Kênh thương mại điện tử là thách thức đối với quản lý an toàn thực phẩm

Kênh thương mại điện tử là thách thức đối với quản lý an toàn thực phẩm; Gần 900ha cây trồng bị ngập do mưa lớn kéo dài; Hơn 31.000 người dân 'khát' nước sạch.

Quỳnh Anh  | 13:32 26/08/2024

Kênh thương mại điện tử là thách thức đối với quản lý an toàn thực phẩm

Tự động

Kênh thương mại điện tử là thách thức đối với quản lý an toàn thực phẩm

  Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã đến với bản tin Nông Nghiệp Tuần Qua của Kênh Nông Nghiệp radio. Bây giờ sẽ là những nội dung chính sẽ có trong bản tin ngày hôm nay.

Headline ( 45 giây)

  • Kênh thương mại điện tử là thách thức đối với quản lý an toàn thực phẩm
  • Gần 900ha cây trồng bị ngập do mưa lớn kéo dài
  • Diện tích rừng tự nhiên tại Quảng Ngãi giảm gần 3.000ha trong 10 năm
  • Hơn 31.000 người dân tại Bình Định 'khát' nước sạch
  • Đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ
  • Thẩm định 25 dự án hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo
  • 65% diện tích sản xuất của Phú Yên ứng dụng IPM
  • Giá lợn hơi khởi sắc, người chăn nuôi đầu tư tái đàn

Sau đây là nội dung chi tiết:

  • Kênh thương mại điện tử là thách thức đối với quản lý an toàn thực phẩm

Thưa quý vị và bà con, theo thông tin tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm diễn ra trong tuần qua, từ đầu năm đến nay, cơ quan chuyên ngành đã kiểm tra trên 230 nghìn cơ sở, phát hiện trên 15 nghìn cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm. Trong đó, đã xử lý hơn 3.300 cơ sở, phạt tiền gần 2.300 cơ sở với số tiền phạt gần 20 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng thanh tra gần 4.600 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, xử phạt hành chính trên 200 cơ sở, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2023 với số tiền phạt hơn 2 tỷ đồng. Đại diện Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chế biến, Chất lượng và Phát triển thị trường chia sẻ rằng việc kiểm tra kênh thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn đang là thách thức lớn đối với công tác quản lý an toàn thực phẩm.

  • Gần 900ha cây trồng bị ngập do mưa lớn kéo dài

Trong tuần qua, mưa lớn kéo dài nhiều ngày đã gây thiệt hại không nhỏ tại một số tỉnh thành, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh. Tại tỉnh Cao Bằng, mưa lớn trong nhiều ngày qua làm mực nước sông Bằng, sông Hiến và một số sông, suối dâng cao. Thống kê sơ bộ cho thấy, có gần 900ha cây trồng bị ngập, trong đó có hơn 680ha lúa, còn lại là cây ngô và các loại hoa màu khác. Toàn tỉnh có hơn 200 nhà ở bị ảnh hưởng, trong đó hơn 160 hộ bị ngập lụt. Sạt lở mái taluy dương gây ảnh hưởng 39 hộ dân. Ngoài ra, mưa lớn cũng làm sạt lở, hư hỏng nhiều tuyến giao thông ở các huyện Hòa An, Hà Quảng, Trùng Khánh, Quảng Hòa và thành phố Cao Bằng.

  • Diện tích rừng tự nhiên tại Quảng Ngãi giảm gần 3.000ha trong 10 năm

Theo thống kê của ngành chức năng, Quảng Ngãi hiện có tổng diện tích rừng tự nhiên hơn 106.700 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện miền núi. So với 10 năm trước, diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh giảm gần 3.000 ha. Riêng trong 3 năm, từ 2021- 2023, tổng diện tích rừng tự nhiên của Quảng Ngãi giảm gần 730 ha. Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do sai sót trong xác định nguồn gốc rừng. Thực tế là rừng trồng nhưng cập nhật vào cơ sở dữ liệu là rừng tự nhiên. Ngoài ra còn do một số nguyên nhân khác như: chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, sạt lở, phá rừng, cháy rừng...

  • Hơn 31.000 người dân tại Bình Định 'khát' nước sạch

Theo thống kê của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, hơn 8.140 hộ dân với trên 31.000 nhân khẩu thuộc 12 thôn của xã Phước An và xã Phước Thành của huyện hiện chưa được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung. Nguồn nước tại các khu vực này thường nhiễm phèn, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Đặc biệt là trong mùa nắng nóng nguồn nước ngầm cạn kiệt, khiến tình trạng thiếu nước sinh hoạt trở nên trầm trọng. Trước thực trạng này, cuối tháng 7 vừa qua, UBND huyện Tuy Phước đã xin chủ trương UBND tỉnh Bình Định đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung cho 2 xã Phước An và Phước Thành. Dự án thuộc nhóm C với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 65 tỷ đồng sẽ triển khai từ năm 2024 đến năm 2026.

  • Đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ

Theo báo cáo, toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 600 hồ chứa, đập thủy lợi. Để đảm bảo an toàn hồ, đập mùa mưa lũ, vừa qua, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức kiểm tra, đánh giá các công trình hồ, đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Qua đó, xác định có 115 công trình hồ, đập thủy lợi xuống cấp, không đảm bảo an toàn, đặc biệt là trong mùa mưa lũ. Kết quả kiểm tra các hạng mục công trình cho thấy, có 29 hồ, đập bị thấm, biến dạng mái đập, nứt thân đập; 58 công trình hỏng thân tràn xả lũ hồ, 38 bể tiêu năng; nhiều cống lấy nước hư hỏng... Để đảm bảo an toàn hồ, đập mùa mưa lũ, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản đề xuất, kiến nghị Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Đắk Lắk về việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ năm 2024.

