Ông lão Hồ Sỹ Liệu (67 tuổi), một nông dân ở xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đưa cho tôi xem đôi bàn tay đặc trưng của người làng cát. Nó sần sùi, gai góc và chai cứng hệt như sắt thép đã được tôi qua lửa dù mỗi bận ra đồng đôi tay ấy đã được bọc trong lớp bao tay dày sụ. Ông Liệu nói, người làng cát là vậy. Sống trên cát chết chôn vùi trong cát. Mỗi cuộc đời là một cuộc hành trình với cát trắng, gió Lào…
1.
Tôi theo chân anh Lê Anh Quốc đi dọc theo những trảng cát dài nhức mắt. Một miền cát trắng bời bời đang ánh lên chói chang dưới nắng. Sinh ra từ làng cát, hơn 30 gắn bó với công việc ở Phòng NN - PTNT huyện Hải Lăng, người con làng cát ấy phân trần: Ở đây, từ trụ sở cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện, đường sá giao thông cho đến xóm làng đều rẽ cát, đội cát chui lên. Người Quảng Trị gọi là vùng cát, dải đất bãi ngang chạy dài từ huyện Vĩnh Linh giáp tỉnh Quảng Bình đến huyện Hải Lăng giáp Thừa Thiên - Huế. Rộng đến cả vạn ha và được phân vùng thành cát ven biển và cát nội đồng. Tự ngàn xưa, gió Lào - cát trắng là hai thứ “đặc sản” không thể thiếu mỗi lần nhắc đến miền đất lửa anh hùng. Nó vừa là nỗi ám ảnh lại vừa giống như một biểu tượng về tinh thần vượt khó, vượt khổ để vươn lên của người vùng cát.
Những cán bộ huyện Hải Lăng đời đầu như anh Quốc nhớ lại: Năm 1990, Quảng Trị được tách ra từ Bình Trị Thiên, tài sản lớn nhất là gió Lào, cát trắng và muôn vàn hệ lụy của cuộc chiến tranh thế kỷ. Sau khi có quyết định thành lập huyện mới, bộ máy chính quyền non trẻ dắt díu nhau về thị trấn Diên Sanh ngày nay. Chỉ có gió, cát và hố bom chi chít, ngoài ra “không có chi trơn”. Trung tâm huyện nằm ven quốc lộ 1, ngay cái đoạn thời chiến từng được gọi là đại lộ kinh hoàng và vết tích cuộc chiến vẫn còn rõ mồn một trên những hố bom sâu hoắm, nằm há hốc dưới cái nắng của miền cát trắng.
Khó nói hết nhọc nhằn của cái thời gầy dựng Hải Lăng non trẻ trên vùng cát. Nhất là vào mùa hạ, những trận gió Lào trên đỉnh Trường Sơn kéo về đánh thức cả một vùng cát, biến những trảng cát dài thành những con quái thú khổng lồ, điên loạn. Trụ sở, nhà dân vùi trong cát, đường sá làm hôm trước hôm sau cát lấp mất nhưng vẫn cứ phải làm.
Đường đi trên cát, mang dép thì cát vùi không nhấc chân lên được, mà xách dép lên thì nóng đến rát bỏng bàn chân. Ra đường cát bay rát mặt đã đành, ngồi im trong nhà cũng không xong. Mấy thầy cô giáo ở bên trường còn nghĩ ra cách chui vào mùng ăn cơm nhằm tránh cảnh cơm chan cát. Xe máy để trước sân nhà đêm hôm hôm trước, sáng ra cát đã vùi mất dấu là chuyện bình thường.
Mùa mưa cũng khổ không kém. Lũ từ sông dâng lên biến vùng cát Hải Lăng thành Đồng Tháp Mười của Quảng Trị. Nước dẫn cát chảy vào ruộng, vào nhà, đến lúc nước rút đi dân phải bới cát mất mấy ngày trời mới thấy sân, thấy vườn. Gian khổ thế nên mới có chuyện, để đủ chỉ tiêu thành lập thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng phải kêu gọi cán bộ, người dân lên bán đất với giá tượng trưng chỉ dăm bảy chục ngàn. Vậy mà trầy trượt mãi. Chẳng ai muốn lên cái xứ quá nhiều khắc nghiệt, đớn đau này.
