Nguồn lực quốc tế biến 'rừng vàng' thành động lực tăng trưởng xanh
Ký kết từ năm 2020, đến nay Thỏa thuận Chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giữa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới - WB đã đi đến những giai đoạn cuối, mở ra nhiều kỳ vọng cho sự phát triển lĩnh vực lâm nghiệp nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung, biến nguồn lực quốc tế thành động lực cho quá trình tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Quỳnh Anh - Quang Dũng | 10:40 15/07/2023
Nguồn lực quốc tế biến ‘rừng vàng’ thành động lực tăng trưởng xanh
Quỳnh Anh – Quang Dũng
MC1 Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình “Tầm nhìn nông nghiệp”.
Thưa quý vị và bà con, là trụ đỡ của nền kinh tế và đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển xã hội, nông nghiệp Việt Nam, nhiều năm qua vẫn luôn thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ. Không những vậy, ngành nông nghiệp nước ta cũng đang thực hiện các chiến lược phát triển bền vững theo xu thế và yêu cầu chung của thế giới là tăng trưởng xanh, giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu… Những chiến lược này đã và đang được toàn ngành nông nghiệp triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ và bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực. Song, những thành tựu của ngành nông nghiệp Việt Nam thời gian qua không chỉ đến từ sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước và sự đồng lòng của người dân mà còn có sự hỗ trợ từ phía các tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới – WB. Ký kết từ năm 2020, đến nay Thỏa thuận Chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giữa Việt Nam và WB đã đi đến những giai đoạn cuối, mở ra nhiều kỳ vọng cho sự phát triển lĩnh vực lâm nghiệp nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung trên hành trinh tăng trưởng xanh.
MC 2:
Thưa quý vị, tại Việt Nam, Bắc Trung Bộ là vùng có sự đa dạng sinh học lớn và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Toàn vùng có tổng diện tích tự nhiên khoảng 5,1 triệu ha (chiếm tới 16% diện tích đất của cả nước), mà trong đó 80% là đồi núi, bao gồm 5 hành lang bảo tồn đã được quốc tế công nhận. Diện tích rừng của vùng trên 3,1 triệu ha. Tuy nhiên cũng tại Bắc Trung Bộ, vấn đề bảo vệ và phát triển rừng vẫn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng của thời tiết khắc nhiệt và một phần nhận thức chưa đúng đắn của người dân khiến diện tích rừng tại đây bị ảnh hưởng lớn.
Chính vì vậy, để hỗ trợ cho việc bảo vệ và phát triển rừng, giải quyết các nguyên nhân mất rừng vùng Bắc Trung Bộ. Qua đó, giảm phát thải do mất rừng, suy thoái rừng và tăng hấp thụ do phục hồi, tái tạo rừng. Tháng 10 năm 2020, Bộ NN-PTNT Việt Nam và Ngân hàng Thế giới - WB - cơ quan nhận ủy thác của Quỹ Đối tác Các-bon trong Lâm nghiệp đã ký kết Thỏa thuận Chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ - viết tắt là ERPA. Với Thỏa thuận này, Bộ NN-PTNT Việt Nam là đại diện chủ sở hữu, quản lý, sử dụng, chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 kết quả giảm phát thải từ rừng tự nhiên tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế trong giai đoạn 2018-2024 cho Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp, đồng thời dự kiến nhận về khoảng 51,5 triệu USD. Thỏa thuận này đánh dấu sự khởi đầu của một chương mới đối với Việt Nam trong việc huy động nguồn lực mới cho bảo vệ rừng , nâng cao chất lượng rừng và quản lý rừng bền vững. Qua đó kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam ta đạt được các mục tiêu giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Và đến nay, chúng ta đã đi đến những bước cuối cùng trong việc thực hiện Thỏa thuận, ông Trần Quang Bảo – Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, ngành Lâm nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng mọi điều kiện để tiếp nhận các khoản thu.
Băng ông Trần Quang Bảo
MC 2:
Thưa quý vị, nguồn thu từ thỏa thuận chi trả giảm phát thải chính là nguồn thu dịch vụ môi trường rừng đối với loại dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng. Đây là nguồn tài chính có ý nghĩa đối với công tác quản lý, bảo vệ 2,2 triệu ha rừng tự nhiên tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, góp phần tăng thu nhập cho gần 70.000 hộ gia đình và khoảng 950 cộng đồng dân cư, trong đó có các hộ dân tộc thiểu số khó khăn. Và nguồn chi phí này cũng sẽ giúp những người làm công tác giữ rừng, cộng đồng người dân sống dưới tán rừng có thêm niềm tin, động lực, giữ được ngon lửa tình yêu để bảo vệ “rừng vàng” của đất nước.
Và một tin vui với ngành Lâm nghiệp Việt Nam nói chung, với 6 tỉnh Bắc Trung Bộ nói riêng là trong buổi làm việc với Bộ NN-PTNT mới đây, bà Anna Wellenstein Giám đốc về Phát triển bền vững khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới đã đề cao thành tích của Bộ NN-PTNT trong giám sát và nỗ lực giảm phát thải và vai trò của người dân nước trong bảo vệ rừng. Đồng thời, bà Anna Wellenstein thông báo đã có báo cáo xác minh kết quả Giảm phát thải chính thức, Việt Nam sẽ nhận được tổng cộng 41,2 triệu USD, đánh dấu số tiền lớn nhất được giải ngân theo Quỹ các-bon EAP.
Băng (phiên dịch) bà Anna Wellenstein
MC 2:
Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng, thực hiện “Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng" và chịu những áp lực từ quy định mới của EU về chống phá rừng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan vui mừng cho rằng, nguồn thu từ thỏa thuận chi trả giảm phát thải mà Việt Nam nhận được sẽ đem tới hiệu quả tích cực, là hiệu ứng kép để các địa phương thấy được những tiềm năng từ rừng và hướng tới các phúc lợi từ rừng. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cam kết rằng Bộ NN-PTNT sẽ nhanh chóng hoàn thiện Sổ tay hướng dẫn vận hành dự án. Đồng thời đảm bảo có đủ cơ chế tổ chức và nguồn ngân sách để thực hiện tốt Kế hoạch Chia sẻ Lợi ích của ERPA công bằng, minh bạch.
Băng Bộ trưởng Lê Minh Hoan
MC 1:
Vâng thưa quý vị và bà con, thực hiện thỏa thuận chi trả giảm phát thải sẽ tạo ra nguồn tài chính bổ sung cho ngành lâm nghiệp để đầu tư trực tiếp vào rừng, hình thành thị trường carbon trong nước và tham gia thị trường carbon thế giới. Qua đó, hỗ trợ gia tăng thu nhập cho các chủ rừng, người dân và doanh nghiệp thông qua kết quả giảm phát thải, nâng cao năng suất, chất lượng rừng, giá trị sinh thái của rừng, cải thiện sinh kế bền vững cho bà con. Và xa hơn, thỏa thuận này còn giúp nâng cao nhận thức của các bên liên quan về giá trị dịch vụ carbon rừng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng của địa phương và các chủ rừng. Sau nhiều nỗ lực, thỏa thuận Chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ đã cho thấy những kết quả tích cực, khẳng định lợi thế với bà con, các địa phương và mang lại những giá trị trong tăng trưởng xanh cũng như phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và cuộc sống tốt đẹp hơn.
MC 2:
Bây giờ, mời quý vị cùng đến với một số tin vắn về cách làm mới trong sản xuất, phát triển nông nghiệp.
MC 1:
Để góp phần thực hiện cam kết Net Zero cho Việt Nam vào năm 2050, hiện nay ngày càng có nhiều doanh nghiệp chú trọng việc trồng cây, phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng khả năng hấp khí nhà kính, giảm phát thải ra môi trường. Theo ông Lê Hoàng Minh, Trưởng dự án Net Zero của Vinamilk, sau khi hoàn thành việc trồng mới 1 triệu cây xanh, Vinamilk tiếp tục triển khai việc trồng cây để trung hòa carbon, với mục tiêu là cắt giảm 15% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2027, cắt giảm và trung hòa 55% lượng phát thải vào năm 2035. Dự kiến trong 5 năm tới Vinamilk trồng được 2-3 triệu cây xanh, bắt đầu bằng cây mắm bởi loại cây này hấp thụ CO2 rất tốt, đồng thời giữ đất cho người nông dân.
MC 2:
Với khí hậu mát mẻ và thổ nhưỡng phù hợp phát triển nông nghiệp, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đang tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Bên cạnh việc hình thành các vùng tập trung phát triển rau an toàn, hoa chất lượng cao, cây ăn quả ôn đới có giá trị kinh tế cao thì đến nay, Mộc Châu có trên 290 cơ sở ứng dụng tưới tiết kiệm cho hơn 480 ha cây trồng, 36 cơ sở đầu tư xây dựng nhà kính, nhà lưới và có 29 mã số vùng trồng được cấp mã số, 24 cơ sở áp dụng việc thực hành sản xuất nông nghiệp VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích gần 400 ha. Huyện Mộc Châu được UBND tỉnh công nhận 2 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao là: Vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao của Vinatea Mộc Châu và Vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao của Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu.
MC 1:
Thời gian qua, dưới sự hướng dẫn từ mô hình mẫu 'Làng nông thuận thiên' do Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới quốc tế hỗ trợ, nhiều hộ nông dân xã An Bình, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã tích cực ứng dụng các giải pháp điều chỉnh tập quán sản xuất theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mô hình kết hợp vườn - ao - chuồng - rừng của ông Ngô Quốc Khánh, thôn Khe Trang là một điển hình. Với 50 con dê, 200 con gà, 2 ha chè, 2 ha quế và ao cá, nguồn chất thải sau chăn nuôi được ông Khánh tận dụng nuôi giun quế vừa giảm mùi hôi vừa tạo nguồn phân bón sạch vừa tạo nguồn thức ăn giàu đạm cho gà, cá. Như vậy, một mô hình sản xuất tuần hoàn, khép kín bền vững được hình thành, đảm bảo cho các nhân tố trong quy trình đều được tận dụng triệt để. Hiện nay, trung bình mỗi năm, ông Khánh thu về trên 150 triệu đồng, chi phí phát sinh cho sản xuất khá thấp.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình “Tầm nhìn nông nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại!
Nguồn lực quốc tế biến 'rừng vàng' thành động lực tăng trưởng xanh
Ký kết từ năm 2020, đến nay Thỏa thuận Chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giữa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới - WB đã đi đến những giai đoạn cuối, mở ra nhiều kỳ vọng cho sự phát triển lĩnh vực lâm nghiệp nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung, biến nguồn lực quốc tế thành động lực cho quá trình tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Quỳnh Anh - Quang Dũng
Tin liên quan
Các chương trình
Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên; Sâu, bệnh gây hại gần 230ha cây ăn quả có múi; Bắc Giang có thêm 6 sản phẩm OCOP 4 sao.
Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định trong có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 80-180mm, cục bộ có nơi trên 300mm.