Mông Cổ là cánh cửa để nông sản Việt Nam tiếp cận nhiều thị trường
Mông Cổ là cánh cửa để nông sản Việt Nam tiếp cận nhiều thị trường; TP. HCM công bố hơn 30 điểm sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.
Quỳnh Anh | 09:04 25/11/2024
Mông Cổ là cánh cửa để nông sản Việt Nam tiếp cận nhiều thị trường
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã đến với bản tin Nông Nghiệp Tuần Qua của Kênh Nông Nghiệp radio. Bây giờ sẽ là những nội dung chính sẽ có trong bản tin ngày hôm nay.
Headline ( 45 giây)
- Mông Cổ là cánh cửa để nông sản Việt Nam tiếp cận nhiều thị trường
- Giảm thiểu tổn thất, thiệt hại do biến đổi khí hậu
- Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam là cầu nối quan trọng trong chuỗi giá trị lúa gạo
- Hà Nội công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê hữu Bùi ở Chương Mỹ
- HCM công bố hơn 30 điểm sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm
- Kon Tum khó hoàn thành kế hoạch trồng chanh dây năm 2024
- Bà Rịa – Vũng Tàu hỗ trợ 10 mô hình cơ giới hoá nông nghiệp
- Nông dân Đồng Tháp triển khai nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ
Sau đây là nội dung chi tiết:
-
Mông Cổ là cánh cửa để nông sản Việt Nam tiếp cận nhiều thị trường
Thưa quý vị và bà con, nhân kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mông Cổ, tuần qua, nhiều sự kiện quan trọng được tổ chức nhằm vun đắp tình hữu nghị giữa hai nước. Trong đó, tại Kỳ họp lần thứ 19 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Mông Cổ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan - Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ khẳng định, Kỳ họp lần này có ý nghĩa rất quan trọng, diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi hai nước nâng cấp lên “Đối tác toàn diện”... Riêng với lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, sự kiện xuất khẩu sản phẩm dê, cừu Mông Cổ sang Việt Nam sẽ sớm được thúc đẩy, trở thành biểu tượng của mối quan hệ hợp tác hai bên. Đồng thời Bộ trưởng cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ trong việc phát triển các sản phẩm thế mạnh của Mông Cổ tại nơi có điều kiện thích hợp ở Việt Nam. Cụ thể hơn về nội dung này, Nông nghiệp Radio sẽ tiếp tục gửi tới quý vị trong phần sau của chương trình.
- Giảm thiểu tổn thất, thiệt hại do biến đổi khí hậu
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký ban hành kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để đạt được mục tiêu đề ra, Kế hoạch đã xác định rõ 3 nhóm nhiệm vụ chính. Đầu tiên là nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, triển khai nhiều hoạt động đầu tư vào các dự án thích ứng, phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ rừng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Thứ hai là giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai và biến đổi khí hậu gây ra. Để đạt được mục tiêu này, các hoạt động như tăng cường dự báo, cảnh báo sớm, quản lý rủi ro và xây dựng khả năng ứng phó sẽ được triển khai. Cuối cùng là tăng cường công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, hoàn thiện thể chế, chính sách, tăng cường hợp tác quốc tế và nâng cao nhận thức của cộng đồng.
- Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam là cầu nối quan trọng trong chuỗi giá trị lúa gạo
Cũng trong tuần qua, Tọa đàm và Kỷ niệm 1 năm thành lập Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam được tổ chức tại thành phố Cần Thơ. Chương trình có 2 nội dung quan trọng. Phần 1 là các báo cáo tham luận và phiên Tọa đàm để cùng nhìn lại các mục tiêu và giải pháp của Đề án phát triển bền vững chuyên canh 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL. Phần thứ 2 là Lễ kỷ niệm 1 năm thành lập Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Tại sự kiện, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT chia sẻ, Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam được ra đời sau 15 ngày Đề án phát triển bền vững chuyên canh 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL được Chính phủ phê duyệt. Đến nay Hiệp hội đã có 107 tổ chức, trở thành cầu nối đáng tin cậy giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý.
- Hà Nội công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê hữu Bùi ở Chương Mỹ
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định công bố tình huống khẩn cấp các sạt lở trên các tuyến đê hữu Bùi, Bùi 2, Gò Khoăm, sạt lở bờ sông Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Diễn biến sự cố sạt lở mái đê, thân đê, nứt mặt đê vừa nêu đã phát triển cả chiều rộng, bề sâu và chiều dài trong thời gian mưa bão, gây nguy cơ mất an toàn cho các tuyến đê ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của người và phương tiện tham gia giao thông; ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân sinh sống sát bờ sông Bùi trong khu vực sạt lở. UBND TP giao UBND huyện Chương Mỹ chủ trì, phối hợp với Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai duy trì thực hiện việc cảnh báo, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn. Tiếp tục tổ chức xử lý giờ đầu theo phương châm 4 tại chỗ.
