'Đánh cược' với số phận khi vượt sông, suối trong mưa lũ
Tại một số địa phương, trong điều kiện giao thông chưa đồng bộ, khi mưa bão về, nhiều đoạn đường tràn bị ngập đã chia cắt các khu vực. Đặc biệt, có những nơi bà con bất chấp nguy hiểm, 'đánh cược' với số phận khi vượt sông, suối trong mưa lũ đã dẫn tới nhiều tai nạn thương tâm.
Lê Quang Linh | 15:56 12/10/2023
'Đánh cược' với số phận khi vượt sông, suối trong mưa lũ
MC 1
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Phòng chống thiên tai
Thưa quý vị và bà con, những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua, mưa lớn kéo dài dẫn tới lũ lụt, sạt lở đất… đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân tại nhiều địa phương trên cả nước, gây thiệt hại về người và cả tài sản. Đặc biệt tại một số địa phương miền núi, trong điều kiện giao thông chưa đồng bộ, khi mưa bão về, nước tập trung nhanh, tốc độ chảy lớn, nhiều đoạn đường tràn bị ngập đã chia cắt các khu vực. Song có những nơi, bà con vẫn bất chấp nguy hiểm băng qua dòng nước lũ, dẫn tới nhiều tai nạn thương tâm. Ghi nhận của Nông nghiệp Radio tại huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.
MC 2:
Thưa quý vị và bà con, từ đêm ngày 6 đến sáng ngày 7/10 vừa qua, trên địa bàn huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên xảy ra mưa lớn gây ngập một số cầu tràn tại các xã phía Bắc của huyện. Bên cạnh những thiệt hại về tài sản, tại xã Cúc Đường, một nam thanh niên trên đường trở về nhà sau khi ra đồng đã bị nước lũ cuốn trôi khi đang cố sang sông vào chiều tối ngày 7/10. Trao đổi với Nông nghiệp Radio, ông Nông Minh Tuấn, Phó ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên taivà Tìm kiếm cứu nạn huyện Võ Nhai cho biết, ngay sau khi nhận được tin báo có người bị nước lũ cuốn trôi, địa phương huy động lực lượng, phương tiện để tìm kiếm cứu nạn.
Băng 1:
“Trong 2 ngày mưa lớn. nước lũ ở đầu nguồn dâng cao, gây ngập lụt cầu tràn tại 6 xã phía bắc. Vào 6 giờ 30 phút, Ban chỉ đạo nhận được tin báo từ chính quyền cấp xã về trường hợp người bị đuối nước. Người bị đuối nước đi qua đường mòn, lỗi tắt, chứ không đi qua các lối chính do bà con tử mở. Do chủ quan nên thanh niên này đã bị đuối nước”.
MC 2:
Qua quá trình tìm kiếm, nạn nhân được xác định là anh Lâm Trung Đức, sinh năm 1994, trú tại xã La Hiên, huyện Võ Nhai. Trong đôi mắt đỏ hoe, anh Lâm Cung Minh là em trai của nạn nhân kể, nạn nhân Lâm Trung Đức là anh cả trong gia đình và là nhân lực lao động chính. Ngoài chăm sóc người vợ đang mang bầu hơn 4 tháng, anh Đức cũng phải lo lắng cho bố mẹ già. Anh trai gặp nạn là nỗi đau kinh hoàng đối với gia đình khi cha mẹ mất đi người con cả. Đức trẻ chưa chào đời đã mất bố.
Băng 2:
“Em đang đi làm quán hát, đang ngủ thì mẹ gọi bảo anh bị trôi suối rồi. Em về từ rồi vào đây tìm anh suốt từ hôm trước. Chị thầy gầy yếu lắm, không khỏe mạnh, phải truyền nước. Mẹ thì cứ thầy bát hương là khóc thôi”.
MC 2
Trong quá trình di chuyển giữa các điểm tìm kiếm nạn nhân bị lũ cuốn trôi, phóng viên Nông nghiệp Radio nhận thấy, bà con nơi đây vẫn di chuyển qua sông, suối trên những chiếc cầu tạm. Bởi, địa hình nơi đây bị chia cắt, nhiều ngôi nhà trong xã nếu không lội suốt thì không có cách nào để tiếp cận với các tuyến đường chính.
Anh Đào Văn Quân, người dân xã Cúc Đường cho hay, nhiều điểm không có cầu hoặc đường tràn, người dân phải lội suối, vượt sông thường xuyên. Chiếc xe máy duy nhất của anh Quân cũng vừa bị trận lũ ngày 7/10 cuốn trôi.
Băng 3:
“Ở dưới chỗ em ở cũng toàn không có cầu, toàn qua suối. Nước to không dám qua, trẻ con phải nghỉ học thôi.
