả miền Trung, anh Trần Quỳnh đậu đầu và anh Vĩnh Mai đậu thứ nhì, cả hai đều là những người Cộng sản đang hoạt động bí mật từng nếm đủ tra tấn tù ngục. Bài thơ “Khóc Hoài” anh Vĩnh Mai làm năm 1947, thời kỳ ác liệt đầu kháng chiến chống Pháp, lúc đó anh là Bí thư Thành ủy Huế. Điều đó có nghĩa rằng nhà thơ Vĩnh Mai ra đời sau nhà cách mạng Vĩnh Mai; hoặc nói cách khác, Thơ là người phát ngôn của tâm hồn cách mạng của Vĩnh Mai, hiểu theo nghĩa “thi ngôn chí”.

Bây giờ, một câu hỏi chợt đến với tôi: “Liệu thơ Vĩnh Mai có tồn tại lâu dài nữa không?”.

Tôi thuộc những người xác tín về sự tồn tại của thơ Vĩnh Mai. Tôi hiểu rằng đâu đó trong di sản văn học có một loại thơ gọi là “Thơ muôn đời” và nhà phê bình duy nhất có thẩm quyền để phán quyết về loại thơ này chính là Thời gian. Làm sao biết được “Muôn đời”. Mỗi chúng ta chỉ có một đời người để đọc thơ, nên tôi nghĩ rằng chúng ta chỉ có thể biết về thơ như thơ có một thời, thơ của một đời và thơ của một người. Hãy nói một điều gì trong thời anh sống, có nhiều người cùng thời yêu mến và nhớ điều anh nói; thế cũng là một sứ mệnh dễ đâu thành đạt của một đời thi sĩ. Và thơ Vĩnh Mai thì nhiều người nhớ, nhiều người như anh Tống Hoàng Nguyên trong đêm rừng Huế xa xôi ấy, để còn mãi trong tôi suốt đời.

Có một thời, thời ấy, Thơ được bảo chứng bằng máu của chính người làm ra chữ nghĩa, Thơ là hành động lịch sử đầy hiểm nghèo của chính nhà thơ. Chính vì thế, để nhập nội vào sâu trong nguồn mạch của nó, có lẽ phân tích thi pháp chỉ là việc thứ yếu, trước hết người ta cần đọc thơ bằng tâm thức lịch sử. Lịch sử đủ lớn để tạo ra tâm thức, và đọc bằng tâm thức ấy, Thơ sẽ vang lên trong âm hưởng khác thường, giống như tiếng hát trong một ngôi đền đá cổ. Không thể có cả một thời đại yêu thích một nhà thơ, nhưng thời đại nào cũng có một nhóm công chúng yêu thích nhà thơ ấy. Tôi hiểu sự “trường tồn” của thơ là như vậy.

Tôi đã nghe bài “Khóc Hoài” với tất cả xúc động trước một bài thơ hay, hay một cách khác hẳn so với thơ hay mà tôi đã biết trước đó. Trước đó chính là Thơ Mới, với những tên tuổi oai trấn giang hồ thế kia, với ngôn ngữ cao sang tráng lệ thế kia, tôi sùng bái là chuyện đương nhiên. Đây là lần đầu tiên tôi biết đến một bài thơ với “thi pháp” hoàn toàn khác lạ, cứ mi tau mi tau tỉnh bơ như không, cứ nói từng chuyện từng chuyện dễ dàng như không, đều đúng là chuyện của người dân quê, nói đúng cuộc đời, sự hy sinh và phẩm cách anh hùng của họ. Một giọng thơ như thế quả có một thể lực riêng, làm thức tỉnh trong tôi biết bao điều chưa nghĩ tới. Không phải chỉ có “Khóc Hoài” của Vĩnh Mai, mà còn những “Gửi người 95”, “Lời Quê” của Hồ Vy, “Nhớ” của Hồng Nguyên, và tới đỉnh cao là “Thăm Lúa” của Trần Hữu Thung. Thử đọc lại hai câu thơ như thế này của Hồng Nguyên:

Dân chúng cầm tay lắc lắc:

Độc lập nhớ rẽ viền chơi với chắc!

Có nỗi gì lay động hơn là những lời quê nguyên bổn như thơ ấy? Đây không phải là bắt chước giọng nông dân; đây là giọng nói nứt ra từ máu thịt nông dân. Và tôi nghĩ rằng cái gì đã là máu thịt, là cội nguồn đích thực thì đều làm ra thơ “hay muôn đời”. Tôi xin tạm gọi đây là “trường phái” thơ của những người đi chân đất, chỉ xuất hiện cùng với Cách Mạng Tháng Tám, và là cống hiến văn học quý hiếm của những nhà thơ vùng khu IV cũ, đều là những trí thức đã giác ngộ cách mạng đến tận dòng máu của mình. Vĩnh Mai có chỗ đứng trong dòng thơ này, và vì thế đời không quên thơ anh.

