Giải quyết các thách thức, khó khăn trong vận tải logistics
Báo cáo về tình hình các phiên họp SOM trước đó, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho biết, hai đoàn đã hoàn thành đánh giá kết quả triển khai Biên bản Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ (UBLCP) lần thứ 18 và xây dựng nội dung Biên bản Kỳ họp UBLCP19.
Tại các phiên họp SOM lần này, hai bên đã thảo luận về việc khai hiệu quả nội dung Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mông Cổ tháng 10/2024 và các thỏa thuận đạt được giữa các bộ.
Bên cạnh đó, hai bên tiếp tục tăng cường hoạt động trao đổi, mở rộng quan hệ hợp tác; nghiên cứu ký kết Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư; giải quyết các thách thức, khó khăn trong vận tải logistics giữa hai nước một các đồng bộ...
Đặc biệt, hai bên đã ký MOU về gạo song cần nghiên cứu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thương mại hai chiều sản phẩm này một cách hiệu quả, giảm chi phí vận chuyển...
Chia sẻ từ phía Mông Cổ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Công nghiệp nhẹ Jadamba Enkhbayar khẳng định vai trò quan trọng của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Mông Cổ về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật trong việc phát triển toàn diện quan hệ giữa hai nước.
Về nông nghiệp, ông Enkhbayar cho biết hai nước đã hợp tác thực chất với các sản phẩm thịt gia súc của Mông Cổ được đón nhận tại Việt Nam và ở chiều ngược lại sản phẩm nông sản như gạo của Việt Nam được ưa thích tại Mông Cổ.
Mở ra các cơ hội hợp tác mới
Các quốc gia thành viên khối ASEAN, Đông Nam Á đang đề xuất các cơ hội hợp tác như cây ăn quả, thịt theo tiêu chuẩn Halal, các giống, gia súc từ Mông Cổ, phía Mông Cổ sẽ cử đoàn công tác sang Việt Nam để nghiên cứu các tiêu chuẩn, quy trình, logistics của Việt Nam, từ đó mở ra các cơ hội hợp tác mới.
Hiện lĩnh vực giao thông vận tải đang là "rào cản" đối với giao thương hai bên, do đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Công nghiệp nhẹ đề xuất tổ chức cuộc họp ba bên gồm Việt Nam, Mông Cổ, Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn.
Năm 2023, kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia đạt 120 triệu USD. Trong thời gian tới, phía Mông Cổ đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai nước Việt Nam - Mông Cổ lên hơn 500 triệu USD.
Kỳ họp lần thứ 19 này có ý nghĩa rất quan trọng, diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi hai nước kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao, nâng cấp lên “Đối tác toàn diện”... Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, sự kiện xuất khẩu sản phẩm dê, cừu Mông Cổ sang Việt Nam sẽ sớm được thúc đẩy, trở thành biểu tượng của mối quan hệ hợp tác Mông Cổ - Việt Nam.
Theo Bộ trưởng, một số doanh nghiệp Việt Nam đang bắt đầu kinh doanh với Mông Cổ, với thế mạnh về công nghệ và có thị trường cho sản phẩm thịt chế biến, Bộ sẽ gặp gỡ các doanh nghiệp này và tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác với phía Mông Cổ. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Bộ có thể tổ chức cho đoàn doanh nghiệp sang Mông Cổ để trực tiếp chứng kiến tiềm năng, trao đổi cơ hội hợp tác cũng như hiểu rõ hơn về quy định từ phía Mông Cổ.
Với thế mạnh về chăn nuôi dê, cừu của Mông Cổ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn các doanh nghiệp Mông Cổ hợp tác với phía Việt Nam trong lĩnh vực này khi các tỉnh miền Trung Việt Nam cũng có địa hình và điều kiện gần giống phía bạn.
Bộ trưởng cho rằng, với việc hiện thực hóa các biên bản ký kết còn khó khăn, hai bên đã ký kết nhiều nghị định thư và tạo cơ chế đưa nông sản, đặc biệt là thịt chế biến Mông Cổ vào Việt Nam và ở chiều ngược lại Việt Nam xuất khẩu gạo, cà phê, nông sản sang Mông Cổ.
“Đây là câu chuyện liên quan tới các doanh nghiệp và chúng ta cần phải nghiên cứu làm sao để vừa mở cửa được thị trường nhưng vẫn phải thúc đẩy để các doanh nghiệp tìm đến với nhau”, Bộ trưởng gợi mở.
Một trong những giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp hai bên tìm đến với nhau, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất hai bên xúc tiến thành lập Hiệp hội chế biến thịt để cùng làm việc với nhau, giúp hiện thực hóa các chủ trương và thúc đẩy mở cửa thị trường hai bên.
"Cần đưa ra thông điệp tới các doanh nghiệp rằng Mông Cổ là cánh cổng để hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Á, Á - Âu, Nga và ngược lại Việt Nam cũng là một thị trường để các sản phẩm của Mông Cổ đến các thị trường của ASEAN, Đông Nam Á", Bộ trưởng Lê Minh Hoan.