| Hotline: 0983.970.780

Trường Sơn mây trắng bay...

Thứ Ba 04/06/2024 , 06:00 (GMT+7)

Trường Sơn, chỉ nghe thôi đã thấy dặm dài khó nhọc, nhưng cũng là nơi ghi tạc, tôn vinh những khát vọng độc lập, hòa bình của cả một dân tộc.

Viếng mộ liệt sĩ trên Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Viếng mộ liệt sĩ trên Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Hoàng Văn Thường là thế hệ thứ ba của những người làm nhiệm vụ quản trang ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Những cuộc đời đặc biệt. Sinh ra giữa mây núi của đại ngàn, giữa hàng vạn anh linh của các anh hùng liệt sĩ, lớn lên giữa cõi thiêng của dân tộc, nhiều bạn trẻ trong thế hệ thứ ba như Thường không chỉ lấy đó làm niềm tự hào mà còn là nghĩa vụ đặc biệt thiêng liêng với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu tuổi xuân để gìn giữ mỗi tấc đất, ngọn cỏ giữa đại ngàn này.

Thường nói, các thế hệ nối tiếp - những người con của miền đất lửa - đã và đang nguyện suốt đời gắn bó với nơi này, với đại ngàn, với mây trắng Trường Sơn.

1.

Sau Tết Thanh minh, tôi ngược lên mạn phía Tây tỉnh Quảng Trị trong ánh nắng sánh vàng của tiết trời miền đất lửa. Mới sáng sớm mà mặt trời đã dậy tự lúc nào, nhả nắng xuống cả một miền xanh thẳm đánh thức đại ngàn dường như vẫn còn đang ngái ngủ. Tiếng chim rừng vừa mới lảnh lót đâu đây đã vội hòa theo tiếng gió rì rào. Nắng lấp loáng trên những đóa hoa dã quỳ còn sót lại cuối mùa, đang khoe sắc trên những sườn núi, ven đường, theo triền thung lũng xuống đến tận bờ sông suối.

Mùa này, những bông hoa dại cuối cùng ấy như muốn óng ánh hơn dưới nắng, vẫn hiên ngang giữa đại ngàn, trông xa dễ khiến người ta liên tưởng đến vạn ngôi sao vàng trên nền cờ Tổ quốc đỏ thắm. Chỉ độ vài hôm nữa thôi, những cánh hoa ấy sẽ lại tan biến vào đại ngàn, nhưng không phải là tan biến hẳn mà hòa mình vào đất, gieo mầm sống mới, hẹn cùng nhau bung lên khoe sắc vào những mùa hoa cuối đông.

Giữa thiên nhiên đẹp và hùng vĩ ấy là Trường Sơn. Nơi mà Nguyễn Trường An, anh cán bộ trẻ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị không giấu nổi niềm tự hào, mỗi bước chân qua đều chạm vào địa danh lịch sử của dân tộc, chạm vào những vết sẹo của đất nước ghi dấu một thời oanh liệt.

Kia là Cầu treo Bến Tắt, chiếc cầu treo đầu tiên bắc qua sông Bến Hải do lực lượng Công binh Trường Sơn xây dựng cuối năm 1973 - 1974 để nối hai bờ đất nước đã từng bị kẻ thù chia cắt trước đó gần 20 năm.

Đây là Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, nơi an nghỉ của hàng vạn anh linh của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để giành lại độc lập cho dân tộc Việt. Và kia nữa, Di tích lịch sử quốc gia đường Hồ Chí Minh, hiên ngang như một chứng nhân lịch sử để lưu dấu nhiều hiện vật, thông tin về một con đường huyền thoại và những con người huyền thoại.

Đất này, nơi người người Mỹ từng dồn lực ngăn chặn những trái tim yêu nước Việt tiến vào chiến trường miền Nam còn Ngô Đình Diệm một thời cuồng vọng lấp con sông Bến Hải, bây giờ vẫn đang trong những năm tháng chữa lành. Một cây bồ đề do Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, vị tướng huyền thoại của Trường Sơn, trồng khi xây dựng tấm bia di tích làm bằng đá đang từng ngày xanh lớn, tỏa bóng xuống Trường Sơn.  

