| Hotline: 0983.970.780

Tan hoang những cánh rừng: [Bài 1] 'Lá phổi xanh' hoang tàn sau siêu bão

Thứ Năm 26/09/2024 , 05:48 (GMT+7)

Hơn 117.000ha rừng của Quảng Ninh đã bị thiệt hại do bão số 3. Siêu bão có sức gió chết chóc Yagi khiến 'lá phổi xanh' trên đất mỏ ngày nào trở nên hoang tàn.

Cây lim gần 50 năm tuổi của gia đình anh Triệu Tiến Lộc bị bão quật gãy đổ la liệt. Ảnh: Nguyễn Thành.

Cây lim gần 50 năm tuổi của gia đình anh Triệu Tiến Lộc bị bão quật gãy đổ la liệt. Ảnh: Nguyễn Thành.

Bão số 3 (Yagi) gây hậu quả kinh hoàng đối với nền kinh tế của tỉnh Quảng Ninh, trong đó ngành thủy sản và lâm nghiệp, vốn được xem là những mũi nhọn phát triển kinh tế của đất mỏ, đã bị tàn phá nặng nề.

Khu rừng vắng tiếng chim 

Dưới mái hiên nhà, anh Triệu Tiến Lộc (xã Tân Dân, TP Hạ Long) ngồi bần thần một mình. Có lẽ, anh vẫn chưa tin những gì cơn bão quái ác vừa gây ra là sự thật. “Khu rừng lim do gia đình tôi gìn giữ hơn 60 năm qua, trải qua bao biến cố, nhưng lần này, cơn bão số 3 như vò nát tất cả”, hướng ánh mắt về phía cánh rừng, giọng anh Lộc lạc hẳn đi.

Gia đình anh Lộc bắt đầu trồng và bảo vệ rừng lim này từ thập niên 60 của thế kỷ trước, từ khi anh chưa được sinh ra. Sau gần 70 năm, khu rừng lim đã phủ xanh cả quả đồi rộng lớn, tạo nên hệ sinh thái đa dạng với đủ mọi thực vật, trở thành nơi cư trú của nhiều loại động vật. 

“Trước hôm bão đổ bộ, tôi cho vợ con về nhà ngoại, một mình ở lại với cánh rừng đã gắn bó với gia tộc như máu thịt. Lúc cơn bão càn quét qua khu rừng, tiếng gió rít, tiếng cành cây bị vặn răng rắc, tiếng gãy đổ ầm ầm khiến tôi như đứt từng khúc ruột”, anh Lộc nhớ lại.

Bố của anh Lộc, “già làng” Triệu Tài Cao là người đã truyền tình yêu với rừng cho các thế hệ con cháu, tình yêu ấy biến cánh rừng lim "hóa thân" là thành viên quan trọng trong gia đình. “Khi bão giày xéo ngoài kia, tôi nóng ruột nhưng sức người quá nhỏ bé. Biết mình không thể làm gì khác, tôi thắp nén hương và cầu khấn tổ tiên và bố tôi phù hộ cho cánh rừng đang oằn mình trong bão tố”, anh Lộc kể.

“Hé cửa xem xét tình hình bên ngoài, tôi thấy trời tối sầm. Tôi giật mình khi cây trám cao hơn 20m bị đổ nghiêng, tán cây che phủ cả căn nhà. May mắn thay, khi gần đè vào nhà thì cây không đổ thêm nữa. Sau đó hàng xóm thấy vậy đã đến trợ giúp cắt cành, bảo vệ căn nhà tâm huyết mà bố tôi đã xây từ rất lâu. Có lẽ, các cụ đã nghe được lời cầu khẩn của tôi, chứ không đến tính mạng của tôi cũng khó giữ”, anh Lộc nhớ lại.

Anh Triệu Tiến Lộc không giấu được nỗi buồn khi cánh rừng quý bị tàn phá nặng nề. Ảnh: Nguyễn Thành.

Anh Triệu Tiến Lộc không giấu được nỗi buồn khi cánh rừng quý bị tàn phá nặng nề. Ảnh: Nguyễn Thành.

Bão tan, cả khu rừng lim cũng lặng vắng tiếng chim. Theo bước chân của anh Triệu Tiến Lộc, chúng tôi không còn nhận ra hình ảnh rừng lim cổ thụ với những gốc lim gần 70 năm tuổi cùng tán lá xanh mướt, phủ kín một khoảng trời mới ngày nào về thăm.

Khu rừng lim rộng 10ha nay đã tan hoang, anh Lộc nhẩm tính số cây tuổi đời trên 50 năm bị gãy đổ khoảng 50-60%. “Những cây bị gãy cành thì còn có khả năng khôi phục, còn những cây bị gãy ngang thân, bị đổ thì không sống được. Để phục hồi lại cánh rừng này phải mất ít nhất 5-10 năm, còn để được như trước khi bão càn quét thì phải hàng chục năm nữa”, anh Lộc rươm rướm nước mắt.

600 gốc lim, cùng nhiều loại cây bản địa, cây dược liệu quý bị ảnh hưởng nặng nề do bão số 3. “Những cây bị gãy đổ không có khả năng phục hồi, tôi đã báo cáo địa phương để có phương án xử lý, tận thu. Thiệt hại về tiền cho đến bây giờ tôi vẫn chưa thể tính toán con số chính xác nhưng tổn thất về tinh thần là không đong đếm được. Gia đình tôi đang từng bước dọn dẹp, xử lý những cây bị gãy, phát quang khu rừng, tiến tới trồng thêm cây để khôi phục”, anh Lộc tâm sự.

