Đưa Trung tâm liên kết nông sản ĐBSCL thành hạt nhân nông nghiệp hiện đại
Trung tâm Liên kết nông sản sẽ trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại. Đồng thời thực hiện vai trò liên kết nguồn lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cả vùng ĐBSCL.
Kim Anh | 11:57 05/10/2023
Đưa Trung tâm liên kết nông sản ĐBSCL thành hạt nhân nông nghiệp hiện đại
MC 1: Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Tầm nhìn nông nghiệp.
Thưa quý vị và bà con, trong bối cảnh hiện nay, điều kiện tiên quyết để nông nghiệp Việt Nam thoát khoải tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ là phải hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Là địa phương có nền nông nghiệp phát triển mạnh mẽ với nhiều loại nông, đặc sản có giá trị cao, nắm bắt được xu thế chung, thời gian qua, UBNDTP Cần Thơ đã phối hợp với Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ - Gọi tắt là Trung tâm Liên kết nông sản ĐBSCL. Cụ thể về nội dung này, mời quý vị và bà con cùng đến với phóng sự sau.
MC 2:
Thưa quý vị và bà con, với định hướng chiến lược là đưa Trung tâm Liên kết nông sản ĐBS trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại. Đồng thời thực hiện vai trò liên kết nguồn lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cả vùng ĐBSCL. Hiện, TP Cần Thơ đang triển khai các hoạt động tham vấn ý kiến chuyên gia về việc tổ chức thực hiện hiệu quả, phát huy vai trò của Trung tâm khi đi vào hoạt động.
Nói về hiện trạng phát triển ngành nông nghiệp và tầm quan trọng của việc hình thành Trung tâm Liên kết nông sản ĐBSCL, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI Cần Thơ chỉ ra, hiện ngành công nghiệp chế biến ở ĐBSCL không có điều kiện phát triển, khiến đầu ra sản phẩm nông nghiệp bị ứ đọng. Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, khoảng 20 năm trở lại đây, không có “bóng dáng” doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực chế biến cũng không nhiều. Do đó, nếu ĐBSCL không có những trung tâm sản xuất lớn, tương lai sẽ dẫn đến vấn đề thiếu việc làm, di cư.
[Băng NGUYEN PHUONG LAM]: “Sản phẩm nông sản chế biến của chúng ta đóng góp vào giá trị thặng dư cho quốc gia và cho vùng rất lớn. Chúng ta thấy ĐBSCL xuất nhập khẩu trong năm vừa qua tăng 2 tỷ USD và cả nước là 730 tỷ USD gần như đóng góp chính là của ĐBSCL. Chúng ta đang có những lợi thế và bất lợi, ví dụ lúa gạo mạnh về đất đai, nguồn nước, nghiên cứu khoa học, nhưng chúng ta lại thiếu về hạ tầng và khoa học công nghệ cũng như lao động trong ngành chế biến. Đối với thủy sản mạnh về giống nuôi lĩnh vực chế biến hay xuất khẩu nhưng lại yếu về logistics. Chúng ta yếu về thương hiệu và ngành cuối cùng cũng rất quan trọng đóng góp tăng trưởng rất tốt thời gian qua đó là trái cây nhưng năng lực chế biến chúng ta không có”.
MC 2:
Việc hình thành Trung tâm Liên kết nông sản ĐBSCL tại TP Cần Thơ có vai trò gắn kết 3 nhà: Nhà nông - nhà sản xuất - doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Ngoài ra, Trung tâm sẽ là nơi tập hợp các nguồn lực có khả năng tham gia giải quyết những bài toán lớn của vùng ĐBSCL như: Chuyển đổi cơ cấu kinh tế, logistics, hậu cần, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo thế và lực để TP Cần Thơ thực hiện vai trò là cực kết nối giữa các tỉnh vùng ĐBSCL, kết nối với các nước tiểu vùng sông Mê Kông.
