Hỗ trợ chăn nuôi hàng hóa giúp người Mông thoát nghèo
Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã thực hiện hỗ trợ người dân các xã đặc biệt khó khăn phát triển chăn nuôi hàng hóa, tạo mô hình sinh kế cho bà con thoát nghèo.
Thanh Tiến | 14:15 13/12/2023
Hỗ trợ chăn nuôi hàng hóa giúp người Mông thoát nghèo
MC 1: Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio.
Thưa quý vị và bà con, sáng sớm của những ngày đầu đông ở Tạm Tấu, thời tiết đã khá lạnh, sương mù bao phủ dày đặc trên các dãy núi. Hơn 8 giờ sáng, mặt trời mới nhô qua khỏi đỉnh núi cao, những tia nắng đầu tiên soi rọi sưởi ấm cho các thửa ruộng bậc thang vắt vẻo lạnh lẽo bên sườn núi. Sau bữa cơm sáng quây quần bên bếp lửa, gia đình anh Giàng A Dê ở bản Sáng Pao, xã Xà Hồ mới bắt tay vào công việc hàng ngày của mình là chăm sóc đàn trâu bò nuôi nhốt trong chuồng.
MC 2:
Gia đình anh Giàng A Dê là hộ nghèo có thâm niên ở xã Xà Hồ, năm 2020 gia đình anh được hỗ trợ 30 triệu đồng theo chương trình Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh Yên Bái về hỗ trợ chăn nuôi hàng hóa. Có vốn, anh Dê quyết định mua trâu, bò về nuôi nhốt theo phương thức bán chăn thả, riêng trong mùa đông, anh đã sửa sang lại chuồng trại, dự trữ thức ăn để nuôi nhốt hoàn toàn, tránh cho trâu bò không bị chết rét trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Mỗi năm đàn trâu bò lại sinh sản thêm từ 4-5 con, anh Dê duy trì đầu đàn 10 con, còn lại thì bán giống cho các hộ dân trong xã, thu nhập gần 70 triệu đồng/năm từ mô hình chăn nuôi trâu bò. Nhờ đó năm đến cuối năm 2022, gia đình anh đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo.
PB anh Giàng A Dê, bản Sáng Pao, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu (Yên Bái)
Ngồi sau xe máy của anh phó chủ tịch xã Xà Hồ leo hơn 800 m đường núi, chiếc xe ì ạch cài số 1 để vượt dốc, cả đoạn đường dốc quanh cua khúc khuỷu, không có chỗ nào bằng phẳng, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi trâu bò của ông Giàng A Gâu. Người đàn ông người dân tộc Mông chạc tứ tuần nhưng trông như đã ngoài năm mươi tuổi với vẻ mặt khắc khổ đang tất bật dùng máy thái cỏ voi, chuẩn bị cho đàn trâu nuôi nhốt trong chuồng ăn bữa sáng.
Trước đây, nhà ông Gâu nghèo có số má ở bản Sáng Pao, sinh kế chỉ trông vào vài sào ruộng nương, cả gia sản có 1 con trâu nuôi lấy sức kéo, cuộc sống đói nghèo đeo bám dai dẳng. Cũng giống như nhiều gia đình trong xã, từ nguồn hỗ trợ chăn nuôi theo Nghị quyết 69 HĐND tỉnh, năm 2021 ông Gâu đã đầu tư mua 3 con trâu cái sinh sản và tu sửa, mở rộng chuồng trại để nuôi trâu theo hình thức bán chăn thả. Đến nay, ông đã nhân đàn lên 10 con trâu, thu nhập từ mô hình này đã giúp gia đình ông thoát nghèo từ cuối năm 2022. Nở nụ cười hiền, ông Gâu chia sẻ:
PB ông Giàng A Gâu, bản Sáng Pao, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu (Yên Bái)
Xà Hồ là xã đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao Trạm Tấu, cả xã có 580 hộ dân với 3.400 nhân khẩu, gần 100% là đồng bào dân tộc Mông, định cư ở 7 thôn, bản. Những năm qua, cuộc sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn như trình độ dân trí không đồng đều, địa hình chia cắt, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thu nhập của người dân thấp; kinh tế chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp.
Để đẩy mạnh thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, chính quyền địa phương đã huy động các đơn vị phụ trách xã, cán bộ, công chức, viên chức giúp đỡ, hỗ trợ các hộ dân thoát nghèo.
