Nông dân thấy cái gì có lợi thì họ làm, cán bộ nông nghiệp thì sao?
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đang theo dõi bản tin Nông Nghiệp Tuần Qua của Kênh Nông Nghiệp radio.
Nông nghiệp Radio | 15:10 09/05/2022
Tin tức nông nghiệp tuần qua trên Nông nghiệp Radio
Chương trình phát thanh ‘Nông nghiệp tuần qua’ của Nông nghiệp Radio sẽ có những tin tức nông nghiệp nổi bật vừa diễn ra trong tuần qua. Bây giờ sẽ là những nội dung chính sẽ có trong bản tin ngày hôm nay.
Khai mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, với nhiều quyết sách liên quan đến nông nghiệp
Thưa quý vị và bà con, trong tuần qua, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã khai mạc tại Hà Nội. Dự kiến trong 7 ngày, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến và quyết định những vấn đề sau: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, tài nguyên quý giá, nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị De Heus tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất tại Việt Nam
Đầu tuần qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp, làm việc với Đoàn Đại sứ quán Hà Lan và Tập đoàn De Heus toàn cầu về đầu tư vào nông nghiêp, xây dựng chuỗi liên kết. Bộ trưởng đánh giá cao mối quan hệ giữa Việt Nam và Hà Lan, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Bộ trưởng dẫn chứng về mối quan hệ tốt đẹp này qua Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực vào năm 2014.
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị De Heus tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Song song đó, De Heus tiếp tục phối hợp cùng Bộ NN-PTNT, các địa phương xây dựng các mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới giống của Hà Lan để từ đó hình thành các liên minh HTX thực sự có sức cạnh tranh lớn, không chỉ trong nước mà cả khu vực.
Thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản
Tại Hội nghị Thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản ngày 8/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhận định, đây là giai đoạn mà cả ngành nông nghiệp lẫn các Bộ, ban, ngành, địa phương cần vào cuộc quyết liệt để xây dựng một chương trình tiêu thụ nông sản bài bản.
Trước mắt, ông chỉ đạo các đơn vị dành nguồn lực tối đa cho những trái cây sắp vào kỳ thu hoạch như mít, xoài, sầu riêng. Hội nghị trực tuyến tới hơn 40 tỉnh, thành phố này cũng là dịp để ngành nông nghiệp đưa ra những dự tính, dự báo cho việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản trong quý II/2022, trước khi kích hoạt hành động như tổ chức Diễn đàn Kết nối nông sản 970 - một hình thức giao thương giữa người bán và người mua được vận hành xuyên suốt những tháng cuối năm 2021.
Bên cạnh các biện pháp tăng cường thông tin, truyền thông, người đứng đầu Bộ NN-PTNT yêu cầu mỗi cán bộ ngành nông nghiệp sớm hình thành tư duy "tiếp thị chính sách".
Phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2022
Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức buổi Hội nghị “Phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2022". Theo báo cáo của Cục Thú y, từ đầu năm 2022 đến nay diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh khoảng 1.200 ha, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2021. Diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh gần 1.000 ha, chủ yếu là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính. Ngoài ra, khoảng 50 ha và 406 bè, vèo nuôi thủy sản tại An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre bị mắc một số bệnh thông thường.
Trước đó, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau về tình hình sản xuất, quản lý hoạt động thủy sản, phát triển chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, đánh giá: Vai trò nông nghiệp tỉnh Cà Mau rất quan trọng, đặc biệt là xuất khẩu thủy sản của tỉnh. Cà Mau cũng được xem là vựa thủy sản của khu vực ĐBSCL, những năm qua sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh không ngừng tăng lên. Hàng năm đưa xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 9% xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Xử lý tình trạng phá rừng tự nhiên trên địa bàn huyện Đakrông
Cũng trong tuần qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Trị về việc xử lý tình trạng phá rừng tự nhiên trên địa bàn huyện Đakrông. Văn bản nêu rõ: Thời gian qua, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật trên địa bàn huyện Đakrông diễn biến phức tạp. Trong tháng 4/2022, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 26 ha rừng tự nhiên tại các tiểu khu 699, 708 thuộc xã Đakrông (huyện Đakrông) bị phá, gây bức xúc dư luận.
