Linh thiêng Côn Đảo - Vang vọng bài ca yêu nước

Dịp lễ 30/4 hàng năm, cũng là lúc bao thế hệ người Việt tìm về những 'địa chỉ đỏ' để ôn lại kỷ niệm hào hùng, cúi đầu, dâng hương những linh hồn bất tử.

Lê Bình  | 11:05 30/04/2024

Linh thiêng Côn Đảo - Vang vọng bài ca yêu nước

Tự động

Linh thiêng Côn Đảo - Vang vọng bài ca yêu nước

MC 1:

Thưa quý thính giả, những ngày cuối tháng Tư, niềm vui của ngày Chiến thắng tràn khắp mọi nẻo đường, rạng ngời bao khuôn mặt người. Sau Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 trở thành niềm hạnh phúc, tự hào, tự tôn dân tộc vẫn đang nối dài năm tháng.

Dịp lễ 30/4 hàng năm, cũng là lúc bao thế hệ người Việt tìm về những địa chỉ đỏ để ôn lại kỷ niệm hào hùng, cúi đầu, dâng hương những linh hồn bất tử. Họ như những tượng đài sừng sững giữa phong ba, để đời sau còn nghiêng mình cúi đầu, trước những chiến công làm rạng rỡ Việt Nam.

Đó cũng là những ca từ được nhạc sĩ Huỳnh Lợi thể hiện qua bản hùng ca Linh Thiêng Việt Nam, với sự thể hiện của NSND Tạ Minh Tâm.

Phát bài hát: Linh Thiêng Việt Nam - NSND Tạ Minh Tâm

MC 2:

(Tiếng sóng vỗ, tiếng chim hải âu)

Chúng tôi có dịp về Côn Đảo những ngày cuối tháng tư lịch sử. Dường như mỗi người đều có cảm xúc rất đặc biệt khi đặt từng bước chân bâng khuâng nơi hòn đảo liêng thiêng này.

Dạo thăm một vòng nhà tù Côn Đảo, thực không quá khi gọi đây là địa ngục trần gian, đầy rẫy những ác ôn mà kẻ thù đã dành cho những người yêu nước. Trong lao tù ấy, những chiến sĩ cộng sản đối mặt đấu tranh với quân thù từng phút, từng giây. Từng trang sách thấm đẫm máu và nước mắt nhưng cũng tràn đầy sức sống mãnh liệt, vang lên tiếng hát yêu đời, yêu cuộc sống và một bài ca chiến thắng không bao giờ tắt…

Ở Bảo tàng Côn Đảo, vẫn còn tái hiện lại những cảnh vui vô bờ của các tù nhân được trở về với bầu trời tự trong ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Trong số ấy, hình ảnh khiến tôi phải dừng lại thật lâu là trước đoàn diễu hành của những người tù chính trị là bức khẩu hiệu: “Đời đời nhớ ơn Đảng và Nhân dân cả nước đã cứu sống chúng tôi!”.

Tôi cay mắt và nghĩ ngược lại: Chính họ mới là những người mà nhân dân cả nước cảm phục, biết ơn và tri ân. Những vị anh hùng ấy đã không tiếc máu xương để cứu Tổ quốc và nhân dân, hy sinh bản thân mình vì lý tưởng cao quý mà họ đã chọn.

Đứng nép mình trước chuồng cọp, ông Nguyễn Anh Chuyên, đến từ TP Ninh Bình bồi hồi, xúc động. Côn Đảo là một trong những địa chỉ mà ông tâm nguyện cố gắng đặt chân đến từ mấy chục năm nay. Tranh thủ sức khỏe còn cho phép, ông Chuyên cùng vợ con đến đây để cảm tạ những hi sinh những cha anh đã ngã xuống vì nền hòa bình dân tộc.

Phát băng ông Chuyên: Hôm nay vào đây, thấy được nơi các anh hùng đã hi sinh vì Tổ quốc, đất nước này thì tôi lại càng thể hiện tấm lòng sâu sắc đối với các vị anh hùng đã hi sinh vì tổ quốc này.

Côn Đảo là nơi dừng chân của nhiều bạn trẻ từ khắp nơi quyết định gắn bó khi đến với mảnh đất này. Vương Thị Hoàng Phương là một trong những người như vậy. Quyết định ở lại Côn Đảo để lập nghiệp, Hoàng Phương không chỉ chọn hòn đảo thiêng này là nơi làm việc mà thông qua những hướng dẫn của mình, cô gái nhỏ nhắn này còn muốn truyền tải những kiến thức lịch sử và sự tri ân và tình yêu nước cho nhiều bạn trẻ khác.

Phát băng phỏng vấn Hoàng Phương: Các bác đã chiến đấu như thế nào ở trên chính nhà tù Côn Đảo. Ở đây người ta không cần dùng để súng đạn, nhưng mà những người tù mình đã trải qua những đau khổ như thế nào. Tổng số những cái người mắc ở đây và trải qua 113 năm và đến 20.000 người. Khi mà các bạn nghe các bạn thanh niên ra đây mà nghe được như vậy thì phải hiểu là ngày xưa cha ông mình bỏ rất là nhiều, rất là nhiều hy sinh mọi thứ không cần gì hết. Để giành được độc lập thì bây giờ là mình giành được độc lập rồi là mình phải sống như thế nào để xứng đáng với những cái sự hy sinh của cha ông mình ngày xưa.

