| Hotline: 0983.970.780

Đề án 1 triệu ha: Mục đích là giảm chi phí, giảm phát thải, tăng lợi nhuận

Thứ Tư 04/09/2024 , 17:52 (GMT+7)

Các mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đã tạo ra những bước ngoặt lớn trong tư duy, hành động về phương thức sản xuất của nông dân ĐBSCL.

Bước ngoặt lớn về tư duy và hành động

Ngày 4/9, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng sơ kết 7 mô hình thí điểm Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án).

Để triển khai Đề án, Cục Trồng trọt đã xây dựng 7 mô hình thí điểm tại 5 tỉnh: Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và TP Cần Thơ. Đây là những địa phương đại diện cho 3 tiểu vùng sinh thái (thượng, giữa, hạ) và các vùng đất khác nhau (phèn, mặn phèn, phù sa ngọt…) của ĐBSCL.

Mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở tỉnh Sóc Trăng bước vào thu hoạch. Ảnh: Kim Anh.

Mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở tỉnh Sóc Trăng bước vào thu hoạch. Ảnh: Kim Anh.

Vụ hè thu 2024, 3 địa phương gồm TP Cần Thơ, Sóc Trăng và Trà Vinh đã thực hiện 4 mô hình với diện tích 196ha.

Trong đó, 2 mô hình tại HTX nông nghiệp Tiến Thuận (TP Cần Thơ) và HTX nông nghiệp Phát Tài (tỉnh Trà Vinh) đã hoàn thành việc thu hoạch với năng suất đạt lần lượt 6,4 tấn/ha và 6,1 tấn/ha, cao hơn năng suất ngoài mô hình 0,7 tấn/ha và 0,2 tấn/ha.

2 mô hình còn lại tại HTX nông nghiệp Hưng Lợi (tỉnh Sóc Trăng) và HTX nông nghiệp Phước Hảo (tỉnh Trà Vinh) đang thu hoạch.

Cục Trồng trọt ước tính, 4 mô hình thí điểm trong vụ hè thu 2024 năng suất bình quân đạt trên 6,4 tấn/ha, cao hơn năng suất ngoài mô hình trung bình gần 0,5 tấn/ha, sản lượng lúa giảm phát thải là 1.262 tấn.

Trong vụ thu đông 2024, 3 mô hình tại tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và TP Cần Thơ đã gieo sạ 140ha. Ước năng suất trung bình đạt hơn 6,3 tấn/ha và sản lượng đạt 157 tấn. Dự kiến các mô hình sẽ thu hoạch từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10/2024.

Tỉnh Trà Vinh sẽ tiếp tục xuống giống 2 mô hình sau khi thu hoạch xong vụ hè thu 2024 và Kiên Giang sẽ xuống giống 1 mô hình trong vụ mùa trên nền đất lúa - tôm với khoảng 10,79ha từ ngày 15 – 25/9/2024.

Các mô hình thí điểm đều được doanh nghiệp liên kết thu mua lúa. Ảnh: Kim Anh.

Các mô hình thí điểm đều được doanh nghiệp liên kết thu mua lúa. Ảnh: Kim Anh.

Về lợi nhuận, tại TP Cần Thơ, tổng chi phí sản xuất lúa đối với diện tích áp dụng trong mô hình cao hơn so với ngoài mô hình là 5% nhưng lợi nhuận trong mô hình cao hơn so với ngoài mô hình 20%.

Tại các địa phương còn lại, tổng chi phí sản xuất lúa của diện tích trong mô hình thấp hơn so với chi phí ngoài mô hình từ 14 – 20%.

Với những kết quả trên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đánh giá, các mô hình đã tạo được dấu ấn, bước ngoặt lớn về tư duy và hành động trong phương thức sản xuất của nông dân ĐBSCL.

Rõ nét nhất khi thực địa thăm các mô hình, Thứ trưởng Nam nhận thấy nông dân, HTX rất muốn tham gia Đề án. Mặc dù lúc đầu, một số hộ trong HTX không muốn tham gia do nghi ngại quy trình canh tác đòi hỏi giảm giống, giảm phân bón, sợ năng suất không đảm bảo. Tuy nhiên khi triển khai, nhận thấy hiệu quả, bà con trở lại đăng ký, xung phong tham gia làm mô hình.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đánh giá, các mô hình thí điểm đã tạo được dấu ấn, bước ngoặt lớn về tư duy và hành động trong phương thức sản xuất của nông dân ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đánh giá, các mô hình thí điểm đã tạo được dấu ấn, bước ngoặt lớn về tư duy và hành động trong phương thức sản xuất của nông dân ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

“Đây là điều hiếm thấy, bởi đối với ngành nông nghiệp, rất nhiều mô hình thường phải đi vận động người dân tham gia, ít thấy nông dân đăng ký. Có thể quá trình làm còn có những vấn đề, nhưng không khó. Bởi các mô hình sẽ tiếp tục làm thí điểm ở các vụ tới. Chúng ta có thể điều chỉnh, nhưng tư tưởng, nhận thức của người dân đồng ý rồi, đây là điều vô cùng quan trọng”, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.

Mục tiêu trước hết là giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân

Về kết quả giảm phát thải khí nhà kính, mô hình tại TP Cần Thơ được đánh giá giảm nhiều nhất. Cụ thể, mô hình giảm khoảng 12 tấn CO2e/ha so với nông dân ngoài mô hình để nước ngập liên tục và vùi rơm trên đồng; giảm 5 tấn CO2e/ha so với nông dân ngoài mô hình có áp dụng tưới ngập - khô xen kẽ (AWD) trong HTX nhưng vùi rơm trên đồng; giảm khoảng 2 tấn CO2e/ha so với nông dân ngoài mô hình để nước ngập liên tục nhưng có bán rơm (thu rơm ra khỏi đồng).

Tại Sóc Trăng, kết quả cho thấy, mô hình thí điểm có lượng khí phát thải là 9,5 tấn CO2e/ha/vụ. Trong khi đó, ngoài mô hình lượng phát thải lên tới 13,5 tấn CO2e/ha/vụ. Như vậy, chênh lệch lượng khí phát thải trong và ngoài mô hình gần 4 tấn CO2e/ha/vụ.

Đẩy mạnh việc di chuyển rơm khỏi đồng ruộng là một trong những biện pháp hiệu quả để giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: Kim Anh.

Đẩy mạnh việc di chuyển rơm khỏi đồng ruộng là một trong những biện pháp hiệu quả để giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: Kim Anh.

Tại Trà Vinh, trung bình 2 mô hình thí điểm áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa giảm phát thải có lượng khí phát thải khoảng 7,6 tấn CO2e/ha/vụ. Trong khi ngoài mô hình trên 13 tấn CO2e/ha/vụ. Lượng chênh lệch phát thải khoảng 5,4 tấn CO2e/ha/vụ.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, bình quân các mô hình thí điểm giảm được khoảng 5 tấn CO2e. Hiện Bộ NN-PTNT đang thỏa thuận với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) để hoàn chỉnh các thủ tục liên quan đến việc chi trả thí điểm tín chỉ carbon. Từ đó xây dựng cơ chế chi trả trình Chính phủ phê duyệt. Dự kiến vụ hè thu 2025 hoặc đông xuân 2025 – 2026 có thể chi trả thí điểm, nguồn từ Quỹ TCAF khoảng 20 triệu USD. Từ đó, bà con nông dân tham gia Đề án có thể sẽ có thêm một khoản hỗ trợ tăng thêm.

Thứ trưởng Nam đặc biệt nhấn mạnh và làm rõ mục đích cao nhất của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao hướng đến là chứng minh được hiệu quả giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải, tăng lợi nhuận cho nông dân, không phải là bán tín chỉ carbon, vì vậy không “lái” Đề án đi qua mục đích khác.

Để tiếp tục triển khai các mô hình thí điểm trong vụ đông xuân 2024 – 2025, Thứ trưởng Nam đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT và các địa phương ĐBSCL tập trung 9 vấn đề. Trong đó trọng tâm là Cục Trồng trọt phối hợp với các đơn vị chuyên môn, các địa phương tham mưu lịch thời vụ cho vụ đông xuân 2024 - 2025. Trên cơ sở diện tích mô hình điểm là 50ha, có thể mở rộng ra liền ô, liền khoảnh.

Các địa phương ở ĐBSCL đã có kế hoạch mở rộng Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Kim Anh.

Các địa phương ở ĐBSCL đã có kế hoạch mở rộng Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Kim Anh.

Bên cạnh đó, Cục Trồng trọt cần phối hợp với Viện Môi trường Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) tiếp tục triển khai việc đo đếm lượng giảm phát thải (MRV), cử thêm cán bộ chuyên môn hỗ trợ việc đo đếm MRV cho các mô hình điểm. Khi có kết quả hệ số giảm phát thải, sẽ chuyển giao cho lực lượng khuyến nông cộng đồng ở các địa phương.

Đồng thời, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp với Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) tiếp tục tham mưu, chỉ đạo nâng cao năng lực cho các HTX nông nghiệp về quy trình canh tác giảm phát thải.

Viện Quy hoạch Thủy lợi sớm hoàn thiện các thiết kế mẫu, mô hình điểm về thủy lợi để chuyển giao cho các địa phương. Đến mùa khô năm 2025, các địa phương tham gia Đề án cần nâng cấp hệ thống thủy lợi (nạo vét kênh mương, nâng cấp trạm bơm) ở những mô hình điểm.

Trên cơ sở kết quả từ các mô hình thí điểm, hiện các tỉnh tham gia Đề án 1 triệu lúa chất lượng cao ở ĐBSCL đã có kế hoạch nhân rộng. Với những địa phương chưa tham gia Dự án VnSAT, tùy theo điều kiện có thể nhân rộng mô hình để có kinh nghiệm triển khai trong thời gian tới.

Xem thêm
Khó tháo nút thắt môi trường trong chăn nuôi tập trung

Nghệ An Huyện Yên Thành có thế mạnh về chăn nuôi tập trung với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, tuy nhiên điều này cũng làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.