An nói, chiến tranh đã lùi xa ngót nửa thế kỷ rồi mà những vết sẹo ấy vẫn chưa thể lành, vẫn còn đang khắc khoải nhớ thương dưới từng mái nhà có người thân mất mát trong cuộc chiến thế kỷ. Còn thảng thốt đớn đau khi bom mìn sót lại dưới lòng đất lửa thi thoảng phát ra tiếng nổ đanh khô khốc trên những cánh đồng, nương rẫy mỗi bản làng. Nghĩa là còn là cả một cuộc hành trình dặm dài khó nhọc.

Suốt gần 50 năm sau ngày thống nhất đất nước, người Quảng Trị nói riêng và người Việt Nam mình nói chung tiếp tục một cuộc hành trình đằng đẵng. Hành trình rà phá bom mìn khắc phục nỗi đau chiến tranh, hành trình đi tìm kiếm và quy tập hài cốt các anh hùng liệt sĩ để đưa các anh trở về với đất mẹ. Hành trình nào cũng vất vả, gian lao, cũng nhiều đau thương, nước mắt.

Tổ quốc ghi công các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Tùng Đinh.

Tổ quốc ghi công các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Tùng Đinh.

Ở phòng Người có công của tỉnh Quảng Trị, Nguyễn Trường An cùng với 5 người khác chịu trách nhiệm quản lý, tiếp nhận, xử lý các thông tin về các anh hùng liệt sĩ. Công việc mà anh bảo chỉ riêng nghe điện thoại thôi cũng đã phát đọa lên rồi.

Vỏn vẹn 6 con người với 120 nghìn đối tượng người có công, 72 nghĩa trang liệt sĩ với 55 nghìn phần mộ những anh hùng… Nói không mệt, không vất vả e không được thật lòng cho lắm. Nhưng, giống như lời An tâm sự: Cứ nghĩ đến sự hi sinh của các bác, các chú, các chị, các anh để giành lấy độc lập, hòa bình cho chúng ta hôm nay thì mệt nhọc cứ tan biến đi đâu hết cả.

Và suy nghĩ ấy chính là động lực to lớn để anh sẵn sàng xách xe máy ròng rã mấy ngày trời chở người thân liệt sĩ đi tìm kiếm thông tin khắp vùng đất lửa Quảng Trị. Để anh luôn vui vẻ, tận tình hướng dẫn dù đó là những đầu mối thông tin rất mơ hồ trên một trang mạng xã hội về tìm kiếm thân nhân do cá nhân anh phụ trách.

Sợi dây tình cảm, trách nhiệm ấy như thể được nối dài thêm mỗi ngày. Bởi thống kê đến thời điểm hiện tại, vẫn còn khoảng 29 nghìn anh hùng liệt sĩ còn đang nằm lại đâu đó giữa đại ngàn Trường Sơn, giữa miền đất lửa Quảng Trị và cả những chiến trường xưa trên đất bạn Lào.

An ngậm ngùi: Hằng năm, khoảng độ tháng 9, tháng 10, các tổ công tác đặc biệt của Đội quy tập 584 của Ban chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị lại làm lễ xuất quân làm nhiệm vụ. Tổ trong nước tìm kiếm trên vùng đất lửa, phía Đông của dãy Trường Sơn. Và một tổ lên đường sang nước bạn Lào.

Đi từ Cánh đồng chum Xiêng Khoảng, xuôi về Savannakhet, đi khắp những cánh rừng phía Tây dãy Trường Sơn từ tháng 9 năm này cho đến tháng 4, tháng 5 năm sau khi mùa khô bên kia kết thúc. Nếu lấy cột mốc từ năm 1988 trở lại nay thì những chuyến đi như thế đã giúp tỉnh Quảng Trị quy tập và tổ chức truy điệu, an táng được hơn 9 nghìn mộ liệt sĩ, trong đó có hơn 5,4 nghìn hài cốt tìm thấy trên đất Lào được đưa về an táng tại Trường Sơn.

'Hoa của Trường Sơn'. Ảnh: Tùng Đinh.

"Hoa của Trường Sơn". Ảnh: Tùng Đinh.