Mong muốn nhà nước xây được một cái cầu không cần to, trẻ con đi học cho nó dễ, bởi nước sông này nó về to là to nhanh lắm, tầm 30 phút là ngập hết rồi”
MC 2:
Trước tình hình thời tiết, mưa lũ diễn biến bất thường và những tai nạn thương tâm đã xảy ra, ông Nông Minh Tuấn, Phó ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Võ Nhai khuyến cáo:
Băng 4:
“Số lượng cầu tràn trên địa bàn huyện Võ Nhai là rất lớn, người dân không được đi qua cầu tràn khi có nước lũ đổ về. Đặc biệt, bà con không được chủ quan đi đường mòn, lối nhỏ để qua sông suối”
MC 1:
Thưa quý vị và bà con, trước tình trạng người dân liều lĩnh vượt đường tràn khi lũ về, bất chấp những nguy hiểm đến tính mạng, bên cạnh những khuyến cáo từ trước và trong đợt mưa lũ, chính quyền huyện Võ Nhai cũng đã huy động lực lượng xung kích trực gác tại hai đầu đường tràn để cảnh báo và ngăn cấm người dân qua lại. Thời gian tới, địa phương cũng sẽ lên các phương án ứng phó mưa lũ kịp thời. Tuy nhiên, vấn đề then chốt vẫn là người dân cần đề cao cảnh giác với thiên tai, không nên “đánh cược” với số phận khi chủ quan vượt qua ngầm tràn, qua sông suối, nhất là trong những ngày mưa lũ.
MC 2:
Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn về lĩnh vực phòng chống thiên tai trên cả nước.
MC 1: tin 1
Thưa quý vị và bà con,
Theo dự báo, từ ngày 12 đến 16/10, trên các sông ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có khả năng xuất hiện một đợt lũ, nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi. Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn vừa ban hành Công điện số 13 về ứng phó với mưa lũ. Trong đó yêu cầu các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về thiên tai, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động di dời, sơ tán người dân nơi có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.
Thanh Nga
MC 2: tin 2
Sau các đợt mưa lớn kéo dài, nhiều vị trí trên sông Lam, tỉnh Nghệ An đã và đang bị sạt lở nghiêm trọng. Tình trạng sạt lở không chỉ gây mất đất, hoa màu, cây cối mà còn đe dọa đến an toàn thân đê và cuộc sống người dân. Ghi nhận tại đê sông Lam đoạn qua xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn, sạt lở kéo dài hàng km, đất nứt toác, lởm chởm, nhiều nơi tạo hàm ếch rất nguy hiểm. Tình trạng sạt lở đã ăn sâu vào đất canh tác của người dân, tiến gần chân cầu Yên Xuân mới và áp sát chân đê. Còn tại xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên, sông Lam cũng đang “liếm” nhiều diện tích đất, áp sát gần vào đê Tả Lam, hiện sạt lở có chiều dài khoảng 600-700m, ăn sâu vào trong khoảng 30-50m.
Việt Khánh
Mc 1: tin 3
Sau khi sự cố vỡ đập công trình Thủy điện Ia Glae 2 trên địa bàn xã Ia Ga, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai xảy ra, Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã có buổi kiểm tra thực tế tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả sự cố này. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đánh giá cao sự kịp thời của chính quyền địa phương khi đã nhanh chóng xuống hiện trường để nắm bắt tình hình và động viên, ổn định đời sống nhân dân. Các sở, ngành cũng đã xuống hiện trường để nắm bắt tình hình thiệt hại, phía đơn vị thi công phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc tổ chức khắc phục trước mắt một số hậu quả. Bên cạnh đó, đại diện UBND tỉnh Gia Lai cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm có kết luật nguyên nhân vụ việc, yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương rà soát cụ thể thiệt hại, sớm bồi thường để người dân ổn định cuộc sống.
Tuấn Anh
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Phòng chống thiên tai của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
'Đánh cược' với số phận khi vượt sông, suối trong mưa lũ
Tại một số địa phương, trong điều kiện giao thông chưa đồng bộ, khi mưa bão về, nhiều đoạn đường tràn bị ngập đã chia cắt các khu vực. Đặc biệt, có những nơi bà con bất chấp nguy hiểm, 'đánh cược' với số phận khi vượt sông, suối trong mưa lũ đã dẫn tới nhiều tai nạn thương tâm.
Lê Quang Linh
Tin liên quan
Các chương trình
Lưu ý trong xây dựng cơ sở chế biến rau quả; Hơn 2.000 Hợp tác xã có sản phẩm OCOP; Chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các vụ cháy rừng tại Sóc Sơn.
Không khí lạnh tăng cường mang theo rét buốt ở nhiều khu vực của miền Bắc. Từ đêm nay 13/12, không khí lạnh được tăng cường thêm và ảnh hưởng đến Nam Trung Bộ.