Giữ rừng bằng công nghệ viễn thám
Nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn ra phức tạp trên địa bàn, thời gian qua tỉnh Bình Thuận đã áp dụng phần mềm ứng dụng công nghệ viễn thám để quản lý, bảo vệ rừng.
Kim Sơ | 06:02 29/07/2023
Giữ rừng bằng công nghệ viễn thám
MC 1: Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio rong chương trình Phát triển Lâm nghiệp.
Thưa quý vị và bà con, nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng phức tạp, ở nơi khó phát hiện, thời gian qua tỉnh Bình Thuận đã áp dụng phần mềm ứng dụng công nghệ viễn thám để quản lý, bảo vệ rừng. Có thể nói sau hơn 2 năm áp dụng phần mềm này đã giúp cho các chủ rừng, lực lượng kiểm lâm kịp thời kiểm tra, lập hồ sơ xử lý các vụ việc vi phạm xâm hại rừng khi vừa mới phát sinh, cũng như không để xảy ra những vụphá rừng có quy mô lớn đến mức nghiêm trọng mà không được phát hiện ngăn chặn, xử lý. Ghi nhận phóng viên Kim Sơ tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.
MC 2: Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi đến Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong, nơi đang quản lý hơn 15.000 ha rừng, trong đó có hơn 9.400ha rừng tự nhiên và gần 4.300ha rừng trồng. Đặc điểm rừng nơi đây tiếp giáp đất sản xuất nông nghiệp, khu dân cư và các tuyến giao thông đường bộ đi qua. Đây cũng là khu vực nhạy cảm về giá đất nên kích thích người dân phá rừng, lấn chiếm sử dụng, sang nhượng trái phép.
Trước thực tế này, để phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng, từ tháng 3/2021, Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong ứng dụng công nghệ viễn thám đã quản lý được diện tích rừng từ xa, nắm được về tình hình mất rừng, từ đó kịp thời chỉ đạo kiểm tra, xác minh các điểm cảnh báo mất rừng trên địa bàn quản lý. Ông Nguyễn Hữu Tâm, đại diện Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong cho biết:
(Băng 28s)
Theo Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, từ khi ứng dụng công nghệ viễn thám để quản lý, bảo vệ rừng, phần mềm đã phát hiện và gửi tin cảnh báo hơn 1.500 điểm có nguy cơ mất rừng. Tất cả các điểm cảnh báo này đều được các hạt kiểm lâm, đơn vị chủ rừng tổ chức kiểm tra, xác minh hiện trạng, thời gian mất rừng.
Đặc biệt, phần mềm đã để lại một số dấu ấn như phát hiện 1 vụ phá rừng ở lâm phần Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Sông Dinh. Sau khi nhận được tin cảnh báo, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với chủ rừng đã đến ngay hiện trường, lập hồ sơ khởi tố vụ án và được Công an huyện Tánh Linh thụ lý đưa ra tòa xét xử, xử phạt 1 đối tượng 15 tháng tù. Ông Hồ Thiện Đang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận cho biết thêm:
(Băng 31 s)
Được biết, hiện tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trong quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hơn 350.000ha. Trước áp lực của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng phải tổ chức tuần tra rừng liên tục. Trong khi lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, kiểm lâm địa bàn không đủ điều kiện để thực hiện do địa bàn quản lý rộng, lực lượng còn mỏng so yêu cầu bởi tình trạng nghỉ việc ngày càng nhiều.
Từ năm 2019, Sở NN- PTNT Bình Thuận đã đề xuất dự án “Ứng dụng công nghệ viễn thám sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Sau đó UBND tỉnh thống nhất chủ trương xây dựng và cho chính thức đi vào hoạt động từ năm 2021 đến nay. Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết:
(Băng 37 s)
MC1: Thưa quý vị và bà con, việc ứng dụng công nghệ viễn thám trong quản lý rừng là giải pháp tối ưu nhất trong việc quản lý tài nguyên rừng. Từ thực tế khi áp dụng tại tỉnh Bình Thuận cho thấy công nghệ đã giúp cho lực lượng quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh này kịp thời nhận được những thông tin biến động về rừng, đất rừng trên địa bàn quản lý, từ đó chủ động chỉ đạo và có trách nhiệm xác minh, xử lý đối với những khu vực được phần mền cảnh báo, qua đó góp phần ngăn chặn kịp thời những hành vi xâm hại rừng quy mô lớn.
MC 2: Bây giờ, mời quý vị cùng đến với một số tin vắn về lĩnh vực Lâm nghiệp.
MC 1:
Tại cuộc làm việc mới đây với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn để đánh giá tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, Bắc Kạn có tài nguyên thiên nhiên đa dạng, thích hợp cho sản xuất nông lâm nghiệp, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả và phục hồi rừng. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tỉnh đổi mới tư duy, đặc biệt là 2 đột phá gồm phát triển kinh tế rừng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở khai thác thế mạnh từ rừng gắn với bảo vệ rừng, với 3 định hướng gồm bán tín chỉ carbon, điện sinh khối, phát triển ngành công nghiệp các sản phẩm từ rừng theo hướng vừa là thực phẩm, vừa là mỹ phẩm, vừa là dược phẩm.
MC 2:
Theo ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Việt Nam hiện có hơn 3 triệu ha rừng trồng thương mại, hàng năm cung cấp 40 triệu m3 gỗ cho ngành công nghiệp sản xuất. Bên cạnh nguồn gỗ nội địa, Việt Nam cũng nhập khẩu 322 loại gỗ để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu tới 104 quốc gia. Phế phẩm từ gỗ công nghiệp được tận dụng và trở thành nguồn nguyên liệu dồi dào cho năng lượng sinh khối phát triển ổn định. Ngoài ra, rơm rạ, trấu, bã mía, vỏ cà phê cũng là đầu vào của năng lượng sinh khối sẵn có tại Việt Nam.
MC 1:
Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đến nay, toàn tỉnh đã điều tra, xác lập, phân định ranh giới rừng, lập hồ sơ cắm 941 mốc và 80 bảng trên bản đồ và thực địa, cơ bản thực hiện xong việc giao rừng đồng bộ với giao đất. Giai đoạn 2017 – 2022, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư 161 tỷ đồng cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, trồng được 128 ha rừng phòng hộ đầu nguồn, trồng lại rừng sau khai thác gần 4.000 ha, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh tự nhiên 205 ha rừng/năm. Công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp được thực hiện quyết liệt.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Phát triển lâm nghiệp phát sóng trên Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Giữ rừng bằng công nghệ viễn thám
Nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn ra phức tạp trên địa bàn, thời gian qua tỉnh Bình Thuận đã áp dụng phần mềm ứng dụng công nghệ viễn thám để quản lý, bảo vệ rừng.
Kim Sơ
Tin liên quan
Các chương trình
Việt Nam thích ứng chủ động với suy thoái đất và khô hạn; Trồng rừng gỗ lớn còn nhiều rào cản; Quảng Ngãi chỉ đạo sớm xử lý các điểm sạt lở khẩn cấp.
Miền Trung vẫn đang chìm trong mưa. Từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, mưa vẫn dai dẳng, thậm chí có nơi mưa to.