Và chắc chắn những cuộc hành quân như thế vẫn sẽ còn nối tiếp, không ai có thể biết sẽ kéo dài đến bao giờ. Đây là những dòng tôi đọc được trên Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - Bến Tắt, được xây dựng khá khang trang bên dòng Bến Hải, giữa tiếng tụng kinh cầu nguyện được phát ra từ một chiếc loa suốt cả đêm lẫn ngày: Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn đã quy tập được trên 10 ngàn hài cốt liệt sĩ, các anh đã được yên giấc trong sự đùm bọc và chăm sóc của nhân dân Quảng Trị cũng như đồng bào, đồng đội cả nước. Nhưng vẫn còn trên 10 ngàn anh linh các liệt sĩ Trường Sơn đang ẩn mình đâu đó giữa núi thẳm, rừng xanh.

Cạnh tấm bia là nơi thờ tự. Nhà văn Xuân Đức, một người con của vùng đất lửa anh hùng Vĩnh Linh đã cảm khái đề lên câu đối: Đất Việt nghìn thu lớp lớp anh hùng nêu gương sáng chói ngời sử cổ - Trường Sơn vạn dặm trùng trùng dũng sĩ tỏa khí thiêng lay động ngàn xanh.

Còn với những người làm nhiệm vụ như Nguyễn Trường An, họ còn quá nhiều lo lắng. Công tác quy tập hài cốt liệt sĩ giống như một cuộc chạy đua với thời gian mà năm tháng qua đi, các bác, các cô, các chú, những nhân chứng sống của thời khói lửa chiến tranh trí nhớ ngày càng thiếu đi sự minh mẫn, thông tin tìm kiếm mai một dần. Để tìm kiếm mẫu xác định hài cốt các anh hùng liệt sĩ nằm lại với đại ngàn càng là chuyện mò kim đáy bể.

Nhưng An kiên quyết, gian khó mấy cũng phải tiếp tục tìm kiếm, tiếp tục hành quân, bởi hành động của thế hệ chúng ta hôm nay không chỉ là nghĩa cử, trách nhiệm, mà còn là truyền thống uống nước nhớ nguồn của cả một dân tộc, chỉ được phép bồi đắp thêm chứ không thể nào mai một.

“Chúng ta đã chịu đựng được không phải vì chúng ta là gang thép. Vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng. Mà chúng ta là những con người. Những con người thật sự. Những con người Việt Nam với truyền thống 4.000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trước Tổ quốc, trước thời đại”, An đọc cho tôi chép mấy câu nói của Tổng Bí thư Lê Duẩn, một người con ưu tú bậc nhất của miền đất lửa này.

Những câu nói ấy cũng đã được khắc tạc đền thờ Bác Hồ trên đại ngàn Trường Sơn.

Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

2.

Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn nằm ngay cạnh đường Trường Sơn huyền thoại, bây giờ là đường mòn Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Nghe kể lại rằng, ngay từ những năm tháng đất nước còn chưa thống nhất, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, vị Tư lệnh huyền thoại của Trường Sơn, đã đề xuất lên Tổng Bí thư Lê Duẩn chọn nơi này làm chốn yên nghỉ đời đời cho các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn, để các anh nằm lại mãi với nơi mình đã hiến dâng xương máu cho nền độc lập dân tộc.

Sau mấy mươi năm xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, hiện đây là công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất nhằm thể hiện lòng thương nhớ, biết ơn và sự tôn vinh đối với những người con yêu quý trên mọi miền Tổ quốc đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.

Trên diện tích 14ha, 10.263 phần mộ của các liệt sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước được chia thành 10 khu vực theo địa phương: Hà Nội, Bình Trị Thiên, Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình, Hải Hưng, Thái Bình, Hà Bắc, Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Vĩnh Phú, Hải Phòng, Cao Bằng, Hoàng Liên Sơn, Hà Tiên... và một khu dành cho 68 liệt sĩ chưa xác định được danh tính.

Trong số 15 cán bộ quản trang ở đây, Hoàng Văn Thường là thế hệ thứ ba. Công việc thường ngày của anh bạn trẻ này là trông nom nghĩa trang và đón các đoàn đến thăm viếng các anh hùng liệt sĩ. Những ngày này, Thường cùng các đồng nghiệp đang tất bật chuẩn bị Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn được tổ chức nào ngày 19/5 tới. Cũng giống như Nguyễn Trường An, Thường đại diện cho thế hệ trẻ Quảng Trị gắn bó với nghề “nhiều nước mắt” và họ, những người con của miền đất lửa, lấy làm tự hào về điều đó.

Tên Anh gắn liền chiến công bất tử. Ảnh: Công Điền.

