Liên kết sản xuất nông nghiệp - hướng đi bền vững cho Đồng Nai
Đồng Nai là tỉnh có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp nhưng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ và luôn gặp khó khăn trong đầu ra. Do đó, liên kết sản xuất là hướng đi bắt buộc của địa phương này để việc sản xuất và tiêu thụ được bền vững, đi xa hơn.
Lê Bình | 16:35 07/09/2023
Liên kết sản xuất nông nghiệp - hướng đi bền vững cho Đồng Nai
MC 1:
Kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio.
Thưa quý vị và bà con,Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng Đông Nam Bộ có thị trường tiêu thụ nông sản rất lớn, điều kiện về khí hậu, đất đai phù hợp với việc phát triển nông nghiệp quanh năm… Sản xuất nông nghiệp tại Đồng Nai đóng góp tỉ trọng khoảng 10% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong đó, chăn nuôi được coi là "thủ phủ" của cả nước. Tuy nhiên, khó khăn chung trong sản xuất nông nghiệp của Đồng Nai còn nặng về tính tự phát, nhỏ lẻ và khá manh mún. Tâm lí “ăn chắc mặc bền” của người dân vẫn còn nặng nề khiến sản phẩm nông sản Đồng Nai khó cạnh tranh trên thị trường. Những năm gần đây, chủ trương của UBND tỉnh Đồng Nai và Sở NN-PTNT Đồng Nai là tập trung liên kết nhằm thay đổi bộ mặt của các mặt hàng nông nghiệp của tỉnh, tạo hướng đi bền vững cho ngành nông nghiệp và góp phần tăng tỉ trọng kinh tế. Nhờ thực hiện đồng bộ và quyết liệt, chương trình đã có những kết quả khả quan.
Ghi nhận của phóng viên Lê Bình tại tỉnh Đồng Nai
MC 2:
Thưa quý vị, từ nhiều năm nay, ngành chăn nuôi Đồng Nai luôn bị vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá” hay “được giá mất mùa” khiến việc sản xuất khó khăn càng thêm khó khăn. Mặc dù có số lượng trang trại lớn, lợn gà xuất ra thị trường luôn cao nhưng hiệu quả kinh tế không mấy hiệu quả.
Đây cũng là nguyên nhân khiến gia đình anh Vương Đức Tài tại ấp Lê Lợi, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất nhiều lần quyết định treo chuồng, bởi chi phí thức ăn bỏ ra khá cao mà giá bán gà nhiều khi không thể bù lỗ. Từ khi bắt đầu liên kết sản xuất theo định hướng của Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, anh Tài không còn quá lo câu chuyện về giá hoặc đầu ra của sản phẩm, yên tâm tập trung nuôi gà khỏe mạnh, an toàn dịch bệnh.
Anh Vương Đức Tài, ấp Lê Lợi, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất chia sẻ:
Băng
Ngày xưa tôi nuôi nhỏ lẻ thôi, mình bị nhà lái ép giá, tiền mặt cũng không có để mua cám. Mình thiệt thòi nhiều thứ lắm, phải vay mượn, nói chung khó khăn. Đầu ra gà qué đến lúc mình sản xuất ra lại không bán được, nó ép giá mình. Giờ mình liên kết thì đầu ra không phải lo. Nói chung mình liên kết với công ty thì đảm bảo hơn.
MC 2:
Cũng giống như hộ chăn nuôi của anh Vương Đức Tài, tiền thân của HTX Chăn nuôi công nghệ cao Long Thành Phát cũng từ những chủ trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát và khó khăn trăm bề. Trước thực tế ấy, ngành chăn nuôi Đồng Nai buộc phải thay đổi, nghĩ lớn và làm lớn để đáp ứng được với nhu cầu thị trường ngày càng kĩ tính, gắn liền với bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Mượn tinh thần của câu chuyện Bó Đũa, ông Lê Văn Quyết liền xin chủ trương và thuyết phục những chủ chăn nuôi khác thành lập HTX Chăn nuôi công nghệ cao Long Thành Phát. Ông cũng được bầu làm Giám đốc của chính HTX này. Định hướng của HTX là cùng nhau đầu tư, cùng nhau tạo những sức mạnh cho người chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và hướng tới xuất khẩu sản phẩm gia cầm.
Băng
Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Chăn nuôi công nghệ cao Long Thành Phát:
Nếu đi một mình thì không đủ lực, lúc đó phải giải bài toán về số lượng, chất lượng và đảm bảo yêu cầu xuất khẩu và kèm theo vấn đề tài chính nữa. Cho nên lúc đó là phải liên kết nhiều nông dân lại để hình thành HTX, đó gọi là kinh tế tập thể.
