Chế phẩm vi sinh biến rơm rạ trong ruộng lúa thành thức ăn cho tôm

Để thuận lợi cho mô hình tôm - lúa phát triển, giải pháp ứng dụng chế phẩm vi sinh thay thế phân bón đã được nông dân Cà Mau ứng dụng hiệu quả.

Kim Anh  | 

Chế phẩm vi sinh biến rơm rạ trong ruộng lúa thành thức ăn cho tôm

Tự động

Chế phẩm vi sinh biến rơm rạ trong ruộng lúa, thành thức ăn cho con tôm

MC 1:

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Nông nghiệp hữu cơ.

Thưa quý vị và bà con, mô hình tôm - lúa từ lâu được biết đến là một trong những giải pháp canh tác nông nghiệp thuận thiên, bền vững. Nhiều năm qua, mô hình này đã mang lại nguồn thu nhập bền vững cho nông dân nhiều địa phương ven biển vùng ĐBSCL như: Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu hay Cà Mau. Trước thách thức của biến đổi khí hậu, để giữ cho môi trường thuận lợi cho cả cây lúa và con tôm cùng phát triển, giải pháp ứng dụng chế phẩm vi sinh thay thế cho các loại phân bón, thuốc hóa học đã được nông dân ứng dụng hiệu quả. Vừa góp phần cải tạo môi trường, vừa gia tăng được lợi nhuận sản xuất. Để chứng minh cho cách làm này, sau đây Nông nghiệp radio chuyển đến quý vị và bà con ghi nhận được thực hiện tại tỉnh Cà Mau.

MC 2: (Lồng âm thanh tiếng xuồng máy chạy)

Nơi cuối trời Tổ quốc, mùa này nước mặn đã tràn trên khắp cánh đồng của huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Đây cũng là lúc đất đai được nghỉ ngơi, nằm phơi mình giữa nắng gió để chờ mùa lúa mới. Trên những cánh đồng, bà con giữ lại một phần nước mặn để bắt đầu thả nuôi tôm.

Trước đây địa phương vốn là vùng chuyên canh 2 vụ lúa trong năm. Thời gian còn lại đất đai chủ yếu bỏ trống bởi nước mặn xâm nhập.

Từ năm 2000, chính quyền tỉnh Cà Mau thực hiện chủ trương chuyển đổi sản xuất sang mô hình canh tác tôm-lúa. Từ tháng 8 bà con nông dân bắt đầu sạ lúa, đến tháng 11 sau khi thu hoạch xong sẽ tiến hành cải tạo đất, phơi đầm rồi sử dụng vôi để xử lý nước. Khi đến thời điểm thích hợp bắt đầu thả nuôi tôm sú, trung bình sau khoảng 3 tháng, tôm mới đạt kích cỡ 40 con/kg.

Với mong muốn nâng cao lợi nhuận cho nông dân mà vẫn đảm bảo an toàn về môi trường, vụ lúa đông xuân 2022, Phòng NN-PTNT huyện Trần Văn Thời phối hợp với Công ty cổ phần hữu cơ sinh học Phương Đông và các chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ thực vật nghiên cứu và triển khai thử nghiệm chế phẩm vi sinh Bio Lacto EM cho bà con nông dân 2 xã Khánh Bình và Lợi An, huyện Trần Văn Thời.

Ông Nhan Văn Dũng ở ấp Giao Vàm, xã Lợi An là một trong những nông dân đầu tiên trên địa bàn xã tiên phong ứng dụng chế phẩm vi sinh thay thế cho vôi để cải tạo đất, cải thiện chất lượng nguồn nước. Qua 2 năm áp dụng, ông mạnh dạn khoe về chiến tích của mình:

[Băng NHAN VAN DUNG 1]: “Đầu tiên tôi sử dụng để xử lý rơm rạ, cắt lúa rồi không đốt rơm, không rải vôi, sử dụng vi sinh để phân hủy rơm rạ, sanh ra ốc gạo, trùn trĩ. Năm đó, làm đạt hiệu quả. Làm lúa khoảng 500kg/công, tôm khoảng 20 con/kg. Tôm nhanh lớn trong vòng 2,5 tháng. Để tiếp tục năm 2024 cắt lúa xong tôi cũng tiếp tục sử dụng chế phẩm vi sinh Bio Lacto EM, 2 can/ha, trong vòng 25 ngày sử dụng một lần. Nếu màu nước mình thấy không đẹp, nắng hạn phải sử dụng trong vòng 15 ngày để nước đẹp, tránh nắng chiếu xuống đầm sanh tảo độc, tảo phát sáng giúp tôm mau lớn”.

