Ngành lúa gạo đất Chín Rồng bắt đầu hành trình mới
Ngành lúa gạo đất Chín Rồng bắt đầu hành trình mới; Yêu cầu dừng cung cấp con giống cho các trang trại vi phạm bảo vệ môi trường.
Quỳnh Anh | 10:12 18/12/2023
-
Ngành lúa gạo đất Chín Rồng bắt đầu hành trình mới
Thưa quý vị và bà con, trong tuần qua, tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 đã diễn ra thành công tốt đẹp với chuỗi các hoạt động triển lãm, hội nghị, hội thảo, như triển lãm Con đường lúa gạo Việt Nam, triển lãm sản phẩm OCOP các tỉnh, thành phố cả nước, triển lãm chuỗi ngành hàng lúa gạo, trình diễn máy móc, thiết bị canh tác lúa gạo, trình diễn công nghệ cơ giới hóa gieo sạ và mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ rơm cùng các hội thảo liên quan đến ngành hàng lúa gạo... Đặc biệt, Lễ phát động triển khai đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” diễn ra trong khuôn khổ Festivalchính thức đánh dấu một hành trình mới cho ngành hàng lúa gạo của vùng đất Chín Rồng. Thông tin thêm về nội dung này, Nông nghiệp Radio sẽ gửi tới quý vị trong phần sau của chương trình.
- Xuất hiện các ổ dịch cúm gia cầm, tiềm ẩn nguy cơ lây hiễm sang người
Thông tin từ Cục Thú y, Bộ NN-PTNT, dịch cúm trên gia cầm đang xảy ra rải rác tại các địa phương. Thời tiết hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa nên thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Hơn nữa, hiện nay người dân có xu hướng tăng nuôi gia cầm để chuẩn bị phục vụ dịp Tết Nguyên đán năm 2024, do đó hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng, luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người. Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam và lây nhiễm sang người, các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nhất là người giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống, người có tiền sử đến từ khu vực đang có dịch, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm để xét nghiệm chẩn đoán xác định, quản lý ca bệnh và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.
- Yêu cầu dừng cung cấp con giống cho các trang trại vi phạm bảo vệ môi trường
UBND tỉnh Đắk Nông vừa ban hành văn bản về việc chấn chỉnh công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi heo trên địa bàn huyện Đắk Song. Theo đó UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đôn đốc, ban hành văn bản gửi các tập đoàn, công ty có liên quan không tiến hành hợp đồng cung cấp con giống cho các trang trại vi phạm bảo vệ môi trường đã bị xử phạt trước đó. Thời gian dừng cho đến khi các cơ quan kiểm tra, xác nhận các trang trại đầu tư xây dựng, hoàn thiện công trình bảo vệ môi trường theo quy định. Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này kiểm tra và đã phát hiện hàng loạt vi phạm trong công tác môi trường của 14 trang trại nuôi heo trên địa bàn huyện Đắk Song. Lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt 14 hộ vi phạm số tiền 1,98 tỷ đồng.
-
Quảng Nam có gần 100 điểm ven sông nguy cơ sạt lở cao
Tỉnh Quảng Nam vừa thực hiện rà soát và xác định gần 100 vị trí ở khu vực ven sông có nguy cơ sạt lở cao. Đặc biệt, hiện tượng sạt lở trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và các nhánh nhỏ của hệ thống sông này đang diễn ra với cường độ ngày càng lớn, ảnh hưởng đến hơn 19.500 hộ dân và khoảng 10.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, hơn 1.200 hộ dân với khoảng 4.600 nhân khẩu nằm trong vùng nguy cơ cao về sạt lở bờ sông. Để tránh rủi ro, Sở NN-PTNT tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện cắm biển báo, rào chắn để người dân cảnh giác. Đồng thời, trong quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, những vị trí có nguy cơ sạt lở cao sẽ được đưa vào kế hoạch xây dựng các công trình trọng điểm để triển khai thực hiện.
- Chú trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có khoảng 200 sản phẩm nông nghiệp các loại. Tuy nhiên, chủ yếu các sản phẩm được tiêu thụ trên thị trường dưới dạng sản phẩm thô, phương pháp thủ công truyền thống nên giá trị chưa cao, hiệu quả kinh tế chưa được như kỳ vọng. Do đó, với định hướng phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, ngành nông nghiệp đã nỗ lực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là thu hút doanh nghiệp chế biến nông sản vào đầu tư trên địa bàn. Những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa thu hút được khoảng 1.300 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đây là cơ sở để phát triển công nghiệp chế biến, góp phần nâng cao giá trị của nông sản của địa phương.