Cháu Triệu Tiến Khôi, con trai anh Lộc, hàng ngày vẫn lên rừng cùng bố, chứng kiến cảnh hoang tàn của khu rừng, Khôi cũng không giấu được nỗi buồn trong ánh mắt: “Con buồn lắm, trước đây con hay lên rừng nghe tiếng chim hót, được thấy màu xanh của rừng, nhưng giờ không còn nữa. Con mong sao rừng cây nhanh trở lại như xưa”.

Cây re xanh hàng chục năm tuổi bị bão quật đổ. Ảnh: Nguyễn Thành.

Cây re xanh hàng chục năm tuổi bị bão quật đổ. Ảnh: Nguyễn Thành.

Rừng sản xuất bị "xóa sổ" 

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Quảng Ninh, bão số 3 đã làm thiệt hại trên 117.600ha rừng trên địa bàn tỉnh. Rừng trồng bị thiệt hại chủ yếu bị gãy ngang thân, đổ rạp hoặc bật gốc. Trong đó diện tích rừng từ 1-5 năm tuổi bị gãy đổ, người dân sẽ gần như mất trắng, không thể tận thu; đối với diện tích rừng từ 5 năm tuổi trở lên, có thể tận thu được khoảng 40% giá trị đầu tư. Cuộc sống của những người trồng rừng cũng gặp nhiều khó khăn khi nguồn sinh kế, tư liệu sản xuất bị ảnh hưởng.

Tại huyện Ba Chẽ, một trong những địa phương được xem là thủ phủ lâm nghiệp của đất mỏ, chỉ còn lại sự hoang tàn, trơ trọi. Được biết, huyện Ba Chẽ có tổng diện tích rừng và đất rừng là trên 56.000ha, chiếm 93,4% tổng diện tích tự nhiên; trong đó diện tích rừng và đất rừng sản xuất là gần 49.000ha.

Rừng bị tàn phá nặng nề, nhiều chủ rừng trắng tay sau bao năm trồng và chăm sóc. Hiện tại, các doanh nghiệp và người dân đều đang bố trí nhân lực đến tận từng vạt rừng để kiểm đếm, thống kê thiệt hại. Đơn cử như tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ba Chẽ có khoảng 2.600ha rừng sản xuất thì có tới 2.300ha đã bị siêu bão Yagi tàn phá, thiệt hại ước tính lên tới 70 tỷ đồng.

Người dân huyện Ba Chẽ kiểm tra thiệt hại rừng keo sau bão số 3. Ảnh: Nguyễn Thành.

Người dân huyện Ba Chẽ kiểm tra thiệt hại rừng keo sau bão số 3. Ảnh: Nguyễn Thành.

 Giọng như nghẹn lại, ông Chìu Văn Quỳnh, Phó Giám đốc Công ty lâm nghiệp Ba Chẽ, đau xót nói: "Hầu hết cây bị gãy, đổ. Lần này thì chết đói rồi! Giờ chúng tôi chỉ mong sao tận thu keo 4 năm, 5 năm tuổi của công ty và của người dân sau thiệt hại mà các xưởng chế biến dăm không ép giá, mong các ngân hàng cho vay vốn lãi suất thấp để trồng lại rừng, nhà nước có chính sách hỗ trợ đặc biệt với ngành lâm nghiệp sau thiên tai thôi".

"Chẳng biết nói gì bây giờ!", anh Nguyễn Văn Thái (xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ) bần thần trước tình cảnh 5ha keo đã hơn 4 năm tuổi bị cơn cuồng phong đánh gục. "Năm nay keo đẹp lắm, gia đình tôi ước tính sang năm thu hoạch sẽ trang trải được nợ nần và dư ra chút để tái đầu tư, mua sắm ít đồ đạc trong nhà", anh Thái nói vẻ tiếc nuối.

Hơn 5ha trồng lim, giổi, lát 3 năm tuổi của Công ty lâm nghiệp Ba Chẽ bị gãy đổ hoàn toàn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hơn 5ha trồng lim, giổi, lát 3 năm tuổi của Công ty lâm nghiệp Ba Chẽ bị gãy đổ hoàn toàn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Những ngày sau bão, nhiều hộ trồng rừng trên địa bàn tranh thủ tận thu những cây rừng bị gãy đổ ngang thân, bật gốc, để bán gỗ kiếm lại ít vốn tái tạo. Số lượng thu được chỉ khoảng 40%, do chất lượng của gỗ không đảm bảo, giá trị thu mua cũng chỉ được khoảng 20% so với thông thường. Tuy nhiên, cũng có nhiều hộ trồng rừng không có đủ nguồn lực để tận thu, làm sạch rừng.

"Giá dăm keo thấp, chi phí thuê người để tận thu những cây bị gãy đổ cao. Bên cạnh đó, để thuê người làm cỏ cho rừng keo là 3 triệu đồng/ha thì nay chi phí vệ sinh rừng là 6 triệu đồng/ha nên gia đình tôi vẫn để nguyên khu rừng hoang tàn sau bão", anh Thái chia sẻ.

Hiện người trồng rừng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thu dọn lại những cánh rừng, vốn để tái sản xuất, trồng rừng và khoản tiền vay vốn trồng rừng còn đang nợ ngân hàng. Các hộ, doanh nghiệp trồng rừng rất mong chờ chính sách để có thể vượt qua khó khăn như tạo điều kiện vay vốn tái sản xuất; thực hiện giãn nợ; miễn giảm tiền thuế đất.

Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT, bão số 3 gây thiệt hại nặng nề về nông nghiệp. Cụ thể, 2.692 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 116 tàu có bị chìm; 7.622 ha lúa, hoa màu bị đổ, ngập úng; 388.000 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 117.000ha rừng trồng bị gãy đổ; ước tính tổng thiệt hại trên địa bàn tỉnh khoảng 24.223 tỷ đồng.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.