Mưu sinh nơi lòng hồ đại công trình thủy lợi Ia Mơr

Được xây dựng cách đây hơn 10 năm, ngoài việc phát huy tốt hiệu quả vùng tưới và cấp nước sinh hoạt, đại công trình thủy lợi Ia Mơr còn là nơi mưu sinh của nhiều người dân từ mọi miền đất nước đổ về, tạo thành 1 xóm chài ngày đêm bám lòng hồ, đưa về đất liền những thuyền đầy cá, tôm.

Tuấn Anh  | 15:00 25/08/2023

Mưu sinh nơi lòng hồ đại công trình thủy lợi Ia Mơr

Tự động

Mưu sinh nơi lòng hồ đại công trình thủy lợi Ia Mơr

MC1:

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Thủy lợi và phát triển.

Thưa quý vị và bà con! Giữa đêm khuya, những con người lặng chèo thuyền ra giữa lòng hồ thủy lợi Ia Mơr(đọc là da mơ)(xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) để thả lưới đánh bắt cá. Công cuộc mưu sinh của những người này dù gặp không ít khó khăn, nguy hiểm đến tính mạng, nhưng với họ, đánh bắt cá đã ăn sâu vào máu thịt, trở thành nghề mưu sinh không thể thiếu trong cuộc sống. Phóng sự của Tuấn Anh, phóng viên Nông nghiệp radio tại khu vực Tây Nguyên.

MC2: Công trình thủy lợi Ia Mơr được xây dựng cách đây hơn 10 năm với dung tích 177,8 triệu m3, hiện đang phục vụ cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho người dân xã Ia Mơ (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) và xã Ia Lốp (huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk).

Ngoài việc phát huy tốt hiệu quả vùng tưới và nước sinh hoạt, đại công trình hồ thủy lợi Ia Mơr với nguồn thủy sản dồi dào còn là nơi mưu sinh của hàng chục hộ dân từ mọi miền đất nước đổ về. Tại đây, những con người từ Tây Ninh, Tiền Giang, Kiên Giang… đã tạo thành 1 xóm chài ngày đêm bám lòng hồ để đưa về đất liền những thuyền đầy cá, tôm.

Tiếng khua nước

11 giời trưa, dưới cái nắng chói chang của vùng đất biên giới Ia Mơr, chị Nguyễn Thị Hường (huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) vẫn đang cần mẫn cùng chồng trải tấm lưới trên sườn bờ đê để phơi những rổ cá cơm.

Gạt những giọt mồ hôi tràn trên khuôn mặt, chị Hường cho biết, gia đình chị lên vùng đất Ia Mơr hành nghề đánh bắt cả cũng được 4 năm rồi, dù vất vả nhưng cũng có đồng ra đồng vào. Quan trọng hơn, nghề đánh bắt cả chỉ mất vài tiếng lúc nửa đêm và buổi sáng, còn lại thời gian rảnh rỗi lo việc nhà và con cái. So với nghề làm phụ hồ trước đây ở Tây Ninh, nghề đánh bắt cá cho cuộc sống đỡ vất vả hơn.

Theo chị Hường, mùa này đánh bắt không ăn thua, chủ yếu là cá cơm, trắm và mè dinh. Hàng ngày kiếm chỉ được 200-300 ngàn đồng. Hôm nào may mắn giăng câu được con cá lăng thì được 700 ngàn đồng, nhưng rất khó. Với số tiền ít ỏi hàng ngày kiếm được, gia đình chị Hường cũng đủ chi tiêu cho cuộc sống với 2 vợ chồng và 3 người con.

Băng 1: Phỏng vấn chị Nguyễn Thị Hường (quê huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh):

Trung bình lúc trước mần được 400-500 ngàn đồng, bây giờ thấp rồi, bữa 100-200, bữa 200-300 gì đó thôi. Cũng đủ sống, trang trải với ở nhà thuê.

MC: Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng khi được hỏi có ý định có quay về quê hương sinh sống, chị Hường quả quyết vẫn sẽ tiếp tục bán trụ với nghề đánh bắt cá nơi đây, rồi đưa ánh mắt xa xăm nhìn về lòng hồ thủy lợi.