- Triển vọng từ mô hình trồng lúa nếp thơm theo tiêu chuẩn VietGAP
Nếp thơm là giống lúa bản địa của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn thường được người dân gieo trồng vào vụ mùa hằng năm. Đây cũng là loại gạo nếp được rất nhiều người ưa chuộng vì có hương vị thơm ngon, độ dẻo cao. Để góp phần bảo tồn và phát triển giống lúa này, năm 2023, Phòng NN-PTNT huyện đã triển khai mô hình trồng lúa nếp thơm theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Bằng Mạc với diện tích trên 16,7 ha. Qua triển khai cho thấy, giống lúa nếp thơm được trồng theo quy trình VietGAP cho năng suất cao hơn từ 5 đến 10% so với cách chăm sóc truyền thống. Tháng 11 vừa qua, sản phẩm lúa nếp thơm của xã đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Từ thành công bước đầu, Chính quyền xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân duy trì và mở rộng diện tích trồng lúa nếp thơm theo tiêu chuẩn VietGAP lên khoảng 100 ha.
- Dự án phát triển giống heo đen tại vùng dân tộc thiểu số đạt hiệu quả cao
Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai vừa tổ chức hội nghị tổng kết ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình phát triển giống heo đen tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn 3 xã Yang Bắc, An Thành và Ya Hội. Dự án được triển khai 30 tháng từ năm 2021-2023. Quy mô 90 con heo đen với 18 hộ tham gia, tổng kinh phí gần 448 triệu đồng. Kết quả, đến nay đã có 25 heo nái có chửa và sinh sản được 231 heo con. Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp đã tổ chức đánh giá, tuyển chọn 22 đợt, bán giống và tăng đàn 117 con, chuyển sang nuôi hướng thịt 114 con. Nhìn chung dự án heo đen dần ổn định, hộ chăn nuôi đã mạnh dạn tăng số lượng đàn, mở rộng chuồng trại và chăn nuôi hướng thịt.
-
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân
Năm 2023, Sở NN-PTNT Tiền Giang tiếp tục thực hiện “Đề án điều chỉnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2030”. Các nhiệm vụ, giải pháp trong kế hoạch được triển khai nghiêm túc, chặt chẽ, đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng phấn khởi. Qua đó, toàn tỉnh có trên 8.000ha đất lúa chuyển sang trồng màu, cây lâu năm đạt 113% kế hoạch. Đối với cây màu, diện tích luân canh trên nền đất lúa trên 4.600 ha, cây trồng chuyển đổi chủ yếu là dưa hấu, bắp, ớt. Lợi nhuận từ 63-310 triệu đồng/ha, cao hơn trồng lúa từ 1-3 lần, riêng ớt cao hơn 9 lần so với trồng lúa. Trên cây ăn trái, giá bán các loại trái cây nhìn chung tăng, bà con thu được lợi nhuận cao, khoảng 74 triệu đồng đến 1,7 tỷ đồng mỗi ha, có loại tăng đến 800 triệu đồng/ha.
Nhạc cắt
Đối thoại
Thưa quý vị và bà con, Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 diễn ra từ ngày 11-15/12/2023 đã mở ra cơ hội giới thiệu tiềm năng, thế mạnh sản xuất, chất lượng hạt gạo và tạo đà thúc đẩy cho thương mại lúa gạo quốc gia. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Việt Nam đưa ra thông điệp với thế giới về một quốc gia có trách nhiệm với nền lương thực, thực phẩm toàn cầu. Sau sự kiện lần này, câu chuyện về hành trình phát triển hàng ngàn năm của ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã ghi dấu ấn trong lòng các đại biểu, du khách quốc tế và những người dân trồng lúa của nước ta. Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023 vừa khép lại, vùng đất Chín Rồng bắt đầu thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Mời quý vị và bà con cùng đến với những chia sẻ đầy cảm xúc của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tại sự kiện lần này.
Băng
Quỳnh Anh
Nhạc
Nội dung vừa rồi cũng kết thúc bản tin Nông nghiệp hôm nay. Chương trình do BTV Xuân Hào biên soạn, Quý vị và bà con có thể liên hệ với chương trình qua số hotline: 0912.145.266
Xin kính chào quý vị và bà con, hẹn gặp lại quý vị và bà con ở bản tin sau!
Ngành lúa gạo đất Chín Rồng bắt đầu hành trình mới
Ngành lúa gạo đất Chín Rồng bắt đầu hành trình mới; Yêu cầu dừng cung cấp con giống cho các trang trại vi phạm bảo vệ môi trường.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Quy mô chăn nuôi bò thịt giảm dù nhu cầu tiêu dùng tăng; Liên kết chuỗi là giải pháp để ngành tôm phát triển; Cấm đánh bắt thủy sản tại hồ Dầu Tiếng 30 ngày.
Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ đêm và sáng trời rét, ngày trời lạnh. Từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục có mưa lớn diện rộng.