Gian nan bảo vệ rừng giữa trung tâm di sản thiên nhiên thế giới
Vườn quốc gia Cát Bà được bao bọc chung quanh chủ yếu là mặt nước biển, địa hình núi đá vôi hiểm trở nên việc bảo vệ rừng ở đây cũng đầy gian nan.
Đinh Mười | 17:20 19/12/2023
Gian nan bảo vệ rừng giữa trung tâm di sản thiên nhiên thế giới
MC1:
Thưa quý vị và bà con, nằm giữa trung tâm du lịch của vùng Đông Bắc, hàng năm Vườn quốc gia Cát Bà thu hút hàng triệu du khách trong nước và quốc tế, thêm vào đó, địa bàn khu vực khá phức tạp, bao bọc chung quanh chủ yếu là diện tích mặt nước biển, địa hình núi đá vôi hiểm trở nên việc bảo vệ rừng ở đây cũng đầy gian nan.
MC2: Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Bà ngoài công tác bảo vệ rừng còn thực hiện chức năng bảo vệ Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà với diện tích hơn 26 nghìn ha, tuy nhiên lực lượng kiểm lâm tại đây tương đối mỏng, chỉ 60 người, có 12 trạm kiểm lâm, trong đó có 4 trạm nổi trên biển.
Do đặc thù về địa hình của Vườn quốc gia Cát Bà có cả núi và biển nên các trạm kiểm lâm sẽ lên lịch đi tuần rừng từ đầu tháng. Thực hiện phối hợp công tác nghiệp vụ giữa các đội mới có thể quản lý hiệu quả diện tích rừng được phụ trách. Việc đi tuần gặp nhiều vất vả, nhiều khi những tuyến dài, cán bộ kiểm lâm phải qua đêm ở trong rừng.
Còn các trạm đóng trên biển thì mỗi khi giông bão nổi lên, trạm rung lắc, kẽo kẹt, tròng trành chẳng khác gì chiếc lá tre mỏng manh trôi dạt giữa biển. Những lúc này, các cán bộ kiểm lâm đang công tác tại trạm phải mặc áo phao, gói ghém hành trang sẵn sàng phương án rời trạm nếu chẳng may xảy ra sự cố.
Sau khi chìa bàn tay chai sạn đầy vết rách do bị thương từ những lần đi tuần tra bắt tay chúng tôi, anh Vũ Văn Duy – Phó trạm trưởng trạm kiểm lâm Việt Hải chia sẻ:
“Trích băng ghi âm PV anh Vũ Văn Duy)
Ngoài việc tuyên truyền pháp luật bảo vệ rừng cho người dân, cán bộ kiểm lâm ở đây còn phải tuyên truyền cho du khách đếnVườn quốc gia Cát Bà để du khách nắm được thông tin, nâng cao ý thức, bảo vệ môi trường, không tác động đến hệ sinh thái. Ông Nguyễn Quang Khải, Trạm trưởng Kiểm lâm Khoan Cao chia sẻ:
(Trích băng ghi âm ông Nguyễn Quang Khải)
Khó khăn là vậy nhưng với nhiệm vụ bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, nghiên cứu khoa học và phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, trong những năm qua, công tác bảo vệ rừng ở Vườn quốc gia Cát Bà luôn được duy trì thường xuyên, số vụ vi phạm ngày càng giảm. Bên cạnh đó, Vườn quốc gia Cát Bà là một điểm thu hút nhiều khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài. Lực lượng kiểm lâm vườn ngoài công tác tuần tra phải tự học thêm ngoại ngữ để làm công tác tuyên truyền pháp luật và giới thiệu cho du khách nước ngoài.
Từ khi quần đảo Cát Bà được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới, số lượng khách du lịch đến đây ngày càng nhiều. Gần đây, trung bình mỗi năm có đến trên dưới 2 triệu lượt du khách ghé thăm Cát Bà, kéo theo đó là các dịch vụ du lịch tăng lên, gây khó khăn cho việc bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ông Đỗ Văn Đông, cán bộ kiểm lâm Eo Bùa bộc bạch:
(Băng ghi âm anh Đỗ Văn Đông)
Dù lực lượng lâm của vườn quốc gia Cát Bà mỏng, nhiều khó khăn đặc thù nhưng thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được quan tâm, các vụ cháy rừng đã giảm dần theo các năm. Nhiều năm gần đây ở Cát Bà không xảy ra các vụ cháy lớn, các vụ cháy chủ yếu là cỏ tranh, không có thiệt hại về rừng.