Đặc biệt, từ chương trình Nghị quyết 69 HĐND tỉnh Yên Bái, trên địa bàn xã đã có hơn 30 hộ dân được hỗ trợ vốn phát triển các mô hình chăn nuôi hàng hóa như: nuôi trâu bò, lợn nái, lợn thịt, chăn nuôi gia cầm… Trong năm 2023, trong xã có gần 50 hộ dân thoát nghèo. Anh Chớ A Sinh – Phó Chủ tịch UBND xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu cho biết:
PB anh Chớ A Sinh – Phó Chủ tịch UBND xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, Yên Bái
MC 1:
Thưa quý vị và bà con, hiện nay, huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) có 10 xã và 51 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vữngthực hiện đã đầu tư, hỗ trợ hơn 90 tỷ đồng để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội ở huyện vùng cao này. Tỉnh Yên Bái đã lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng nhiều công trình đường giao thông, điện, nước sạch, giáo dục và văn hóa. Các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển các mô hình giảm nghèo cũng phát huy hiệu quả tích cực. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn gần 50%. Với mục tiêu, mỗi năm giảm trung bình 6,5% hộ nghèo, Trạm Tấu quyết tâm phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo. Vì vậy, các cấp chính quyền trong huyện đã và đang tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách cho hộ nghèo, cận nghèo, bảo đảm đến được với người dân và phát huy hiệu quả giúp người dân xóa đói giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống.
MC 2: Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng đến với một số tin tức về việc thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững trên cả nước.
MC 1: tin 1
Thưa quý vị và bà con,
Nhận thức sâu sắc công tác xóa đói, giảm nghèo là một chính sách rất quan trọng trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, thời gian qua, Đảng bộ huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện học tập và làm việc gắn với công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Nhờ đó, số hộ nghèo giảm nhanh từ hơn 5.700 hộ năm 2021 xuống còn 3.900 hộ vào cuối năm 2023, tương ứng với tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18,26% năm 2021, xuống còn 11,97% vào cuối năm 2023, hầu hết các thôn, làng đồng bào DTTS được định cư, đảm bảo ổn định sản xuất, hộ nghèo và hộ đồng bào DTTS được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước.
MC 2: tin 2
Với mục tiêu cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm, hội nghị tư vấn - giới thiệu việc làm… Theo đó, tính đến hết tháng 10/2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tổ chức 44 phiên giao dịch việc làm với 340 lượt doanh nghiệp, đơn vị và 19.350 người lao động tham gia tuyển dụng... Thông qua các phiên giao dịch việc làm, hội nghị cung cấp thông tin thị trường lao động cho trên 157.000 lượt người, kết nối việc làm thành công cho 2.000 lao động có nhu cầu tìm việc làm trong nước, đi làm việc ở nước ngoài và học nghề.
MC 1: tin 3
Tại huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, Du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm đang dần trở thành điểm nhấn cho phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Từ những điệu múa khèn, múa xòe, nhảy sạp đơn giản nhưng nhờ biết cách tổ chức và kết hợp, người dân đã dần học cách làm du lịch, từ đó đời sống khấm khá hơn. Bằng việc quan tâm phát triển tiềm năng thế mạnh từ du lịch và tận dụng các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 30,53% năm 2015 giảm xuống còn dưới 10% vào năm 2020. Hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi của huyện là 16,37%, tỷ lệ hộ cận nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn 9,03%.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Hỗ trợ chăn nuôi hàng hóa giúp người Mông thoát nghèo
Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã thực hiện hỗ trợ người dân các xã đặc biệt khó khăn phát triển chăn nuôi hàng hóa, tạo mô hình sinh kế cho bà con thoát nghèo.
Thanh Tiến
Tin liên quan
Các chương trình
Hoa cúc Ninh Giang đã tạo được thương hiệu ở khu vực Nam Trung bộ vì màu hoa tươi, sáng, bông to, lâu tàn tượng trưng cho sự sum vầy trong ngày Tết.
Từ trồng lúa và rau màu trên đất bãi, Phù Đổng nay đã trở thành vùng sản xuất hoa giấy lớn nhất nhì miền Bắc và tự chủ từ giống gốc tới cây thành phẩm.