Rõ ràng sau khi liên kết lại thành HTX rồi thì hình tượng rất rõ thôi: Trước đây mình đứng một mình, mình là một chiếc đũa, bẻ cái mình gãy. Còn liên kết lại thì mình thành bó đũa, mình rất là cứng. Cứng có nghĩa là mình trở thành đối tác của các doanh nghiệp lớn như doanh nghiệp FDI như Bỉ, Hà Lan, Úc, Nhật...
MC 2:
Còn tại huyện Nhơn Trạch là địa phương có diện tích đất mặt nước lợ lớn nhất tỉnh Đồng Nai, thuận lợi cho việc nuôi tôm thẻ chân trắng. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Nhơn Trạch, toàn huyện có khoảng 1,7 ngàn héc ta nuôi tôm thẻ, trong đó có hàng trăm héc ta nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.
Nếu như vài năm trước, việc nuôi tôm của vùng Nhơn Trạch còn khá manh mún, tự phát thì những năm gần đây người dân đã biết liên kết, bắt tay nhau để cùng nuôi tôm tập trung với diện tích lớn hơn. Điều này giúp việc quy hoạch được đồng bộ hơn, tiết kiệm chi phí xử lý xả thải phân tôm ra ngoài theo 1 kênh nhất định và kênh cấp nước tách biệt giúp an toàn cho việc nuôi tôm. Đồng thời, liên kết để nuôi tôm trên cùng một diện tích lớn cũng giúp kiểm soát bệnh trên con tôm cũng hiệu quả hơn.
Hiện tại, anh Nguyễn Huy Bình tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch đang nuôi liên kết với những người khác, cùng nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích nuôi tôm công nghệ cao rộng 13 héc ta gồm 25 ao nuôi. Theo anh Bình, việc liên kết sản xuất còn giúp người nông dân được các công ty về thức ăn, con giống ưu ái hỗ trợ cán bộ thú y, giúp kiểm soát dịch bệnh xuyên suốt hơn. Từ đó, người nuôi tôm tránh được những dịch bệnh không đáng có, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế hơn.
Băng
Anh Nguyễn Huy Bình tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch: Khi liên kết lại với nhau thì mình dùng thực phẩm số lượng lớn thì được công ty hỗ trợ về giá, vận chuyển và con giống. Mình làm số lượng nhiều thì nó dễ dàng hơn, công ty có chế độ hỗ trợ tốt hơn về kĩ thuật, máy móc, con người... Người ta xuống hỗ trợ đo cho mình, cân đo đong đến về chất lượng, môi trường, các chỉ tiêu lý hóa trong môi trường nước...
MC 2:
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Võ Văn Phi, từ nhiều năm nay, Đồng Nai đã xác định những vật nuôi, cây trồng chủ đạo có tính cạnh tranh. Từ đó, sẽ có những định hướng và hỗ trợ kịp thời để các sản phẩm nông sản được đi xa hơn, tiến tới xuất khẩu các sản phẩm đi các thị trường khó tính.
Băng
PV ông Võ Văn Phi - PCT UBND tỉnh Đồng Nai: Tỉnh cũng đã có chỉ đạo rất là toàn diện, trong đó là cái khâu tuyên truyền, triển khai thực hiện các cái tổ chức sản xuất tại dưới cơ sở. Sở Kế hoạch Đầu tư triển khai những cái cụm công nghiệp bảo quản, chế biến sâu nông sản phẩm. Sở Công thương là triển khai thực hiện cái công tác xuất tiết thương mại ở trong nước và ngoài nước rồi địa phương thì xây dựng các cái vùng trồng, sản xuất rồi là truy xuất nguồn gốc để làm sao mà sản xuất với cái quy mô lớn hơn, chất lượng tốt hơn, chi phí giảm hơn, sức cạnh tranh tốt hơn. Đối với các cái sản phẩm cùng loại, chúng ta cũng đã có được những cái chuỗi liên kết nó mang tính chất là bền vững và hiệu quả, trong đó những cái chuỗi liên kết về tiêu thụ sầu riêng, tiêu cacao đó là những cái chỗ tôi thấy là rất là hiệu quả và gắn với cái chuỗi đó là cái người nông dân sản xuất rồi sơ chế rồi chế biến, thậm chí xuất khẩu ra các nước Châu Âu.
MC 2:
Hiện nay, toàn tỉnh Đồng Nai có 22 dự án liên kết với sự tham gia của 16 doanh nghiệp, 22 hợp tác xã, 921 trang trại và hộ nông dân tham gia liên kết. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc sở NN-PTNT Đồng Nai, sau 4 năm thực hiện thì chương trình đã đạt được những thành công bước đầu, là tiền đề tốt để tiếp tục phát huy và sẽ có những điều chỉnh, kiến nghị để chương trình đạt được những thành tựu hiệu quả hơn.