Nhớ Hoài – Đứa con không quên lời mẹ dặn

Anh Trần Lê Văn có nói thực sâu sắc, rằng khi ta gặp một người thì ta thường hồi hộp, vì trên đời có con người thật và có người giả, và hai con người đó thường hay lẫn lộn với nhau. Gặp Vĩnh Mai, vẫn ý anh Trần Lê Văn, ta hoàn toàn yên tâm rằng đó là một con người thật, một con người chân thật. Với tôi, hồi tôi chưa được gặp anh và chỉ mới nghe thơ anh thôi, tôi cũng biết rằng Vĩnh Mai là một người chân thật.

Con người chân thật, từ bẩm chất là một nhà thơ trước cuộc đời. Lần tôi gặp anh Vĩnh Mai ở Quảng Trị, tay anh xách một túi xắc đựng đầy bản thảo thơ, chưa in. Thơ Vĩnh Mai. Và anh nói, đi mấy chục năm về làng, chỉ có chừng ấy thơ, để “đọc cho tổ tiên” nghe.

Và nếu nhà thơ là người phải nhận nhiều nỗi đau cuộc đời hơn so với người khác, điều ấy hẳn không có gì lạ.

Huế, tháng 3-1997

 
Hoàng Phủ Ngọc Tường: Nhớ Hoài – Đứa con không quên lời mẹ dặn
Hoàng Phủ Ngọc Tường – Đứa con không quên lời mẹ dặn

Đứa con không quên lời mẹ dặn

Có những cái chết dù biết rằng sẽ đến, nhưng khi nó đến vẫn khiến người ta thất thần vì không ngờ, không tin nổi rằng Người Ấy không còn nữa trên cõi đời này. Đó là khoảng trống mà những vật lớn di chuyển trong không gian để lại đằng sau nó, và là khoảng trống mà Phùng Quán để lại trong tôi, quanh tôi, trước mắt tôi; ôi, tôi như người bạn đường dọc theo cuộc lữ hành nhọc nhằn của Quán để làm Một Người giữa Mọi Người. Tôi chưa bao giờ thấy Quán mang giày. Đôi bàn chân to của Quán mang từ trẻ cho tới khi yên nghỉ một đôi dép ngoại cỡ dày cộp nặng đến nỗi như phải đếm từng bước đi; vì Quán nói rằng đôi dép như vậy sẽ luyện công cho đôi chân vững chãi suốt đường dài.

Hoàng Phủ Ngọc Tường: Nhớ Hoài – Đứa con không quên lời mẹ dặn
Hoàng Phủ Ngọc Tường: Nhớ Hoài – Đứa con không quên lời mẹ dặn

Con đường dài đó, chông gai biết bao nhiêu, người đời đều đã biết, Phùng Quán đã đi cho tới phút cuối của định mệnh, không rẽ ngang rẽ dọc, không lùi bước. Không có gì khó hiểu, đấy chính là đại lộ của Nhân Dân mà Phùng Quán đã khởi hành từ thủa rời tuổi chăn trâu cắt cỏ lớn lên làm thi sĩ, trung thành với một sứ mệnh của thi ca đã được khẳng định, rằng “Đã đi với Nhân Dân - Thì thơ không thể khác”.

Tôi gọi bạn tôi là “ông Quán”, như ông chủ quán rượu trong truyện thơ của Nguyễn Đình Chiểu. Người giang hồ ghé vào quán rượu cuộc đời để nghe ông Quán giãi bày về một lẽ căn bản của Đạo Người “Chẳng hay thương ghét, ghét thương lẽ nào”. Phùng Quán đi bày những cuộc rượu hoành tráng khắp Bắc Trung Nam, đọc ngàn bài thơ cũng chỉ nói một điều đó của Trái Tim:

Yêu ai thì bảo rằng yêu

Ghét ai cứ bảo rằng ghét

Dù ai ngon ngọt nuông chiều

Cũng không nói yêu thành ghét

Dù ai cầm dao dọa giết

Cũng không nói ghét thành yêu.

