Hồi sinh những cánh rừng tan tác sau bão lũ

Ngành lâm nghiệp đang căng mình tìm giải pháp phục hồi những cánh rừng bị tàn phá bởi bão số 3, cân đối nguồn nguyên liệu gỗ cho chế biến lâm sản.

Quỳnh Anh  | 16:26 26/09/2024

Hồi sinh những cánh rừng tan tác sau bão lũ

Tự động

Hồi sinh những cánh rừng tan tác sau bão lũ

MC 1

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Phát triển Lâm nghiệp.

Thưa quý vị và bà con, cơn bão số 3 cùng mưa lớn kéo dài sau bão đã tàn phá những cánh rừng khu vực Bắc bộ. Nhiều diện tích rừng trồng bị gãy đổ, trốc gốc, một số nơi bị sạt lở gây mất rừng, ảnh hưởng đến cả chu kỳ sản xuất và đe dọa nguồn nguyên liệu gỗ cho chế biến. Đến thời điểm này, cùng với toàn ngành nông nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người sản xuất trong lĩnh vực lâm nghiệp đang căng mình tìm giải pháp phục hồi những cánh rừng, khắc phục hậu quả thiên tai.

MC 2:

Thưa quý vị và bà con, trong bối cảnh ngành lâm nghiệp vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức về thị trường xuất khẩu, quy định giảm phát thải khí nhà kính, không gây mất rừng, suy thoái rừng… cơn bão số 3 quét qua càng để lại thêm những khó khăn lớn. Tính đến 16h ngày 23/9, bão số 3 đã khiến gần 170 nghìn ha rừng trồng sản xuất bị thiệt hại, con số này chưa bao gồm diện tích rừng tự nhiên bị sạt trượt, điều này sẽ làm giảm đáng kể nguồn nguyên liệu phục vụ ngành chế biến gỗ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, theo báo cáo nhanh của các địa phương, hầu hết doanh nghiệp ván dán, ván thanh, ván bóc tại các tỉnh miền núi phía Bắc có nhà xưởng xây dựng không kiên cố nên khi bão bị tốc mái, sau bão thì lũ lụt sạt lở đất. Ước tính số doanh nghiệp thiệt hại khoảng 200 doanh nghiệp, với số tiền khoảng 40 tỷ đồng. Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp đánh giá những thiệt hại sau cơn bão số 3 đối với ngành chế biến gỗ và lâm sản trong thời gian tới.

Băng Cục LN

MC 2:

Không chỉ thiệt hại về rừng trồng nguyên liệu, trận thiên tai vừa qua cũng gây ra nhiều thiệt hại cho nhiều diện tích rừng tại những dự án về lâm nghiệp. Đơn cử như với Dự án “Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển” được thực hiện tại 8 tỉnh ven biển Bắc bộ và Bắc Trung bộ, sau cơn bão số 3, đã có 3 tỉnh thành gồm Quảng Ninh, Hải Phòng và Thanh Hóa bị ảnh hưởng, nhiều diện tích trồng rừng ngập mặn của dự án bị sóng đánh trôi, cây rừng cạn bị xô đổ.

Trước bối cảnh đó, Cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi Sở NN-PTNT các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Đồng Bằng sông Hồng hướng dẫn khắc phục diện tích rừng bị thiệt hại do thiên tai gây ra với những nội dung cụ thể về thống kê tình tình rừng bị thiệt hại, xử lý, khai thác, tận thu gỗ rừng bị thiệt hại cũng như phục hồi, trồng lại rừng sau thiên tai. Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị, đối với diện tích rừng bị thiệt hại nặng, cây rừng bị đổ gãy hoàn toàn, không thể phục hồi được thì thực hiện khai thác, tận thu toàn bộ số cây, sau khi khai thác, tận thu chủ rừng sẽ phải trồng lại rừng ngay vụ kế tiếp khi có thời tiết thuận lợi. Đối với diện tích rừng bị thiệt hại nhẹ, số cây còn lại đủ tiêu chí thành rừng thì chỉ tận thu những cây bị đố, gãy. Đặc biệt, sau khi cơn bão đi qua, các vậy liệu cháy phát sinh tại khu vực có rừng là rất lớn nên các địa phương, chủ rừng cần quan tâm đến công tác vệ sinh rừng, phòng chống cháy rừng, có giải pháp ngay cho vấn đề này. Đối với công tác chuẩn bị giống để phát triển rừng, Thứ trưởng nêu rõ:

Băng TT Trị

MC 2:

Là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất về diện tích rừng trồng, ông Vũ Duy Văn Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh thông tin, tại địa phương, nông nghiệp nói chung và lâm nghiệp nói riêng là lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề nhất sau bão số 3. Với hơn 110.000ha rừng bị ảnh hưởng, Quảng Ninh ước tính có thể giảm tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn lên đến hơn 10%.

Không những vậy, tại Quảng Ninh, có 8 công ty lâm nghiệp với diện tích rừng trồng trên 40.000 ha, sau bão chỉ còn khoảng 10.000 ha. Thậm chí có những doanh nghiệp, sau cơn bão lịch sử vừa qua đã không còn bất kỳ diện tích rừng trồng nào. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong đời sống của người lao động cũng như chuỗi sản xuất. Địa phương cũng cho biết có nhiều diện tích trồng rừng ngập mặn của các dự án đã bị sóng đánh trôi và xô đổ cây rừng trồng. Tuy nhiên, do điều kiện mưa lũ và thuỷ triều dâng cao nên chưa tiếp cận được hiện trường để đánh giá, xác định được số liệu cụ thể về thiệt hại sau bão.