Với đặc thù canh tác tôm – lúa, bà con ấp Giao Vàm rất “ngại” sử dụng các sản phẩm phân, thuốc hóa học trong ruộng lúa. Do đó, để giữ cho cây lúa phát triển, hạn chế sâu bệnh, ông Dũng tận dụng luôn chế phẩm vi sinh để xịt cho lúa. Qua một năm đầu tiên thử nghiệm, ông đánh giá việc ứng dụng vi sinh giúp lá lúa dày, ít sâu bệnh và đỗ ngã. Năng suất vụ đông xuân 2023 – 2024 vừa thu hoạch xong, gia đình đạt năng suất cao khoảng 8 tấn/ha, cao hơn so với trước khoảng 1,5 – 2 tấn/ha. Ông Nhan Văn Dũng ở ấp Giao Vàm, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết thêm:

[Băng NHAN VAN DUNG 2]: “Sản xuất lâu dài bền vững, HTX cũng tuyên truyền trong thành viên nên sử dụng vi sinh này để cải thiện môi trường về sau. Một là làm lúa sạch, hai là con tôm sạch để xuất khẩu ra thị trường thế giới người ta ưa chuộng”.

Hiện diện tích canh tác theo mô hình tôm lúa ở ấp Giao Vàm đạt khoảng 376ha. Việc ứng dụng vi sinh đã giúp rút ngắn thời gian thu hoạch tôm, tôm đạt trọng lượng lớn. Nhờ đó, bà con nông dân vừa có nguồn thu nhập từ cây lúa, vừa rủng rinh bỏ túi tiền triệu mỗi ngày nhờ thu hoạch tôm rải rác.

(Lồng âm thanh tạt vi sinh) Đang hì hục lội khắp đầm tôm để tạt chế phẩm vi sinh, anh Nguyễn Vũ Lâm cùng ngụ ấp Giao Vàm hớn hở hỏi chúng tôi nhận thấy màu nước ao như thế nào, như một cách để anh khoe về hiệu quả mô hình đang canh tác.

[Băng NGUYEN VU LAM]: “Hiện bây giờ mình xài vi sinh này khoảng 2 năm nay tương đối ổn hơn so với mọi năm. Như mọi năm mình thả 3 tháng trở lên tôm mới có, khi mà có tôm cũng chậm lớn. Từ khi xài thằng này thì tôm nhanh hơn, khoảng 2,5 tháng tôm từ 20 con. Về Phèn mặn hàng năm ở đây, năm nay những người không xài cái này không đủ điều kiện để thả tôm, bà con thiếu nhiều lắm”.

Tương tự, đầm tôm rộng khoảng 1ha của anh Phan Châu Linh ở ấp Giao Vàm, cũng vừa thu hoạch đạt thắng lợi lớn. Việc ứng dụng chế phẩm vi sinh giúp xử lý rơm rạ sau thu hoạch tạo nguồn thức ăn cho tôm phát triển. Màu nước ao nuôi được ổn định, cân bằng độ pH. Anh Linh tính nhẩm, lợi nhuận từ mô hình tôm lúa mang lại cho bà con nông dân khoảng 250 triệu đồng/ha/năm.

[Bang PHAN CHAU LINH]: “Vùng ở đây bà con làm 1 vụ lúa, 1 vụ tôm, khi thả tôm chưa đạt hiệu quả cao. Gần đây trong 2 năm nay sử dụng cái này lúa đạt năng suất cao hơn. Đất tạo thức ăn cho tôm phát triển nhanh chóng”.

Theo một số chuyên gia đánh giá, điểm nổi bật của việc chế phẩm vi sinh trong canh tác tôm-lúa là giúp đất tăng độ tơi xốp, thông thoáng, bổ sung hệ vi sinh vật có lợi và đối kháng tự nhiên. Đồng thời, giúp bà con nông dân xử lý gốc rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ ngay tại chân ruộng lúa, tạo thành nguồn phân bón cho đồng ruộng, cây lúa phát triển tốt.