Sự nghiệp văn chương của Phùng Quán để lại mấy vạn trang bản thảo, nhưng Quán nói chỉ viết mới vài năm trở lại đây. Có lẽ đúng, vì thơ thì có thể đọc, tiểu thuyết chịu khó nằm chờ, còn báo thì phải đăng ngay. Vào một thời mà cái tên Phùng Quán rất dễ vạ lây che các chủ báo. Thế nhưng trên báo Xuân năm ngoái tôi bắt gặp Phùng Quán trong một bài báo rất hay, bài “ 3 phút sự thật ” nói về chiến công của người chiến sĩ cách mạng Cu ba Ăng - tê - nia Ex - Se Va - nia đã chiếm lĩnh đài phát thanh trong 3 phút trước lúc hy sinh, để nói hết sự thật cần thiết với nhân dân của mình dưới chế độ phản động Ba hy ta. Hơn là một bài báo, đây là một lời tự bạch phản ảnh khá chân thực nhân cách nhà văn của Phùng Quán: khát vọng suốt đời về sự thật và sự thật không phải là thứ đã có như chiếc bật lửa trong túi áo, mà chính là số phận và khát vọng của Nhân Dân. Nhân Dân chính là người Mẹ đẻ đau mang nặng để sinh ra đứa con làm nhà văn, và vì thế, đứa con Phùng Quán suốt đời không quên lời Mẹ dặn:

Người làm xiếc đi dây rất khó

Nhưng không khó bằng làm nhà văn

Đi trọn đời mình trên con đường chân thật.

Vĩnh biệt Phùng Quán!

Thân xác nghỉ yên trong lòng Đất tổ quốc, và linh hồn anh đang bay về phía Mặt Trời.

    TP Hồ Chí Minh, giờ Ngọ 23-1-1995

Xem thêm cái bài viết khác:

Nhàn đàm Hoàng Phủ Ngọc Tường: Quẻ Vị Tế - Chim huyền hạc – Con gà đất của tôi

Nhàn đàm Hoàng Phủ Ngọc Tường: Đại học chi đạo - Thầy Đào Duy Từ - Chim Nhạn và cây thông

Nhàn đàm Hoàng Phủ Ngọc Tường: Chốn 'Đào Nguyên' của Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Trọng Tạo

Nhàn đàm đặc sắc Hoàng Phủ Ngọc Tường

.

Tin khác

Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ

Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ7

Là một Phật tử, theo dõi hành trình và xem gần hết các video trên mạng về ông Minh Tuệ, chúng tôi nhận thấy văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể gây hiểu lầm.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 16/05/2024
Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay

Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay

Tác giả trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X đã chiếm ưu thế tuyệt đối tại cuộc thi Thơ Hay vừa tổ chức trao giải thưởng vào sáng 16/5 tại TP.HCM.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 16/05/2024
Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?

Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?10

Hiện tượng ông Minh Tuệ một lần nữa nhắc cho ta biết rằng cũng như trong căn nhà đóng kín, chúng ta sẽ không thấy được gì, nhưng chỉ cần một tia sáng lọt vào, lập tức thấy bụi bặm nhảy múa đảo điên.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 15/05/2024
Thổn thức cùng sông Nghèn

Thổn thức cùng sông Nghèn

Quy luật muôn đời là các dòng sông đều chảy, nhưng khi thực hiện dự án 'ngọt hóa', thau chua rửa mặn thì sông Nghèn thành dòng sông duy nhất ở Việt Nam... không chảy.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 15/05/2024
Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân

Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân1

Câu ấy có nghĩa là [người tu phải] căn cứ vào giáo pháp (chân lý) chứ không được căn cứ vào cá nhân.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 15/05/2024
Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?

Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?

‘Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay’ là cuộc tọa đàm văn chương giữa các tác giả thuộc Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 11/05/2024
Bên dòng Kiến Giang huyền thoại

Bên dòng Kiến Giang huyền thoại6

Sự hiểu biết cùng cảm xúc rất đặc biệt của cô bé Hà Nội 12 tuổi về đất và người Lệ Thủy, Quảng Bình.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 05/05/2024
'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam

'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam

'Dân Ông Tạ' là cộng đồng người gốc Bắc di cư vào nam, được tác giả Cù Mai Công phản ánh trong bộ sách 'Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó'.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 04/05/2024
Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Gần đây, trường hợp viết đảo ngược từ xuất hiện tràn lan và ngày một phát triển. Có cơ hội, có dịp là đảo ngược. Đảo lấy được. Nhà văn, nhà báo cũng đua nhau viết ngược từ.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 02/05/2024
Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal

Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal

Đi hành hương lần này, đoàn chúng tôi có 8 người. Đi một chuyến đi 'lịch sử đời người', vì sẽ đến những nơi chưa từng đến, những nơi mà để đến được, thì vô cùng khó khăn mới đến được, nhưng đã đến được thì quá xứng đáng để đi. Đến dãy Núi Tuyết Hy Mã Lạp Sơn, và thành phố cổ Bandipur...

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 21/04/2024
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/04/2024
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/04/2024