Những giải pháp quan trọng để Việt Nam ngày càng đứng vững trước thiên tai

Sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự đồng lòng của người dân và trợ lực từ quốc tế là điều kiện quan trọng để Việt Nam ngày càng đứng vững trước thiên tai.

Quỳnh Anh - Quang Dũng  | 14:14 23/05/2024

Những giải pháp quan trọng để Việt Nam ngày càng đứng vững trước thiên tai

Tự động

Những giải pháp quan trọng để Việt Nam ngày càng đứng vững trước thiên tai

Nội dung: Quỳnh Anh – Quang DŨng

MC 1:

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Phòng chống thiên tai.

Thưa quý vị và bà con, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu, trung bình mỗi năm phải chịu từ 6 - 7 cơn bão. Những ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, hay thiếu nguồn nước sạch sinh hoạt tại nhiều địa phương, vùng miền đang xảy ra với tần suất ngày càng nhiều hơn, gây trở ngại với đời sống sinh hoạt của người dân và sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, những năm gần đây, thiên tai xuất hiện tại Việt Nam ngày càng bất thư ờng, cực đoan và khó dự đoán. Hiện nay, việc ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam đã gắn liền với tinh thần ‘thích ứng’, và trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam xác định ‘Hành động sớm’ là phương pháp tiếp cận mới để có thể tăng cường hơn nữa khả năng phòng ngừa, ứng phó với thiên tai trước diễn biến ngày càng khốc liệt.

MC 2:

Vâng thưa quý vị và bà con, Việt Nam, đất nước ‘sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa’. Cùng với công cuộc dựng nước và giữ nước, hàng ngàn năm nay, chúng ta chưa lúc nào ngơi nghỉ trong cuộc đấu tranh để sinh tồn trước thiên tai, bão lũ.

Cùng với sự vào cuộc của Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền các địa phương và sự đồng lòng của nhân dân, những năm qua, công tác dự báo, phòng chống thiên tai tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thế nhưng, biến đổi khí hậu lại đang diễn ra ngày một khốc liệt hơn, thiên tai ngày càng bất thường và gây ảnh hưởng nặng nề hơn.

Năm 2023, thiên tai xảy ra cực đoan trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình, 1.964 trận thiên tai được thống kê. Trong năm 2023, nước ta đã xảy ra hơn 5.300 sự cố, thiên tai, làm 1.129 người chết, mất tích. Trong đó, thiên tai đã làm 169 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế hơn 9.300 tỷ đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước cũng ghi nhận một số đợt thiên tai nghiêm trọng  như rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long; hạn hán ở khu vực Tây Nguyên; mưa đá, dông  lốc liên tiếp xảy ra tại 19 tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; nắng nóng vượt lịch sử tại 110/186 trạm quan trắc trên cả nước…Từ đầu năm 2024, thiên tai đã làm 14 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất ước tính trên 399 tỷ đồng.

Nhận định về tình hình thiên tai trong những tháng cuối năm nay, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết:

Băng TT Hiệp

MC 2:

Về công tác ứng phó, năm 2023, dù không có bão đổ bộ đất liền nhưng nước ta có nhiều hình thái thời tiết cực đoan như nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở… Trước những diễn biến đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành 16 công điện; Ban Chỉ đạo - Ủy ban quốc gia, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo ban hành 64 công điện, văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương ứng phó với các đợt thiên tai. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 8.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho 43 tỉnh, thành phố để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở.  Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và cộng đồng nên công tác PCTT năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 đã đạt được những kết quả toàn diện trên cả 3 mặt: phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Những tháng cuối năm nay, theo các dự báo và nhận định tình hình thiên tai, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang - Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đưa ra 9 nhiệm vụ, giải pháp cho công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong giai đoạn mới.

Băng Phó TT 1.

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt từ Trung ương tới địa phương, công tác phòng chống thiên tai tại Việt Nam cũng cần sự trợ lực từ các quốc gia khác, các tổ chức quốc tế. Thời gian qua, Việt Nam cũng đã thể hiện trách nhiệm của mình khi cùng tham gia những cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững.

Năm 2023, Việt Nam thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai, phối hợp với Ban thư ký ASEAN, các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai lần thứ 11 và các sự kiện liên quan với chủ đề “Từ ứng phó đến hành động sớm và Tăng cường chống chịu: ASEAN tiến tới mục tiêu Lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai”. Đặc biệt, tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai lần thứ 11, Tuyên bố Hạ Long về "Tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai khu vực ASEAN" do Việt Nam sáng kiến đã được thông qua với sự tán thành cao của các quốc gia thành viên.

Và trong những nhiệm vụ, giải pháp cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong giai đoạn mới, Phó Thủ tướng Chính phú Trần Lưu Quang tiếp tục nhấn mạnh, kêu gọi các tổ chức quốc tế đồng hành cùng Việt Nam.

