Ngành thủy sản trước yêu cầu nghĩ to, làm lớn
'Nông nghiệp 24H' trên Nông nghiệp Radio hôm nay 10/5 sẽ có những nội dung chính sau: Hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ ngành dệt may; có 250ha vải lai chín sớm, doanh thu ước đạt gần 70 tỷ đồng; Khánh Hòa, tôm mới thả chưa đầy 1 tháng đã chết la liệt...
Nông nghiệp Radio | 10:21 10/05/2022
Tin tức nông nghiệp 24h hôm nay 10/5 trên Nông Nghiệp Radio
Xin kính chào quý vị và bà con, chào mừng quý vị và bà con đến với Chương trình phát thanh Nông nghiệp 24h hôm nay 10/5/2022 trên Kênh Nông nghiệp Radio.
Tin tức thủy sản mới nhất hôm nay 10/5
Thưa quý vị và bà con, Theo số liệu từ Cục Thú Y, riêng từ đầu năm 2022 đến nay diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh khoảng 1.200 ha, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2021. Diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh gần 1.000 ha, chủ yếu là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính. Ngoài ra, khoảng 50 ha và 406 bè, vèo nuôi thủy sản tại An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre bị mắc một số bệnh thông thường.
Qua kiểm tra thực tế, diện tích bị thiệt hại chủ yếu xảy ra ở những ao tôm sú nuôi quảng canh theo hình thức tận dụng ao, đầm và nguồn nước tự nhiên. Nuôi lẫn nhiều loài thủy sản khác như cua biển, cá biển, nhuyễn thể. Nguyên nhân do không đầu tư cải tạo ao, không cho ăn thức ăn bổ sung, không dùng hóa chất cải tạo môi trường...
Ngoài ra, còn có khoảng 30.000 ha diện tích nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến - kết hợp thả nuôi tôm sú quảng canh, cua biển, cá biển, nhuyễn thể tại các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Cái Nước và Ngọc Hiển của tỉnh Cà Mau bị thiệt hại.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: Hơn 2 năm qua mặc dù tình hình Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, nhưng bằng nhiều hình thức, cố gắng nỗ lực thì sản xuất nông nghiệp nói chung, cũng như sản xuất thủy sản nói riêng đã gặt hái được những thành công nhất định.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch trong thủy sản, ngành nuôi trồng thủy sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế cần phải được quan tâm khắc phục kịp thời, đó là hạ tầng phục vụ sản xuất thủy sản, đặc biệt là hạ tầng ngành nuôi trồng thủy sản vẫn còn hạn chế.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, chúng ta đã có một cái kế hoạch quốc gia về phòng chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản. Đây có thể được coi là những cái căn cứ pháp lí rất quan trọng để triển khai động bộ các giải pháp tới từng địa phương, để ngành thủy sản mạnh dạn nghĩ to làm lớn.
Tin tức điều hành và hoạt động sản xuất nông nghiệp 24h qua
Sau đây sẽ là những tin vắn về hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và hoạt động sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản đã diễn ra trong 24h qua.
Tin tức nông nghiệp nổi bật
Thưa quý vị và bà con, vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) phối hợp với Sở NN-PTNT Thanh Hóa và Tập đoàn An Phước Viramie tổ chức Hội thảo “Phát triển sản xuất cây gai xanh làm nguyên liệu sợi phục vụ ngành dệt may tại một số tỉnh phía Bắc”.
Chủ trì hội thảo là Thứ trưởng NN-PTNT Trần Thanh Nam và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang với sự tham dự của Giám đốc TTKNQG Lê Quốc Thanh, lãnh đạo Tập đoàn An Phước Viramie và đại diện một số Sở NN-PTNT các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Điện Biên.
Thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã có nhiều biện pháp để phát triển các vùng nguyên liệu quy mô nhưng đa phần là cây lương thực, cây ăn quả phục vụ xuất khẩu. Hiện nay, các vùng nguyên liệu phục vụ ngành dệt may đã bắt đầu hình thành, giúp chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành này.
Hội nghị Thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản ngày 8/5
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Trần Thanh Nam tại Hội nghị Thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản ngày 8/5 vừa qua, Văn phòng SPS Việt Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 này là: Phối hợp các đơn vị tổ chức tập huấn, xây dựng chương trình truyền thông về các cam kết SPS trong hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, Lệnh 248 và 249.
Đồng thời, Văn phòng chọn 7 tỉnh để triển khai tập huấn. Đây đều là những khu vực trọng điểm về nông nghiệp, gồm: Bắc Giang, Sơn La, Gia Lai, Bình Phước, Long An, Đồng Tháp, Cà Mau. Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, do thời gian thu hoạch mỗi loại nông sản diễn ra ngắn (khoảng hai tháng), địa phương cần chủ động lên kế hoạch xúc tiến, tiêu thụ ngay từ đầu vụ.
