Chuyển hướng hữu cơ, dừa Trà Vinh đã mát lại còn lành
Những năm gần đây, để nâng cao chất lượng và giá trị của trái dừa cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp Trà Vinh đã ưu tiên lan tỏa các mô hình trồng dừa hữu cơ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đến nay, trên tổng diện tích dừa toàn tỉnh Trà Vinh, có tới 5.000ha đã chuyển sang phương pháp canh tác hữu cơ.
Hồ Thảo | 15:12 04/08/2023
Chuyển hướng hữu cơ, dừa Trà Vinh đã mát lại còn lành
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình nông nghiệp hữu cơ.
Thưa quý vị và bà con! Nông nghiệp xanh, giảm phát thải là định hướng chung của nền nông nghiệp trên thế giới, ở mọi nơi, trong mọi lĩnh vực của ngành nông nghiệp, những phương pháp sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường đang được đề cao. Xu thế này cũng nhanh chóng đi sâu vào hoạt động sản xuất của nông nghiệp Việt Nam và trở thành mục tiêu chủ lực của nhiều địa phương. Tại tỉnh Trà Vinh, dừa là loại cây được nông dân ưa chuộng, không chỉ dễ trồng hơn so với các cây ăn trái khác mà còn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương và những năm gần đây, để nâng cao chất lượng và giá trị của trái dừa, cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp Trà Vinh đã ưu tiên khuyến khích và lan tỏa các mô hình trồng dừa hữu cơ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Thời điểm hiện tại, trên tổng diện tích trồng dừa toàn tỉnh Trà Vinh, có tới 5.000 ha đã chuyển sang phương pháp canh tác hữu cơ.
MC 2:
Thưa quý vị và bà con, trong 5.000ha dừa canh tác theo hướng hữu cơ mà Trà Vinh đang có, phần lớn diện tích tập trung tại huyện Tiểu Cần và Cầu Kè. Những vùng này đã tạo ra hình mẫu tiên phong về mô hình sản xuất an toàn và ghi nhận những kết quả tích cực. Mô hình dừa hữu cơ tại đây không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất, mà còn tăng giá trị bán ra thị trường từ 5 - 10%.
Đặt chân đến huyện Tiểu Cần, nơi những bóng dừa xanh mướt nối dài dọc bên bờ đê và con đường làng, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với ông Lê Văn Ninh, một nông dân có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng dừa theo phương pháp truyền thống tại xã Tân Hòa. Nghỉ tay chăm sóc vườn dừa rộng tới 3ha, ông Ninh chia sẻ với chúng tôi về hành trình của mình. Rằng ông đã từng canh tác theo cách truyền thống và chứng kiến nhiều khó khăn về giá cả cũng như chi phí vật tư ngày càng tăng. Vào năm 2019, sau khi nhận được sự hướng dẫn tận tình từ cán bộ nông nghiệp xã, ông quyết định thay đổi diện tích vườn cây già cỗi bằng cách chuyển sang trồng dừa hữu cơ. Và hiện tại, vườn dừa 4 năm tuổi của ông Ninh đang phát triển mạnh mẽ, lúc nào cũng xanh tốt, trái dừa được thu mua với giá cao hơn thị trường 10%.
Nói thêm về phương pháp trồng, chăm sóc, ông Lê Văn Ninh cho biết, để trồng dừa hiệu quả, điều quan trọng hàng đầu là việc không sử dụng phân hóa học, thay vào đó, ông sử dụng các loại phân tự nhiên như phân chuồng, phân vi sinh và phân hoai mục. Mặc dù không có tác dụng nhanh chóng như phân hóa học, nhưng loại phân tự nhiên này giúp đất trở nên tơi xốp và duy trì độ ẩm, tạo điều kiện tốt cho cây dừa chống chịu hạn và nước mặn. Ông cũng lưu ý về việc dọn cỏ để ngăn chặn sự phát triển của côn trùng gây hại và bảo vệ rễ cây dừa.