Trong bối cảnh đó, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai ngay các biện pháp khắc phục hậu quả sau bão. Đặc biệt, với công tác tổ chức khai thác, tận thu rừng - là công tác đòi hỏi nguồn lực, nhân công với mức chi phí rất lớn, lại thêm khó khăn khi các cây rừng đổ ngã chắn toàn bộ tuyến đường lâm nghiệp, ngành nông nghiệp tỉnh đã huy động sự vào cuộc của nhiều lực lượng.

Băng Quảng Ninh

MC 1:

Vâng thưa quý vị và bà con, ngành lâm nghiệp hiện đang mang lại giá trị lớn khi giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản bình quân đạt gần 1,4 tỷ USD/tháng, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản 9 tháng đầu năm nay ước đạt 12,15 tỷ USD. Bộ NN-PTNT xác định, thiệt hại về lâm nghiệp sau bão lũ là những thiệt hại kéo dài, phải mất nhiều năm để khôi phục và phát triển trở lại. Cùng với toàn ngành nông nghiệp, lĩnh vực lâm nghiệp cũng đang tập trung đánh giá cụ thể về diện tích rừng và cơ sở chế biến gỗ bị thiệt hại, đồng thời chuẩn bị mọi điều kiện về nguồn giống, kỹ thuật để sẵn sàng cho vụ trồng rừng mới. Hành trình ấy đã và đang nhận được sự trợ lực, đồng hành từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, hiệp hội và những nỗ lực từ phía chủ rừng, người dân.

MC 2: Bây giờ mời quý vị và bà con cùng đến với một số tin vắn trong lĩnh vực Lâm nghiệp.

MC 1:

Thưa quý vị và bà con,

Theo Cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 12,15 tỷ USD, tăng hơn 17% so với cùng kỳ 2023. Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm của gỗ 9 tháng đầu năm ước đạt trên 2 tỷ USD, tăng gần 25 % so với cùng kỳ năm 2023. Xuất siêu 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt trên 10 tỷ USD. Dự kiến, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản cả năm 2024 đạt so với kế hoạch đề ra. Trong 9 tháng đầu năm, trừ 2 thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản có dấu hiệu giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2023, các thị trường nhập khẩu chính còn lại vẫn duy trì tăng trưởng khá mạnh.

MC 2:

Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam thông tin, thống kê sơ bộ từ các chi hội gỗ dán, dăm gỗ, viên nén sau bão số 3, tổng thiệt hại của các doanh nghiệp hội viên thuộc ba chi hội này là 510 tỷ đồng. Trong đó, chi hội gỗ dán thiệt hại 130 tỷ đồng qua thống kê sơ bộ thiệt hại của các doanh nghiệp tại các tỉnh Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang,…do nhà xưởng bị đổ sập, nguyên liệu, sản phẩm bị cuốn trôi, máy móc hỏng. Chi hội viên nén gỗ thiệt hại 70 tỷ đồng, trong đó, hàng hóa bị thiệt hại do bị tốc mái, nước làm hỏng khoảng 30 tỷ và nhà máy bị tốc mái, sạt lở đất, máy móc hỏng kèm hàng hóa, nguyên liệu tại xưởng thiệt hại 40 tỷ đồng.

MC 1:

Theo Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh, nhờ tăng cường công tác tuyên truyền, làm tốt công tác chuẩn bị, bảo đảm tốt các điều kiện để tổ chức trồng cây phân tán, tổng số cây được trồng tại lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và trồng cây phân tán trong năm 2024 trên địa bàn tỉnh đạt trên 16.700 cây; trong đó, cây giống do Chi cục Kiểm lâm cung cấp là hơn 6.000 cây, số còn lại do các đơn vị, tổ chức khác cung cấp. Sau khi cung cấp cây giống, Chi cục Kiểm lâm xây dựng kế hoạch kiểm tra, nghiệm thu cây trồng. Kết quả tại thời điểm kiểm tra cho thấy có gần 5.900 cây sống, đạt tỷ lệ 98%. Trong năm 2025, Chi cục Kiểm lâm sẽ tiếp tục chủ động triển khai thực hiện “Tết trồng cây” và trồng cây phân tán theo chỉ đạo của cấp trên, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021- 2025”.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Phát triển lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

 

Tự động

Hồi sinh những cánh rừng tan tác sau bão lũ

Ngành lâm nghiệp đang căng mình tìm giải pháp phục hồi những cánh rừng bị tàn phá bởi bão số 3, cân đối nguồn nguyên liệu gỗ cho chế biến lâm sản.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Đất khỏe nông dân làng bưởi Bạch Đằng sống khỏe
Phóng sự

Đến với Bạch Đằng, bạn sẽ bắt gặp những con đường quê thanh bình, rợp bóng cây xanh và những vườn bưởi trĩu quả, căng mọng.

Đất khỏe nông dân làng bưởi Bạch Đằng sống khỏe
Tối đa diện tích và chuẩn bị nguồn giống sớm cho trồng trọt vụ đông
Phóng sự

Để khắc phục thiệt hại sau bão số 3, ngành nông nghiệp sẽ tối đa diện tích sản xuất cây vụ đông và huy động các nguồn lực cung ứng giống cho kịp thời vụ.

Tối đa diện tích và chuẩn bị nguồn giống sớm cho trồng trọt vụ đông