Tin tức hay nhất: 250ha vải lai chính sớm tại xã Tam Đa, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên
Xã Tam Đa, huyện Phù Cừ (Hưng Yên) có 250ha vải lai chín sớm, trồng chủ yếu tại 2 thôn Tam Đa và Cự Phú. Vụ vải năm nay, sản lượng quả ước đạt 2.500 tấn, doanh thu ước đạt gần 70 tỷ đồng. Ông Trần Ngọc Đại, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Đa cho biết: Để giúp nhà nông tiêu thụ tốt quả vải trong vụ thu hoạch năm nay, xã sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thương lái và doanh nghiệp đến thu mua, tiêu thụ. UBND xã sẽ tổ chức trông coi, không để mất các tài sản người dân tại các điểm thu mua, đồng thời tổ chức phân luồng, hướng dẫn phương tiện cơ giới từ xa nhằm tránh ách tắc giao thông cục bộ, cũng như không để xảy ra tình trạng thương lái tranh mua, tránh bán hoặc ép giá những người trồng vải. UBND huyện Phù Cừ cũng đã có kế hoạch đầu tư cho xã 1 kho lạnh tạm trữ vải quả, giúp giảm áp lực tiêu thụ khi vải vào vụ thu hoạch rộ.
Tin tức nuôi tôm tại Khánh Hòa 24h qua
Tại nhiều vùng nuôi ở Khánh Hòa, tôm mới thả chưa đầy 1 tháng đã chết la liệt, người nuôi bỏ đầm. Thời tiết bất thường được nhận định là nguyên nhân khiến tôm chết. Không chỉ vùng nuôi tôm trên ao đất mà vùng nuôi tôm trải bạt, nhiều hộ nuôi cũng bị thiệt hại vụ đầu do thời tiết mưa gió bất thường.
Ông Trần Văn Gần, một hộ nuôi tôm ở khu vực Tuần Lễ, xã Vạn Thọ (Vạn Ninh) cho biết, vụ đầu khoảng 60 - 70% diện tích thả nuôi ở khu vực thôn Tuần Lễ bị thiệt hại nên đành xả ao sớm. Trong khi đó, số diện tích tôm nuôi chưa dính bệnh thì phát triển èo uột, chậm lớn. Riêng gia đình ông Gần vụ một thả 50 vạn giống, sau 27 ngày nuôi thì tôm chết hàng loạt, thiệt hại trên 100 triệu đồng.
Trước tình hình này, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa đã có văn bản đề nghị các địa phương tổ chức thực hiện, hướng dẫn người nuôi cần theo dõi thường xuyên hơn tình hình thời tiết, yếu tố môi trường nước ao nuôi trong giai đoạn chuyển mùa để có các biện pháp xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng đến tôm nuôi.
ABIC phối hợp với Agribank và VNPay triển khai cấp bảo hiểm bắt buộc
Nhằm đa dạng hóa kênh phân phối các sản phẩm bảo hiểm, gia tăng tiện ích và trải nghiệm cho khách hàng, từ ngày 15/5/2022, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) và VNPay triển khai cấp bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự cho chủ xe mô tô, xe máy trên ứng dụng Agribank E-Mobile Banking.
Theo đó, khách hàng chỉ cần tải ứng dụng Agribank E-Mobile Banking về điện thoại smartphone là có thể trải nghiệm tiện ích bảo hiểm trực tuyến này. Hiện nay ABIC đang cung cấp hơn 100 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ trên thị trường trong nước với nhiều kênh phân phối khác nhau. Từ 15/4/2022, ABIC đã tăng số tiền bảo hiểm đối với khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm Bảo an tín dụng lên tới 500 triệu đồng.
Tin tức chỉ đạo, điều hành về nông nghiệp hôm nay 10/5/2022
Bây giờ sẽ là những tin tức về hoạt động chỉ đạo, điều hành về nông nghiệp sẽ diễn ra trong ngày hôm nay 10/5/2022.
* Nội dung vừa rồi cũng kết thúc Bản tin Nông nghiệp 24h của kênh phát thanh Nông nghiệp Radio hôm nay, xin kính chào quý vị và bà con, hẹn gặp lại quý vị và bà con ở bản tin sau.
Ngành thủy sản trước yêu cầu nghĩ to, làm lớn
'Nông nghiệp 24H' trên Nông nghiệp Radio hôm nay 10/5 sẽ có những nội dung chính sau: Hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ ngành dệt may; có 250ha vải lai chín sớm, doanh thu ước đạt gần 70 tỷ đồng; Khánh Hòa, tôm mới thả chưa đầy 1 tháng đã chết la liệt...
Nông nghiệp Radio
Tin liên quan
Các chương trình
Khoa học nông nghiệp chỉ có giá trị khi giúp được nông dân; Hơn 37% diện tích gieo cấy đủ nước sau đợt 1 đổ ải; Giá trứng gà thấp, người chăn nuôi lo lắng.
Thời tiết đặc trưng của phương Nam sẽ giúp những vườn cây cảnh tết thêm rực rỡ, bà con cần tưới đủ ẩm để cây nở hoa đúng thời điểm.