Băng Phó TT 2

MC 1:

Thưa quý vị và bà con, những năm qua, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực trong công tác dự báo, ứng phó, phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai. Thế nhưng, trong những cơn bão, những trận sạt lở đất, chúng ta vẫn ghi nhận thiệt hại đáng tiếc về người; hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL vẫn khiến nhiều diện tích lúa, hoa màu của bà con mất trắng, gia súc lớn vẫn thiệt hại trong những đợt rét đậm, rét hại ở vùng cao, thiệt hại về kinh tế luôn là những con số lớn và chúng ta cũng mất không ít thời gian, tiền của cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Bởi vậy, chủ động ứng phó, hành động sớm, tăng cường khả năng chống chịu trước thiên tai cho mọi đối tượng và có những kịch bản phòng chống thiên tai phù hợp với từng địa phương, vùng miền là điều hết sức quan trọng. Tin rằng với sự đồng lòng, quyết tâm của các cấp chính quyền từ trung ương tới địa phương và ở mỗi người dân, tin rằng với sự ủng hộ, trợ lực từ các tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ ngày càng đứng vững trước những diễn biến bất thường của thiên tai, biến đổi khí hậu.

MC 2:

Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn liên quan tới lĩnh vực Phòng chống thiên tai.

MC 1: Tin 1

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, đầu tư thực hiện các giải pháp công trình PCTT là một trong những giải pháp căn cơ, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Giai đoạn 2020 - 2023, tỉnh đã đầu tư xây dựng và hoàn thành hơn 46km công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển với kinh phí hơn 2.300 tỷ đồng. Đồng thời đầu tư gần 77,2km đê. Bên cạnh đó, đầu năm 2023, Sở NN&PTNT tỉnh công bố Điều chỉnh quy hoạch thủy lợi tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, trong đó có đề xuất các giải pháp phòng, chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển trên cơ sở diễn biến và mức độ sạt lở thực tế xảy ra trên địa bàn tỉnh.

MC 2: tin 2

UBND tỉnh Thái Bình ban hành Công văn gửi các Sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thành phố về việc bảo đảm an toàn công trình và hạ du hồ chứa nước thuộc liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng trong mùa lũ năm 2024. Trong đó, yêu cầu UBND các huyện, thành phố tổ chức thông tin, tuyên truyền về việc vận hành điều tiết xả lũ của hồ chứa đến các cấp chính quyền, người dân khu vực hạ du, ven sông trong thời gian mùa lũ chính vụ từ 15/6 đến 15/9 và trong những tình huống bất thường xẩy ra. Rà soát phương án chuẩn bị nhân lực, phương tiện để phòng, vật tư, chống lũ, bảo đảm an toàn đê điều theo cấp báo động, nhất là đối với phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu, phương án hộ đê toàn tuyến đã được phê duyệt theo phương châm “bốn tại chỗ”.

MC 1: tin 3

Nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, thời gian qua, các cấp, các ngành của tỉnh Tuyên Quang đã chủ động triển khai biện pháp phòng, chống từ sớm, từ xa với phương châm “Chủ động phòng tránh - Ứng phó kịp thời - Khắc phục hiệu quả”. Theo đó, địa phương chủ động phòng chống nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét để xây dựng các phương án ứng phó kịp thời, có hiệu quả, triển khai nhiều giải pháp di dời người dân ở vùng nguy hiểm. Ngành NN-PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo ngành, các địa phương liên tục rà soát, vận động các hộ nằm ở ven sông, suối, bìa rừng để có kế hoạch di chuyển đến nơi ở mới, đảm bảo an toàn. Năm 2023 và 4 tháng đầu năm nay, Tuyên Quang đã hỗ trợ di dời 80 hộ đến nơi an toàn, hiện đang tiếp tục đôn đốc các địa phương rà soát thực hiện di dân ra khỏi vùng nguy hiểm để không bị động, bất ngờ khi có giông lốc, sạt lở xảy ra.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Phòng chống thiên tai của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Những giải pháp quan trọng để Việt Nam ngày càng đứng vững trước thiên tai

Sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự đồng lòng của người dân và trợ lực từ quốc tế là điều kiện quan trọng để Việt Nam ngày càng đứng vững trước thiên tai.

Quỳnh Anh - Quang Dũng

Tin liên quan

Các chương trình

Hi vọng bừng sáng từ những ngôi nhà mới
Phóng sự

Những ngôi nhà mới đang dần được dựng lên, thắp lên ánh sáng hy vọng cho người dân nơi đây và đánh dấu cho sự phục hồi tại mảnh đất này.

Hi vọng bừng sáng từ những ngôi nhà mới
Mã số vùng trồng 'hành trang' để nông sản vươn xa
Phóng sự

Song song với việc phát triển nông nghiệp tốt, mã số vùng trồng đã mở ra nhiều cơ hội để nông sản của người nông dân vươn tầm ra thế giới.

Mã số vùng trồng 'hành trang' để nông sản vươn xa