(Tiếng gió phi lao)

Chúng tôi mang theo trạng thái, cảm xúc biết ơn đó khi viếng Nghĩa trang Hàng Dương. Đêm về khuya, không gian của nghĩa trang thêm sắc màu u tịch. Những bóng cây che chở mộ phần và ru hồn liệt sĩ trong giấc ngủ vĩnh hằng. Tôi như nghe trong vi vu tiếng gió có bầu khí thiêng hòa trong sương khói nơi này.

(bản nhạc Hồn Sĩ Tử nhỏ, nền)

Chúng tôi đặt chân đến nghĩa trang Hàng Dương cũng là lúc bản nhạc Hồn Sĩ Tử vang lên. Bản hùng ca này thường được sử dụng trong những giây phút linh thiêng xúc động tiễn đưa, tưởng niệm những người đã khuất, những chiến sĩ đã bỏ mình vì sự trường tồn của Tổ quốc... Thế nhưng giữa không gian lộng gió và mờ ảo do nhang khói phủ kín tại nghĩa trang linh thiêng Côn Đảo, khúc nhạc tri ân và tưởng niệm dường như được tôn nghiêm, trịnh trọng hơn.

Người kính cẩn nghiêng mình, có người giơ tay chào kiểu quân đội trước hàng ngàn vong linh anh hùng liệt sĩ đã mãi nằm xuống nơi đây.

Giữa không gian mặc niệm ấy, Phạm Lệ Khanh, một bạn trẻ đến từ Quận 8, TP.HCM không cầm được nước mắt.

Phát băng Phạm Lệ Khanh: Trong hôm nay thì có một đoàn đến viếng thì có khúc mặc niệm, đó là cảm xúc rất là nhiều. Luôn nghĩ là các bệnh hùng đã hy sinh rất là nhiều khi mà đổi bằng xương máu và nước mắt cho mình có một cái đất nước độc Việt Nam độc lập, tự do như ngày hôm nay. Nếu như mà không có các vị anh hùng hy sinh thì mình cũng đâu có cuộc sống ngày hôm nay đâu. Cơm no áo mặc. Ngày hôm nay, những gì mà mình có đều là những người anh hùng đã hy sinh, đã đánh đổi bằng máu và nước mắt để cho mình có ngày mai.

Còn ông Nguyễn Văn Bảy, là người con của huyện đảo Phú Quốc. Đây là lần đầu tiên ông đặt chân đến huyện Côn Đảo. Đến thăm các chứng tích chiến tranh và được thắp nhang cho các mộ phần, anh hùng liệt sĩ đã trở thành ước ao từ rất lâu của vợ chồng ông. Năm nay, ngay khi vào mùa biển êm, ông đã vội cùng vợ đến Côn Đảo.

Mặc dù Phú Quốc cũng có nhà tù chính trị và những nghĩa trang liệt sĩ để tri ân những người lính cộng sản đã anh dũng hi sinh qua các cuộc chiến đấu. Thế nhưng, với ông Bảy, về Côn Đảo mới thật sự trở về nguồn. Nơi đây còn là nơi lưu giữ lại một phần thân thể, máu xương của những người thân trong gia đình. Ông Bảy bày tỏ:

Phát băng ông Nguyễn Văn Bảy: Mình chỉ nghe nói thôi chứ cũng không nghĩ nó khủng khiếp như thế. Khi mà mình coi rồi thì thấy không ngờ nó lại dã man như vậy. Không có gì để tả nổi cái cảnh như thế này. Mình phải ghi nhớ công ơn cao đẹp của những người đã khuất, nằm xuống để cho chúng ta được hưởng ngày hôm nay. Mình cũng mong muốn làm sao để cho thế giới, đất nước đừng chiến tranh để mọi người không bị đau thương, mất mát như Việt Nam chúng ta đã từng.

Lặng lẽ đi từng mộ phần của các liệt sĩ, ông Nguyễn Văn Đông, ngụ tại xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai cho biết đã thắp được 307 nén nhang cho 307 vị anh hùng của dân tộc. Tại mỗi phần mộ, ông Đông đều tri ân, cúi thật sâu người rồi mới thắp ngay ngắn nén nhang. Đây cũng là điều mà ông ước ao thực hiện cho bằng được trước khi bệnh tình không cho phép.

Ngày đất nước hoàn toàn độc lập, lúc ấy ông Đông hơn 10 tuổi, chưa thể cầm súng ra chiến trường. Thế nhưng, ông Đông cũng hiểu rõ nhất, cái giá của hòa bình đắt giá chừng nào. Thế nên, với ông, việc đến những địa chỉ đỏ, những nghĩa trang liệt sĩ những dịp lễ trọng đại của Tổ quốc dường như trở thành bổn phận của những người thụ hưởng nền hòa bình như ông.

