Hướng xử lý đất rừng cao su kém hiệu quả tại Gia Lai
UBND tỉnh Gia Lai vừa có kiến nghị Bộ NN-PTNN xin được chuyển đổi hơn 16.500ha cao su bị chết, kém phát triển sang cây trồng khác.
Tuấn Anh | 10:37 12/08/2024
Gia Lai xin chuyển đổi rừng cao su kém hiệu quả sang cây trồng khác
Nhạc hiệu:
Nhạc nền:
MC:
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình phát triển lâm nghiệp.
Thưa quý vị và bà con! UBND tỉnh Gia Lai vừa có kiến nghị với Bộ NN-PTNN xin được chuyển đổi hơn 16.500 ha cao su, trong đó có hơn 12.000ha đã được Bộ NN-PTNT kiểm kê và hơn 4.490ha mới phát sinh bị chết, kém phát triển sang cây trồng khác. Việc chuyển đổi này nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, tạo nguồn thu và tháo gỡ những khó khăn về kinh tế cho các doanh nghiệp.
MC: Trước đó, để thực hiện chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, từ năm 2008 - 2011, tỉnh Gia Lai đã cho 16 doanh nghiệp triển khai 44 dự án trồng cao su ở các huyện Chư Prông, Ia Grai, Chư Pưh, Đức Cơ và Ia Pa. Các doanh nghiệp đã trồng được hơn 25.500 ha cao su trên diện tích rừng nghèo được chuyển đổi.
Tuy nhiên, đến năm 2018, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã kiểm tra, đánh giá, xác định diện tích hơn 12.000ha cây cao su bị chết, kém phát triển. Nguyên nhân chủ yếu là do lập địa rừng khộp biến động mạnh, đất đai thổ nhưỡng không phù hợp tầng đất canh tác.
Từ năm 2018 đến nay, Gia Lai tiếp tục phát sinh thêm hơn 4.490ha cao su bị chết, kém phát triển. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp muốn chuyển đổi cao su kém hiệu quả sang thực hiện các dự án khác như nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi, năng lượng tái tạo… Mục đích để sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, tạo nguồn thu và tháo gỡ những khó khăn về kinh tế cho các doanh nghiệp.
Năm 2022, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có kết luận về việc đề nghị chuyển đổi diện tích rừng trồng cao su có hiện tượng chết, kém phát triển sang trồng các loại cây khác. Theo đó, Thủ tướng giao UBND tỉnh Gia Lai chủ trì cùng với Bộ NN-PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện chuyển đổi hơn 12.000ha cao su kém hiệu quả sang cây trồng khác. Xây dựng đề xuất cụ thể của việc chuyển đổi diện tích cao su còn lại có hiện tượng chết, kém phát triển gửi Bộ NN-PTNT để chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền phương án xử lý, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất và đúng quy định pháp luật.
Trong buổi làm việc với Bộ NN-PTNT mới đây, UBND tỉnh Gia Lai đề nghị cho phép được chuyển đổi diện tích hơn 16.500 ha cao su bị chết, kém phát triển sang các dự án khác phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch sử dụng đất và điều kiện thực tế tại địa phương. Chia sẻ vấn đề này, ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cho biết:
Băng 1: Phỏng vấn ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai:
Chuyển đổi diện tích mà đã trồng cao su kém phát triển, rồi chuyển sáng đầu tư các dự án khác, tôi nghĩ cái này cũng đã đề nghị từ rất lâu rồi mà bây giờ cũng chưa thực hiện được. Các đồng chí ở Bộ nói cần phải có hội nghị, buổi làm việc gì đó để có tính chất kỹ thuật, hướng dẫn về chỗ này, tôi thấy vấn đề này nên làm sớm. Và dù có chuyển cái gì, chuyển cao su trồng kém phát triển sang các dự án khác thì tôi nghĩ cũng phải làm việc này, làm các dự án về nông, lâm nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, việc giải quyết những khó khăn liên quan đến việc chuyển đổi rừng cao su kém hiệu quả sang cây trồng khác cần phải có sự phối giữa Bộ và tỉnh để có trách nhiệm cùng nhau tháo gỡ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị tỉnh Gia Lai cần chuẩn bị kỹ tập hồ sơ, tài liệu đánh giá kỹ hơn về việc tại sao cao su chết và chết rồi thì phải làm sao. Còn nếu chuyển đổi diện tích trồng cao su kém phát triển đó thì sẽ trồng cây gì mang lại hiệu quả. Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ:
Băng 2: Phỏng vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan:
Tôi đã chứng kiến rồi, có những rừng cao su ở Ia Mơr nhỏ như cây mía. Tôi không biết là do quy trình trồng hay thổ nhưỡng không phù hợp trên vùng đó. Các đồng chí ở địa phương nóng ruột là phải rồi, đất thì không có để giao cho bà con, còn nếu chuyển đổi sẽ làm tăng giá trị cho xã hội chung hơn, bà con nông dân hơn. Tôi hoàn toàn chia sẻ cái đó nhưng mà quan trọng cái cách. Chúng tôi cũng sẽ giúp, các cơ quan của Bộ như kiểm lâm, lâm nghiệp cùng làm với các đồng chí câu chuyện đó. Bởi vì đây là vấn để không chỉ của Gia Lai mà là vấn đề của cả Tây Nguyên. Mà vấn đề của Tây Nguyên là vấn đề an ninh quốc phòng của đất nước.