“Cán bộ phải lên chứ dân họ ngại…”, anh Quốc bỏ lửng câu nói, giữa cơn gió Nam mùa này đã bắt đầu réo rắt. Rồi nói bồi thêm, chỉ ít hôm nữa thôi, vùng cát sẽ thành chảo lửa, đến tầm tháng chín thì lũ lại về, láng hết cả đồng.
Cái ngại của người dân mà anh Quốc nói, một phần từ cát, từ nắng gió, một phần nữa là vì những nỗi đau còn nằm lẩn khuất đâu đó dưới những trảng cát rộng dài, mênh mông quá tầm mắt. Thời chiến, những tên làng tên xã như Hải Lâm, Hải Khê, Hải Dương, Hải Ba, Hải Thọ, Hải Trường… đã trải qua nhiều năm tháng đạn bom.
Sau ngày giải phóng, hệ lụy chiến tranh còn quá nhiều khốc liệt. Chẳng đâu xa, những cán bộ như anh Quốc sau những buổi rời trụ sở, về cùng vợ con vỡ vạc cát hoang đã nhiều lần chém cuốc vỡ đôi cả quả lựu đại hình quả na, đào phải bom bi, đạn M79.
May mắn nhờ thuốc nổ trong đạn, trong bom bị ẩm nên mới thoát chết. Nhưng có biết bao phận người không may mắn khác. Suốt một thời gian rất dài, dưới những thảm cát trắng mịn trắng như muối tinh kia là nỗi ám ảnh và đớn đau của người Quảng Trị.
Thi thoảng, một tiếng nổ khô khốc giữa đồng, trên đồi cát đồng nghĩa với mất mát, thương đau. Những nỗi đau chưa biết đến bao giờ kết thúc. Trên đường cùng tôi xuống xã Hải Dương, anh Quốc chia sẻ: Mới sáng nay thôi, huyện làm lễ truy điệu và an táng cho 12 liệt sĩ vừa phát hiện trong vườn nhà dân ở vùng cát Trường Phước, xã Hải Lâm. Nói người dân ngại cát, sợ cát cũng là vì thế.
Lan man đôi chút để thấy có được Hải Lăng hôm nay là kỳ tích của chính quyền và người dân miền đất lửa. Chính từ trong gió, trong cát mà Hải Lăng có hẳn cả một ông “tiến sĩ cát”, ấy là Tiến sĩ Hoàng Phước, người đến hôm nay vẫn được bà con ở nhiều vùng cát xem như thành hoàng làng.
Ông Phước người Triệu Phong, cũng là vùng cát, từng làm đến chức Giám đốc Sở Thủy lợi tỉnh Quảng Trị, nhưng điều bà con vùng cát Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh nhớ đến ông tiến sĩ cát là vì những nghiên cứu, công trình để bắt vùng cát bay, cát nhảy, cát chảy, cát lấp phải đứng yên. Trên cánh đồng trồng xen đậu và ném, ông Hồ Sỹ Liệu, lão nông ở thôn Diên Khánh, xã Hải Dương kể: Toàn bộ vùng này trước kia đều là cát hết. Sau năm 1990 nhờ ông Phước với mấy ông trên tỉnh, trên huyện về xắn tay với dân nên mới có nhà, có đất canh tác như ngày hôm nay.
