Khơi thông các nguồn lực quốc tế cho 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Dù nhận được sự ủng hộ lớn nhưng Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL đang gặp phải một số vướng mắc trong quá trình huy động nguồn lực.
Kim Anh - Quỳnh Anh | 09:14 18/09/2024
Khơi thông các nguồn lực quốc tế cho ‘1 triệu ha lúa chất lượng cao’
MC 1
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio.
Thưa quý vị và bà con, với mục tiêu khắc phục những hạn chế, thách thức của ngành lúa gạo, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thị trường và thực hiện các cam kết quốc tế trong việc giảm phát thải, Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long” đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt với những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Dù nhận được sự ủng hộ từ phía các tổ chức quốc tế và thu hút số lượng lớn hộ dân tham gia nhưng hiện nay Đề án đang gặp phải một số vướng mắc trong quá trình huy động nguồn lực để triển khai. Do đó, Bộ NN - PTNT đang xây dựng đề xuất cơ chế đặc thù cho dự án vốn vay nước ngoài hỗ trợ Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long”.
MC 2:
Vâng thưa quý vị và bà con, trước bối cảnh ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực sản xuất lúa gạo của Việt Nam nói riêng phải đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu cũng như hệ quả từ hoạt động sản xuất truyền thống, Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long” được coi là giải pháp quan trọng để phát triển bền vững ngành lúa gạo nước ta, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
Để triển khai Đề án, Bộ NN-PTNT đã xây dựng 7 mô hình thí điểm tại 5 tỉnh: Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và TP Cần Thơ. Đây là những địa phương đại diện cho 3 tiểu vùng sinh thái thượng, giữa, hạ và các vùng đất khác nhau gồm phèn, mặn phèn, phù sa ngọt… của ĐBSCL. Sau vụ sản xuất đầu tiên, các mô hình đều cho thấy kết quả rất khả quan khi giảm chi phí 20%, năng suất tăng từ 0,3 – 0,5 tấn/ha, lợi nhuận nông dân tăng từ 40-50%, lượng giảm phát thải trung bình đạt 5 tấn/ha. Với kết quả này, các mô hình của đề án được đánh giá là đã tạo được dấu ấn, bước ngoặt lớn về tư duy và hành động trong phương thức sản xuất của nông dân ĐBSCL. Thế nhưng theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT, việc thực hiện Đề án đang gặp phải thách thức lớn trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng.
Băng ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn 1
MC 2:
Sau mô hình thí điểm đầu tiên được thành công ở TP Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng cũng vừa hoàn thành thu hoạch 50ha lúa trong mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Sở NN-PTNT Sóc Trăng ước tính, năng suất của mô hình đạt từ 6,5 - 7 tấn/ha, cho sản lượng khoảng 325 tấn. Đặc biệt, mô hình giúp lợi nhuận của nông dân tăng thêm trên 5,3 triệu đồng/ha, nhờ giảm chi phí đầu tư cho mùa vụ. Bên cạnh đó, lúa được doanh nghiệp ký kết hợp đồng thu mua với giá 10.800 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 2.300 đồng/kg.
Từ thành công này, trong vụ đông xuân 2024 – 2025, tỉnh Sóc Trăng sẽ phát triển 8 mô hình thí điểm Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL do Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) ban hành. Ông Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết:
Băng ông Trần Tấn Phương:
Vừa qua, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 116 về việc triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, trình Bộ NN-PTNT và Ngân hàng Thế giới (WB) dự án đầu tư cơ sở hạ tầng để phục vụ đề án 1 triệu ha lúa.
Tương lai, khi các cơ sở hạ tầng cho vùng đề án được đầu tư đồng bộ, các mô hình thí điểm sẽ giúp nông dân Sóc Trăng có điều kiện “tai nghe, mắt thấy”, kết hợp với huấn luyện kỹ thuật, với sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, góp phần thay đổi phương thức sản xuất trong nông dân. Ông Lâm Hoàng Hưng, Giám đốc HTX nông nghiệp Mỹ Thuận, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh:
Băng ông Lâm Hoàng Hưng:
MC 2:
Từ những ý tưởng ban đầu, Đề án 1 triệu ha lúa đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ lớn từ phía các tổ chức quốc tế. Hiện nay cả Ngân hàng Thế giới - World bank và Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB đều quan tâm và sẵn sàng chuẩn bị khoản vay hỗ trợ Đề án như kế hoạch đề ra. Theo đó, ngay từ cuối năm 2023 Ngân hàng Thế giới đã cùng Bộ NN-PTNT và các địa phương chuẩn bị Đề xuất dự án “Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL” và sẵn sàng cung cấp khoản vay 330 triệu USD cho các khoản đầu tư hạ tầng trong giai đoạn trước mắt và tiếp tục xem xét cung cấp các khoản vay đầu tư mở rộng sau năm 2027 ở mức 300-400 triệu USD.
Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, việc huy động vốn từ ngân sách gặp nhiều khó khăn với quá trình dài và phức tạp. Thực tế này đòi hỏi cần có cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn vốn vay nước ngoài cho việc thực hiện dự án đúng tiến độ. Vì vậy, Bộ NN-PTNT cũng đã nghiên cứu và đưa ra đề xuất:
Băng Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn 2
MC 2:
Ngay từ giai đoạn khởi xướng ý tưởng về xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL, Ngân hàng Thế giới là tổ chức luôn đồng hành cùng Bộ NN- PTNT. Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã phối hợp với Bộ trong xây dựng cách tiếp cận, thiết kế các nội dung để triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long” được Thủ tướng Chinh phủ phê duyệt. Ngân hàng Thế giới cũng đã có cam kết là đối tác chiến lược để triển khai Đề án và đưa Việt Nam trở thành hình mẫu tiêu biểu về phát triển lúa chất lượng cao, phát thải thấp trên diện rộng. Dự án vốn vay của Ngân hàng Thế giới nằm trong thiết kế tổng thể của Đề án, hoàn toàn phù hợp với chủ trương chính sách, quy hoạch của Bộ và các địa phương.
Bà Kathleen Whimp - Giám đốc Điều hành Hoạt động Dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam kiêm quyền Giám đốc WB tại Việt Nam - cho hay Ngân hàng Thế giới kỳ vọng Bộ NN-PTNT sẽ đóng vai trò chỉ đạo mạnh mẽ trong dự án này. Sự thống nhất và hợp tác giữa Trung ương và địa phương sẽ là yếu tố quan trọng để đảm bảo Đề án đi đúng hướng. Đồng thời, Bà Kathleen Whimp khẳng định, Việt Nam có khả năng huy động nhiều nguồn lực cho việc thực hiện đề án và đề xuất giải pháp tài trợ cho dự án được thực hiện nhanh hơn.
Băng ngân hàng thế giới
MC 1:
Vâng thưa quý vị và bà con, Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long” có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc chuyển đổi ngành hàng lúa gạo của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng trong bối cảnh thay đổi mạnh mẽ về thị trường, xu hướng người tiêu dùng và đặc biệt là biến đổi khí hậu. Việc xây dựng cơ chế đặc thù, khơi thông các nguồn lực hỗ trợ sẽ phục vụ đắc lực cho việc thực hiện Đề án, để mục tiêu xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao, tăng thu nhập cho người trồng lúa, đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải, hướng tới cải thiện sinh thái khu vực nông thôn xanh, sạch, đẹp hơn.
MC 2:
Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn về hoạt động chuyển giao mô hình, phương thức sản xuất mới trong nông nghiệp.
MC 1:
Thưa quý vị và bà con,
Bám sát nhu cầu phát triển sản xuất trong tỉnh, Trung tâm Khuyến nông Nam Định đã đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; gắn các nội dung xây dựng mô hình với tập huấn kỹ thuật. Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh này đã tổ chức 11 lớp tập huấn về nuôi thủy sản; 1 lớp tập huấn đào tạo lực lượng tập huấn viên về “kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ tiếp cận kinh tế tuần hoàn”; 2 lớp tập huấn đào tạo ngoài mô hình cho 60 cán bộ khuyến nông cơ sở, cộng tác viên khuyến nông, nông dân, chủ trang trại về kỹ thuật chăn nuôi lợn, gà theo hướng chăn nuôi hữu cơ. Qua đó, giúp nông dân từng bước thay đổi tập quán canh tác truyền thống sang áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thu nhập.
MC 2;
Xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đến nay, 7 địa phương của tỉnh Đồng Nai thuộc vùng kinh tế Tây Nam đã tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với nhiều kết quả tích cực như 100% diện tích trồng mới và tái canh đã sử dụng các giống mới, giống có chất lượng cao; ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm trên cây trồng. Toàn tỉnh hiện đã có khoảng 1.000ha chuối, lúa ứng dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật; gần 149ha diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới. Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 40 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Song đến nay, chỉ tính riêng lĩnh vực trồng trọt đã có 45 mô hình. Các mô hình đều cho năng suất gấp 2 - 3 lần so với sản xuất thông thường.
MC 1:
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An toàn huyện hiện có hơn 2.600ha cây lâu năm; trong đó, diện tích các loại cây ăn quả như mít, sầu riêng, chanh, bưởi,... là trên 2.200ha. Bước đầu các loại cây ăn quả mang lại hiệu quả cao hơn so với trồng lúa trên cùng diện tích canh tác. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn quy trình canh tác theo hướng sạch, thân thiện với môi trường cho nông dân. Đặc biệt, khuyến cáo nông dân tuyệt đối không chuyển đổi cây trồng đối với các diện tích đất nằm ngoài đê bao khép kín.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Khơi thông các nguồn lực quốc tế cho 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Dù nhận được sự ủng hộ lớn nhưng Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL đang gặp phải một số vướng mắc trong quá trình huy động nguồn lực.
Kim Anh - Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Trước diễn biến xâm thực và xói lở, Bà Rịa - Vũng Tàu cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo vệ tuyến bờ biển mà không ảnh hưởng đến hoạt động khác.
Những mảnh đất từng bỏ hoang vào mùa đông giờ đây sẽ tạo ra nguồn thu nhập ổn định, giúp bà con có thêm hy vọng về một cuộc sống bền vững hơn.