Tiếng động

Cách đó chừng vài bước chân, anh Phạm Quang Chên (huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) vừa kịp đưa những rổ cá cơm lên bờ. Chiếc áo vắt trên vai ướt sũng nước, nhìn anh Chên với vẻ khắc khổ, già hơn nhiều so với độ tuổi của mình.

Anh Chên cho biết, cách đây hơn 2 năm, nghe ông cậu nói trên này nhiều cá nên chuyển cả vợ chồng con cái lên đây lập nghiệp. Khi mới lên, gia đình anh Chên phải dựng lều ở tạm ban ngày, còn ban đêm thì dong thuyền thả lưới. Trước đây, khi ở Kiên Giang, anh Chên làm nghề chạy máy cày, thu nhập rất bấp bênh. Giờ gia đình ở đây, hàng ngày thả lưới cũng có thu nhập ổn định hơn.

Băng 2: Phỏng vấn anh Phạm Quang Chên (huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang):

Ở dưới cũng vậy mà lên đây cũng vậy, nhưng lên đây làm khỏe hơn, không có cực như ở dưới, ở dưới cực hơn tí. Đỡ cực hơn là ở dưới ngày làm 7-8 tiếng, còn trên đây làm ngày 2-3 tiếng. Nó đỡ thời gian hơn.

MC:

Khác với các hộ gia đình lang bạt từ miền Tây lên vùng đất Ia Mơr mưu sinh,  anh Từ Văn Phận xuất thân ngay ở vùng đất huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) với nghề đánh bắt cá lâu năm thì đơn giản, cứ nơi đâu có hồ nước rộng lớn, nhiều cá là anh tìm đến.

Anh Phận cho biết, nghề đánh bắt cá cực khổ nhưng mà vui. Thu nhập từ nghề này rất vô chừng. Hôm nào may mắn thì kiếm được 500-700 ngàn đồng. Còn bình thường thì được 400-500 ngàn đồng.

Anh Phận làm nghề đánh bắt cá nơi lòng hồ thủy lợi Ia Mơr cũng ngót 6 năm, nhưng nói đến chuyện dư dả thì gần như không có. Với a Phận, theo nghề sông nước, lộc cho bao nhiều thì hưởng bấy nhiêu. Quan trọng, cuộc sống yên ổn là thấy vui rồi.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr cho biết, từ khi chặn dòng hồ thủy lợi Ia Mơr, nguồn thủy sản nơi đây phong phú nên một số người dân các nơi đổ về đây đánh bắt cá. Theo thống kê có khoảng 20 hộ đánh bắt cá trên lòng hồ thủy lợi Ia Mơr được 3-4 năm nay. Ban đầu người dân sống tạm bợ, ăn ở ngay dưới lòng hồ, rất nguy hiểm và không hợp pháp. Thấy vậy, chính quyền địa phương đã vận động các hộ lên thuê nhà bên trong thị trấn để đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, khó khăn nhất chính là vấn đề học tập của các con em ngư dân nơi đây. Khi các hộ đến đây mưu sinh không đem theo bất cứ giấy tờ gì nên không thể nhập khẩu, làm khai sinh cho con em đến trường.

Băng 3: Phỏng vấn ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr:

Khó khăn nhất ở đây là khi họ vào đây thì con cái họ đã sinh ra ở đâu rồi mà không có 1 giấy tờ gì thì rất là bất cập. Hiện tại, bây giờ xã đang triển khai chương trình lớp xóa mù chữ, đã vận động học buổi tối, nhưng họ ít đưa con cái đến tham gia. Về vấn đề này, đối với cấp ủy chính quyền thì mai mốt cũng phải tìm cách tháo gỡ như thế nào để con em học hành ra sao. Chứ người ta nó quá khó khăn về học phí là không đúng, vì trong khu vực này 1 tháng chỉ đóng vài chục ngàn thì đâu có tính gì đến vấn đề khó khăn.