  • Thẩm định 25 dự án hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo

Tổ thẩm định các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang vừa tổ chức thẩm định 25 dự án của 25 xã, thị trấn trên địa bàn. Trong đó có 20 dự án chăn nuôi gà, 3 dự án chăn nuôi bò, 1 dự án trồng khoai sọ tía và 1 dự án sử dụng phân bón tổng hợp, phân hữu cơ vi sinh trong sản xuất nông nghiệp với tổng cộng gần 560 hộ tham gia. Qua thẩm định hồ sơ và thảo luận, trao đổi với đại diện UBND các xã, thị trấn, thành viên tổ thẩm định đánh giá cao việc lựa chọn đối tượng, mô hình của các địa phương. Đồng thời đề nghị, các phòng chuyên môn của huyện hỗ trợ các xã, thị trấn triển khai dự án ngay sau khi được phê duyệt, bảo đảm chất lượng giống, phân bón để cây trồng, vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt.

  • 65% diện tích sản xuất của Phú Yên ứng dụng IPM

Tại Phú Yên, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh này cho biết, từ năm 1994, Phú Yên đã sớm triển khai chương trình quản lý dịch hại tổng hợp - IPM trên cây trồng và đến giai đoạn năm 2015 - 2020 khi Sở NN-PTNT Phú Yên tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai đề án đẩy mạnh áp dụng IPM thì diện tích áp dụng được mở rộng ở khắp các địa phương trong tỉnh. Hiện nay nông dân Phú Yên áp dụng IPM trên sản xuất cây lúa và rau màu. Từ đó đã giúp bà con tiết kiệm chi phí như giống, phân bón, thuốc BVTV từ 1,5 - 2 triệu đồng/ha, năng suất tăng từ 3 - 5%, lợi nhuận tăng từ 4 - 8 triệu đồng/ha so với sản xuất thông thường. Đến năm nay, tỉnh Phú Yên có khoảng 38.000ha lúa áp dụng chương trình IPM, chiếm hơn 65% tổng diện tích sản xuất mỗi năm.

  • Giá lợn hơi khởi sắc, người chăn nuôi đầu tư tái đàn

Từ quý 4 năm 2022, giá lợn hơi có xu hướng giảm, có những thời điểm chỉ từ 45.000 - 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thời gian qua, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn và các sản phẩm từ lợn có xu hướng tăng đã tạo điều kiện cho giá lợn hơi phục hồi, có thời điểm lên 70.000 đồng/kg. Nhận thấy có dấu hiệu tích cực, nhiều hộ chăn nuôi tại Thanh Hóa đã mạnh dạn đầu tư tái đàn. Hiện nay, thời tiết bắt đầu vào mùa mưa, nguy cơ bùng phát dịch bệnh khá lớn, vì vậy, để người chăn nuôi yên tâm tái đàn, các địa phương cũng đã chủ động triển khai giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa cũng khuyến cáo, khi xem xét, lựa chọn tái đàn, người chăn nuôi, doanh nghiệp cũng cần cân nhắc, chủ động theo dõi tín hiệu từ thị trường; đồng thời chú trọng thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi.

Nhạc cắt

Đối thoại

Thưa quý vị và bà con, trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL và hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Hiện nay, đề án đã được thực hiện thí điểm ở một số địa phương và bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực. Song, trước xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế xanh, nhu cầu về nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực giảm phát thải để phục vụ cho thực hiện đề án và các nội dung liên quan đang ngày càng cấp thiết, trong khi tại Việt Nam, nguồn nhân lực này vẫn còn hạn chế, TS Trần Minh Hải , Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và PTNT chia sẻ:

Băng

Quỳnh Anh

Nhạc

Nội dung vừa rồi cũng kết thúc bản tin Nông nghiệp hôm nay. Xin kính chào quý vị và bà con, hẹn gặp lại quý vị và bà con ở bản tin sau!

Tự động

Kênh thương mại điện tử là thách thức đối với quản lý an toàn thực phẩm

Kênh thương mại điện tử là thách thức đối với quản lý an toàn thực phẩm; Gần 900ha cây trồng bị ngập do mưa lớn kéo dài; Hơn 31.000 người dân 'khát' nước sạch.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Hỗ trợ khôi phục hai lĩnh vực tăng trưởng cao nhất của ngành nông nghiệp
Thời sự

Hỗ trợ khôi phục hai lĩnh vực tăng trưởng cao nhất của ngành nông nghiệp; Hơn 95.000ha lúa tại Kiên Giang có nguy cơ bị ảnh hưởng lũ.

Hỗ trợ khôi phục hai lĩnh vực tăng trưởng cao nhất của ngành nông nghiệp
Thời tiết nông vụ ngày 23/09/2024: Miền Bắc phục hồi cây lúa trong mưa dầm
Thời sự

Không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Ở khu vực Bắc bộ và Thanh Hóa trời mát, vùng núi Bắc bộ có nơi trời lạnh.

Thời tiết nông vụ ngày 23/09/2024: Miền Bắc phục hồi cây lúa trong mưa dầm