Ngôi nhà nhỏ dưới tán rừng lim xanh

Với hàng trăm, hàng nghìn cây gỗ lớn, khu rừng của gia đình anh Triệu Tiến Lộc chính là khối tài sản vô giá mà anh để dành cho con cháu và thế hệ mai sau.

Văn Thành  | 15:17 12/05/2023

Ngôi nhà nhỏ dưới tán rừng lim xanh

Tự động

Ngôi nhà nhỏ dưới tán rừng lim xanh

Khu rừng lim lâu năm của anh Triệu Tiến Lộc, người dân tộc Dao nằm ngay dưới chân đèo Hạ My thuộc xã Tân Dân, thành phố Hạ Long,tỉnh Quảng Ninhnhư một ốc đảo nổi bật giữa thảm xanh của vạt rừng trồng bởi những cây lim ở đây cao vượt trội so với các khu lân cận.

Trời đang vào độ Thanh minh, khí hậu ấm áp, độ ẩm dồi dào giúp cho vạn vật sinh trưởng mạnh, từng chồi non trong khu rừng như đang vươn mình sau những ngày e ấp tránh những cơn gió lạnh từ phương bắc thổi tới.

Đặt tay lên thân cây lim to cỡ 2 người ôm, anh Lộc nhớ lại những năm 60 của thế kỷ trước, người cha đã mất của anh là ông Triệu Tài Cao thường vào rừng để đào trầm mưu sinh. Tại đây, ông Cao được tận mắt chứng kiến những cánh rừng lim bị con người đào gốc, cưa đổ không thương tiếc. Kể từ đó, ước muốn được sở hữu và bảo vệ khu rừng lim nhen nhóm trong ông từng ngày.

Đến năm 1968, theo lời kêu gọi của Bác Hồ về Tết trồng cây, ông Cao bắt đầu cùng gia đình dọn sạch khu đồi sau nhà để trồng những cây con đầu tiên. Thời gian đó, việc có được cây giống là vô cùng khó khăn. Trong nhiều tháng trời, ông mang theo đồ nghề, cơm nắm rong ruổi khắp khu rừng thẳm để tìm hạt giống lim đem về ươm mầm. Nhờ đó, hàng loạt cây lim được trồng xen kẽ nhau dưới bàn tay của ông Cao .

Anh Triệu Tiến Lộc: Ngày mình còn bé rất nhiều lần theo ông lên rừng rồi, ông nói rừng bây giờ người ta chặt phá gần như không còn nữa, những cái cây như này rất là giá trị nên phải trồng phải giữ. Mỗi lần lên rừng mình có cảm giác rất là gần gũi.

Mỗi năm cây lim chỉ lớn được chừng một phân, trồng như thế đến bao giờ mới có ăn? Mặc kệ thiên hạ nói ra nói vào, gia đình ông Cao vẫn cương quyết không trồng những cây ngắn ngày mà chỉ trồng lim và một số cây gỗ lâu năm khác.

Anh Lộc: Trước đây, mình chủ yếu là trồng lim. Trồng cái cây xuống để nó mọc được lên là cả một quá trình tại vì giống cây lim này không giống như các giống cây khác. Quá trình phát triển của nó rất chậm. Khi trồng mình phải thường xuyên đi phát dọn xung quanh thì nó mới lên được. Khi chứng kiến cái cây nó lớn, mình có cảm giác như đứa con mình sinh ra, chăm sóc, nuôi để nó lớn lên được là cả một quá trình rất vất vả và mình cảm thất rất quý trọng cái cây đấy. Mà không chỉ riêng cái cây đấy mà là cả cánh rừng mình đã giữ được như thế. Đó là cái mình cảm thấy rất vui, hạnh phúc.

Khi được hỏi tại sao anh không trồng keo, anh Lộc lắc đầu nói, keo là giống cây công nghiệp khoảng 5 năm cho thu hoạch, để lâu thì keo sẽ hỏng, trồng chỉ giải quyết được cái trước mắt. Điều anh Lộc muốn là trồng rừng để cho đời sau, vì vậy phải trồng cây lâu năm.