Tên Anh gắn liền chiến công bất tử. Ảnh: Công Điền.

Bố mẹ của Thường cũng gắn bó phần lớn cuộc đời với công việc quản trang ở Trường Sơn, sinh anh ra ngay giữa cõi thiêng này. Cùng với Hồ Tất Minh Đẳng, con trai ông Hồ Tất Ái, cùng với Nguyễn Thị Thúy An, con dâu ông Nguyễn Tất Quang và những người trẻ vốn con nhà lính Trường Sơn, có khát vọng, có cơ hội để thoát ly bằng nhiều nghề khác, nhưng bằng sợi dây vô hình nào đó, họ lại chọn nối nghiệp cha ông ở lại với mây trắng, với cỏ cây, bên cạnh những anh hùng liệt sĩ Trường Sơn, với những con người đã từng lấy thân mình làm cọc tiêu cho những chuyến xe ra trận.

Mỗi năm đón khoảng hơn 20 ngàn khách. Dù là lúc sớm khuya hay mưa nắng, kể cả những lúc nghỉ ngơi ngoài giờ hay có người đến đúng lúc ăn cơm thì những bạn trẻ này sẵn sàng đặt bát xuống để cùng với đồng bào lên viếng các anh hùng liệt sĩ.

Cứ mỗi một đoàn khách đến với Trường Sơn, những bạn trẻ như Thường, Đẳng, An lại kể cho họ nghe những câu chuyện về Trường Sơn huyền thoại. Chuyện về những người anh hùng không tiếc máu xương, vượt qua gian lao khổ ải để “ngàn đời tạc sử Trường Sơn” và tô thắm thêm sắc đỏ của màu cờ Tổ quốc.

Chuyện về phần mộ của một anh hùng liệt sĩ trên bia mộ chỉ ghi vỏn vẹn Cháu Nhân - Bình Định, cho đến nay vẫn chưa thể tìm được người thân, như minh chứng của một thế hệ đã ngã xuống vì dân dân tộc khi còn quá trẻ. Chuyện cỏ cây trong nghĩa trang, kia là cây phượng đỏ biểu tượng của đất cảng Hải Phòng, đây là hàng cọ của miền trung du Vĩnh Phú, Chùa keo Thái Bình, miền quan họ Bắc Ninh và cả những biểu tượng đặc trưng của các tỉnh phía Nam, để cả 3 miền đất nước đều hiện hữu trong khuôn viên hơn chục ha này.

Thường nói với tôi, đến Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn hôm nay nhiều người phải thốt lên, đẹp quá. Là vì kể từ khi được đầu tư sửa sang, tu bổ, nơi yên nghỉ của hàng vạn anh hùng liệt sĩ hôm nay điện sáng suốt đêm, loa phát thanh suốt ngày. Hầu như năm nào cũng có những chương trình văn hóa, nghệ thuật tầm vóc quốc gia để tưởng nhớ công lao các anh hùng liệt sĩ như những chương trình Khát vọng hòa bình, Màu hoa đỏ…

Và thỉnh thoảng lại có đoàn văn nghệ sĩ từ Hà Nội vào, đoàn võ thuật từ Thành phố Hồ Chí Minh ra để ca hát, biểu diễn, vừa để tri ân, vừa tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn. Rồi cả những đoàn khách quốc tế, cựu chiến binh…, nhưng đông nhất vẫn là học sinh, sinh viên, kể cả những đoàn du học sinh ngoài nước.

Như cách đây một vài hôm, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn vừa đón hơn 2,4 nghìn em học sinh từ tỉnh Nghệ An vào. Như thường lệ, Đẳng, An, Thường lại kể cho các bạn ấy nghe những câu chuyện Trường Sơn, ngay bên cạnh khu mộ của các anh hùng. Chuyện kể đi kể lại đã nhiều lần, vậy mà đôi lúc mấy quản trang trẻ tuổi vẫn rơi nước mắt.

Xúc động là một lẽ nhưng cũng có những giọt nước mắt cười, ấy là khi nhìn thấy các em học sinh mắt ngân ngấn ướt. Thông điệp mà những người quản trang trẻ tuổi muốn truyền tải là tuổi trẻ Việt Nam mãi tự hào, không bao giờ được phép quên sự hy sinh của cha anh để từ đó vun đắp thêm lòng yêu Tổ quốc, đồng bào, biết trân quý giá trị của hòa bình, độc lập.