Ngày nớ dân mô dám nghĩ ra đây ở. Ông Liệu chậm rãi. Co cụm nhau thành từng nhóm ở tít trong làng, chỉ nhìn ra đồi cát trắng tinh đã thấy hãi rồi. Ông Phước về ăn ở với dân, vận động bà con lên đai, lên liếp cát để trồng phi lao chắn cát. Ông vẽ ra từng ô, từng thửa như bàn cờ, chỉ cho bà con phải trồng cây theo liếp ngang dọc để bao bọc lấy phần cát phía trong. Mỗi ô rộng khoảng 1.000m2, phải cố định được các ô, cây mọc lên cát mới thôi chạy nhảy. Chỉ khổ mỗi điều, cây không lớn nhanh bằng cát. Phi lao trồng hôm trước, hôm sau ra không còn thấy dấu tích gì. Có những đám cây bị gió cát cuốn bay hàng trăm mét, trơ gốc rễ, ô bàn cờ cát lại phẳng lỳ, như san.
Lại chuyển sang trồng bạch đàn, dứa dại. Cũng không ăn thua mấy. Mãi cho đến khi đưa giống keo tràm hoa vàng về vùng cát mới chịu đứng yên. Sau một vài năm, đã có hơn 5.000 ha cát ven biển huyện Hải Lăng và Triệu Phong được chuyển hóa thành những bàn cờ phi lao, tràm hoa vàng xanh tốt. Trong những ô bàn cờ ấy, chính quyền địa phương cho di, giãn dân ra vùng cát, xây dựng làng sinh thái trên cát, khi cát đứng yên thì vun xới trồng hoa màu, chăn nuôi. Ngày nay, nhìn từ trên vệ tinh xuống, có những bàn cờ xanh giữa một miền cát trắng bao la ở Hải Lăng, Triệu Phong cũng là vì thế.
Lại nghe thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, năm 1990 khi tách tỉnh, độ che phủ rừng của miền đất lửa chỉ có 17% và chủ yếu là rừng tự nhiên, vậy nhưng bây giờ diện tích che phủ rừng trên miền đất lửa đã lên hơn 50%, thành tựu ấy chắc chắn có phần đóng góp lớn của rừng trên cát và những con người trên cát.
Cũng từ kỳ tích Hải Lăng, cả một vùng cát trắng của Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế cũng học theo mô hình của ông Phước. Dân có đất canh tác, dựng được nhà cửa từ cát, còn ông Phước cũng bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về trồng rừng trên cát. Năm 1995, tại Hội nghị Chống sa mạc hóa ở Bangkok (Thái Lan), ông Phước được Viện Sinh thái Hoa Kỳ tặng Bằng danh dự Văn hóa quốc tế…
Người vùng cát nói, nếu được cho phép họ sẵn sàng góp công sức dựng tượng ông Hoàng Phước để nhớ công.
2.
Sau một buổi chiều đi thăm đồng ở cả 5 HTX nông nghiệp của Hải Dương, Phó Chủ tịch xã Võ Trung Hiếu không giấu được vẻ mặt phấn khởi: Lúa năm nay được mùa lắm, ít nhất cũng tầm 65 tạ/ha. Rứa là năm nay dân được cả lúa, cả ném rồi, giá cả cũng đang rất tốt.
Hải Dương là xã vùng cát thuần nông, diện tích chủ yếu là cát trắng, từng vùng trọng điểm của các dự án trồng rừng trên cát ngày trước. Vậy mà bây giờ lại là vùng sản xuất lúa lớn thứ hai của huyện Hải Lăng, khoảng 911 ha. Cùng với 178 ha rau màu, tập trung trồng hai loại cây chủ lực là ném và mướp đắng, xen canh với đậu, dưa, hầu như đất vùng cát hôm nay chẳng mấy khi được ngơi nghỉ.