Trước sự việc trên, Bộ NN-PTNT yêu cầu UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo cơ quan chức năng ở địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, không để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng trái pháp luật; điều tra, xác minh làm rõ hành vi, đối tượng vi phạm, các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng phá rừng trong thời gian qua để xử lý nghiêm. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ bị xâm hại để có giải pháp quản lý bảo vệ và ngăn chặn tình trạng phá rừng, lần chiếm đất rừng.
Dự án VnSAT thúc đẩy tái canh, phát triển cà phê bền vững
Những năm gần đây, nhờ sự hỗ trợ của Dự án VnSAT, nông dân trồng cà phê tại xã Nam Hà (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) đã liên kết lập ra Tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững Nam Trưng. Ông Tạ Quang Việt, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững Nam Trưng cho biết, tổ được thành lập vào cuối năm 2016 với 60 thành viên ban đầu, đến nay có khoảng hơn 100 thành viên với tổng diện tích sản xuất cà phê khoảng 300ha.
Theo ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, Dự án VnSAT Lâm Đồng đã triển khai hỗ trợ hàng loạt tổ chức nông dân về quy trình sản xuất cà phê theo hướng bền vững và hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác về hệ thống nhà kho, sân phơi, máy sấy, máy sơ chế… giúp các HTX, tổ hợp tác hoàn thiện quy trình chế biến cà phê của mình. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng cà phê. Các mô hình như tái canh, cà phê bền vững được xây dựng tại Lâm Đồng đạt hiệu quả cao và có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng.
Nâng cao tính chống chịu của các cộng đồng ven biển
Mới đây, đoàn công tác của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã có buổi làm việc tại Bình Định để thu thập những thông tin liên quan về rừng ngập mặn, đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản, rủi ro do biến đổi khí hậu, rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương... nhằm xây dựng dự án “Các cộng đồng ven biển thông minh khí hậu tại Việt Nam”. Dự kiến ngân sách thực hiện dự án là 15 triệu USD.
Mục tiêu của Dự án nhằm nâng cao tính chống chịu của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương, đặc biệt chú trọng vào phụ nữ ở một số tỉnh ven biển Việt Nam. Thông qua đó thúc đẩy dịch vụ hệ sinh thái biển và ven biển, nâng cao đời sống của cộng đồng dựa vào thiên nhiên và thúc đẩy tổng hợp ven biển, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học.
Malaysia mua 700 nghìn tấn gạo Việt Nam trong năm 2022
Tại Phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm lúa gạo sang thị trường ASEAN do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức, bà Trần Lê Dung, Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, cho biết, sau khi kết thúc hợp đồng mua gạo Việt Nam từ 1996-2021, mới đây, Chính phủ Malaysia đã giao Công ty Bernas Berhad (công ty độc quyền nhập khẩu gạo trắng hạt dài vào Malaysia) ký hợp đồng mua 700 nghìn tấn gạo Việt Nam trong năm 2022. Một hợp đồng dài hạn hơn có thể được ký trong thời gian tới.
Những tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Malaysia đang tăng trưởng rất tốt. 3 tháng đầu năm 2022, gạo Việt Nam nhập khẩu vào Malaysia đạt hơn 35 nghìn tấn, tăng 102% về lượng. Việt Nam hiện đang là một trong những nguồn cung lớn nhất về gạo nhập khẩu cho Malaysia. Thống kê của Malaysia cho thấy, năm 2021, gạo Việt Nam nhập khẩu vào Malaysia đạt 113 triệu USD, chiếm 23,1% tổng giá trị nhập khẩu gạo của nước này.
Nông dân thấy cái gì có lợi thì họ làm, cán bộ nông nghiệp thì sao?
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đang theo dõi bản tin Nông Nghiệp Tuần Qua của Kênh Nông Nghiệp radio.
Nông nghiệp Radio
Tin liên quan
Các chương trình
Lưu ý trong xây dựng cơ sở chế biến rau quả; Hơn 2.000 Hợp tác xã có sản phẩm OCOP; Chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các vụ cháy rừng tại Sóc Sơn.
Không khí lạnh tăng cường mang theo rét buốt ở nhiều khu vực của miền Bắc. Từ đêm nay 13/12, không khí lạnh được tăng cường thêm và ảnh hưởng đến Nam Trung Bộ.