Ngành Lâm nghiệp vượt khó đi lên
Ngành Lâm nghiệp vượt khó đi lên; Xuất khẩu rau quả chạm mốc 5 tỷ USD; Dự báo trên 1.500 con gia súc không có chuồng trại.
Quỳnh Anh | 08:35 04/12/2023
Ngành Lâm nghiệp góp phần mang lại sự phát triển bền vững cho đất nước
- Cả nước chỉ có trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Thưa quý vị và bà con, theo thống kê của Bộ NN-PTNT, hiện cả nước có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, một con số khá khiêm tốn so với tổng số trên 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Thời gian qua, nông nghiệp vùng ĐBSCLliên tục tăng trưởng nhờ khai thác có hiệu quả, đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc, đóng góp tỷ lệ lớn vào tăng trưởng nông nghiệp cả nước. Tuy nhiên, sự tăng trưởng còn thiếu bền vững, mô hình tăng trưởng nông nghiệp mới chỉ tạo ra được khối lượng nhưng giá trị chưa cao. Thêm vào đó, nông nghiệp là lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro khi luôn đối diện thách thức về biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn. Dịch bệnh, giá cả thị trường biến động, do đó đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua vẫn còn khá khiêm tốn.
-
Diện tích trồng sầu riêng tăng cao nhất trong các cây trồng chủ lực
Thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy, diện tích trồng sầu riêng cả nước ước đạt 110.000 ha, tăng hơn 24% mỗi năm. Đây là tỷ lệ tăng cao nhất trong các loại cây trồng chủ lực hiện nay. Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến hậu quả cung vượt quá cầu. Nghiêm trọng hơn, nếu diện tích tăng lại nằm trong vùng không phù hợp như nhiễm mặn, phèn, vùng không chủ động được tưới sẽ gây thiệt hại lớn về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam. Điều này cũng ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín sản phẩm của hàng Việt nói chung. Do đó, thời điểm đầu năm, Cục Trồng trọt đã gửi thông báo tới các địa phương để cảnh báo về việc phát triển "nóng" cây sầu riêng.
- Xuất khẩu rau quả lần đầu chạm mốc 5 tỷ USD
Theo Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 11, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 188 triệu USD. Kết quả này đã đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả từ đầu năm đến giữa tháng 11 đạt 5 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử xuất khẩu rau quả của Việt Nam chạm mốc này. Sầu riêng vẫn tiếp tục là mặt hàng số 1 của xuất khẩu rau quả nước ta. 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng cũng đã thiết lập một kỷ lục mới khi lần đầu tiên vượt mốc 2 tỷ USD về giá trị xuất khẩu. Trong 3 quý đầu năm, sầu riêng chiếm tới 41% tổng giá trị xuất khẩu rau quả. Trong cơ cấu thị trường, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất.
- Lào Cai dự báo có trên 1.500 con gia súc không có chuồng trại
Theo UBND tỉnh Lào Cai, qua thống kê, dự báo địa phương sẽ có trên 1.000 con gia súc không có thức ăn và trên 1.500 con gia súc không có chuồng trại, có nguy cơ bị chết đói, rét khi xảy ra rét đậm, rét hại kéo dài. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do rét đậm, rét hại, mưa tuyết, sương muối gây ra, UBND tỉnh Lào Cai đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương huy động toàn hệ thống chính trị làm tốt công tác tuyên truyền để lan tỏa tinh thần phòng chống rét đậm, rét hại cho cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư sản xuất, thức ăn, chuồng trại, cây giống, con giống thích ứng với thời tiết, thiên tai có khả năng chịu rét, đảm bảo các điều kiện phục vụ sản xuất đầy đủ, kịp thời vụ Đông Xuân đối với tất cả các cây trồng, vật nuôi trước khi triển khai sản xuất.
- Nhà vườn đứng ngồi không yên khi giá cam sành "xuống đáy"
Thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long cho thấy, toàn tỉnh hiện có hơn 17.000ha cam sành. Từ tháng 11, cam sành đã bước vào thu hoạch chính vụ. Theo tính toán của ngành chức năng địa phương, với diện tích cam đang cho trái hiện có, mỗi ngày có đến hàng nghìn tấn cam được các nhà vườn bán ra cho thương lái. Tuy cam sành tiếp tục đạt năng suất cao nhưng giá bán lại không như mong đợi. Theo người dân địa phương, từ đầu năm đến nay, giá cam sành có lúc cũng “nhích” lên được 5.000 đồng/kg vào tháng 6. Sau đó giảm dần xuống 3.500 đồng/kg, đến cuối tháng 11 và những ngày này thì coi như… chạm đáy, chỉ còn 1.500 – 2.000 đồng/kg. Trong khi giá cam phải đạt từ 5.000 đồng/kg trở lên thì nhà vườn mới gỡ được vốn và có lãi.