Trên diện tích những ô bàn cờ ông Phước, xã Hải Dương là xã đầu tiên của vùng cát tập trung phát triển 2 loại cây trồng chủ lực là ném và mướp đắng, xấp xỉ khoảng 100 ha. Anh Hiếu vui vẻ nói rằng, ném Hải Dương ngon nhất cả nước. Cũng chẳng ai ngờ thứ cây ngoài bắc gọi là hành này lại hợp với đất cát Hải Dương đến vậy. Chỉ với 60 ha, 350 hộ dân trồng xen canh với đậu. Hiện xã đang tập trung để phát triển thành sản phẩm OCOP, xây dựng chuỗi liên kết, chế biến, xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm đưa ném Hải Dương ra Hà Nội, vào Sài Gòn, thậm chí tới đây còn tính cả đường xuất khẩu.
Vừa nói vừa dẫn tôi ra cánh đồng thôn Diên Khánh, nơi người dân ở trong Hợp tác xã nông nghiệp Diên Khánh đang bắt đầu thu hoạch vụ ném năm nay. Sản lượng đạt tầm 3 tạ/ha, giá bán mỗi cân 80 nghìn đồng, cộng với đợt thu hoạch cây hồi giáp tết tầm 3 tạ, xen canh đậu nữa thì bình quân mỗi ha giúp người Diên Khánh thu về khoảng tầm 150 triệu đồng.
Lão nông Hồ Sỹ Liệu ví von, cây ném cũng như người Hải Lăng này vậy, sống vùi trong cát. Dưới cái nắng nóng của mùa hè tưởng như không trồng được cây gì thì củ ném ẩn mình vào trong cát, cuối thu đâm chồi rồi phủ xanh cả cánh đồng vào mùa đông. Mấy năm nay người dân Hải Lăng sáng tạo bằng cách trồng ném thật dày, độ giáp tết tỉa thưa thu hoạch lá, đến tháng 4, tháng năm thì lấy củ.
Những củ ném từ trong cát trắng chui ra, tròn như viên bi, phơi mình dưới nắng nóng nên củ nào củ nấy chắc nịch, màu ánh ngà như hạt ngọc trai. Người ta nói, hạt ném Hải Dương có vị thơm, củ chắc, kho cá ít tanh còn lá ném cho vào món cháo bột đặc sản vùng Hải Lăng thì khỏi bàn.
Hai vợ chồng ông Liệu con cái đi công nhân hết, hai ông bà chỉ làm có hơn 1 sào ném xen canh với đậu, không dư dả nhiều nhưng cũng đủ sống an nhàn. Còn Phó Chủ tịch xã Võ Trung Hiếu nói, chính cây ném góp phần đưa xã vùng cát Hải Dương về đích nông thôn mới từ năm 2015.
Đi sang các xã vùng cát ven biển khác như Hải An, Hải Khê, Hải Ba, Hải Quế, ngược lên vùng cát nội đồng Hải Quy, Hải Hưng, Hải Định, Hải Phong mới thấy người vùng cát hôm nay đã không còn sợ cát. Từ một miền cát trắng bời bời bây giờ toàn huyện có 6.800 ha sản xuất lúa, 20.000 ha kinh tế vùng đồi, 10.000 ha kinh tế vùng cát.
Anh Lê Anh Quốc hồ hởi, công lao lớn nhất là của người dân vùng cát, nhưng cũng phải nói thêm, tỉnh Quảng Trị, huyện Hải Lăng đã rất quyết liệt trong cuộc cách mạng này. Năm 2007, Huyện ủy Hải Lăng đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội vùng cát. Liền sau đó là các cuộc giãn dân ra vùng cát để hình thành các khu dân cư mới. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng sản xuất, hệ thống kênh mương thủy lợi, đê bao chống ngập, tiêu úng cho vùng cát… Rồi công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình xen canh nông - lâm kết hợp, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất…
Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của huyện Hải Lăng tăng từ 16,65 triệu đồng năm 2011 lên thành 66,3 triệu đồng/người/năm vào năm 2023 vừa rồi. Bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất canh tác đạt hơn 117 triệu đồng/ha, năng suất lúa cả năm hơn 64 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực có hạt hơn 8,97 vạn tấn...