Băng
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc sở NN-PTNT Đồng Nai: Hiệu quả mà chương trình mang đến thì thấy rõ nét là tăng được thu nhập cho người dân và liên kết chuỗi trong cái sản xuất, hiệu quả của vấn đề về tìm hiểu về trao đổi rồi triển khai kịp thời các cái chính sách rồi hướng dẫn khoa học kỹ thuật để cho người nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ra thị trường. Điều này tạo được cái giá trị tăng thêm rõ nét đối với từng hộ gia đình cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn trong tỉnh trong thời gian qua.
MC 1:
Thưa quý vị và bà con, chương trình đẩy mạnh các chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai được thực hiện từ năm 2018, tuy tỷ lệ sản phẩm tiêu thụ phục vụ chế biến còn ít, nhưng đã đang góp phần thúc đẩy rất tốt cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Diện mạo của các nông trại, trang trại trên địa bàn đang thay đổi từng ngày, mà cụ thể là các mô hình ứng dụng công nghệ cao, vừa đảm bảo chất lượng, lại vừa sản xuất số lượng lớn theo đúng yêu cầu khắt khe ngày càng cao của thị trường.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Tầm nhìn nông nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, Xin kính chào và hẹn gặp lại quý vị và bà con.
TIN
MC 2: Bây giờ mời quý vị và bà con cùng đến với tin tức về một số cách làm mới trong sản xuất nông nghiệp.
Tin 1
MC 1:
Thưa quý vị và bà con, Tổ chức Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế mới đây cho rằng, Việt Nam đang định vị mình là trung tâm đổi mới thực phẩm của châu Á và đang xây dựng vị thế là nhà cung cấp thực phẩm có trách nhiệm, minh bạch và bền vững. Theo đó, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ hệ thống nông nghiệp thực phẩm dựa trên chuyên biệt cây trồng và chăn nuôi thâm canh sang phát triển các hệ sinh thái nông nghiệp mới. Các hệ sinh thái nông nghiệp mới hướng tới áp dụng phương pháp canh tác bền vững với sinh thái thay vì sử dụng các sản phẩm hóa chất có sẵn, kết hợp kiến thức khoa học và kinh nghiệm địa phương, đồng thời tập trung vào sự tương tác giữa thực vật, động vật, con người và môi trường.
Tin 2 – MC 2
Nằm trong 10 tỉnh có chỉ số Xanh - PGI cao nhất cả nước với 16,48 điểm, xếp hạng 7/63 tỉnh thành phố, Bắc Kạn xác định nâng cao được Chỉ số PGI sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại Bắc Kạn hiện thực hóa được khát vọng mở rộng thị trường, từng bước vươn ra biển lớn. Vì vậy, duy trì vị trí nằm trong 10 tỉnh có chỉ số PGI cao nhất cả nước là mục tiêu mà Bắc Kạn đang hướng tới. Để hiện thực hóa mục tiêu, Bắc Kạn đang từng bước thực hiện chủ trương phát triển chuyển từ “nâu” sang “xanh” trong trong nhiều lĩnh vực kinh tế. Trong đó, chú trọng nhiều giải pháp khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp công nghệ cao, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, thân thiện với môi trường, phát triển năng lượng tái tạo.
Tin 3 – MC 1:
Trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu gia tăng gây nhiều bất lợi đối với sản xuất của người dân. Ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông đã và đang thực hiện các biện pháp phát triển cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thu nhập cho nông dân. Tiêu biểu, tại huyện Krông Nô đã có một số mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng rau an toàn liên kết theo chuỗi giá trị cây đinh lăng; thâm canh lúa chất lượng cao, tái canh cà phê.... Các mô hình này góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị canh tác trên đơn vị diện tích. Năm 2022, giá trị sản xuất mỗi ha đất của Krông Nô đạt xấp xỉ 90 triệu, đạt chỉ tiêu đề ra.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Tầm nhìn nông nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Liên kết sản xuất nông nghiệp - hướng đi bền vững cho Đồng Nai
Đồng Nai là tỉnh có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp nhưng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ và luôn gặp khó khăn trong đầu ra. Do đó, liên kết sản xuất là hướng đi bắt buộc của địa phương này để việc sản xuất và tiêu thụ được bền vững, đi xa hơn.
Lê Bình
Tin liên quan
Các chương trình
Lưu ý trong xây dựng cơ sở chế biến rau quả; Hơn 2.000 Hợp tác xã có sản phẩm OCOP; Chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các vụ cháy rừng tại Sóc Sơn.
Không khí lạnh tăng cường mang theo rét buốt ở nhiều khu vực của miền Bắc. Từ đêm nay 13/12, không khí lạnh được tăng cường thêm và ảnh hưởng đến Nam Trung Bộ.