Phát băng ông Nguyễn Văn Đông: Họ đã hy sinh rất nhiều, chịu khổ cực, tra tấn bằng đủ mọi cách để giành lấy độc lập, tự do cho đất nước. Họ rất là tuyệt vời. Cũng rất là mong muốn các con cháu sau này, noi gương tiền nhân làm vẻ vang đất nước, để có những tấm gương anh hùng.

Côn Đảo ngập tràn linh khí. Núi rừng hùng vĩ, hoa lá tốt tươi, nước biển nơi này cũng như trong xanh hơn và con người thì thiện lương chân chất mà sao cứ thấy không gian gieo vào lòng lữ khách một tâm trạng chông chênh.

Trong ánh sáng ảo mờ, chúng tôi cũng kính cẩn nghiêng mình trước anh linh cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, các Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu, Cao Văn Ngọc, Lưu Chí Hiếu, Lê Văn Việt, Nguyễn Thị Hoa… và thắp những nén nhang tưởng niệm hương hồn các liệt sĩ trong nhiều khu mộ rải rác trên suốt các triền đồi cao thấp. Cảm xúc ngập tràn nhưng thật khó diễn tả bằng lời.

Ai đó dặn: Trong từng nắm đất, gốc cây của Côn Đảo còn lẩn khuất xương cốt của nhiều liệt sĩ. Xin hãy nhẹ bước chân! Với khuôn viên rộng gần 20 ha, Nghĩa trang Hàng Dương được chia thành năm khu mộ liệt sĩ với 1.921 ngôi mộ. Trong đó đa phần là vô danh tính, chỉ duy nhất gắn duy nhất một ngôi sao đỏ.

(Về Côn đảo thân yêu - Sáng tác: Trần Văn Thành - Ca sĩ: Vũ Thắng Lợi)

Ở Côn Đảo, cuộc đời của nhiều người trong họ đã mãi mãi dừng lại với lứa thanh xuân. Họ là những người con ưu tú của đất mẹ Việt Nam. Nếu không ngã xuống vì lý tưởng trong những ngày tranh đấu thì những người con can trường ấy sẽ trở thành những tinh hoa, những nhân tài của đất nước thời kiến thiết hòa bình.

Thấm thoát 12 năm gắn bó với mảnh đất Côn Đảo, Vương Thị Hoàng Phương quyết định gắn bó với mảnh đất này. Tình yêu nước và tự hào dân tộc đã khiến cho những bạn trẻ này có trách nhiệm hơn với đất nước.

Phát băng phỏng vấn Hoàng Phương: Thực sự là khi mà ra tới Côn Đảo thì em mới tìm hiểu sâu về lịch sử nhiều hơn so với ngày xưa đó. Mình cảm thấy là mình yêu cái lịch sử nhiều hơn luôn lắm, cái cảm giác là mình yêu nước hơn. Cảm thấy bây giờ là cái cuộc sống như bây giờ là mình đã quá sướng rồi chứ không phải như ngày xưa là các cha ông ấy phải trải qua quá nhiều những cái đau khổ cực khổ như vậy. Mình yêu cái vùng đất này, yêu lịch sử ở đây nên là mình chọn gắn bó với vùng đất này luôn.

MC 1:

Thưa quý vị, đến với Côn Đảo, như được về cội nguồn.

Trải dài đất nước, có tới hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, hơn 1,2 triệu liệt sĩ và gần 100.000 thương binh, bệnh binh. Những con số đã có sức mạnh, có giá trị để nói lên tất cả - cái giá của hòa bình.

Đó không những là chứng tích tái hiện những đau thương, mất mát của dân tộc, mà còn là lời nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau, phải luôn ghi nhớ, biết ơn và trân trọng những thế hệ người Việt Nam, đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh cho hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất. Đó cũng là truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”.

(Phát bài hát Đất nước - Tùng Dương)

Kết.

Tự động

Linh thiêng Côn Đảo - Vang vọng bài ca yêu nước

Dịp lễ 30/4 hàng năm, cũng là lúc bao thế hệ người Việt tìm về những 'địa chỉ đỏ' để ôn lại kỷ niệm hào hùng, cúi đầu, dâng hương những linh hồn bất tử.

Lê Bình

Tin liên quan

Các chương trình

Nhộn nhịp mùa năn bộp
Phóng sự

Khi giá trị cây năn bộp cũng như nhu cầu sử dụng loại cây rau ăn ngon, bổ dưỡng này được nhiều người biết đến thì phong trào trồng năn bộp đã được nhân rộng.

Nhộn nhịp mùa năn bộp
Bắc Giang: Huyện Tân Yên dồn lực cho vụ đông
Phóng sự

Hiện tại, diện tích gieo trồng vụ đông tại huyện Tân Yên đã cơ bản đạt mục tiêu, gồm các loại cây như lạc, ngô, khoai lang, khoai tây, các loại dưa bí và ớt.

Bắc Giang: Huyện Tân Yên dồn lực cho vụ đông