Anh Lộc: Nhiều nơi người ta chỉ nghĩ là trồng rừng vì cái lợi ích ngay trước mắt thôi. Người ta trồng rồi bán lấy tiền phục vụ cuộc sống của người ta. Mình giữ rừng là giữ cái môi trường sinh thái, giữ không phải của riêng mình mà giữ cho cả cộng đồng. Từ đấy mình cùng với bố tiếp tục đi trồng, mở rộng những vùng, khu vực không có cây giá trị thì mình mở rộng ra.

Anh Lộc còn tâm sự, vài năm trước, khi cha anh còn sống, ngày nào cha của anh cũng cuốc bộ thăm rừng, tận tay sờ vào từng thân cây lim to đến 2 - 3 người lớn ôm. Lắm khi nhớ rừng, cha anh lại chống gậy, dò dẫm lên thăm đứa con tinh thần đang lớn lên từng ngày. Trong đó, có những cây lim quý được truyền đời gìn giữ như máu thịt của chính người cận vệ già ngày đêm sống ở rừng lim.

Anh Lộc: Thời điểm trước đây cũng như khi sức khỏe ông không được tốt, lúc nào ông cũng trơn trở suy nghĩ là không biết sau này khi ông mất đi thì cánh rừng này còn tồn tại được nữa hay không và ông cũng căn dặn lại với con cháu phải đoàn kết, cùng nhau bảo vệ thật tốt cánh rừng này. Chúng tôi cũng nói chuyện, động viên và hứa với ông là sau này khi ông không còn thì chúng tôi sẽ bảo vệ, chăm sóc cánh rừng này ngày càng tốt hơn.

Trước năm 1992, khi nhà nước chưa khoanh vùng bàn giao đất rừng, việc trông giữ cây rất khó. Cây được gia đình anh Lộc trồng cứ bị kẻ gian đến chặt hạ. Khi đó, nhà anh cũng chẳng có cơ sở gì để giữ rừng. Đến sau năm 1992, khi có chính sách giao đất, giao rừng cho các hộ dân, nhiều người vẫn thi nhau chặt hạ cây tự nhiên để chuyển đổi trồng cây ngắn ngày như keo nhằm mau chóng thu tiền. Nhưng gia đình anh Lộc vẫn kiên định, vẫn giục các con phải trồng thêm rừng, không được chặt hạ.

Anh Lộc: Cái mình làm mình đâu phải nghĩ là mình được bao nhiêu tiền. mình bỏ ngoài tai hết thôi. Ai động viên tích cực, ai châm chọc mình chẳng có thời gian quan tâm hết. Còn những cái ông đã làm bao nhiêu năm nay đã được rất nhiều người, được các cấp lãnh đạo ghi nhận rồi. Mình cảm thấy rất vinh dự và thấy như vậy là vui rồi.

Trải qua hàng chục năm, trên diện tích khoảng 30ha, khu rừng sở hữu cỡ 3.000 cây dó bầu, trong đó, có gần 800 cây trên 20 năm tuổi. Bên cạnh đó là 400 cây lim và các loại cây khác như dổi, đinh, sến, táu... phủ xanh cả quả đồi, tạo ra dưỡng khí trong lành cho khu vực xung quanh và là nơi cư trú của nhiều loài động vật hoang dã. 

Anh Lộc: Thời điểm ông còn khỏe, vào những ngày nắng đẹp ông lại đi lên rừng. Thằng cu nhà mình nó đi học về lại hỏi ông ở đâu rồi, sau đó nó lại lẽo đẽo lên rừng tìm ông. 2 ông cháu lại ngồi dưới gốc cây nói chuyện. Nhiều hôm mình lên thấy 2 ông cháu còn nằm ra để trò chuyện rồi cùng nhau đi về. Mình cảm nhận tình cảm ông cháu và sự gắn kết với cả cánh rừng này và mình thấy rất là hạnh phúc.