MC 1: Thưa quý vị và bà con, việc ứng dụng chế phẩm vi sinh trong canh tác nông nghiệp nói chung đã và đang trở thành định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững tại vùng ĐBSCL. Đặc biệt là giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tạo ra trong sản xuất nông nghiệp, góp phần chống lại tình trạng biến đổi khí hậu. Hiện nay mô hình đang được ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung nhân rộng. Góp phần sản xuất nông nghiệp thuận thiên, giải quyết bài toán về ô nhiễm môi trường, nâng cao giá trị cho mặt hàng lúa, tôm.

MC 2: Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn về hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

MC 1: tin 1

Thưa quý vị và bà con,

Sau 1 năm thực hiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, toàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 5.100 ha diện tích cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ và tiêu chuẩn hữu cơ. Bước đầu đánh giá cho thấy sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã nâng cao hiệu quả của sản xuất trên một đơn vị diện tích; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,2 đến 1,5 lần so với phi hữu cơ. Tỉnh Thanh Hóa đã hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hữu cơ và các sản phẩm hướng hữu cơ chủ lực. Toàn tỉnh hiện có 13 HTX nông nghiệp hữu cơ, chủ yếu sản xuất, kinh doanh sản phẩm rau an toàn, trồng nấm, sản xuất mật ong và đông trùng hạ thảo. Một số HTX tham gia sản xuất, cung cấp các dịch vụ nông nghiệp đối với sản xuất lúa hữu cơ.

MC 2: tin 2

Vụ đông xuân 2023 – 2024, Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Công ty Cổ phần Grow FA thử nghiệm mô hình sử dụng phân bón hữu cơ Matsuda Organic trên quy mô 2ha tại xã Hồ Đắc Kiện và Thiện Mỹ. Nhờ giảm được phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, nhiều nông dân tại đây tin chắc lúa sẽ trúng mùa. Theo đại diện Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành, đó sẽ là động lực để bà con tiếp tục đầu tư sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, tiến tới tiêu chuẩn hữu cơ, theo Chiến lược phát triển lúa đặc sản gắn với hữu cơ của tỉnh Sóc Trăng. Ước tính mỗi năm, địa phương này liên kết với các doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ nguồn phân bón hữu cơ cho khoảng 1.800ha sản xuất lúa.

MC 1: tin 3

HTX nông nghiệp công nghệ cao Đại Đồng, huyện Kiến Thụy được đánh giá là một trong những mô hình trồng rau đạt tiêu chuẩn hữu cơ hiếm hoi tại Hải Phòng. Hiện, HTX này đang áp dụng tiêu chí ‘5 không’ trong sản xuất, đó là, “Không thuốc diệt cỏ, không thuốc bảo vệ thực vật, không phân đạm, không biến đổi gen, không thuốc tăng trưởng”. Trên diện tích khoảng 1,2 ha, HTX đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà màng, nhà kính tạo môi trường cách ly kết hợp với hệ thống tưới tự động hiện đại. Đất để gieo trồng các loại rau củ cũng phải cải tạo cẩn thận và hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Hiện, HTX đang trồng các loại rau như: cải ngọt, cải canh, cải ngồng, rau dền, xà lách, dưa chuột, dưa lưới… Trung bình, mỗi lứa rau, quả hợp tác xã thu hoạch được khoảng 10 tấn với giá cao gấp 3 so với cùng loại trên thị trường.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Nông nghiệp hữu cơ của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Chế phẩm vi sinh biến rơm rạ trong ruộng lúa thành thức ăn cho tôm

Để thuận lợi cho mô hình tôm - lúa phát triển, giải pháp ứng dụng chế phẩm vi sinh thay thế phân bón đã được nông dân Cà Mau ứng dụng hiệu quả.

Kim Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Vườn quốc gia Cúc Phương - nôi bảo tồn đa dạng sinh học
Phóng sự

Với hệ giá trị đặc biệt, từ năm 2019 - 2023, Cúc Phương đã 5 năm liên tiếp được bầu chọn và vinh danh là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á.

Vườn quốc gia Cúc Phương - nôi bảo tồn đa dạng sinh học
Băng rừng tuần tra 24/24 trong mùa khô để phòng chống cháy
Phóng sự

Đang là cao điểm của mùa khô, nắng nóng kéo dài, độ ẩm thấp, nhiều cánh rừng trên địa bàn tỉnh An Giang có nguy cơ cháy rất cao.

Băng rừng tuần tra 24/24 trong mùa khô để phòng chống cháy