MC: Thưa quý vị và bà con! Đối với những người mưu sinh với nghề đánh bắt cá, cuộc sống du mục, nay đây mai đó. Hành trang là những con thuyền mong manh, ít lưới cụ, cứ vậy mà đi theo những luồng cá. Mọi sinh hoạt đều diễn ra tạm bợ. Chuyện con em theo bạn bè đến trường có lẽ là ước mơ xa xỉ đối với những người dân vạn chài. Dòng nước mát, dồi dào cá tôm của hồ thủy lợi Ia Mơr không những đang duy trì màu xanh cho hàng nghìn ha cây công nghiệp mà còn đang nuôi sống những thế hệ người dân vạn trài nơi đây.

MC 2: Bây giờ mời quý vị cùng đến với một số tin tức liên quan tới lĩnh vực thủy lợi trên cả nước

MC 1:

Thưa quý vị và bà con, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn công tác vừa có buổi kiểm tra tiến độ triển khai dự án Hồ Cánh Tạng tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Theo Thứ trưởng, đây là một trong những công trình lớn của quốc gia và theo kế hoạch thì đến thời điểm hiện tại đã phải hoàn thành giai đoạn 1 và bắt đầu triển khai giai đoạn 2. Tuy nhiên, đến nay dự án triển khai vẫn chậm hơn so với tiến độ đề ra. Việc chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân cơ bản là do liên quan đến vấn đề chuyển đổi nguồn kinh phí của tỉnh cam kết thành kinh phí của Trung ương hỗ trợ. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, quỹ thời gian để hoàn thành dự án chỉ còn 2 năm, do đó nếu các đơn vị không triển khai quyết liệt các nội dung của giai đoạn 2 ngay từ bây giờ thì dự án không thể thành công được.

MC 2:

Theo Cục Thủy lợi, thời gian vừa qua, được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ cũng như nỗ lực của các địa phương, phần lớn các hồ chứa lớn có dung tích từ 3 triệu m3 trở lên đã được sửa chữa đảm bảo an toàn. Từ năm 2003 đến nay, đã sửa chữa được khoảng 1.500 hồ chứa với tổng kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn trung hạn 2021-2025 Bộ NN-PTNT đã hỗ trợ kinh phí sửa chữa nâng cấp 31 công trình đập, hồ chứa thủy lợi với tổng kinh phí 4.700 tỷ đồng. Trong khuôn khổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đã hỗ trợ sửa chữa nâng cấp 68 hồ với tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng. Theo báo cáo của các địa phương và kiểm tra rà soát, cả nước còn 337 hồ chứa bị hư hỏng nặng.

MC 1:

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa phê duyệt danh mục hồ, ao, đầm trên địa bàn, danh sách này nêu cụ thể, chi tiết 204 hồ, ao, đầm cần được bảo vệ, giữ gìn, cấm mọi hành vi san lấp, lấn chiếm, xâm phạm. Theo quyết định này, các hồ, đầm có chức năng cấp nước tưới nông nghiệp, sinh hoạt, cắt lũ, giảm lũ cho vùng hạ du, điều hòa chống ngập lụt… do các công ty thủy lợi cũng như các địa phương đang quản lý sẽ được đưa vào danh sách quản lý, giám sát chặt chẽ của UBND tỉnh.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Thủy lợi và phát triển của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Mưu sinh nơi lòng hồ đại công trình thủy lợi Ia Mơr

Được xây dựng cách đây hơn 10 năm, ngoài việc phát huy tốt hiệu quả vùng tưới và cấp nước sinh hoạt, đại công trình thủy lợi Ia Mơr còn là nơi mưu sinh của nhiều người dân từ mọi miền đất nước đổ về, tạo thành 1 xóm chài ngày đêm bám lòng hồ, đưa về đất liền những thuyền đầy cá, tôm.

Tuấn Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên
Thời sự

Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên; Sâu, bệnh gây hại gần 230ha cây ăn quả có múi; Bắc Giang có thêm 6 sản phẩm OCOP 4 sao.

Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên
Thời tiết nông vụ ngày 22/11/2024: Mưa lớn tại Trung Trung bộ
Thời sự

Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định trong có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 80-180mm, cục bộ có nơi trên 300mm.

Thời tiết nông vụ ngày 22/11/2024: Mưa lớn tại Trung Trung bộ