Đối với mình thì sau này cả con mình và mình đều ở trực tiếp tại cánh rừng này. Được tiếp xúc thường xuyên với cánh rừng này. Mỗi lần lên rừng nó lại hỏi cái cây này là cây gì, cây kia là cây gì, bao nhiêu năm rồi, sao lại to thế, mình cũng nói lại cái cây này từ đời ông trồng, ông giữ và bảo vệ mới được như thế này. Dần dần nó có cảm nhận và tình yêu với cánh rừng này.

Dưới tán rừng già, trong căn nhà mà anh Lộc được thừa kế từ người cha đã dành cả cuộc đời cho rừng, không nhiều thứ tiện nghi. Điểm nhấn trong căn nhà gỗ nhỏ nhắn này là những bức ảnh đầy ắp kỷ niệm về những năm tháng giữ rừng được anh Lộc trang trọng đặt trên chiếc tủ nằm sát ban thờ cha mình.

Từ căn nhà nhỏ bé, đơn sơ này, tình yêu rừng đã được truyền sang các thế hệ kế tiếp. Anh Lộc rất vui và tự hào với người cha đã quá cố của mình rằng, anh cũng đã gieo được tình yêu rừng cho đữa con nhỏ của mình.

Em Triệu Đức Khôi: Con chào bố ạ, bố ơi mình lên rừng thôi.

Ngày nào cũng vậy, cứ mỗi khi đi học về là Khôi lại rủ bố lên rừng. Có lẽ, với cậu bé 8 tuổi, tình yêu với rừng cũng thật trong sáng như chính tâm hồn em.

Em Khôi: Con cảm thấy rất yêu cánh rừng này. Lớn lên con sẽ cố gắng bảo vệ, chăm sóc những cái cây này cẩn thận và tốt hơn.

Có thể nói, khu rừng của anh Lộc đã trở thành một phần máu mủ không thể chia cắt đối với mỗi thành viên trong gia đình anh. Và tình yêu ấy từ con số không đã trở thành một điều thiêng liêng, không thể định giá được.

Anh Lộc: Trước đây ông chia sẻ cánh rừng ông giữ như sinh mạng của mình, đó là vô giá. Mình sống ở đây gần như là một nửa cuộc đời rồi, thời mình còn trẻ còn đi học thì mình cũng chưa có suy nghĩ ấy đâu. Khi mình lập gia đình và ở tại gia đình rồi, dần dần mình có suy nghĩ không thể định giá cánh rừng này, đó là cả tâm huyết của ông nên mình cũng dành tình yêu đối với cánh rừng này, dù có bất cứ giá nào mình cũng không bao giờ bán hay chặt phá đi, gọi đó là sự vô giá của tình yêu đối với cánh rừng.

Vâng thưa quý vị, với hàng trăm, hàng nghìn cây gỗ lớn, khu rừng của gia đình anh Triệu Tiến Lộc chính là khối tài sản vô giá mà ông để dành cho con cháu và thế hệ mai sau, cũng như tình yêu với màu xanh đại ngàn của người cha đã khuất sẽ mãi được kế thừa và luôn sinh sôi, nảy nở như những chồi non đang lớn lên cùng năm tháng.

Tự động

Ngôi nhà nhỏ dưới tán rừng lim xanh

Với hàng trăm, hàng nghìn cây gỗ lớn, khu rừng của gia đình anh Triệu Tiến Lộc chính là khối tài sản vô giá mà anh để dành cho con cháu và thế hệ mai sau.

Văn Thành

Tin liên quan

Các chương trình

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt ứng dụng IPHM
Thời sự

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt ứng dụng IPHM; Phát hiện 850 lượt tàu vi phạm trong năm 2024; Giá nông sản tăng, người dân phá rừng mở rộng diện tích.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt ứng dụng IPHM
Thời tiết nông vụ ngày 20/12/2024: Không khí lạnh tiếp tục tăng cường xuống miền Bắc
Thời sự

Không khí lạnh tiếp tục tăng cường xuống các tỉnh Bắc bộ, Trung bộ và khuếch tán yếu xuống Nam bộ.

Thời tiết nông vụ ngày 20/12/2024: Không khí lạnh tiếp tục tăng cường xuống miền Bắc