Kiên Giang là tỉnh có diện tích đất canh tác lớn, sản xuất nông nghiệp đa dạng, tạo nguồn nguyên liệu thức ăn phong phú cho phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi heo và đại gia súc.
Trước đây, phần lớn các hộ nông dân đều có nuôi vài con heo hoặc trâu, bò để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có, để tăng thu nhập. Tuy nhiên, thời gian gần đây chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ đã giảm mạnh, đặc biệt là từ khi bệnh dịch tả heo châu Phi bùng phát, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi.
Ông Nguyễn Thành Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Kiên Giang cho biết, tỉnh xác định trang trại là nguồn lực quan trọng để tăng trưởng quy mô tổng đàn, tăng giá trị sản xuất. Đây cũng là lĩnh vực mà tỉnh còn nhiều dư địa để phát triển. Do vậy, cần được quan tâm đầu tư, hỗ trợ đúng mức về nguồn lực, cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư, kinh doanh...
Mới đây, ngành nông nghiệp tỉnh đã làm việc với một số doanh nghiệp đầu tư lớn trong lĩnh vực chăn nuôi như: C.P, Mavin, CJ... về kế hoạch, định hướng, chiến lược chăn nuôi của đơn vị tại Kiên Giang nhằm xác định trọng tâm, nguồn lực để phát triển mạnh đàn heo, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng đàn hàng năm theo Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững của tỉnh.
Phát triển chăn nuôi tập trung theo chuỗi hoặc liên kết theo chuỗi từ trang trại đến tiêu thụ. Đặc biệt là các doanh nghiệp có chuỗi khép kín hoặc liên kết từ con giống, thức ăn, trang trại, phân phối, tiêu thụ theo chuỗi 3F (Feed – Farm – Food).
Qua đó, góp phần quan trọng đưa ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của một số địa phương còn dư địa về quỹ đất, nguồn nguyên liệu thức ăn phong phú như huyện Giang Thành, Kiên Lương và Hòn Đất.
Ngành Thú y Kiên Giang chủ động phối hợp với các huyện, thành phố tăng cường công tác tiêm phòng bổ sung các loại vacxin cho đàn gia súc, gia cầm, cấp miễn phí hóa chất benkocid cho người chăn nuôi vệ sinh chuồng trại chăn nuôi.
Tập trung nguồn lực, giải pháp khống chế nguy cơ phát sinh bệnh dịch tả heo châu Phi, cúm gia cầm và bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.
Hỗ trợ và nhân rộng mô hình đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp, tập trung phát triển những loại vật nuôi có lợi thế như: heo, bò, gia cầm. Đa dạng hóa các loại vật nuôi để phát huy ưu thế từng vùng và nhu cầu đa dạng của từng thị trường, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP).
Hiện, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đang có các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển chăn nuôi trang trại như Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam - Chi nhánh Kiên Giang, Tập đoàn Mavin, Công ty C.J Vina Agri, Công ty Cổ phần Techpal.
Ngoài ra, còn có nhiều trang trại của các nông hộ chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp theo quy trình khép kín, đảm bảo an toàn sinh học và được cung cấp thông tin kịp thời về diễn biến dịch bệnh nên chủ động ứng phó, duy trì tốt hoạt động chăn nuôi. Các trang trại chăn nuôi lớn hiện nay cung ứng từ 20.000 - 30.000 con heo/tháng cho thị trường trong tỉnh.
Phát triển chăn nuôi trang trại tập trung đã giúp đàn heo của tỉnh Kiên Giang tăng trở sau khi bị sụt giảm mạnh do ảnh hưởng bệnh dịch tả heo Châu Phi. Phấn đấu đến cuối năm 2023, đàn heo đạt từ 251.000 - 266.000 con, tăng khoảng 15% so với năm 2022.