Mỗi tháng thu 200 triệu đồng từ mô hình nuôi cua trong hộp nhựa
Nhờ các chính sách kích cầu về tích tụ đất đai, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, vùng nước ngọt, lợ Đồng Ghè, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh đã hồi sinh trông thấy.
Thanh Nga | 16:26 13/12/2023
Mỗi tháng thu 200 triệu đồng từ mô hình nuôi cua trong hộp nhựa
Chào mừng quý vị và bà con quay trở lại với Nongnghiep Radio. Thưa quý vị và bà con, phát triển NTTS vùng Bắc Trung bộ nói chung, tỉnh Hà Tĩnh nói riêng những năm gần đây chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng nuôi công nghệ cao, tuần hoàn nước, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Theo ghi nhận của PV Thanh Nga tại vùng NTTS tập trung xứ Đồng Ghè, thuộc xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh cho thấy, hàng chục ha nước ngọt và nước lợ nơi đây, từ trước đến nay chủ yếu nuôi cá, tôm, cua quảng canh, hiệu quả sản xuất mất nhiều hơn được. Tuy nhiên, sau khi HĐND thành phố Hà Tĩnh ban hành các chính sách kích cầu về tích tụ đất đai, hỗ trợ khoa học kỹ thuật thì mảnh đất Đồng Ghè hồi sinh trông thấy, có những diện tích người dân có thể thu hoạch 5 – 6 sản phẩm nông nghiệp, gia tăng hiệu quả kinh tế lên hàng chục lần so với trước đây.
Điểm nhấn Nongnghiep Radio muốn giới thiệu đến quý vị và bà con là mô hình nuôi cua trong hộp nhựa của Tổ hợp tác Hạ Hoàng. Đây là mô hình nuôi cua trong hộp nhựa lần đầu tiên được triển khai tại TP Hà Tĩnh. Theo chia sẻ của anh Lăng Thiện Phúc, kỹ sư thủy sản và cũng là thành viên của THT, năm 2022 tổ hợp tác Hạ Hoàng xây dựng nhà xưởng, lắp đặt hơn 1.000 khay nhựa để nuôi cua. Quá trình nuôi cho thấy, nuôi cua trong hộp nhựa rút ngắn được thời gian từ 7 – 8 tháng so với người dân nuôi quảng canh thông thường. Quan trọng giải pháp này kiểm soát được môi trường nước, tỷ lệ sống, dịch bệnh và chất lượng thịt cua. Còn xét về hiệu quả kinh tế, nhờ tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi thấp nên bình quân mỗi lứa cua nuôi trong vòng 1 tháng đem về doanh thu hơn 200 triệu đồng cho chủ mô hình.
Trích băng anh Phúc:
Hiện nay các sản phẩm cua như cua thịt, cua cốm, cua lột của THT được các nhà hàng ở TP Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Ninh thu mua toàn bộ với giá bình quân 500.000đ/kg. Rất nhiều hộ dân trong tỉnh đã đến tổ hợp tác tham quan, học tập kinh nghiệm và đặt hàng các thiết bị, con giống để tham gia nuôi trồng. Đặc biệt, đầu tháng 2/2023, THT Hạ Hoàng đã thỏa thuận, ký Hợp đồng liên kết với 10 hộ dân trên địa bàn xã Thạch Hạ ươm giống cua khoảng 10 ha. Các hộ dân liên kết được cung cấp toàn bộ con giống đầu vào, hỗ trợ cải tạo đất, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cua. Dự kiến trong năm 2024 sẽ lắp đặt khoảng 5.000 khay cua trên diện tích 1ha để tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa.
Chia sẻ về lý do tiên phong đầu tư mô hình nuôi cua trong hộp nhựa cũng như hoạt động liên kết sản xuất cua giống, xây dựng sổ tay chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, ông Nguyễn Sông Hàn, một thành viên khác của tổ hợp tác Hạ Hoàng nói:
Trích băng ông Hàn:
Thành công bước đầu ngoài mong đợi của mô hình nuôi cua trong hộp nhựa đã tạo động lực cho THT xây dựng phương án, chuẩn bị thành lập HTX Liên kết NTTS công nghệ cao tại xã Thạch Hạ. Theo đánh giá của chính quyền thành phố Hà Tĩnh, nếu thực hiện thành công dự án liên kết NTTS công nghệ cao trên địa bàn xã Thạch Hạ sẽ khai thác hợp lý thế mạnh, tiềm năng 126 ha đất NTTS của địa phương, đóng góp một khoản thu đáng kể cho nguồn thu ngân sách. Hơn nữa, việc nuôi trồng theo hướng hàng hóa sẽ tạo động lực khuyến khích các hộ dân, các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; định hình và phát triển các sản phẩm có chất lượng tốt.
Lãnh đạo thành phố Hà Tĩnh cũng cho rằng bất kể người dân nào cũng có thể áp dụng được mô hình nuôi cua trong hộp nhựa, bởi đây là giải pháp khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của phương pháp nuôi cua quảng canh ngoài trời.
Trích băng lãnh đạo thành phố Hà Tĩnh:
Quý vị và bà con thân mến, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, môi trường nước, dịch bệnh khó kiểm soát thì những giải pháp NTTS công nghệ cao như nuôi cua trong hộp nhựa là lựa chọn tối ưu để giảm thiểu rủi ro cho người sản xuất, từng bước thay đổi tư duy, tập quán nuôi trồng thủy sản theo kiểu “ăn may” vốn “thâm căn cố đế” ở người nuôi trồng trong hàng chục năm qua. /.
Thanh Nga
Mỗi tháng thu 200 triệu đồng từ mô hình nuôi cua trong hộp nhựa
Nhờ các chính sách kích cầu về tích tụ đất đai, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, vùng nước ngọt, lợ Đồng Ghè, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh đã hồi sinh trông thấy.
Thanh Nga
Tin liên quan
Các chương trình
Nhiều nhà vườn đã học cách tận dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp kết hợp chế phẩm sinh học, men vi sinh để tự sản xuất phân bón, thuốc BVTV sinh học.
Qua mỗi vụ lúa, nông dân áp dụng tốt hơn các quy trình kỹ thuật, giảm được chi phí mà năng suất, chất lượng lúa vẫn tốt và bán được giá cao.