Băng 1
[Bang Lê Văn Ninh]: “Ví dụ như ngày xưa tôi trồng dừa theo truyền thống thu hoạch được 1 thiên mỗi ha, còn cái này thu hoạch một lứa tôi thu một thiên hai, thiên ba. Tôi tính ra tổng chi phí tôi lời khoảng 25-30 triệu mỗi ha. Mình bỏ phân hữu cơ cây dừa nó xanh bền tốt bền trái nó to hơn. Đó lừa tôi hiện bây giờ đó chú thấy hong xanh mướt đó”.
MC 2:
Giống như ông Ninh, nông dân Lâm Văn Ngôn tại xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, cũng chuyển sang trồng dừa hữu cơ từ nhiều năm nay. Ban đầu, ông cũng gặp không ít khó khăn về kỹ thuật chăm sóc và lo lắng tới vấn đề thị trường đầu ra chưa ổn định. Tuy nhiên, qua quá trình trải nghiệm canh tác, ông Ngôn đã nhận ra những lợi ích đáng kể của việc áp dụng phương pháp trồng dừa hữu cơ. Cây dừa trong vườn của ông phát triển mạnh mẽ hơn, không gặp tình trạng bị bỏ cổ và ít bị tác động của sâu bệnh.
Trong năm vừa qua, vườn dừa rộng hơn 1ha của ông Ngôn đã mang lại cho ông thu nhập hơn 100 triệu đồng. Dù vậy, ông cho rằng giá trị kinh tế chỉ là một phần, quan trọng hơn cả là sự an tâm về sức khỏe của gia đình và cộng đồng. Ông Ngôn cũng có nguyện vọng thành lập một Hợp tác xã trồng dừa hữu cơ, kết nối với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm của nông dân. Ông tin rằng điều này sẽ khích lệ nhiều người nông dân dám dũng cảm chuyển đổi sang phương pháp trồng cây hữu cơ.
Băng 2
[BangLâm Văn Ngô]: “Quy trình trồng dừa hữu cơ này mình không sử dụng thuốc hóa học, không sử dụng thuốc cỏ, phân thì sử dụng do nhà máy cung cấp thì mình dãi thôi. Nước thì tới mùa khô mình phải bơm nước không cho ốm củ hủ nên dừa vẫn có trái hoài. Cỏ mình chỉ dùng máy cắt thôi chứ không có xịt”.
MC 2:
Nhận thấy những lợi ích từ canh tác hữu cơ và thành công của các mô hình tại Tiểu Cần hay Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh cũng đang tập trung vào việc phát triển hướng đến mục tiêu biến cây dừa thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Trong đó, chú trọng đến việc hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng dừa hữu cơ và thành lập hợp tác xã trồng dừa. Và theo đó, hiệu quả của phương pháp trồng hữu cơ không chỉ áp dụng cho cây dừa mà còn lan tỏa sang nhiều loại cây trồng khác. Bà Nguyễn Thị Lùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Trà Vinh, cho biết:
Băng 3:
[[Bang NGUYỄN THỊ LÙNG]: “Thứ nhất là cái giá cả của dừa hữu cơ được các đối tác bao tiêu đầu ra với giá cả cao hơn 10% so với mặt bằng giá hiện tại. Ngoài ra dừa hữu cơ hay các sản phẩm từ dừa hữu cơ sẽ làm các sản phẩm COOP. Hiện nay, toàn tỉnh Trà Vinh có 10 sản phẩm sản xuất từ dừa. Định hướng tới năm 2025 thì Trà Vinh sẽ phấn đấu khoảng 8.000 ha dừa trong đó làm sao có khoảng 6.000 ha dừa hữu cơ đạt chứng nhận quốc tế. Làm sao cho cây dừa Trà Vinh tham gia tất cả thị trường đặc biệt là dừa hữu cơ”.
MC 1:
Vâng thưa quý vị và bà con, toàn tỉnh Trà Vinh có tổng diện tích dừa gần 25.500ha, chiếm tới 58% diện tích cây lâu năm của tỉnh. Những năm qua, cây dừa đã khẳng định giá trị của mình, gắn bó với vùng đất này và trở thành nguồn sinh kế chính của người dân Trà Vinh. Đáng chú ý, phương pháp trồng hữu cơ đang lan rộng tới những vùng trồng dừa ở đây, cho cây dừa năng suất cao hơn và tiết kiệm chi phí sản xuất. Và dù sẽ còn nhiều khó khăn nhưng một số mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ của Trà Vinh đã bước đầu có sự kết nối tiêu thụ với doanh nghiệp. Bằng những chính sách, kế hoạch phát triển trong giai đoạn tới, tin rằng dừa hữu cơ Trà Vinh sẽ sớm được cấp các chứng nhận về sản xuất an toàn và đem thương hiệu sản phẩm này tiến xa hơn.
MC 2
Bây giờ mời quý vị cùng đến với một số tin văn về lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ trên cả nước.
MC 1:
Thưa quý vị và bà con, thực hiện mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với các đơn vị triển khai các dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn gắn với vùng nguyên liệu và các sản phẩm chủ lực tại nhiều địa phương.Trong đó, nổi bật có mô hình ứng dụng phân bón hữu cơ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với quy mô 3,5 ha tại xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Mô hình áp dụng công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm chăn nuôi, trồng trọt, xử lý gốc rạ ngay tại ruộng và quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Sau quá trình thực hiện, mô hình không chỉ thay đổi nhận thức và nâng cao trình độ của người dân địa phương trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn mà còn giảm thiểu tình trạng đốt rơm rạ ngoài đồng và xả chất thải trong chăn nuôi trút bỏ xuống kênh, rạch, sông, suối.
MC 2:
Tại vùng Trung du và miền núi phía bắc, sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng đang trở thành xu hướng tạo ra thay đổi trong tư duy sản xuất của nông dân, chuyển biến trong phát triển sản xuất. Tại Thái Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên Vũ Ðức Hảo cho biết, Thái Nguyên đã có 127 ha cây trồng, chủ yếu là cây chè sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, trong đó có 65 ha đã được chứng nhận. Sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ tạo ra sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường trong lành, giúp đất “khỏe” khi khắc phục được tình trạng chai cứng, thoái hóa sau nhiều năm lạm dụng sử dụng phân bón hóa học. Từ đó, giúp cây trồng chống chịu sâu bệnh tốt hơn.
MC 1:
Còn tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, lúa – rươi đang là một trong những mô hình canh tác hữu cơ cho hiệu quả cao và được người dân nơi đây chú trọng. Với mô hình này, cây lúa được canh tác trên các đồng bãi ven sông, vốn là nơi sinh sống của rươi, từ đó tạo ra hiệu quả tuần hoàn giúp nông dân quay vòng mùa vụ và tăng hiệu quả sử dụng đất sản xuất. Và để nhân rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thị xã Đông Triều cũng đã áp dụng các mô hình canh tác mới, hỗ trợ, khuyến khích bà con nông dân tham gia chuyển đổi phương thức canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đẩy mạnh phong trào “Vận động nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất hữu cơ và thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025” của Hội Nông dân thị xã.
MC 1;
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Nông nghiệp hữu cơ của nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Chuyển hướng hữu cơ, dừa Trà Vinh đã mát lại còn lành
Những năm gần đây, để nâng cao chất lượng và giá trị của trái dừa cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp Trà Vinh đã ưu tiên lan tỏa các mô hình trồng dừa hữu cơ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đến nay, trên tổng diện tích dừa toàn tỉnh Trà Vinh, có tới 5.000ha đã chuyển sang phương pháp canh tác hữu cơ.
Hồ Thảo
Tin liên quan
Các chương trình
Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên; Sâu, bệnh gây hại gần 230ha cây ăn quả có múi; Bắc Giang có thêm 6 sản phẩm OCOP 4 sao.
Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định trong có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 80-180mm, cục bộ có nơi trên 300mm.