3.

Bây giờ ông Hồ Tất Ái đang sống trong một căn nhà vườn yên bình ở phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà, sau hơn 20 năm làm Trưởng ban quản lý ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Đấy có lẽ là người nhất định phải gặp nếu muốn biết thêm những câu chuyện về Trường Sơn lịch sử.

Ông Ái khoe vừa mới được mời trình bày tham luận trong một cuộc hội thảo khoa học cấp tỉnh với chủ đề Bí ẩn miền đất thiêng. Hôm ấy, trước mấy trăm người ông kể những mẩu chuyện mà suốt hơn 20 năm gắn bó với Trường Sơn, chính ông là người chứng kiến.

Ông Hồ Tất Ái. Ảnh: Công Điền.

Ông Hồ Tất Ái. Ảnh: Công Điền.

Đó là chuyện vào năm 1975, lúc khởi công xây dựng nghĩa trang, đơn vị thi công của bộ đội Trường Sơn đào hố ở trước đài Tổ quốc ghi công để giữ lượng nước phục vụ cho việc xây dựng và tạo môi trường cảnh quan, bởi mùa hạn ở miền Trung thường khô kiệt nên đơn vị phải lo xa, nhưng khi đào xuống hơn 1m thì gặp một mạch nước ngầm phun lên rất mạnh. Từ đó đến nay mặc dù thời tiết có lúc rất khắc nghiệt nhưng hồ quanh năm vẫn đầy nước mà không bao giờ cạn.

Hay chuyện cây bồ đề thiêng mọc sau Đài Tổ quốc ghi công. Cuối năm 1976, chuẩn bị cho lễ khánh thành giai đoạn 1 của nghĩa trang, mọi người phát hiện một cây bồ đề còn nhỏ tự mọc phía sau đài Tổ quốc ghi công. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã giao nhiệm vụ cho ban quản lý đắp đất và rào lại cẩn thận. Càng ngày, cây càng lớn một cách khác lạ, cành lá xum xuê, thân vươn cao quá tượng đài như cái lộng che bóng mát cho các Anh hùng liệt sĩ.

Lại có chuyện vào năm 2004, một vị tiến sĩ của một trường đại học danh tiếng ở ngoài Hà Nội vào viếng các anh hùng liệt sĩ. Nghe ông Ái kể những câu chuyện khó lý giải ở Trường Sơn, ông ấy tỏ vẻ không tin. Vậy mà chỉ một tuần sau đã thấy quay trở lại và mang rất nhiều lễ vật vào cúng các Anh hùng liệt sĩ, miệng liên tục khấn vái, xin lỗi.

Địa chỉ đỏ của lòng yêu nước. Ảnh: Tùng Đinh.

Địa chỉ đỏ của lòng yêu nước. Ảnh: Tùng Đinh.

Và còn nhiều câu chuyện kỳ bí, khó lý giải khác của Trường Sơn. Người cán bộ quản trang lâu năm nói rằng cả cuộc đời mình chỉ mong mỏi làm sao những câu chuyện mình chứng kiến và kể lại sẽ góp phần bồi đắp thêm vào truyền thống uống nước nhớ nguồn của các thế hệ, nhất là với thế hệ trẻ. Để Nghĩa trang liệt sĩ quốc giaTrường Sơn ngày nay không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ mà còn là nơi suy tôn, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình, địa chỉ đỏ về truyền thống yêu nước của nhân dân ta.

Để miền đất lửa mãi là miền đất thiêng và là miền thương, miền nhớ của dân tộc Việt Nam.

Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa do UBND tỉnh Quảng Trị và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức. Công ty Cổ phần Vũ Media (VRace) là đơn vị tư vấn, vận hành giải chạy.

Giải diễn ra ngày 15 và 16/6/2024 tại thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị với 3 cự ly tranh tài 21km, 10km và 5km. Giải dự kiến thu hút khoảng 3.000 vận động viên tham dự, là hoạt động mở màn cho chuỗi sự kiện Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 lần đầu tổ chức tại Quảng Trị.

Link chính thức đăng ký BIB Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa.

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Muốn khôi phục sản xuất cần giãn nợ, mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Khoanh nợ, giãn nợ, bổ sung gói vay mới, mở rộng chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất bền vững.