Mặt khác, lực lượng bảo vệ rừng được tham gia các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ và sử dụng các công cụ hỗ trợ, thiết bị công nghệ vào quá trình công tác như GPS, bản đồ số, phần mềm Smart…
Ông Nguyễn Văn Thịu, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà nói:
(Trích băng ghi âm anh Nguyễn Văn Thịu)
MC1: Thưa quý vị và bà con, có thể thấy các trạm kiểm lâm tại vườn Quốc gia Cát Bà đã làm tốt tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn cảnh quan môi trường cho Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây là một trong những nhân tố quan trọng để Cát Bà cùng với Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào ngày 16/9/2023 vừa qua.
MC 2: Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn trong lĩnh vực lâm nghiệp.
MC 1: tin 1
Thưa quý vị và bà con,
Huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu hiện có hơn 175.000ha rừng, trong đó Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện được giao quản lý hơn 78.000ha. Từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Tè đã tổ chức 13 hội nghị tại UBND các xã, 105 cuộc họp bản, khu phố, với 9.500 lượt người tham gia, tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng được 210 lượt bản, khu phố với trên 10.170 đại diện hộ gia đình tham gia. Hiện nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Tè đã chi trả dịch vụ môi trường rừng cho bên nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn các xã, thị trấn năm 2022. Trong đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Tè thực hiện chi trả hơn 78.000ha, với tổng số tiền gần 88 tỷ đồng. UBND các xã, thị trấn chi trả diện tích trên 96.800ha, số tiền hơn 100 tỷ đồng.
MC 2: tin 2
Đến nay, tỉnh Thái Nguyên có 3/5 chủ rừng quản lý rừng đặc dụng, rừng sản xuất được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững với tổng diện tích trên 34.400 ha. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên cho biết, điểm nổi bật trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng năm 2023 ở Thái Nguyên đó là việc các cấp, các ngành đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần xây dựng địa bàn không có điểm nóng về khai thác, phát phá, vận chuyển, kinh doanh lâm sản trái phép. Các chỉ tiêu về quản lý, bảo vệ rừng ở Thái Nguyên đều đạt và vượt kế hoạch được giao, tỷ lệ che phủ rừng ổn định trên 46%, giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt hơn 690 tỷ đồng.
MC 1: tin 3
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, qua rà soát, cập nhật diễn biến rừng tại các địa phương, dự kiến năm 2023, diện tích rừng của tỉnh hơn 244.550ha, tăng gần 222ha so với năm 2022, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 45,45%, khả năng đến năm 2024, tỷ lệ này đạt 45,49%. Trên cơ sở rà soát của kiểm lâm địa bàn, báo cáo của các đơn vị chủ rừng nhà nước về công tác phát triển rừng trong giai đoạn 2020 - 2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo chỉ tiêu phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng vào năm 2025 đạt 45,5%, không đạt so với chỉ tiêu 46,5% đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Phát triển lâm nghiệp..
Gian nan bảo vệ rừng giữa trung tâm di sản thiên nhiên thế giới
Vườn quốc gia Cát Bà được bao bọc chung quanh chủ yếu là mặt nước biển, địa hình núi đá vôi hiểm trở nên việc bảo vệ rừng ở đây cũng đầy gian nan.
Đinh Mười
Tin liên quan
Các chương trình
Giải pháp nào để ngành chè Việt Nam xóa bỏ tư duy manh mún để nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường quốc tế và phát triển bền vững?
Vườn cây ăn quả xanh tốt mênh mông trải dài từ thung lũng đến các sườn đồi, cho đến khu chăn nuôi được quy hoạch bài bản trên vùng đất vốn khô cằn, sỏi đá.