Hiện Sở NN-PTNT TP Cần Thơ đang phối hợp với ngành nông nghiệp các địa phương trong vùng tổ chức lại sản xuất những vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho Trung tâm Liên kết nông sản ĐBSCL theo lợi thế của từng địa phương. Đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ đưa ra định hướng phát triển Trung tâm Liên kết nông sản ĐBSCL tại TP Cần Thơ:
[Băng NGUYEN TAN NHON]: “Chúng tôi sẽ đưa các chính sách để mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào và hỗ trợ phát triển các vùng nguyên liệu khi chúng ta triển khai Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ ĐBSCL tại TP Cần Thơ. Với các chính sách ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất để giúp cho các doanh nghiệp có điều kiện phát triển và đầu tư vào trung tâm này tại TP Cần Thơ ngành nông nghiệp sẽ kết nối các doanh nghiệp với các hộ sản xuất để hình thành những vùng nguyên liệu lớn”.
MC 2:
Định hướng kết nối và phát triển doanh nghiệp khi Trung tâm Liên kết nông sản ĐBSCL hình thành, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam - Vinafruit đưa ra mô hình kết nối nhiều bên như: Nông dân, HTX, doanh nghiệp, cơ sở chế biến, đóng gói, sơ chế... đến các nhà máy chế biến hiện đại.
[Băng NGUYEN THANH BINH]: “Ở đây vai trò của nhà nước, các cơ quan chuyên môn cũng sẽ tác động đến các công đoạn này thông qua cơ chế chính sách, việc quản lý giám sát. Các ngân hàng, nhà khoa học, công ty tư vấn, bảo hiểm, logistics cũng có vai trò tác động đến chuỗi cung ứng này. Như vậy lúc đó sẽ có một tác động tổng thể đối với hệ thống sản xuất, chế biến và tiêu thụ”.
MC 1:
Thưa quý vị và bà con, nhận định tầm quan trọng của Trung tâm Liên kết nông sản ĐBSCL, sắp tới khi Trung tâm được phê duyệt, TP Cần Thơ kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết điểm nghẽn chung về khâu tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản trong vùng. Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư, kết nối hạ tầng giao thông, logistics, giải phóng mặt bằng, tái định cư sẽ được triển khai để phục vụ cho Trung tâm và cũng giúp TP Cần Thơ có bước phát triển tốt hơn.
Nhạc cắt:
MC2: Bây giờ sẽ là những tin vắn về những cách làm mới và xu thế sản xuất nông nghiệp diễn ra mới đây.
MC1: Tin 1
Thưa quý vị và bà con, hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp ngành nông nghiệp Việt Nam tham gia thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, nằm trong nhóm 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới và đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Nhờ có nhiều kỷ lục về nông sản, ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục giữ vững mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 54-55 tỷ USD trong năm 2023 dù gặp khó khăn do tác động tiêu cực từ sức mua giảm mạnh của nhiều thị trường lớn.
Quỳnh Anh
MC2: Tin 2
ĐBSCL được xem vùng trồng lúa và nuôi trồng thủy hải sản lớn nhất cả nước hiện nay. Trong khi đó, Agribank là ngân hàng chủ lực cho vay lĩnh vực tam nông: nông nghiệp - nông thôn - nông dân. Với vai trò quan trọng này, trong suốt nhiều năm qua, Agribank luôn đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp tại ĐBSCL, góp phần tích cực phát triển kinh tế, xã hội địa phương.Agribank cam kết sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, triển khai quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục đồng hành, hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng.
Văn Vũ
MC1: Tin 3
Trước đòi hỏi của thị trường, nhiều nông dân ở Đắk Nông đã thay đổi phương thức sản xuất, tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng. Lãnh đạo Sở NN-PTN cho biết, những năm qua, thông qua các đề án sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững đã từng bước thay đổi tập quán canh tác của nông dân. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng kỹ thuật, chất lượng cao hơn, sạch hơn, thân thiện với môi trường. Các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, sinh học của tỉnh đã tăng khả năng cạnh tranh và vươn xa trên thị trường...
Minh Quý
MC 1: Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Tầm nhìn Nông nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Đưa Trung tâm liên kết nông sản ĐBSCL thành hạt nhân nông nghiệp hiện đại
Trung tâm Liên kết nông sản sẽ trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại. Đồng thời thực hiện vai trò liên kết nguồn lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cả vùng ĐBSCL.
Kim Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Quy mô chăn nuôi bò thịt giảm dù nhu cầu tiêu dùng tăng; Liên kết chuỗi là giải pháp để ngành tôm phát triển; Cấm đánh bắt thủy sản tại hồ Dầu Tiếng 30 ngày.
Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ đêm và sáng trời rét, ngày trời lạnh. Từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục có mưa lớn diện rộng.