MC: Thưa quý vị và bà con! Ngoài việc chuyển đổi rừng cao su kém hiệu quả, Gia Lai cũng đề xuất với Bộ NN-PTNT 8 vấn đế liên quan đến lâm nghiệp như: Đất lâm nghiệp bị chiếm canh, quy định độ che phủ rừng, sở hữu tín chỉ cacbon rừng…Về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan ghi nhận và cam kết sẽ đồng hành cùng với tỉnh để có thể tìm giải pháp tháo gỡ trong thời gian sớm nhất.
MC 2: Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn về lĩnh vực lâm nghiệp.
MC 1: tin 1
Thưa quý vị và bà con
Năm 2022, tỉnh Quảng Trị được Bộ NN-PTNT lựa chọn thực hiện Đề án thí điểm vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 – 2025. Đến nay, sau gần 2 năm thực hiện, Quảng Trị đã bước đầu hình thành được một số chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC giữa HTX, người dân với một số doanh nghiệp trên địa bàn. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT đã hướng dẫn các địa phương thành lập điểm 2 tổ khuyến nông cộng đồng, sau đó mở rộng thêm 8 tổ ở các xã thuộc vùng đề án, nâng tổng số tổ khuyến nông cộng đồng toàn tỉnh lên 111 tổ với 869 thành viên.
MC 2: tin 2
Với sự vào cuộc tích cực của ngành Nông nghiệp, các địa phương và hỗ trợ từ các doanh nghiệp, đến nay diện tích rừng đạt chứng chỉ rừng bền vững – FSC trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã vượt xa so với mục tiêu, kế hoạch đề ra. Cụ thể, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang, toàn tỉnh hiện có hơn 16,9 nghìn ha rừng đã được cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn 3 huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế gồm có 2 chủ rừng là tổ chức và 3 chủ rừng là nhóm hộ, đạt 99,98% kế hoạch của Đề án hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2020-2030.
MC 1: tin 1
Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng phối hợp cùng chính quyền các địa phương tổ chức phát động ra quân hưởng ứng Chương trình trồng 50 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời, khởi động triển khai kế hoạch trồng cây xanh, cây phân tán trên địa bàn thành phố trong năm 2024. Cụ thể, trong 2 ngày 8 và 9/8, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố và các cơ sở hội đã phối hợp với chính quyền 2 xã Lộc Châu và Lộc Thanh tiến hành trồng hơn 1.250 cây xanh các loại như phượng vàng, bằng lăng tím và thông 3 lá. Theo UBND TP Bảo Lộc, trong giai đoạn 2021 – 2025, với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh”, địa phương được UBND tỉnh Lâm Đồng phân bổ kế hoạch trồng hơn 3,8 triệu cây xanh. Riêng trong năm 2024, TP Bảo Lộc đặt mục tiêu trồng mới hơn 1,3 triệu cây xanh các loại.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình phát triển lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Hướng xử lý đất rừng cao su kém hiệu quả tại Gia Lai
UBND tỉnh Gia Lai vừa có kiến nghị Bộ NN-PTNN xin được chuyển đổi hơn 16.500ha cao su bị chết, kém phát triển sang cây trồng khác.
Tuấn Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Giải pháp nào để ngành chè Việt Nam xóa bỏ tư duy manh mún để nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường quốc tế và phát triển bền vững?
Vườn cây ăn quả xanh tốt mênh mông trải dài từ thung lũng đến các sườn đồi, cho đến khu chăn nuôi được quy hoạch bài bản trên vùng đất vốn khô cằn, sỏi đá.