- HCM công bố hơn 30 điểm sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm
UBND TP HCM vừa công bố danh mục các vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm năm 2024. Theo đó, toàn Thành phố có 8 vị trí được đánh giá đặc biệt nguy hiểm và 23 vị trí ở mức nguy hiểm. Theo UBND TP HCM những vị trí sạt lở trên gây ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 400 hộ dân trên địa bàn, đòi hỏi các giải pháp khẩn trương để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Trước thực trạng này, UBND TP giao các sở, ngành, đơn vị, địa phương yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư đang triển khai thực hiện những dự án kè, gia cố chống sạt lở.
-
Kon Tum khó hoàn thành kế hoạch trồng chanh dây năm 2024
Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum, đến giữa tháng 11, toàn tỉnh mới trồng được gần 340 ha chanh dây, đạt xấp xỉ 34% kế hoạch năm 2024 là 1.000 ha. Đến thời điểm này, ngành nông nghiệp Kon Tum xác định không thể hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc bà con nông dân không mặn mà với loại cây trồng này vì giá cả bấp bênh. Vì vậy, việc sớm có các đơn vị thu mua, chế biến các sản phẩm từ chanh dây trên địa bàn được xem là giải pháp để phát triển diện tích chanh dây theo kế hoạch, đa dạng hóa các sản phẩm từ nông nghiệp của tỉnh Kon Tum.
- Bà Rịa – Vũng Tàu hỗ trợ 10 mô hình cơ giới hoá nông nghiệp
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa phê duyệt kế hoạch hỗ trợ các mô hình cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch năm 2024 trên địa bàn các huyện, thành phố với tổng kinh phí thực hiện gần 7,4 tỷ đồng. Theo đó, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ hỗ trợ thực hiện 10 mô hình thuộc dự án cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch trên địa bàn các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và TP Bà Rịa. Cụ thể là sẽ hỗ trợ cho các mô hình cơ giới hóa, chế biến sản phẩm OCOP, ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển sản xuất các loại cây trồng chủ lực như: cà phê, ca cao, khoai mài, cây ăn trái, chế biến nước mắm…
-
Nông dân Đồng Tháp triển khai nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ
Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay nông dân Đồng Tháp triển khai nhiều mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, hướng đến sản xuất mang tính bền vững. Qua đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh. Theo đó, trên địa bàn có hơn 131.000 hộ hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản đăng ký, cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện nhân rộng mô hình “Nông dân Đồng Tháp tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất”. Đồng Tháp phấn đấu đưa diện tích sản xuất lúa hữu cơ đến năm 2025 đạt hơn 600 ha, giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học trong sản xuất lúa từ 30% trở lên.
Nhạc cắt
Đối thoại
Thưa quý vị và bà con, suốt 70 năm qua, mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác giữa Việt Nam - Mông Cổ không ngừng được củng cố và phát triển, trở thành minh chứng đẹp về tình hữu nghị bền chặt, vượt qua những thử thách của thời gian, khoảng cách địa lý. Trong lĩnh vực nông nghiệp, hai nước đã tạo điều kiện mở cửa thị trường với nhiều sản phẩm của đối phương và đang tiếp tục đẩy mạnh. Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, để mối quan hệ thương mại song phương được phát triển tốt hơn trong thời gian tới, cần đưa ra thông điệp tới các doanh nghiệp rằng Mông Cổ là cánh cổng để hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Á, Á - Âu, Nga và ngược lại Việt Nam cũng là một thị trường để các sản phẩm của Mông Cổ đến các thị trường của ASEAN, Đông Nam Á.
Băng
Diệu Linh
Nhạc
Nội dung vừa rồi cũng kết thúc bản tin Nông nghiệp hôm nay. Xin kính chào quý vị và bà con, hẹn gặp lại quý vị và bà con ở bản tin sau!
Mông Cổ là cánh cửa để nông sản Việt Nam tiếp cận nhiều thị trường
Mông Cổ là cánh cửa để nông sản Việt Nam tiếp cận nhiều thị trường; TP. HCM công bố hơn 30 điểm sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Khoảng chiều tối và đêm nay, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung bộ, Tây Bắc bộ và Trung Trung bộ.
Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên; Sâu, bệnh gây hại gần 230ha cây ăn quả có múi; Bắc Giang có thêm 6 sản phẩm OCOP 4 sao.