- Làng nghề giấy dó độc nhất tại Nghệ An chỉ còn 6 hộ bám trụ với nghề
Từ một làng nghề nức tiếng độc nhất tại Nghệ An, nay làng nghề giấy dó tại xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc đã qua thời vàng son. Hàng trăm hộ dân đã chuyển đổi sang những công việc khác, chỉ còn 6 hộ còn bám trụ với hy vọng giữ nghề... Theo người dân địa phương, có 3 nguyên nhân chính khiến làng nghề giấy dó độc nhất tại xứ Nghệ dần lụi tàn. Thứ nhất, nguyên liệu chính để làm nghề là cây niệt nay đã không còn nhiều, tìm mua rất khó khăn. Thứ hai, không có lao động làm nghề, khi số lao động trẻ tại địa phương đã đi làm ăn xa, xuất khẩu lao động, số còn làm nghề là những hộ cao tuổi, trung niên, việc truyền và giữ nghề không còn khả quan. Thứ ba, giá cả sản phẩm bấp bênh, nhu cầu thị trường sụt giảm, bà con không còn mặn mà với nghề vì thu nhập không đủ trang trải cuộc sống.
- Nhiều loại trái cây ở Bà Rịa-Vũng Tàu được cấp mã vùng xuất khẩu
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tính đến hết tháng 11 năm nay, toàn tỉnh có 22 vùng trồng trái cây, với 33 mã phục vụ xuất khẩu, 40 mã vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa. 22 vùng trồng, với 33 mã vùng trồng xuất khẩu và 2 mã cơ sở đóng gói chuối phục vụ xuất khẩu có diện tích gần 760ha, sản lượng đạt gần 14.800 tấn/năm.Trong đó có 15 mã vùng trồng xuất khẩu đi Trung Quốc, còn lại là mã vùng trồng xuất khẩu đi Hoa Kỳ, Australia, EU và Nhật Bản. Hiện, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đang chờ phê duyệt 21 mã vùng trồng xuất khẩu đi Trung Quốc và 2 mã cơ sở đóng gói xuất khẩu các loại trái cây như bưởi, sầu riêng, thanh long, nhãn, chuối, hồ tiêu, cam, quýt.
- Phát triển diện tích khoai tây vụ đông theo liên kết sản xuất
Cây khoai tây được ngành nông nghiệp Thanh Hóa xác định là một trong những đối tượng trồng trọt chủ lực của vụ đông năm 2023-2024. Nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm, các địa phương trong tỉnh đang tích cực tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết mở rộng diện tích trồng cây khoai tây với người dân. Vụ đông năm nay, toàn tỉnh phấn đấu trồng khoai tây theo hình thức liên kết bao tiêu sản phẩm 1.000 ha. Hiện các công ty đang tích cực xuống giống khoai tây cho kịp thời vụ và để hạn chế nứt củ khi gặp mưa vào cuối vụ. Thông qua liên kết, đến nay nhiều địa phương tại Thanh Hóa cũng đã hình thành và duy trì được vùng sản xuất khoai tây tập trung. Nhiều doanh nghiệp đã có mối liên kết sản xuất bền vững, lâu dài với các địa phương trên địa bàn tỉnh, với diện tích hơn 930 ha.
Nhạc cắt
Đối thoại
Ngành Lâm nghiệp góp phần mang lại sự phát triển bền vững cho đất nước
Thưa quý vị và bà con, được thành lập từ năm 1945, trải qua 78 năm xây dựng và phát triển, tổ chức ngành Lâm nghiệp Việt Nam đã có nhiều thay đổi để phù hợp với bối cảnh lịch sử và yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ. Hiện nay, dưới sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, toàn ngành Lâm nghiệp đã nỗ lực, cố gắng khắc phục mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Năm 2023, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc năm đạt hơn 42%. Tốc độ tăng giá trị gia tăng lĩnh vực lâm nghiệp đạt bình quân hơn 5%/năm. Nhân kỷ niệm ngày Lâm nghiệp Việt Nam và 78 năm thành lập ngành Lâm nghiệp, 1/12/1945 - 1/12/2023, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đánh giá cao kết quả mà ngành Lâm nghiệp đã đạt được trong suốt chặng đường đã qua và đưa ra những điểm sáng khẳng định vai trò quan trọng của ngành.
Băng
Nguyễn Thủy (TS)
Nhạc
Nội dung vừa rồi cũng kết thúc bản tin Nông nghiệp hôm nay. Chương trình do BTV Xuân Hào biên soạn, Quý vị và bà con có thể liên hệ với chương trình qua số hotline: 0912.145.266
Xin kính chào quý vị và bà con, hẹn gặp lại quý vị và bà con ở bản tin sau!
Ngành Lâm nghiệp vượt khó đi lên
Ngành Lâm nghiệp vượt khó đi lên; Xuất khẩu rau quả chạm mốc 5 tỷ USD; Dự báo trên 1.500 con gia súc không có chuồng trại.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt ứng dụng IPHM; Phát hiện 850 lượt tàu vi phạm trong năm 2024; Giá nông sản tăng, người dân phá rừng mở rộng diện tích.
Không khí lạnh tiếp tục tăng cường xuống các tỉnh Bắc bộ, Trung bộ và khuếch tán yếu xuống Nam bộ.