“Bàn tay ta làm nên tất cả. Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, anh Quốc cao hứng đọc đôi câu thơ của Hoàng Trung Thông, giữa những cơn gió Lào đầu mùa.
3.
Cát đang thức dậy. Đó là cảm nghĩ chung của nhiều người khi về vùng cát trắng Hải Lăng hôm nay. Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng, ông Lê Đức Thịnh thông tin một vài nét cơ bản: Hải Lăng đã đạt đủ các chỉ tiêu để công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Trong thời gian quan huyện cũng đã thu hút thêm 17 dự án đầu tư vào địa bàn, với tổng số vốn đăng ký hơn 1.055 tỷ đồng. Đặc biệt trong đó có thêm 12 dự án đầu tư vào 3 cụm công nghiệp Diên Sanh, Hải Thượng, Hải Chánh, đưa tổng số dự án trong các cụm công nghiệp đến nay là 24 dự án, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 2.500 lao động…
Lẽ tất nhiên là còn lắm nhọc nhằn, nhưng nếu quay ngược thời gian cách đây độ vài năm mới thấy hết những đổi thay của vùng cát trắng. Cát không chỉ thức dậy, rồi đây cát sẽ đẻ tiền, sẽ thành vàng ròng. Lãnh đạo và nhân dân huyện Hải Lăng kỳ vọng. Như ở vùng Hải An, Hải Khê, Hải Ba, Hải Quế, 4.000 ha vùng cát đã được quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Cùng với đó là 100 ha vùng cát xây dựng Khu công nghiệp Quảng Trị, 133 ha xây dựng Bến cảng Mỹ Thủy, Đô thị La Vang, Khu công nghiệp Vsip…
Người vùng cát bước vào một hành trình mới. Không còn nỗi lo cát bay, cát nhảy, cát chảy, cát lấp, vùng cát hôm nay đang biến cát thành tiền. Nói nôm na, vùng cát Hải Lăng giờ đây đã ngoan dưới bàn tay của người vùng cát. Chỗ nào trồng cây, chỗ nào nào trồng lúa, chỗ nào trồng rừng, phát triển chăn nuôi đều đã được quy hoạch rõ ràng. Không để cát trở thành hoang hóa, kể cả những nơi nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng nề nhất cũng phải biến thành rừng.
Mấy năm trước, ông Phan Diễn, nguyên Thường trực Ban Bí thư, sau khi nghỉ hưu hiện đang làm Chủ tịch Quỹ hỗ trợ phòng chống thiên tai, nghe đến vùng cát Quảng Trị nhiều khó nhọc, vất vả đã đặt vấn đề hỗ trợ người dân trồng rừng chắn cát. Nhưng đi mãi suốt cả tuần lễ, kể cả hứa hỗ trợ người dân mỗi ha 45 triệu đồng nhưng không thể tìm đủ diện tích cát nữa. Là vì suốt mấy mươi năm, người vùng cát đã phủ kín ở những nơi có thể trồng rừng được rồi.
Tôi cùng anh Quốc, ông Liệu tiếp tục sải những bước dài trên miền cát trắng Hải Lăng, xuyên qua những đồi rừng chắn cát ngày trước giờ đây đã được giao lại cho cộng đồng quản lý. Những con người làng cát nửa xúc động, nửa tự hào: Nỗi ám ảnh, sợ hãi với cát giờ đây chỉ còn là chuyện quá vãng, với người dân nơi đây, cát là một phần máu thịt của dân rồi.
Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa do UBND tỉnh Quảng Trị và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức. Công ty Cổ phần Vũ Media (VRace) là đơn vị tư vấn, vận hành giải chạy.
Giải diễn ra ngày 15 và 16/6/2024 tại thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị với 3 cự ly tranh tài 21km, 10km và 5km. Giải dự kiến thu hút khoảng 3.000 vận động viên tham dự, là hoạt động mở màn cho chuỗi sự kiện Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 lần đầu tổ chức tại Quảng Trị.
Link chính thức đăng ký BIB Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa.