Nút thắt lớn nhất là đầu tư hạ tầng
Chiều 5/9, tại Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) và các Bộ, ngành về nguồn vốn vay cho Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL (Đề án).
Qua khảo sát đánh giá của Bộ NN-PTNT và làm việc với 12 địa phương tham gia Đề án, để đạt được mục tiêu đã đề ra vào năm 2030, cần huy động nguồn lực tài chính khoảng 3 tỷ USD. Trong đó, nguồn vốn vay ưu đãi dự kiến 1 tỷ USD.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho biết, để phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất lúa phát thải thấp, cần đầu tư khoảng 407,4 triệu USD (tương đương 10.085 tỷ VND) vào các lĩnh vực thủy lợi, giao thông và logistics. Hạ tầng cơ bản này là thiết yếu cho chuỗi giá trị lúa gạo, bao gồm hệ thống tưới tiêu phải phù hợp với Đề án và đảm bảo điều tiết nước 3 lần mỗi vụ theo quy trình sản xuất lúa phát thải thấp.
Vụ trưởng Nguyễn Đỗ Anh Tuấn khẳng định, đối với Đề án 1 triệu ha, nút thắt lớn nhất là đầu tư hạ tầng. Do đó, cần có cơ chế đặc thù cho các dự án vốn vay nhằm đảm bảo tính đồng bộ. Điều này bao gồm sự chỉ đạo và điều phối mùa vụ ở cấp vùng, đồng bộ hạ tầng, áp dụng quy trình kỹ thuật và giám sát chặt chẽ sản xuất lúa phát thải thấp, cũng như tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu và tiếp cận tài chính carbon.
Tuy nhiên, việc huy động vốn từ ngân sách gặp nhiều khó khăn. Cả 12 địa phương tham gia Đề án đều chưa cân đối được nguồn thu. Trong khi đó, nguồn đầu tư công trung hạn hiện đang tập trung cho các công trình trọng điểm quốc gia khác, dẫn đến sự hạn chế về vốn dành cho Đề án.
Cùng với đó, theo quy định về quản lý và sử dụng vốn ODA, việc lập và thẩm định dự án sử dụng vốn vay đòi hỏi 12 địa phương tham gia đề án phải xây dựng báo cáo đề xuất dự án, báo cáo chủ trương đầu tư, báo cáo dự án đầu tư và hiệp định vay.
“Quá trình này không chỉ phức tạp mà còn rất tốn thời gian, có thể kéo dài đến 5 năm từ khi báo cáo đề xuất được phê duyệt cho đến khi báo cáo dự án đầu tư được thông qua. Điều này đồng nghĩa với việc các dự án vốn vay có thể chỉ được triển khai vào năm 2030, trùng với thời điểm kết thúc Đề án, khiến cho nguồn vốn vay không kịp đóng góp vào mục tiêu chung”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đề xuất cơ chế đặc thù cho nguồn vốn vay nước ngoài
Để kịp thời triển khai Đề án, cần có cơ chế đặc thù để khơi thông nguồn vốn vay nước ngoài. Vì vậy, Vụ Hợp tác quốc tế đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù cho nguồn vốn vay nước ngoài, trong đó Bộ NN-PTNT sẽ là cơ quan chủ quản, sử dụng ngân sách trung ương để đầu tư xây dựng hạ tầng tại các địa phương, đồng thời phân cấp cho địa phương quản lý nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án.
Cụ thể, đề nghị sử dụng nguồn vốn do Bộ NN-PTNT quản lý để hỗ trợ 100% tổng chi phí đầu tư xây dựng cơ bản cho các địa phương tham gia Đề án, bởi dự án có tính chất liên vùng và yêu cầu sự phối hợp đồng bộ từ nhiều địa phương.
Các địa phương sẽ tiến hành triển khai dự án theo các quy định hiện hành, đảm bảo sự đồng bộ về kỹ thuật, chất lượng và giám sát chặt chẽ trong toàn bộ quá trình thực hiện.
Bà Kathleen Whimp - Giám đốc Điều hành Hoạt động Dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam kiêm quyền Giám đốc WB tại Việt Nam - cho hay, trong cuộc gặp năm ngoái giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Giám đốc Ajay Banga, Thủ tướng đã trực tiếp đề xuất WB hỗ trợ cho dự án này.
Ngân hàng Thế giới kỳ vọng Bộ NN-PTNT sẽ đóng vai trò chỉ đạo mạnh mẽ trong dự án này. Sự thống nhất và hợp tác giữa Trung ương và địa phương sẽ là yếu tố quan trọng để đảm bảo Đề án đi đúng hướng. Bà Kathleen Whimp tin tưởng rằng, với quy mô liên vùng như Đề án 1 triệu ha, việc thực hiện hiệu quả đòi hỏi sự chỉ đạo thống nhất và vai trò điều phối của Bộ NN-PTNT.
Bà cũng đề xuất Việt Nam xem xét phương thức tài trợ dựa trên kết quả (PforR), cho phép hai bên thống nhất trước những kết quả cần đạt được mà không cần phải tuân thủ quá chặt chẽ các yêu cầu về đấu thầu. Để nhanh chóng thúc đẩy đầu tư cho dự án, cần rút ngắn quy trình và thủ tục liên quan.
Ông Lý Quảng, Điều phối viên Chương trình quốc gia về nông nghiệp của WB Việt Nam, cho biết thêm, để đáp ứng yêu cầu và đồng hành cùng cam kết của Thủ tướng, cơ chế đặc thù là điều bắt buộc cần làm. WB và các Bộ, ngành cần thống nhất mục tiêu chung và đặt quyết tâm cao xây dựng các kế hoạch, dự án đáp ứng Đề án.
“Điều kiện tiên quyết của dự án là Bộ NN-PTNT là cơ quan duy nhất điều phối. Mô hình PforR phù hợp với cơ chế hiện nay của Việt Nam vì WB không yêu cầu dự án đi theo đấu thầu của WB mà theo hệ thống đấu thầu trong nước”, chuyên gia WB nói.
Sử dụng linh hoạt các công cụ đầu tư cho Đề án
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, do Đề án cần thực hiện gấp nên Bộ NN-PTNT có thể đề nghị áp dụng cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Trung ương sẽ hỗ trợ các địa phương với mức tối đa là 30% mỗi năm cho tổng chung tất cả các lĩnh vực, không chỉ riêng ngành nông nghiệp.
“Vấn đề quan ngại nhất là nếu các địa phương phải vay lại từ Bộ NN-PTNT thì sẽ rất phức tạp, vì vậy mấu chốt là làm sao để các địa phương không phải vay lại”, đại diện Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) nói.
Ngoài ra, còn có các vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư công. Trước tiên, cần thông qua Chính phủ và các Bộ, ngành về cơ chế đặc thù trước khi trình lên Quốc hội. Đồng thời, cơ chế đặc thù trong khuôn khổ chương trình/dự án của Chính phủ có thể không hoàn toàn phù hợp với cơ chế tài chính của các ngân hàng toàn cầu. Đại diện Bộ Tư pháp cũng lưu ý rằng những hạng mục liên quan đến tái định cư sẽ đòi hỏi các quy trình phức tạp.
Đặc biệt, hiện chưa có tiền lệ cho các dự án lớn có thể thay đổi cơ chế chính sách. Điều này đặt ra thách thức lớn cho việc đạt được sự đồng thuận và thực hiện nhanh chóng Đề án, khiến cho khả năng thành công trở nên khó khăn.
Ghi nhận các ý kiến tham luận, Vụ trưởng Nguyễn Đỗ Anh Tuấn trăn trở: Mặc dù Đề án có tiềm năng lớn trong việc nâng cao thu nhập cho nông dân và giảm phát thải khí nhà kính, vẫn còn nhiều khó khăn và vướng mắc cần giải quyết, đặc biệt liên quan đến cơ chế tài chính và quy trình đầu tư. Các thách thức từ việc đảm bảo nguồn vốn đến việc tuân thủ quy định pháp lý đã đặt ra yêu cầu cấp thiết cho sự linh hoạt trong việc sử dụng các công cụ đầu tư.
Vì vậy, thay mặt Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đề nghị các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu và đề xuất các phương án nhằm đảm bảo Đề án được triển khai đúng tiến độ và mang lại lợi ích thiết thực cho ngành nông nghiệp và các địa phương tham gia.