Giá trị Việt được nuôi dưỡng bởi dòng nước ngọt lành

Sản xuất nông nghiệp có thuận lợi hay không, mùa màng có bội thu hay không, phụ thuộc phần lớn vào việc nguồn nước có dồi dào, chất lượng hay không.

Quỳnh Anh  | 15:15 28/06/2024

Giá trị Việt được nuôi dưỡng bởi dòng nước ngọt lành

Tự động

Để nông sản Việt, con người Việt được nuôi dưỡng bởi dòng nước ngọt lành

MC1:

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình thủy lợi và phát triển

Thưa quý vị và bà con, là đất nước lấy canh nông làm gốc, nông nghiệp được coi là một trong những trụ đỡ phát triển quan trọng của Việt Nam cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã không ngừng vươn lên, khẳng định vị thế trên trường quốc tế với những con số tăng trưởng ấn tượng và giá trị xuất khẩu ‘kỷ lục’ của nhiều mặt hàng nông sản. Đóng góp vào thành công ấy của ngành nông nghiệp, không thể không kể đến vai trò của thủy lợi – yếu tố được coi là quan trọng nhất, quyết định sự thành bại của sản xuất nông nghiệp mà cha ông ta đã đúc kết từ kinh nghiệm xa xưa.

MC 2:

Vâng thưa quý vị và bà con, “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.” Sản xuất nông nghiệp có thuận lợi hay không, mùa màng có bội thu hay không, phụ thuộc phần lớn vào việc nguồn nước có dồi dào, chất lượng hay không. Với những vai trò chính như chống úng, lụt trong mùa mưa bão, đảm bảo nước tưới trong mùa khô, giúp cải tạo đất, mở rộng diện tích canh tác, tăng vụ, thay đổi cơ cấu mùa vụ và cơ cấu cây trồng… từ đó, bảo vệ sản xuất, tạo ra được năng suất cây trồng cao và tăng sản lượng cây trồng. Đồng thời, hệ thống thủy lợi dồi dào sẽ giúp cho việc vận chuyển sản phẩm sau thu hoạch được dễ dàng hơn, giảm chi phí vận chuyển, nâng cao giá thành sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Thủy lợi là yếu tố tác động trực tiếp tới mọi mặt của xã hội, thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp.

Là quốc gia có hệ thống sông ngòi phong phú, thế nhưng, trước những tác động của biến đổi khí hậu, công tác thủy lợi của nước ta đang gặp phải những rào cản lớn. Hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt trong những năm qua đã khiến ruộng đồng khô hạn, cây trồng chết héo, thậm chí, ở vùng đất gắn liền với hình ảnh ‘mênh mông sông nước’ như ĐBSCL, bà con gặp khó khăn, thiếu thốn cả về nguồn nước cho sinh hoạt. Phạm Quốc Hưng- Phó trưởng Phòng Phụ trách phòng Quản lý nước sạch nông thôn của Cục thủy lợi chia sẻ:

Băng nước sạch - Hưng

Thế giới khẳng định “nước là tài nguyên quan trọng thứ hai sau tài nguyên con người”. Chính vì vậy, ngay sau khi chúng ta giành được độc lập, Bác Hồ và Chính phủ đã thành lập cơ quan quản lý nước. Và từ chỗ chỉ được coi là biện pháp bảo vệ, phát triển sản xuất nông nghiệp cho tới những công trình đáp ứng yêu cầu về đa mục tiêu, ứng phó chủ động với thời tiết cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng như hiện nay, đúc kết kinh nghiệm từ xa xưa và từ thực tiễn của việc hoạt động sản xuất, đời sống dân sinh chịu tác động nặng nề của hạn hán, thiếu nước… đất nước ta ngày càng chú trọng đầu tư, phát triển hệ thống thủy lợi, từ vùng đồng bằng tới núi cao, thủy lợi đi tới đâu, đem lại sức sống mới tới đó. Minh chứng rõ nhất, năm 2022, khi Cống Cái lớn - Cái bé – siêu công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam được đưa vào vận hành đã giúp người dân hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nguồn nước được chủ động kiểm soát một cách tối ưu. Hay gần đây nhất là thành công của ngành thủy lợi trong việc điều hành nguồn nước tưới vụ đông xuân. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá.

Băng TT

MC 2:

Hiện nay, cả nước có 6.750 đập, hồ chứa thủy lợi có dung tích trữ từ 50 nghìn m3 hoặc chiều cao đập từ 5m trở lên; hơn 19.400 trạm bơm, gần 27.800 cống, gần 16.100 đập tạm và 291.000 km kênh mương các loại. Công trình thủy lợi hằng năm tưới cho lúa khoảng 7,26 triệu ha gieo trồng, cấp nước cho nuôi trồng thủy sản 686.600 ha và khoảng 6,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp; bảo đảm phòng, chống lũ, chống ngập cho các đô thị, khu dân cư, bảo vệ sản xuất.

Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu về thủy lợi đa mục tiêu, hiện nay có rất nhiều tiến bộ khoa học mới của ngành thủy lợi đã đi trước các ngành khác. Ví dụ như công nghệ tro bay trong thi công đập thủy lợi. Hoặc các công trình như cống Cái Lớn, Cái Bé ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất thế giới về hệ thống cơ khí, hệ thống đóng mở, vận hành tự động… của châu Âu và Mỹ. Thế nhưng trước những tác động của quá trình đô thị hóa và biến động ngày càng bất thường của thiên nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng công tác thủy lợi cần đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Băng TT 2

MC 1:

Thưa quý vị và bà con, Nước là sự sống, đảm bảo an ninh nguồn nước chính là bảo vệ cuộc sống của loài người trên hành tinh. Việt Nam ta là nước nông nghiệp với hàng chục triệu người sống dựa vào nguồn nước ngọt để đảm bảo sinh kế. Và từ một ngành phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là chính, đến nay thủy lợi đang đồng hành vì sự phát triển “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh”, góp phần phát triển bền vững kinh tế, xã hội, bảo đảm môi trường và phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai. Ở quá khứ, hiện tại hay trong tương lai, việc sử dụng hợp lý tài nguyên nước và đầu tư cho công tác thủy lợi vẫn luôn là yếu tố gắn với sự thành, bại của sản xuất nông nghiệp, để nông nghiệp việt Nam tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế, để nông sản Việt Nam vươn tới nhiều thị trường thế giới nhờ được tưới tiêu bởi dòng nước ngọt lành và để dịu dàng chảy trong từng người dân cần cù, chịu khó của đất nước ta khi được nuôi dưỡng bởi nguồn nước hợp vệ sinh.

MC 2: Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn về lĩnh vực thủy lợi.

MC 1: tin 1

Thưa quý vị và bà con,

Sở NN&PTNT Hà Tĩnh vừa ban hành công văn về việc đôn đốc thực hiện kế hoạch kiên cố hóa kênh mương nội đồng theo cơ chế hỗ trợ xi măng năm 2024 gửi UBND các huyện, thành phố, thị xã. Trong đó, đề nghị các đơn vị Hướng dẫn, chỉ đạo UBND các xã khẩn trương tổ chức thực hiện mua sắm xi măng kiên cố hóa kênh mương nội đồng kịp thời, đúng quy định. Hằng tuần báo cáo kết quả thực hiện, những vướng mắc, khó khăn về Sở NN&PTNT (qua Chi cục Thủy lợi) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Rà soát kế hoạch kiên cố hóa kênh mương nội đồng của các xã, chủ động điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch giữa các xã để đảm bảo thực hiện hoàn thành kế hoạch được giao. Trường hợp có thay đổi trong kế hoạch chung của cấp huyện thì tổng hợp, gửi về Sở NN&PTNT để rà soát, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

MC 2: tin 2

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang có 610 hồ chứa, hơn 1.000 đập dâng; trong đó có 86 hồ chứa đã xuống cấp, hư hỏng, gây mất an toàn trong mùa mưa lũ và không đảm bảo đủ nước cho bà con gieo cấy. Hiện mùa mưa bão đang đến gần, những công trình hồ, đập bị xuống cấp, hư hỏng nặng vẫn chưa được tu sửa do các địa phương, đơn vị quản lý hồ, đập đang thiếu nguồn vốn đầu tư, sửa chữa. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hoá, đối với các hồ đập xuống cấp, Sở đã chỉ đạo UBND các huyện kiểm tra hiện trạng công trình trước và sau lũ để tham mưu cho UBND tỉnh cấp kinh phí tu sửa, nâng cấp, đảm bảo an toàn cho công trình.

MC 1: tin 3

Đến cuối tháng 6, nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được đánh giá là đủ khả năng cung ứng nhu cầu tưới cho lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, dự báo nắng nóng gay gắt, kéo dài khiến nguồn nước ở các hồ chứa có nguy cơ xuống thấp, thiếu nước tưới vào giữa, cuối vụ. Chi cục Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, đến thời điểm này, mọi phương án ứng phó nắng hạn cho sản xuất nông nghiệp đều được các ban ngành, chủ hồ, các địa phương chủ động, chuẩn bị sẵn sàng. Chi cục Thủy lợi đang tập trung theo dõi diễn biến thời tiết, nắng hạn để hướng dẫn các chủ hồ có biện pháp vận hành, điều tiết nước về hạ du phục vụ sản xuất một cách hợp lý. Với trường hợp xảy ra thiếu nước, không bảo đảm cung cấp đủ cho các nhu cầu sử dụng thì ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt, tưới cây lâu năm có giá trị kinh tế cao và các nhu cầu thiết yếu khác.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Thủy lợi và phát triển của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Giá trị Việt được nuôi dưỡng bởi dòng nước ngọt lành

Sản xuất nông nghiệp có thuận lợi hay không, mùa màng có bội thu hay không, phụ thuộc phần lớn vào việc nguồn nước có dồi dào, chất lượng hay không.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Ngành chè Việt Nam thoát bẫy giá rẻ bằng con đường nông nghiệp hữu cơ
Phóng sự

Giải pháp nào để ngành chè Việt Nam xóa bỏ tư duy manh mún để nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường quốc tế và phát triển bền vững?

Ngành chè Việt Nam thoát bẫy giá rẻ bằng con đường nông nghiệp hữu cơ
Trang trại nông nghiệp tuần hoàn khép kín bên sườn đồi đẹp như tranh
Phóng sự

Vườn cây ăn quả xanh tốt mênh mông trải dài từ thung lũng đến các sườn đồi, cho đến khu chăn nuôi được quy hoạch bài bản trên vùng đất vốn khô cằn, sỏi đá.

Trang trại nông nghiệp tuần hoàn khép kín bên sườn đồi đẹp như tranh